... Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh tích cực chuẩn bị lực lượng, vật chất để chi viện cho chiến trường và tôi là một trong những người đầu tiên vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chi viện cho miền nam.

Cầu treo trên đường Trường Sơn. Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô-tô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140km đường kín cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN)

Cầu treo trên đường Trường Sơn. Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô-tô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140km đường kín cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN)

Dọc tuyến đường Trường Sơn, Mỹ sử dụng các loại bom từ trường, mìn vướng nổ, bom bi, bom lá, chất độc hóa học... dày đặc, chà xát, cày xới, tàn phá rừng, nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần, sức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội Trường Sơn. Các đoàn xe vẫn ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Dọc tuyến đường Trường Sơn, Mỹ sử dụng các loại bom từ trường, mìn vướng nổ, bom bi, bom lá, chất độc hóa học... dày đặc, chà xát, cày xới, tàn phá rừng, nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần, sức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội Trường Sơn. Các đoàn xe vẫn ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Ngày 5/5/1959, theo triệu tập, buổi sáng, tôi vào cơ quan trực tiếp gặp anh Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương. Anh Vịnh đưa tôi vào phòng làm việc, tự tay pha nước mời... và nói: - Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn (TS) và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền nam tiến hành chiến tranh giải phóng, theo tinh thần của Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là Ðoàn công tác quân sự đặc biệt...

Ngày 19/5/1959, anh Nguyễn Văn Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của Ðoàn chúng tôi... Biên chế ban đầu của Ðoàn có Ban chỉ huy đoàn, Ðoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí trang bị... Ðoàn 301 được biên chế thành 11 đội, trong đó chín đội có nhiệm vụ vừa mở đường, làm giao liên và vận chuyển, một đội trinh sát, bảo vệ và một đội xây dựng hậu cứ...

Ðầu tháng 6/1959, tôi trực tiếp vào Hồ Xá-Vĩnh Linh gặp gỡ đại diện Khu 5 và Trị-Thiên, xúc tiến việc hiệp đồng chuẩn bị mở tuyến... Qua tìm hiểu địa hình tây nam Quảng Bình, miền tây Vĩnh Linh và Trị-Thiên, để bảo đảm được bí mật..., chúng tôi quyết định chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự TS... Hoàn tất các khâu chuẩn bị, ngày 26/6/1959, Ðoàn 559 hành quân vào tập kết tại Khe Hó, lấy danh nghĩa là công nhân khai thác gỗ và công nhân nông trường...

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên của Ðoàn 301, Ðoàn 559 chính thức vượt TS... Sau tám ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 301 đã đưa chuyến hàng đầu tiên vào tới Tà Riệt-phía bắc A Lưới. Hàng gồm hơn mười khẩu súng trường, tiểu liên, mười thùng đạn, một số ít quân dụng...

Tháng 10/1959, chúng tôi quyết định chuyển Sở chỉ huy Tiền phương và kho tàng từ Khe Hó lùi ra Quảng Bình. Vị trí mới do Ðội 12 xây dựng tại làng Mít, nằm ở hữu ngạn sông Kiên Giang, cách Bang Rợn (tây Lệ Thủy) chừng mười cây số về phía nam...

Những thắng lợi của quân và dân Lào-Việt trong xuân hè 1961 đã góp phần tạo bước ngoặt có tính chiến lược của tuyến vận tải quân sự 559 - đường TS, "lật cánh" sang tây TS...

Ðến đầu tháng 5, một tuyến đường giao liên hành quân mới được hình thành, bắt đầu từ Vít Thù Lù (cao điểm 592) chạy ngang qua động Vàng Vàng, vượt biên giới sang bản Tà Ha (cao điểm l034) thuộc đất bạn, vượt sông Sê Pôn qua Sa Ði, Mường Noọng vào tới La Thạp... Chiến dịch giải phóng đường số 9 thắng lợi, chúng tôi tính ngay tới mở một trục dọc nối đường 12 với đường số 9...

