
Với sự hỗ trợ của Chương trình OCOP, việc đóng gói các bịch nấm đã được đầu tư máy móc thực hiện thay thế nhân công, giảm chi phí và tăng năng suất. Nghề trồng nấm lâu năm tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, nhờ đó mà ngày càng phát triển.
QUYẾT TÂM CHINH PHỤC NGHỀ TRỒNG NẤM
Bước qua cổng Công ty cổ phần sinh học An Hà (xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) trước mắt chúng tôi là khối giá thể đã trộn chất đống cao ngất, các nhân công đang hối hả chuyển các bịch giá thể từ máy đóng gói tập kết vào một khu riêng. Anh Lương Duy Dũng, Giám đốc Công ty hồ hởi khoe, với sự giúp sức từ chương trình OCOP, công ty anh đã đầu tư máy đóng bịch nấm, giúp tăng năng suất và giảm đáng kể chi phí nhân công. Với công suất tối đa lên tới 1000 bịch/giờ, chiếc máy này hoạt động hiệu quả bằng 10 nhân công.
Anh Dũng cho biết, bắt tay vào nghiên cứu nghề trồng nấm từ năm 2007, ngay từ thời điểm đó, các thành viên cốt cán của Công ty An Hà đã nhận thấy tiềm năng to lớn từ nghề này. Trước hết, nguyên liệu đưa vào sản xuất bịch phôi nấm chủ yếu là các phế phụ trong nông, lâm nghiệp như: mùn cưa, vỏ trấu, lõi ngô, bã mía, rơm… làm giảm ô nhiễm môi trường. Diện tích khu vực trồng nấm không yêu cầu quá lớn và đòi hỏi quá nhiều chi phí. Quan trọng nhất, nấm là một thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, giàu vitamin cũng như các chất cần thiết cho cơ thể, do đó, nếu triển khai thành công, đơn vị sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề về phát triển kinh tế nông thôn và có một thị trường tiêu thụ rất rộng lớn.

Nấm là một thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, giàu vitamin cũng như các chất cần thiết cho cơ thể.
Nấm là một thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, giàu vitamin cũng như các chất cần thiết cho cơ thể.
Tuy lý thuyết là như vậy, nhưng bắt tay vào thực hiện, những ngày đầu, cơ sở đã gặp không ít khó khăn, thất bại. Nguyên nhân thất bại thì rất nhiều, khi thì nấm bị nhiễm các loại nấm mốc xanh, đen, vàng phải đem tiêu hủy toàn bộ, thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng. Khi thì thời tiết không thuận lợi, nấm rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài, đôi khi chỉ cần một đợt gió nghịch mùa cũng có thể làm cả mẻ nấm bị hỏng. Rồi thì thời gian đầu kinh phí eo hẹp, giàn treo nấm làm bằng tre không chịu được sức nặng của các bịch nấm tới kỳ thu hoạch, bị đổ hàng loạt.
Tuy vậy, các chủ cơ sở trồng nấm ở đây xác định hướng đi của mình là đúng, các khó khăn chỉ là vấn đề tạm thời trước mắt, mỗi lần thất bại là một lần rút kinh nghiệm và trau dồi thêm kiến thức chuyên môn. Qua giai đoạn trồng thử nghiệm, năm 2012, Công ty cổ phần sinh học An Hà chính thức ra đời và tiến hành sản xuất nấm đại trà.
Năm 2013-2014, công ty phối hợp triển khai dự án của Bộ Khoa học Công nghệ về sản xuất nấm quy mô lớn trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Triển khai dự án này, công ty đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho bà con trong huyện có nhu cầu trồng nấm và thu mua toàn bộ sản phẩm nấm mà bà con tạo ra.

Năm 2012, Công ty cổ phần sinh học An Hà chính thức ra đời và tiến hành sản xuất nấm đại trà.
Năm 2012, Công ty cổ phần sinh học An Hà chính thức ra đời và tiến hành sản xuất nấm đại trà.
Tới nay, công ty An Hà đã làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất nấm được chuyển giao từ Trung tâm công nghệ sinh học thực vật - Viện di truyền Việt Nam. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, mùa nào công ty cũng có nấm bán ra thị trường. Ngoài các loại nấm ăn như nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm hoàng đế, công ty còn nuôi trồng thành công các loại nấm dược liệu như nấm linh chi, nấm đầu khỉ với các yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Với máy đóng gói giá thể, lò hấp khử trùng giá thể nấm, phòng cấy giống có đèn UV đạt tiêu chuẩn vô trùng, phòng lạnh bảo quản giống và nấm, thiết bị làm giống có thể nhân giống từ cấp 1 đến giống cấp 3; hiện nay, mỗi tháng, công ty An Hà cung cấp ổn định ra thị trường 4-4,5 tấn nấm tươi và sản xuất 30-33 nghìn bịch phôi nấm các loại cung cấp cho các nhà vườn có nhu cầu mua bịch phôi nấm về chăm sóc thu hái trên cả nước. Mỗi tháng, trừ chi phí, trung bình công ty lãi ròng từ 30-40 triệu đồng.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NGẶT NGHÈO
Đưa chúng tôi tham quan nhà trồng nấm với hàng nghìn bịch đang vào kỳ thu hái, anh Dũng cho biết loại nấm chủ đạo được trồng vào mùa hè là nấm sò (hay còn gọi là nấm bào ngư). Khác với nhiều loài nấm khác sinh trưởng và phát triển theo thời vụ, nấm sò có thể trồng quanh năm, loại chịu nhiệt có thể sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ 24-28 độ C. Chính bởi lý do này mà công ty cổ phần sinh học An Hà đã đăng ký sản phẩm nấm sò tham gia OCOP và được gắn nhãn 3 sao năm 2021.
Theo anh Dũng, tuy nấm sò là loại nấm có sức sống rất mạnh, nhưng chúng lại được đánh giá là một trong những giống nấm nhạy cảm nhất với môi trường. Bất kỳ một điều kiện môi trường nào không bảo đảm đều khiến tai nấm biến dạng hoặc ngừng phát triển.

