Mốc son chói lọi
trong lịch sử Việt Nam và thế giới

Tại cuộc Hội thảo khoa học quốc tế "50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ" diễn ra tại Hà Nội, các tướng lĩnh, các nhà khoa học và cựu chiến binh Điện Biên Phủ của Việt Nam và nhiều nhà khoa học nghiên cứu lịch sử của các nước Pháp, Anh, Trung Quốc, Liên bang Nga, Lào, Campuchia... đã nghe hơn 20 báo cáo khoa học làm rõ hơn ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Dưới đây là một số cuộc phỏng vấn đại biểu quốc tế thực hiện bên lề hội thảo được đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 9/5/2004.
GS, TS Charles Fourniau, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt:
Chiến thắng Điện Biên Phủ thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa trên thế giới.
GS, TS Charles Fourniau là người sáng lập Hội hữu nghị Pháp-Việt và làm Chủ tịch hội từ năm 1961 đến năm 2001. Thời thanh niên sôi nổi, ông Fourniau cùng những người dân tiến bộ Pháp xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp hồi đầu những năm 1950 của thế kỷ trước.
Với ông Fourniau, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân. Ông nhớ lại thời điểm lịch sử quan trọng đó, khi chế độ thực dân vẫn ngự trị ở châu Phi và nhiều nơi trên thế giới thì dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân trên đất nước Việt Nam. Thắng lợi này đã khích lệ nhân dân trên khắp năm châu đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, thổi bùng lên phong trào đấu tranh giành độc lập ở nhiều nước thuộc địa, thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa lan rộng và trở thành thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khích lệ nhân dân trên khắp năm châu đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, thổi bùng lên phong trào đấu tranh giành độc lập ở nhiều nước thuộc địa, thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa lan rộng và trở thành thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Ông Fourniau cho biết, phong trào phản chiến ở Pháp bắt đầu từ năm 1950. Người dân Pháp dần dần nhận thấy việc chính quyền thực dân xâm lược Việt Nam là “nướng tiền” vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa, gây tổn thất sinh mạng chính con em họ. Cũng như nhiều người Pháp và nhân dân nhiều nước trên thế giới, ông Fourniau đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ông bày tỏ vui mừng và xúc động khi tận mắt chứng kiến Việt Nam ngày càng thay da đổi thịt. Ông nói: "Về cảnh quan và sự phát triển kinh tế, Việt Nam bây giờ và Việt Nam những năm 1960 của thế kỷ trước khác xa nhau. Mỗi lần tới đây, tôi đều phải cố hình dung mới có thể nắm bắt được sự thay đổi kỳ diệu". Tuy nhiên, về chiều sâu cảm nhận, ông Fourniau thấy Việt Nam vẫn mang một bản chất rất Việt Nam, một dân tộc anh hùng.


TS Alain Ruscio, Chủ tịch Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam hiện đại (CID-Việt Nam):
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm nên bởi sức mạnh của cả một dân tộc
TS Alain Ruscio đã dự 3 cuộc hội thảo về Điện Biên Phủ tại Paris (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Hà Nội. Ông nhấn mạnh: Đây là thời điểm rất quan trọng vì người Pháp và người Việt Nam đã bắt đầu nói chuyện với nhau. Nói như vậy bởi vì ngay cả một số nhà sử học phản động của Pháp đã có cách nhìn tôn trọng hơn đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, phải thừa nhận rằng chiến thắng này là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết, nhất trí của toàn dân, toàn quân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là nhà yêu nước vĩ đại, nhà quốc tế vô sản Hồ Chí Minh. Tất nhiên cuộc hội thảo này bàn về vấn đề lịch sử nhưng nó cũng có ý nghĩa rất cần thiết trong cuộc sống hôm nay-nó đánh dấu một thời điểm mà chúng ta khép lại quá khứ, hàn gắn nỗi đau chiến tranh và hơn cả là chúng ta bắt tay vào giai đoạn mới thúc đẩy sự phát triển của cả hai nước.
TS Alain Ruscio đã đến thăm Điện Biên Phủ vào những ngày cả nước ta đang hướng về kỷ niệm ngày chiến thắng "Chấn động địa cầu". Ông rất ngạc nhiên trước sự phát triển của Điện Biên Phủ - một thành phố trung tâm đang hồi sinh từng ngày với nếp sống rất thanh bình, vui vẻ của người dân. Theo TS Ruscio, cần nhấn mạnh rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả quyết định của cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân, mở đường cho việc ký Hiệp định Geneva về Đông Dương và lập lại hòa bình ở Việt Nam".
Cần nhấn mạnh rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả quyết định của cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân, mở đường cho việc ký Hiệp định Geneva về Đông Dương và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
TS Alain Ruscio nói: Càng tìm hiểu và hoạt động nhiều ở Việt Nam càng làm cho tôi gắn bó hơn với mảnh đất này. Tôi thấy rằng người dân Việt Nam rất hiếu khách và luôn sống lạc quan yêu đời ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất. Những đức tính tốt đẹp cùng ý chí vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt sẽ đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ và phồn thịnh trong tương lai.

