Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

Chưa có niềm vui nào khiến tôi thấy hân hoan mà tha thiết trong lòng như thấy những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đi ra nước ngoài. “Cơm Việt Nam Rice” - sản phẩm gạo mới của công ty Lộc Trời với dòng chữ Made in Việt Nam đã vào thị trường Pháp đúng ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua, như một món quà tinh thần vô giá.
Cũng chỉ còn vài ngày nữa, rất nhiều nhãn hàng nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam sẽ đến Pháp để tham gia hội chợ thực phẩm quốc tế Sial, một hội chợ quốc tế về thực phẩm lớn nhất thế giới với hơn nửa thế kỷ ra đời.
Việt Nam đã có mặt, cuối cùng Việt Nam cũng đã có mặt.
Lần đầu tiên.
Reo thầm trong lòng nhưng hy vọng thì vô bờ.
Chúng ta đã có hạt gạo vượt qua được những hàng rào kiểm định ngặt nghèo rồi - điều này đồng nghĩa chúng ta đã bắt đầu biết làm nông nghiệp chú trọng đến chất lượng chứ không chỉ chạy theo sản lượng nữa. Hạt điều của chúng ta cũng đã xuất thô đi khắp thế giới, chiếm 60% sản lượng hạt điều thô vào Pháp rồi, giờ biết đâu... biết đâu.
Cơ sở nào để mà hy vọng?

“Cơm Việt Nam Rice” là thí dụ đầu tiên cho những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào được thị trường Pháp, đứng trên kệ hàng của những siêu thị lớn là Carrefour và E.Leclerc. Để làm được điều này là cả một chặng đường, từ tổ chức vùng trồng, giống lúa, kiểm soát chất lượng... rồi để sang được đến Pháp là thêm khâu nghiên cứu tâm lý, thẩm mỹ, thói quen, nhu cầu của khách hàng đi đại siêu thị Pháp chứ không chỉ là người Việt hay người châu Á đi siêu thị của người Á với nhau. Chỉ vài chục từ này thôi, nhưng là cả một chặng đường của doanh nghiệp.
Nhưng chúng ta đã đi và đã tới.

Có thể coi như “Cơm Việt Nam Rice” là một thí dụ về phương thức tiếp cận khách hàng Pháp với những tiêu chuẩn ngặt nghèo và tâm lý tiêu dùng khác với những gì chúng ta đã biết. Cho đến thời điểm này, chưa thể đo được thành công của “Cơm Việt Nam Rice” tại thị trường Pháp và Đức đến đâu, nhưng chặng đường để hạt gạo Việt Nam đến được Pháp hoàn toàn có thể là một thí dụ để sau nó là tiêu, điều, thanh long, chanh leo, bưởi, na, cam, xoài thậm chí là cả trà thảo dược mở cửa vào nước Pháp.

Sau nhiều năm, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có một gian hàng 300m2 với 36 doanh nghiệp Việt Nam đến Pháp để xúc tiến và tìm kiếm cơ hội - như vậy là đã có một luồng sinh khi hứng khởi được khởi nguồn từ hạt gạo.

Tại sao lại không hy vọng?
Tại sao lại không hy vọng khi mà Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp lúa gạo, 65% dân số sống ở nông thôn và làm nghề nông hoặc công việc liên quan đến nghề nông. Quá trình dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng thật sự ít có sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể mang lại lợi nhuận lớn, làm nên thương hiệu của nước nhà. Chúng ta chỉ thấy những khu công nghiệp mọc lên, bên cạnh việc giải quyết công ăn việc làm thô sơ còn kéo theo không ít hệ lụy và xáo trộn xã hội. Những năm tháng đi làm phim tài liệu ở các vùng nông thôn Việt Nam, tôi chợt phát hiện ra rằng rất nhiều trẻ em Việt Nam đang lớn lên mà như không có cha mẹ. Cha mẹ để lại chúng sau lưng, cùng với ruộng vườn và ông bà đã già để lên thành phố kiếm sống. Lăn vào những khu công nghiệp, lao vào những thành phố lớn để rồi điều mà có thể nhìn thấy rõ nhất sau nhiều thập kỷ là đoàn người rời bỏ thành phố trong dịch Covid-19 - tài sản có được chỉ buộc gọn sau chiếc xe máy.