Trong kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm thì việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các loại nấm mốc xanh, đen, vàng thường xuất hiện sau khi cấy giống 7 ngày. Nguyên nhân do nguyên liệu ủ chưa đủ nhiệt, vệ sinh khu vực cấy giống không tốt, thời tiết nóng bức, nhà nuôi nấm thiếu độ thông thoáng hoặc giống bị nhiễm bệnh từ trước. Nếu phôi đã bị nhiễm thì rất khó có cách trị, thường thì phải cách ly các bịch phôi này ngay và đem tiêu hủy.
Do đó, khâu quan trọng nhất là phải hấp tiệt trùng bịch phôi thật kỹ để bảo đảm tiêu diệt vi khuẩn, mầm bệnh còn sót lại. Trong quá trình hấp, phải xếp các bịch xen kẽ nhau để tạo khoảng trống cho nhiệt phân bố vào các túi đồng đều.

Qua nhiều lần thất bại, điều mà các cán bộ kỹ thuật của công ty An Hà rút ra là: Để các bịch nấm sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm bệnh, phải chú ý tuân thủ những điều nhỏ nhặt nhất trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Chẳng hạn, dù bịch nấm đã được thanh trùng kỹ, nhưng trong quá trình cấy giống, chỉ một công nhân không tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh thì các bịch nấm vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, phải kiểm tra kỹ nguồn nước tưới, nhiệt độ của nhà trồng, quản lý thật tốt vệ sinh khu vực trồng nấm, cũng như thường xuyên kiểm tra nấm bệnh trong nhà trồng để kịp thời phát hiện và xử lý những phôi nhiễm bệnh.
Để nấm sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm bệnh, phải chú ý tuân thủ những điều nhỏ nhặt nhất trong quá trình sản xuất

Chuẩn bị giá thể
Mùn cưa cao su sau khi nhập về phải sàng lại rồi mới tưới nước vôi và ủ đống để loại bỏ các vi sinh vật gây hại. Sau thời gian ủ, sẽ tiến hành phối trộn mùn cưa với bột ngô, cám gạo và các chất dinh dưỡng khác bảo đảm cho nấm sinh trưởng, phát triển.

Đóng bịch
Giá thể sau khi phối trộn đạt yêu cầu sẽ được mang đi đóng vào các bịch nilon chịu nhiệt. Bịch giá thể sau khi đóng xong có trọng lượng khoảng 1,2-1,4kg, độ nén đồng đều, đáy túi vuông, cân. Túi giá thể phải được làm cổ nút, nút bông và đậy nắp.

Hấp thanh trùng
Các bịch giá thể sau khi đóng gói sẽ được thanh trùng bằng lò hơi trong thời gian 12-15 tiếng liên tục. Đây là khâu rất quan trọng bảo đảm tiêu diệt hết các bào tử mốc xanh, mốc trắng, nấm dại có trong mùn cưa.

Cấy giống
Các túi giá thể sau khi hấp được để nguội trong thời gian 24-48 giờ mới tiến hành cấy giống. Trước khi cấy giống, công nhân làm việc phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh để tránh nấm bị nhiễm bệnh.

Ươm sợi
Sau khi cấy giống vào các bịch, sẽ là thời gian nuôi sợi nấm sò trên giá thể mùn cưa kéo dài từ 25-30 ngày. Phải theo dõi kỹ cho đến khi hệ sợi nấm ăn kín đến đáy túi tạo nên màu trắng đồng nhất, giá thể rắn chắc là có thể an tâm.

Chăm sóc
Tưới đều đặn ngày 4-5 lần để duy trì độ ẩm cho nấm sinh trưởng, phát triển. Nước tưới cho nấm sò phải là nước sạch, không bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm phèn, mặn.

Thu hoạch
Sau khi thu chùm nấm sò, cần tiến hành vệ sinh sạch sẽ lớp rễ nấm còn sót lại để nấm mọc đợt sau. Dừng tưới nước trong vòng 10-12 ngày đến khi tơ trắng bắt đầu mọc lại thì lặp lại các bước chăm sóc để tiến hành thu đợt mới

Đóng gói
Sau khi làm sạch nấm, công nhân đóng thành từng gói. Đối với các đơn hàng ở xa, nấm được đóng gói bằng máy hút chân để không bị nát trong quá trình vận chuyển và bảo quản được lâu ngày hơn.

