Mở cửa trường học trong đại dịch:

Làm thế nào để an toàn?

Học sinh được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. (Ảnh: Duy Linh)

Học sinh được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. (Ảnh: Duy Linh)

Hàng triệu học sinh trên cả nước đã ở yên trong nhà 5 tháng ròng rã và đang tiếp tục học trực tuyến khi năm học mới đã bắt đầu được gần 1 tháng. Mong muốn được trở lại trường trở nên cháy bỏng khi Covid-19 đã dần được kiểm soát, tuy nhiên nỗi lo lắng lại càng tăng thêm vì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, mà học sinh lại là đối tượng chưa được tiêm vaccine bảo vệ. Làm thế nào để giữ an toàn cho học đường trong dịch bệnh đang là câu hỏi lớn của cả xã hội. 

Từ những FO trong trường học


Ngày 19/9, chỉ sau 2 tuần bắt đầu năm học mới, các thầy cô và học sinh ở TP Phủ Lý (Hà Nam) đã phải vội đóng cửa trường vì phát hiện F0 trong lớp học. Cho đến 26/9, có tới 60 trường hợp là giáo viên và học sinh dương tính bị nhiễm Covid-19, toàn tỉnh có hàng trăm giáo viên và học sinh khác thuộc diện F1 phải thực hiện cách ly tại các cơ sở tập trung và ở gia đình. 

Trước đó, Hà Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng và vì thế, học sinh các cấp trong tỉnh được đến trường học trực tiếp thay vì trực tuyến như nhiều tỉnh khác.  Vậy nhưng, dịch bệnh diễn biến thật khó lường. Xuất phát từ hai vợ chồng đi theo xe vận chuyển hàng hóa từ Đồng Nai về nơi sinh sống là thôn Lê Lợi, TP Phủ Lý, Covid-19 đã lây lan thành ổ dịch cộng đồng nguy hiểm tại Hà Nam và bất ngờ tấn công trường học. Điều tra dịch tễ cho thấy, các học sinh bị lây nhiễm đều tiếp xúc với người thân trong gia đình, bạn bè trong lớp. 

Tại Thừa Thiên Huế, sau khi ghi nhận 2 học sinh tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà dương tính với SARS-CoV-2, 34 học sinh cùng 12 phụ huynh và giáo viên của Trường tiểu học số 1 Hương Chữ; 8 thầy, cô giáo và 36 học sinh Trường THCS Lê Quang Tiến là F1 của hai ca bệnh nói trên đã phải cách ly tập trung tại trường.

Thực hiện việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Công Hậu)

Thực hiện việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh ăn sáng tại khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh ăn sáng tại khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Các em tự chăm lo chỗ ngủ của mình. (Ảnh: Công Hậu)

Các em tự chăm lo chỗ ngủ của mình. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh trường tiểu học Hương Chữ tập thể dục trong khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh trường tiểu học Hương Chữ tập thể dục trong khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Item 1 of 4

Thực hiện việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Công Hậu)

Thực hiện việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh ăn sáng tại khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh ăn sáng tại khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Các em tự chăm lo chỗ ngủ của mình. (Ảnh: Công Hậu)

Các em tự chăm lo chỗ ngủ của mình. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh trường tiểu học Hương Chữ tập thể dục trong khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

Các em học sinh trường tiểu học Hương Chữ tập thể dục trong khu cách ly. (Ảnh: Công Hậu)

lĐây là lần đầu tiên tại Thừa Thiên Huế có nhiều học sinh, giáo viên trong một khu vực phường, xã phải cùng lúc cách ly y tế tập trung do trở thành F1 của các ca mắc Covid-19 là học sinh. Qua điều tra truy vết cho thấy, dịch bệnh cũng lây lan do học sinh tiếp xúc với người thân trong gia đình, khi có bố là lái xe đường dài có lịch trình phức tạp, tiếp xúc nhiều người khi đi giao hàng tại các tỉnh, và có kết quả dương tính trước đó vài ngày. 

Ứng phó trước tình huống này, các tỉnh đều nhanh chóng khẩn trương truy vết, cách ly, đóng cửa các lớp học, trường học có học sinh, giáo viên bị nhiễm. Ngoài việc phải bố trí người chăm sóc, lo phục vụ hậu cần, theo dõi sức khỏe và tâm lý cho các cháu nhỏ, thì địa phương cũng đồng ý theo nguyện vọng và cam kết của các gia đình có đủ các điều kiện bảo đảm cách ly tại nhà theo quy định của ngành y tế.

Ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết, dịch xảy ra khi Hà Nam vừa tổ chức cho học sinh đến trường, cho nên số học sinh và giáo viên mắc Covid-19 là không thể tránh. Đây cũng là một tình huống báo trước để các trường học, các địa phương khi cho học sinh đi học phải tính đến.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Nam cho biết: “Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, tỉnh Hà Nam đã quyết liệt, khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch, tập trung vào địa bàn thành phố Phủ Lý, là nơi xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng dân cư, khu công nghiệp và trường học, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, đặc biệt là nơi có các giáo viên và học sinh bị nhiễm.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 bảo đảm linh hoạt, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh; chủ động điều chỉnh nội dung giảng dạy, thực hiện dạy học trực tuyến các nội dung cốt lõi cho các cấp học (đối với học sinh lớp 1,2 và trẻ mầm non thì dạy học qua truyền hình là chủ yếu); kịp thời cung cấp lịch phát sóng các chương trình dạy học trên truyền, các đường link sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử... cho cha mẹ học sinh để giúp học sinh tiếp tục học tập theo chỉ đạo của tỉnh, phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của gia đình học sinh; kiên trì quan điểm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Tôi rất lo lắng, bởi vì đặc biệt là các cháu nhỏ dưới 12 tuổi chưa thể tiêm vaccine, và chắc cũng phải mất một thời gian nữa mới có vaccine. Các cháu ở độ tuổi này còn quá nhỏ, chưa có ý thức trong việc bảo đảm 5K và tránh lây nhiễm, cho nên việc trở lại trường hiện tại vẫn khá nhiều rủi ro, mặc dù tôi cũng như rất nhiều phụ huynh mong muốn cho con trở lại trường để yên tâm làm việc.
Chị N.T.T.T
Phụ huynh bé T.L.T 4 tuổi đang học mẫu giáo tại Hà Nội

Chủ động nêu cao ý thức phòng tránh dịch


Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám Đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nam, trước tình huống phát sinh dịch bệnh mới, Sở đã có Công văn số 888/SGDĐT-VP về việc nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, để chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đến trường sau khi hết dịch, các trường tiếp tục phối hợp tốt với cơ sở y tế và địa phương trong việc tiêu độc khử trùng các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phòng học… vệ sinh toàn trường để phòng, chống dịch, bệnh. 

Khử khuẩn tại một trường tại Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Khử khuẩn tại một trường tại Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Item 1 of 1

Khử khuẩn tại một trường tại Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Khử khuẩn tại một trường tại Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Khi đi học trở lại, các cơ sở giáo dục phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, chủ động trang bị máy đo thân nhiệt, xà phòng, nước rửa tay, nước sát khuẩn tại khu vực vệ sinh, cổng trường, trong lớp học để giáo viên, học sinh sử dụng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn trẻ em, học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên cách thức phòng dịch và ngăn ngừa lây nhiễm, theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, báo cáo với cơ quan quản lý và cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện các trường trên địa bàn đã có những biện pháp giãn cách học sinh trong lớp học. Các trường cũng đã thay đổi lịch học, bố trí lệch buổi giữa các khối học để giảm số lượng học sinh tập trung tại trường vào một buổi như trước đây. Các trường phối hợp với phụ huynh học sinh để nắm bắt việc đi lại, giao tiếp của học sinh, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng học sinh đã tiếp xúc với người đang thuộc diện cách ly hoặc có các biểu hiện ho, sốt, khó thở mà vẫn đến trường…

Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa tổ chức học bán trú cho học sinh. Theo hiệu trưởng các trường, trước mắt học sinh chưa ở lại bán trú, khi nào thực sự an toàn, các em mới học hai buổi/ngày. Việc học online cho học sinh chưa đến trường vẫn được tiếp tục phát huy cũng như có nhiều phương án hỗ trợ học sinh khi thiếu phương tiện học tập.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc và trung tâm thông báo việc hạn chế tiếp xúc gần trong học sinh; học sinh đến trường sinh hoạt theo từng lớp, không tương tác với các lớp khác để tránh lây lan nếu có yếu tố dịch tễ phức tạp liên quan dịch Covid-19. Các cơ sở, đơn vị trường học phải yêu cầu các em đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định phòng chống dịch.

Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Huế), cô giáo Lê Na cho biết: “Trường kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khuôn viên nhà trường và thực hiện mô hình xếp hàng đón con bảo đảm khoảng cách an toàn. Giáo viên đã hỗ trợ phân luồng học sinh, thực hiện đúng phương án phòng dịch đề ra. Cổng chính sẽ đón học sinh khối 1 còn khối 2 và 5 được đón tại cổng phụ; hai khối lớp còn lại sẽ học giãn cách vào buổi chiều. Trường có phòng cách ly dành cho khi phát hiện học sinh, giáo viên có triệu chứng bất thường ”.

Con trai tôi 16 tuổi, lứa tuổi cần phải hoạt động giao lưu rất nhiều ở trường học, nhưng 5 tháng nay ở nhà nên chúng tôi cũng lo con bị ảnh hưởng về sức khoẻ tâm lý. Dịch bệnh vẫn còn kéo dài với những diễn biến phức tạp, trong bối cảnh tình hình mới cần thích ứng, chúng tôi cũng mong ngành giáo dục sớm có phương án cho học sinh trở lại trường một cách an toàn và chủ động.
Chị N.H
Phụ huynh học sinh THPT tại Hà Nội

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có ngành giáo dục. Hàng triệu học sinh, giáo viên đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới 2021-2022.

Sau thời gian triển khai dạy và học tập trung ở một số tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch, hiện nay, đã xuất hiện một số tỉnh có các ca lây nhiễm là học sinh và giáo viên. Đề nghị BCĐ phòng chống dịch chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khẩn trương đánh giá tình hình dịch bệnh, có các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tại các cơ sở giáo dục.

Đối với các tỉnh, thành phố hiện chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như cơ sở giáo dục, cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ, hướng dẫn của địa phương trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên khi tham gia giảng dạy, học tập. Đồng thời các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các giáo viên cần nêu cao ý thức, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh trong công tác phòng, chống dịch để bảo đảm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục.

Tùy theo tình hình thực tế của các địa phương, có thể linh hoạt trong việc tiếp tục hay tạm dừng công tác dạy, học tập trung khi tỉnh, thành phố có yếu tố dịch tễ và nguy cơ lây nhiễm cao. Mục tiêu cuối cùng là giảng dạy, học tập phải tuyệt đối an toàn cho giáo viên và học sinh khi đến lớp.

Các em học sinh được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. (Ảnh: Duy Linh)

Kinh nghiệm từ các tỉnh


Lào Cai, Bắc Giang và Quảng Ninh là ba trong số 21 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không có ca nhiễm mới hoặc ca lây nhiễm thứ phát. Học sinh của các địa phương này đều đã trở lại học trực tiếp tại trường. Kinh nghiệm chia sẻ từ các địa phương này là vô cùng đáng quý đối với các tỉnh, thành phố hiện nay còn đang trong tình trạng chống dịch, chờ phủ vaccine để đưa trẻ đến trường. 

Bắc Giang là một trong những địa phương được chú ý đến nhiều nhất sau khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại đây hồi đầu tháng 5. Sau 2 tháng quyết liệt dập dịch, Bắc Giang đã quay trở lại trạng thái bình thường mới vào cuối tháng 7. Mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường với quy tắc 5K được tuân thủ triệt để. Học sinh được trở lại trường với “mục tiêu kép” là vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục hiệu quả.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, từ trước khi năm học mới bắt đầu, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức xét nghiệm tầm soát trong cán bộ, giáo viên và học sinh cũng như tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, khi có diễn biến mới, chuyển đổi ngay hình thức dạy học theo phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, thậm chí có những nơi đã phát hiện hàng chục F0 trong phạm vi trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã có những biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho học sinh đến lớp.

Trước khi hoạt động trở lại, 100% cán bộ, giáo viên, người lao động trong nhà trường phải xét nghiệm Covid-19, đồng thời yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên, người lao động, phụ huynh ký cam kết phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Ông Đỗ Văn Quý
Trưởng phòng Giáo dục TP Bắc Giang

Cùng với các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, đồ dùng học tập, đồ dùng đồ chơi, môi trường trong và ngoài lớp học, 100% các cơ sở giáo dục cài đặt phần mềm để truy vết khi phát hiện các ca bệnh. Các cơ sở giáo dục cũng được yêu cầu dán mã QR ở cổng để kiểm soát, quản lý chặt chẽ lượt người ra vào. Quy tắc 5K được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt.