Dù vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng nông nghiệp Việt Nam ngày hôm nay đã giúp chúng ta vượt qua khoảng đói, hạt gạo Việt Nam đã vượt ra khỏi ngưỡng của hạt gạo chất lượng thấp dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu. ST24, ST25 đã khiến cho thương hiệu của hạt gạo Việt Nam vượt lên một bậc, vậy nếu công nghiệp hóa nông nghiệp với năng lực xuất khẩu ngày một lớn, liệu có đáng để hy vọng?

Nước Pháp - dù tự hào với máy bay Airbus nhưng Airbus không nuôi nước Pháp mà là khoai tây, lúa mì, sữa, bơ, fromage, thịt bò, dầu hạt cải... Nông nghiệp Pháp đứng đầu châu Âu và chiếm 18% tổng sản lượng sản phẩm nông nghiệp của toàn liên minh, mang về cho nước Pháp số tiền nhiều hơn bán máy bay Airbus.
Vậy hình ảnh thương hiệu gạo Việt nổi bật tự tin trên bao bì, đứng cùng các hạt gạo có xuất xứ khác, với giá thành tương đương, thậm chí cao hơn một vài loại gạo Thái, Ấn Độ, vốn luôn ngạo nghễ ở thứ hạng trên, liệu có giúp chúng ta nhìn về tương lai của nông nghiệp Việt Nam theo cách khác?

Lễ ra mắt sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” tại đại siêu thị E.Leclerc.

Lễ ra mắt sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” tại đại siêu thị E.Leclerc.

Tôi tha thiết muốn được thấy nông dân ở lại với đất, với ruộng vườn, với cha mẹ già và con thơ dại. Có thể hạt gạo, trái xoài, chưa làm chúng ta giàu nhưng những hạt mồ hôi đổ xuống đồng đã bắt đầu khiến đâm chồi nảy lộc lên những cây hy vọng.
Vậy thì phải nuôi cho cây lớn thôi.
Chả có hy vọng nào thành sự thật nếu không có sự quyết tâm để biến hy vọng thành sự thật.

300m2 trong một hội chợ quốc tế lớn, vài nghìn tấn gạo cho thị trường Pháp là những bước ban đầu dò dẫm để mở ra một thị trường mới. Điều đáng nói là thị trường ấy - vốn được coi là khắt khe đã chấp nhận hạt gạo Việt Nam - nghĩa là nông nghiệp của chúng ta đã khác, đã đáp ứng được những thang bậc giá trị mới.
Gạo là mồ hôi của nông dân. Nếu hạt gạo ấy, trái xoài, hạt tiêu, điều, thanh long... ấy được chấp nhận ở một thị trường mới, khắt khe hơn thì chắc chắn sẽ hứa hẹn mang đến những cơ hội mới.

Với tôi cơ hội ấy không chỉ là tiền mang về cho doanh nghiệp hay đất nước, nó là số phận những người đàn ông, đàn bà không phải bỏ xứ mà đi kiếm ăn.
Nó là cuộc đời của những đứa trẻ được lớn lên cùng mẹ cùng cha.
Nó là vẻ đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát lúa nơi mà tôi gọi là Tổ quốc.
Nó là nhiều... nhiều hơn đồng tiền.
Paris những ngày này đang chứng kiến những nỗ lực mới, những cố gắng đặt viên gạch đầu tiên để đưa nông sản Việt Nam vào nước Pháp trên một diện rộng. Nếu như 30 năm trước những người Việt Nam đầu tiên đã tìm cách đưa gạo Việt sang Pháp để phục vụ cộng đồng Á Đông, thì ngày hôm nay những người Việt Nam khác lại tìm cách để đưa hạt gạo Việt Nam vượt biên giới hòng để chinh phục người Pháp.

Kể ra thì cũng hơi lâu. Nhưng mà rất may rồi cũng đã tới.
Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ánh Tuyết-Trần Dũng-Nguyễn Mỹ Linh
Thúy Hà-Hải Phương
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Minh Huyền, Trần Dũng, Minh Duy, nguồn internet