Cũng theo đề nghị của chúng tôi, sau khi liên quân Lào-Việt giải phóng Sê Pôn, Thà Khống, Tiểu đoàn công binh Sư đoàn 325 đã sửa chữa sân bay Thà Khống, bảo đảm cho máy bay vận tải của ta hạ cánh được...

Cũng từ đó, được chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, không quân vận tải của ta từ sân bay Vinh và sân bay Ðồng Hới chở hàng sang hạ cánh tại sân bay Thà Khống, hoặc thả dù hàng xuống Mường Thìn..., nên kết thúc năm 1961, Ðoàn 559 đã chuyển được một khối lượng hàng hóa khá lớn vào chiến trường: giao cho Khu 5 hơn 250 tấn vũ khí, hơn 50 tấn hàng dân dụng, tạo được chân hàng ở khu vực đường số 9 hơn 30 tấn; đưa đón bảo đảm cho gần tám nghìn cán bộ vượt TS vào chiến trường...

Vào một trưa tháng 5, chừng một giờ kém, trực ban ở cơ quan Bộ Quốc phòng báo tôi vào ngay cơ quan Quân ủy Trung ương có việc cần. Bước vào phòng làm việc của Quân ủy, tôi sững sờ khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện vui vẻ với anh Văn Tiến Dũng, lúc đó là Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng. Sau một thoáng bình tâm tôi đứng nghiêm chào Bác theo đúng điều lệnh. Bác đứng dậy, lại gần tôi và tươi cười nói: - Chú Bẩm đã vào đấy à?

Bác nắm chặt tay tôi, kéo lại ngồi cạnh chiếc bàn gần cửa và hỏi: - Thế chú ở trong tuyến ra khi nào? Có được khỏe không? Ta vừa uống nước vừa nói chuyện.

Tôi bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của Bác. Sau đó, Bác hỏi tiếp về công việc của Ðoàn 559 đã làm được đến đâu? Anh em cán bộ, chiến sĩ trong đó sinh hoạt ra sao? Ðồng bào các dân tộc trên TS có đủ cơm ăn, áo mặc không? Quan hệ giữa anh em ta với bạn Lào như thế nào?...

Tôi báo cáo Bác tình hình sinh hoạt, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 559; mặc dù phải hoạt động cực nhọc, khó khăn, nguy hiểm, nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ; hết lòng hết sức vì miền nam. Tuy vậy, với những việc chúng tôi đã làm cũng chưa được là bao đối với yêu cầu của đồng bào, chiến sĩ ta trong đó.

Ðể Bác nắm được cụ thể công tác mở đường của Ðoàn..., tôi mở cặp, lấy tấm bản đồ quân sự cỡ nhỏ mang theo, trải trên bàn báo cáo chi tiết tình hình phát triển của tuyến cả đông và tây TS, từng cung đường giao liên, những trục dùng cho xe đạp thồ và dự kiến dùng cho cơ giới; kết quả vận chuyển và bảo đảm giao liên hành quân; thuận lợi lớn kể từ khi chuyển hướng sang tây TS.

Nghe tôi báo cáo tới đó, Bác nhắc luôn: - Các chú phải tận dụng "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển đường tây TS, sắp tới phải đưa ô-tô vào. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường đông TS, có đường chính, đường dự bị và phòng khi tình hình ở Lào không thuận cho ta.

Item 1 of 3

Chở đá mở đường Trường Sơn. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN phát)

Chở đá mở đường Trường Sơn. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN phát)

Địch đánh phá ác liệt ngày đêm nhưng tuyến đường 20 Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn được đảm bảo thông suốt cho xe đi lại (1969). (Ảnh: Văn Sắc/ TTXVN)

Địch đánh phá ác liệt ngày đêm nhưng tuyến đường 20 Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn được đảm bảo thông suốt cho xe đi lại (1969). (Ảnh: Văn Sắc/ TTXVN)

Bộ đội Trường Sơn có đóng góp to lớn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975. (Ảnh tư liệu)

Bộ đội Trường Sơn có đóng góp to lớn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975. (Ảnh tư liệu)

Tiếp đó, tôi báo cáo tình hình đồng bào các dân tộc vùng núi tây Trị-Thiên, dọc những trục đường chúng tôi vừa mở, đời sống của nhân dân vô cùng cơ cực. Nhưng tấm lòng của nhân dân với cách mạng, với Bộ đội Cụ Hồ thì trọn nghĩa, vẹn tình. Có bản làng người Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị, nơi trục giao liên vận tải của Ðoàn 559 chạy qua, từ cụ già đến cháu nhỏ đều tham gia cảnh giới, bảo vệ đường; thanh niên trai tráng vác hàng giúp bộ đội.