Đây cũng là những biện pháp mà tỉnh Lào Cai hiện đang áp dụng để giữ an toàn cho trường, lớp học. Là tỉnh miền núi, biên giới, nhưng Lào Cai là một trong những điểm thông thương lớn, có mật độ đi lại phức tạp, cho nên cũng phải hết sức cẩn trọng trong công tác phòng chống dịch. Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, tại địa phương, 100% các cơ sở giáo dục đều đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống Covid-19 và phương án xử trí tình huống có F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với giãn cách tối đa vị trí ngồi của học sinh; hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người ngoài lớp học, phân chia khung thời gian tới trường, tan trường khác nhau giữa các khối lớp để giảm tập trung đông người khu vực cổng trường, sân trường..., các cơ sở giáo dục còn yêu cầu thực hiện khai báo y tế hằng ngày qua ứng dụng công nghệ (đối với những học sinh có điều kiện); kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường…

Quảng Ninh, một trong những “thành trì xanh” vững chắc trước Covid-19, cũng đã áp dụng chặt chẽ quy tắc 5K cùng với những giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới với phương châm chỉ đạo của tỉnh “3 trước", "4 tại chỗ".

Giờ học của các em học sinh trường tiểu học Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: Quang Thọ)

Giờ học của các em học sinh trường tiểu học Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: Quang Thọ)

Với kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, ngành giáo dục Quảng Ninh đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái dạy học thích ứng với tình huống khi có 500 đến 1.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm đạt được "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải chủ động rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch tại đơn vị, nhất là việc bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế, khu vực rửa tay, khẩu trang, thiết bị đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay sát khuẩn; kiện toàn, bố trí bộ phận, thành phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch đủ năng lực tham mưu, thực hiện nhiệm vụ… Đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp và kênh liên lạc 24/7 giữa gia đình, nhà trường và xã hội đề giữ cho các em được an toàn về sức khỏe khi đến trường.

Những bài học từ thực tế


Kinh nghiệm của thời gian chống dịch đã đem lại cho các địa phương sự linh hoạt trong việc dạy và học “thời Covid”. 

25 địa phương đang dạy học trực tiếp cho 100% học sinh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Gia lai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên bái, Quảng Ninh.

13 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên Huế.

25 tỉnh thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắc Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam.

(Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến ngày 29/9/2021)

Cô Vũ Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long chia sẻ, nhà trường đã chủ động sẵn các phương án dạy học linh hoạt để bảo đảm công tác dạy và học trong tình hình mới một cách khoa học và hiệu quả; dành mọi nguồn lực, thời gian ưu tiên các môn học chính để đáp ứng đầy đủ chương trình đào tạo cho học sinh; Đặc biệt nhà trường đã sẵn sàng có phương án dạy trực tuyến nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp, với phương châm chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.

Hiện Trường Tiểu học Hạ Long đã chỉ đạo các tổ chuyên môn linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, yêu cầu cần đạt môn học; chỉ đạo giáo viên làm đúng theo tinh thần “Dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình” sách giáo khoa chỉ là “phương tiện chuyển tải” để đạt mục tiêu vừa an toàn trong công tác phòng chống dịch, vừa hoàn thành chương trình và bảo đảm chất lượng dạy và học. Đồng thời chủ động xây dựng, thiết kế các video bài giảng các môn học từ khối 1 đến khối 5 để đưa vào kho tài nguyên học liệu dùng chung cho giáo viên, học sinh toàn trường và phối hợp với phụ huynh học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng trên kênh VTV7 và các ứng dụng khác khi địa bàn xảy ra dịch bệnh.

Từ những kinh nghiệm của các đợt dịch trước, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, hình thức dạy học cả năm học và cụ thể hóa nội dung theo tuần, tháng, quý để thực hiện. Xác định kịch bản, phương án theo nhiều tình huống có thể xảy ra do dịch Covid-19 để sẵn sàng kích hoạt từng phương án dạy học theo yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch (hình thức tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc phương án dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp) nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy

Tại Hà Tĩnh, sau một tuần tổ chức dạy học trực tiếp cho các học sinh bậc tiểu học, THCS, THPT và giáo dục nghề nghiệp, ngày 27/9 các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đón học sinh trở lại, tổ chức dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày và bán trú. Bài học từ việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng và thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong điều kiện dạy học mới đã và đang giúp các trường học ở Hà Tĩnh chủ động, tự tin dạy học trực tiếp trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng dịch Covid -19.