Ông Len Aldis, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt:
Ôn lại lịch sử để cùng tiến lên phía trước
Ông Len Aldis khẳng định: Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930 của thế kỷ XX), trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân Việt Nam một lòng đứng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản, dưới sự dẫn dắt tài tình, mưu trí của vị lãnh đạo thiên tài Hồ Chí Minh, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi mãi ghi nhớ câu nói nổi tiếng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Người.
Các sự kiện kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những trang sử vàng của Việt Nam, trao đổi và học hỏi để cùng tiến lên phía trước trong sự đoàn kết, xây dựng một thế giới hòa bình cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Các sự kiện kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những trang sử vàng của Việt Nam, trao đổi và học hỏi để cùng tiến lên phía trước trong sự đoàn kết, xây dựng một thế giới hòa bình cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Là người đã đến Việt Nam 20 lần, nhưng mỗi lần đặt chân đến Hà Nội, ông Len Aldis đều cảm thấy rất thú vị. Ông hy vọng, trong tương lai, nhiều người dân Anh và khách nước ngoài sẽ đến thăm Việt Nam, thăm Điện Biên Phủ để chia sẻ chiến thắng vĩ đại này với nhân dân Việt Nam và để tận mắt chứng kiến những sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất anh hùng này.

TS Anatoly Sokolov, Viện Phương Đông học (Nga):
Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi một trang vàng vào biên niên sử của thế kỷ XX
Tôi muốn góp một tiếng nói vào cuộc hội thảo đầy ý nghĩa này với chủ đề "Điện Biên Phủ trong những bước đầu trên con đường chung: Liên Xô và Việt Nam (1945-1954)". Tôi cho rằng, giai đoạn này trong lịch sử quan hệ Nga-Việt chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Trong khi đó, đây là giai đoạn rất quan trọng để tìm hiểu Việt Nam đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế và trở thành một trong những chủ đề then chốt của tình hình chính trị quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
TS Anatoly Sokolov đã nhiều lần đến Việt Nam. Ông nói tiếng Việt thuần thục như tiếng mẹ đẻ. Trong trái tim ông chứa đựng nhiều kỷ niệm thân thương và thấm đượm tình cảm với đất nước và con người Việt Nam. Ông tâm sự: Lần gần đây nhất tôi đến thăm Việt Nam là cuối năm 2000, tuy nhiên phải ghi nhận rằng lần này đến Việt Nam rõ ràng có nhiều sự thay đổi. Sân bay quốc tế Nội Bài mới được sửa sang, nâng cấp trông rất đẹp, thoải mái và hiện đại. Theo tôi sân bay này mang tầm cỡ quốc tế. Ở Moscow có ít sân bay như thế. Thành phố Hà Nội phát triển rộng lớn hơn, rất đẹp. Hà Nội ngày càng trẻ trung và sầm uất hơn.
Tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt Nam ở những thời kỳ khác nhau trong lịch sử phát triển của dân tộc anh hùng này. Tôi thấy người Việt Nam và người Nga đều trải qua một con đường lịch sử chung cho nên trong tính cách của hai dân tộc Việt-Nga có nhiều đặc điểm chung. Có thể nói người Việt Nam hiền lành, cởi mở và luôn nhớ về tình hữu nghị đối với những người anh em bè bạn.
Tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt Nam ở những thời kỳ khác nhau trong lịch sử phát triển của dân tộc anh hùng này. Tôi thấy người Việt Nam và người Nga đều trải qua một con đường lịch sử chung cho nên trong tính cách của hai dân tộc Việt-Nga có nhiều đặc điểm chung. Có thể nói người Việt Nam hiền lành, cởi mở và luôn nhớ về tình hữu nghị đối với những người anh em bè bạn.