ĐỂ ĐI XA, CẦN THÊM NHIỀU NỖ LỰC
Ngoài sản phẩm nấm sò trắng đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, Công ty cổ phần sinh học An Hà đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm, trong đó tập trung xây dựng nấm mộc nhĩ sấy khô hướng tới xuất khẩu.
Anh Dũng cho biết, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm OCOP, công ty An Hà đã được tỉnh Nghệ An hỗ trợ tới 50% tổng chi phí mua sắm thiết bị. Nhờ sự giúp sức của chương trình, công ty giảm được gánh nặng đầu tư ban đầu, nhân công đỡ vất vả hơn với các công việc tay chân, có điều kiện tập trung sản xuất sản phẩm hàng hóa cho chất lượng cao hơn. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của công ty đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật miễn phí cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận.
Ông Lê Viết Quý - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đánh giá, là đơn vị chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn, có trên 15 năm kinh nghiệm sản xuất nấm, Công ty cổ phần sinh học An Hà là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm theo quy mô công nghiệp trên địa bàn huyện. Công ty luôn đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng sản phẩm từ nấm, tạo ra doanh thu và lợi nhuận tốt, ổn định, đồng thời, tạo được việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động nông thôn trên địa bàn, bảo đảm thu nhập từ 5,5-6 triệu đồng/tháng.

Công ty An Hà được tỉnh Nghệ An hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị đóng bịch nấm hiện đại.
Công ty An Hà được tỉnh Nghệ An hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị đóng bịch nấm hiện đại.
Theo ông Lê Viết Quý, chính quyền địa phương đánh giá cao sự ưu việt về quy trình sản xuất, sự an toàn của sản phẩm, đặc biệt sản phẩm nấm dễ sử dụng, giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp khẩu vị người tiêu dùng, nên rất cần nhân rộng mô hình sản xuất. Về chính sách kích cầu, huyện đã có các biện pháp hỗ trợ như: Tổ chức các đợt trưng bày quảng bá sản phẩm, hỗ trợ một phần chi phí xây dựng sản phẩm OCOP, hỗ trợ 50% kinh phí mua một số máy móc thiết bị với số tiền 250 triệu đồng như: Nồi hơi đốt than củi, buồng hấp khử trùng, máy sàng trộn nguyên liệu.
Từ hiệu quả cơ sở trồng nấm của Công ty An Hà, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất nấm với quy mô khá lớn tại xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn và Thị Trấn, tạo thêm việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.
Theo anh Lương Duy Dũng, công ty đang có kế hoạch liên kết các hộ gia đình có diện tích đất vườn để tổ chức sản xuất nấm trở thành mạng lưới sản xuất mở rộng của công ty trong thời gian tới. Với mô hình này, công ty là hạt nhân sản xuất bịch phôi nấm giai đoạn đầu và thu mua sản phẩm đầu ra cho bà con, giúp tận dụng nguồn lao động và đất đai tại chỗ để tạo ra sản phẩm.
Từ hiệu quả cơ sở trồng nấm của Công ty An Hà, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất nấm với quy mô khá lớn tại xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn và Thị Trấn, tạo thêm việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, do yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đa số các cơ sở tại địa phương mới chỉ dừng lại ở việc mua bịch nấm đã được cấy sẵn về chăm sóc, thu hái và bán sản phẩm.

Các lao động địa phương đã gắn bó nhiều năm với công ty và có thu nhập ổn định hằng tháng.
Các lao động địa phương đã gắn bó nhiều năm với công ty và có thu nhập ổn định hằng tháng.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 439/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu là một trong 9 sản phẩm được ưu tiên phát triển. Từ đó đến nay, việc nuôi trồng nấm đã được đẩy mạnh ở các địa phương trong cả nước và là nguồn thu nhập đáng kể trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp, nông thôn.
Tới nay, nước ta đã đạt nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, đã làm chủ được công nghệ nhân, sản xuất một số loại nấm chủ lực; thu thập, chọn lọc và đưa vào sản xuất hàng chục giống nấm, trong đó có những giống nấm cao cấp có giá trị cao. Bước đầu hình thành hệ thống nhân giống nấm từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, nấm có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu về cả trong nước và ngoài nước rất cao.
Với tiềm năng rất lớn của nghề trồng nấm còn chưa được khai thác hết, hy vọng rằng Công ty cổ phần sinh học An Hà với tư cách là đơn vị hạt nhân trong nghề trồng nấm ở huyện Tân Kỳ cùng với chính quyền địa phương sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, phân tán để dần dần hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, cho ra sản phẩm đồng đều về quy cách, chất lượng và tiến tới mở rộng sản xuất, xuất khẩu thành công.



Ngày xuất bản: 10/7/2024
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh-Nam Đông
Nội dung: Thành Châu-Diệu Thu
Ảnh: Nam Đông-Đình Phượng
Trình bày: Bảo Minh