Tại Trường tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh), dù mới trải qua một tuần làm quen với việc dạy học mới nhưng các giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tỏ ra rất chuyên nghiệp khi thực hiện thuần thục các quy định phòng chóng dịch bệnh. Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Hiệu phó nhà trường cho biết: Thực hiện kế hoạch liên ngành giáo dục và y tế, nhà trường đã tổ chức nghiêm quy định phân luồng học sinh trong các buổi lên lớp. 15 lớp học được được chia làm hai 2 ca học sáng – chiều, đồng thời bố trí lệch giờ thời gian vào học và ra về của các khối học, tổ chức phân luồng vào lớp theo lối đi riêng…

Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Hà Nguyễn Thanh Nga cho rằng, khi thầy trò trở lại hình thức dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hơn ai hết, các trường học đã ý thức được nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, từ đó siết chặt công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các biện pháp 5K. 

Nỗ lực vượt qua khó khăn


Thời gian qua, rất nhiều trường mầm non ở Hà Tĩnh đã được trưng dụng làm địa điểm cách ly tập trung y tế của các địa phương. Vì vậy ngay sau khi các địa phương hoàn thành việc cách ly y tế, đội ngũ giáo viên đã tất bật dọn dẹp vệ sinh trường học, chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại. Tại huyện Thạch Hà, đến thời điểm hiện nay, công tác sắp xếp bàn nghế, đồ dùng dạy học, phun khử khuẩn trường học đã hoàn thành. 

Theo hiệu trưởng Trường mầm non Tân Lâm Hương 1 (Thạch Hà), Nguyễn Thị Hòa, trong dịp nghỉ hè vừa qua, nhà trường có 4 lần được sử dụng làm điểm cách ly tập trung. Ngay sau khi chính quyền địa phương bàn giao lại cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới, công tác vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn, sấy khô đồ dùng, thiết bị ở lớp học, bếp ăn được nhà trường thực hiện nhiều lần. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tổ chức học bán trú cho 470 cháu ở 17 nhóm lớp, tuy nhiên theo quan điểm chỉ đạo của ngành giáo dục, công tác tổ chức bán trú sẽ thực hiện nếu có sự đồng ý của phụ huynh. Nhà trường sẽ bố trí suất ăn riêng cho mỗi học sinh, cho trẻ ăn theo nhóm, lớp, bảo đảm khoảng cách phù hợp theo điều kiện của nhà trường, không dùng chung đồ dùng cá nhân.

Trường mầm non Tân Lâm Hương 1 (Thạch Hà) khử khuẩn khu vực vui chơi cho các bé. (Ảnh: Ngô Tuấn)

Trường mầm non Tân Lâm Hương 1 (Thạch Hà) khử khuẩn khu vực vui chơi cho các bé. (Ảnh: Ngô Tuấn)

Tại Lào Cai, ngành giáo dục đang phải đối diện với một số khó khăn như số lượng học sinh/lớp đông, hoạt động trong, ngoài lớp khó bảo đảm yêu cầu giãn cách. Nếu chia nhỏ nhóm học sinh bảo đảm giãn cách, định mức giờ dạy của giáo viên sẽ tăng, khó khăn trong việc chi trả. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu phòng để bố trí khu vực cách ly riêng cho các đối tượng nghi nhiễm, xác định nhiễm, các trường hợp F0, F1, F2 theo quy định. Đồng thời, cũng như các địa phương khác, tỉnh cũng phải tính đến việc phần lớn trẻ mầm non, học sinh lớp 1 chưa hình thành ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch.

Lào Cai còn là tỉnh biên giới, cửa ngõ phía tây bắc của Việt Nam giáp với Trung Quốc, số lượng người, hàng hoá từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước lưu thông qua với mật độ cao…. Vì thế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới phòng, chống dịch trong nhà trường.

Để một năm học mới diễn ra an toàn, ổn định, các địa phương đều tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch, đồng thời xử lý linh hoạt khi có tình huống xảy ra, đó cũng là một cách thích ứng với tình hình dịch bệnh trong tình hình mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu yêu cầu: “Linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, tranh thủ tối đa thời gian dạy học trực tiếp”.

Chúng tôi xác định năm học 2021-2022 là một năm học đầy nỗ lực vượt khó, đòi hỏi tinh thần sáng tạo cao, sự linh hoạt, nhạy bén trong hoạt động truyền thụ kiến thức”.
Ông Mai Sơn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN HỌC ĐƯỜNG

Các biện pháp phòng dịch trong trường học trên thế giới

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ngay trước thềm năm học mới, một số quốc gia, bao gồm cả những quốc gia chưa tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi vẫn lên kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường. Tuy nhiên, tất cả đều rất chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch học đường.

Dưới đây là những cách các trường học trên khắp thế giới đang thực hiện, nhằm cố gắng bảo vệ học sinh của mình khi mở cửa trở lại:

1. Diễn tập và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp

Ngoài việc căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, xác định thời gian mở cửa trở lại và đối tượng học sinh cho đi học trở lại, các nước còn đưa ra tiêu chí cho phép các trường được mở trở lại.

Tại Trung Quốc, Bộ Giáo dục đã đưa ra ba tiêu chí bắt buộc để các trường được phép mở cửa trở lại. Cụ thể, trong những trường hợp sau, các trường học không được mở cửa đón học sinh quay trở lại học :

  • Nếu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không tiến hành triệt để, đầy đủ.
  • Nếu không tiến hành diễn tập phòng dịch hiệu quả, cũng như không đưa ra kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
  • Nếu điều kiện và biện pháp phòng dịch không đạt yêu cầu.

Bởi vậy, ngoài việc chuẩn bị mọi điều kiện cũng như cơ sở vật chất để đón học sinh quay lại trường, các trường học trước đó còn phải thực hiện diễn tập các phương án đón học sinh trở lại trường với kịch bản cụ thể như: mô phỏng học sinh vào trường, mô phỏng học sinh vào lớp học, mô phỏng học sinh ăn trưa tại nhà ăn, và mô phỏng học sinh trở về ký túc xá,… Xây dựng và diễn tập các phương án ứng phó tình hướng khẩn cấp khi xuất hiện ca nhiễm trong trường.

2. Giữ khoảng cách an toàn

Đan Mạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào giữa tháng 4/2020 và bắt đầu mở cửa trở lại các trường học. Giáo viên được hướng dẫn cách bảo đảm học sinh giữ khoảng cách với nhau khi ở trường. Với các trường vẫn phải đóng cửa, một số giáo viên đã đưa học sinh ra ngoài giảng dạy và viết phấn lên sân trường thay vì trên bảng.

Ở Thụy Sĩ, học sinh tại trường Geneva’s La Tour School phải học cách thích nghi với những quy định và cách thức giao tiếp mới, cũng như với việc phải tạm biệt cha mẹ ở nơi cách xa cổng trường. Các lớp học được giảm ½ số học sinh để hạn chế tập trung đông người, bàn học được kê cách nhau 2 mét (tương đương 6,5 feet).

Dán các biển báo trên sàn nhà để phân luồng đi bộ, bảo đảm giãn cách tại một trường tiểu học ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Dán các biển báo trên sàn nhà để phân luồng đi bộ, bảo đảm giãn cách tại một trường tiểu học ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Một bé gái vẫy tay chào bố trước cổng trường tiểu học ở Sderot. (Ảnh: REUTERS)

Một bé gái vẫy tay chào bố trước cổng trường tiểu học ở Sderot. (Ảnh: REUTERS)

Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi trò chuyện trong sân của một trường trung học tại Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi trò chuyện trong sân của một trường trung học tại Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Item 1 of 3

Dán các biển báo trên sàn nhà để phân luồng đi bộ, bảo đảm giãn cách tại một trường tiểu học ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Dán các biển báo trên sàn nhà để phân luồng đi bộ, bảo đảm giãn cách tại một trường tiểu học ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Một bé gái vẫy tay chào bố trước cổng trường tiểu học ở Sderot. (Ảnh: REUTERS)

Một bé gái vẫy tay chào bố trước cổng trường tiểu học ở Sderot. (Ảnh: REUTERS)

Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi trò chuyện trong sân của một trường trung học tại Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi trò chuyện trong sân của một trường trung học tại Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Tại Trung Quốc, trường học phân luồng lối ra và lối vào khác nhau dành cho các nhóm học sinh khác nhau, ngăn cách các không gian chung và đánh dấu sàn để hướng luồng người đi bộ, điều này giúp cho học sinh và nhân viên trong trường duy trì khoảng cách.

3. Tấm chắn và nước rửa tay

Trường Springplank ở thành phố Den Bosch, Hà Lan đã lắp đặt các tấm chắn bằng nhựa chung quanh bàn học sinh và đặt máy bơm gel khử trùng ở cửa ra vào để bảo đảm an toàn cho thầy cô và học sinh trong lớp.

Giáo viên ở trường chúng tôi không cảm thấy lo lắng gì. Chúng tôi đã trang bị các tấm chắn mềm, vì thế chúng tôi có thể bảo vệ giáo viên của mình nếu có học sinh bị ho.
Chuyên viên kỹ thuật trường Springplank

Trường dòng Ecole St-Gerard ở ngoại ô Montreal, Canada mở cửa trở lại và bắt nhân viên đeo kính chắn giọt bắn cũng như sử dụng nước sát khuẩn thường xuyên.

Bộ Giáo dục Mỹ thông báo trên Twitter khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) về việc "tất cả giáo viên, nhân viên, học sinh và khách đến các trường từ mẫu giáo đến lớp 12 đều phải đeo khẩu trang dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine phòng Covid-19".

4. Sắp xếp ca học so le

Các trường học ở bang lớn nhất của Australia, New South Wales, đã mở cửa trở lại nhưng chỉ cho học sinh đi học một ngày/tuần trên cơ sở xếp lớp so le.

Thành phố Melbourne thuộc bang Victoria, Úc thì cho phép thanh thiếu niên đi học trước, sau đó là các em học sinh nhỏ tuổi.

Ở Israel, học sinh được trang bị kính chống giọt bắn và nước sát khuẩn khi đi học, chỉ các em học sinh ba lớp đầu tiên của cấp tiểu học và hai lớp cuối cùng của cấp trung học mới được phép đi học trở lại, nhưng mỗi lớp cũng chỉ giới hạn 15 học sinh, để giữ khoảng cách an toàn và không tập trung đông người.

Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học tại một trường tiểu học ở Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học tại một trường tiểu học ở Bỉ. (Ảnh: REUTERS)

Tại Pháp, các em học sinh tiểu học phải ngồi cách nhau ít nhất 1 mét trong các lớp học nhỏ và lắng nghe giáo viên đeo kính chống giọt bắn giảng bài.

5. Xét nghiệm và đo thân nhiệt

Tại Cprus, một trường học ở Nicosia bố trí nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cá nhân và test virus SARS-CoV-2 cho học sinh, nhằm bảo đảm an toàn học đường.

Tại Thượng Hải, sinh viên và nhân viên được yêu cầu quét máy đo thân nhiệt trước khi vào trường. Áp phích tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch được dán ngay trên tường trong trường và căng tin của trường luôn được giữ gìn sạch, các bàn ăn được ngăn cách bằng các tấm kính, và chỉ cho hai học sinh ngồi cùng 1 bàn ăn.

Mặc dù khung cảnh này thật giống trong bệnh viện, nhưng các sinh viên tại thành phố Thượng Hải vẫn cảm thấy rất vui vì sau ba tháng đóng cửa do dịch bệnh, họ cuối cùng cũng được trở lại trường.

Tôi cảm thấy rất phấn khích khi được trở lại trường học. Thông thường, chúng tôi mong chờ đến ngày nghỉ nhưng đột nhiên kỳ nghỉ của chúng tôi trở nên quá dài. Lúc này, chúng tôi rất mong được quay trở lại trường và gặp lại bạn bè cùng thầy cô giáo.
Chia sẻ của một học sinh ở Thượng Hải

Các biện pháp phòng, chống dịch trong học đường có thể được thực hiện ở mức độ khác nhau, với những trọng tâm không giống nhau tuỳ tình hình dịch bệnh ở mỗi nước, song tất cả đều cùng chung một mục tiêu là bảo vệ sự an toàn cho thầy cô giáo và các em học sinh trong quá trình học tập.


Tổ chức thực hiện:  HỒNG MINH
Nội dung:  HỒNG MINH, TUYẾT LOAN, MAI ANH, CÔNG HẬU, ĐÀO PHƯƠNG, QUANG THỌ, NGÔ TUẤN, QUỐC HỒNG, ĐỨC GIANG, MINH THU
Trình bày: MINH THU, PHAN ANH
Ảnh: Duy Linh, Bộ GD&ĐT, REUTERS