... Ổn định cơ bản tình hình của tuyến, tôi trở ra Hà Nội báo cáo Bộ Tổng Tham mưu bổ sung lực lượng mở đường, đặc biệt là công binh... Tiếp đó, tôi làm việc với anh Trần Sâm, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và anh Trần Thọ, Phó Chủ nhiệm. Tôi thiết tha đề nghị các anh nghiên cứu đưa ngay vận tải cơ giới vào đường 129... Vào mùa khô 1963-1964, anh Trần Sâm quyết định điều Ðoàn xe 3 (Ðoàn vận tải ô-tô 245) vào chuyển hàng trên trục đường 129... Từ khi Ðoàn vận tải ô-tô 245 thử nghiệm vận chuyển trên đường 129, đến khi Ðoàn 559 tổ chức vận chuyển cơ giới quy mô lớn trên TS phải trải qua hai mùa khô, với bao tổn thất, hy sinh...

Trung tuần tháng 4/1964, Mỹ triển khai không lực đánh phá các trục giao thông khởi nguồn từ miền bắc nối vào miền nam, qua Lào, tiến xuống hạ Lào và đông bắc Campuchia. Ðể đối phó với tình huống Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước, đặc biệt để chủ động đối phó với sự đánh phá tuyến chi viện chiến lược..., từ sau Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3/1964), Trung ương Ðảng chủ trương hậu phương miền bắc phải dồn sức chi viện cho miền nam; đẩy mạnh chuẩn bị lực lượng, đường sá, phương tiện để đưa vận tải cơ giới quy mô lớn lên TS...

Tháng 6/1964, Trung đoàn công binh 98 của Bộ được điều vào TS..., chúng tôi quyết định đưa ngay Trung đoàn 98 xuống sửa chữa, nâng cấp đường Nava dài hơn bốn chục cây số từ Sê Pôn (Bản Ðông) đi Mường Noọng. Sau đó, dồn toàn bộ đội hình lên phía trước hoàn chỉnh ngót một trăm cây số đường ô-tô từ Mường Noọng vào La Hạp và từ La Hạp vào Bạc...

Cuối tháng 10/1964, anh Trần Sâm quyết định đưa Trung đoàn vận tải ô-tô 265 vào TS... Ðội hình hơn một trăm chiếc xe đầy hàng, vượt hơn một nghìn cây số, với hàng trăm cây số đường quân sự làm gấp ở TS, vào đến hạ Lào, Tây Nguyên, đòi hỏi sự nỗ lực phi thường. Lái chính và lái phụ, người và xe đánh vật với đường hàng tháng ròng. Vượt đường số 9 vào đường mới mở, mặt đường hẹp, chỉ đủ cho xe chạy một chiều..., một bên là sườn núi, một bên là vực sâu. Chỉ sơ sẩy một chút là cả người và xe lăn xuống vực...

Vậy là đến hết mùa khô 1964-1965, Ðoàn 559 đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên, vận tải từ miền tây Quảng Bình vào khu vực ngã ba biên giới Việt-Lào-Campuchia. Về đường vận chuyển, đã kết hợp giữa đường gùi thồ thô sơ, đường ô-tô và đường sông, với tổng chiều dài hơn hai nghìn cây số, trong đó có gần tám trăm cây số đường ô-tô.

Nội dung: Thiếu tướng Võ Bẩm nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Ðoàn 559
(Lược trích theo cuốn Ðường Hồ Chí Minh - khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc - Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội- 2010)
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN