MỘT BÀI HỌC LỚN
Sau chín năm đánh Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chẳng những đế quốc Pháp mệt mỏi mà chính nhân dân ta bộ đội ta cũng mệt mỏi. Vì vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta ký Hiệp định Geneva.
Với Hiệp định Geneva, ta tập kết quân ra miền bắc để tập luyện, còn có miền nam thì ta đấu tranh chính trị. Mục đích là để cho dân được nghỉ ngơi chứ còn chiến đấu vũ trang mãi phải hy sinh mãi thì điều đó lúc bấy giờ rất không nên. Nhưng mà tôi cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo khác kể cả đồng chí Lê Duẩn lúc bấy giờ ở lại miền nam chiến đấu.
Khi thấy đồng bào, đảng viên chào các đồng chí bộ đội ra tàu tập kết ra miền bắc giơ hai ngón tay tức là hẹn hai năm nữa sẽ trở lại gặp nhau thì chúng tôi cười, không thể có được.
Sau đó đồng chí Lê Duẩn ở miền Tây Nam Bộ, còn tôi thì làm Bí thư Thành uỷ thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Chúng tôi cũng đã có lần gặp nhau nhưng vì thời kỳ ấy còn giữ bí mật nên không bàn kỹ. Sau đó đồng chí Lê Duẩn lên Thành phố Sài Gòn bàn với tôi và các đồng chí thành ủy khác, nêu ra đường lối cách mạng miền nam. Chúng tôi phân tích rằng: chính quyền Ngô Đình Diệm chẳng những là của đế quốc Mỹ mà còn của Pháp nữa, bản chất giai cấp của chúng chẳng những là địa chủ phong kiến mà bắt đầu Mỹ đã đưa công nghệ vào để phát triển công nghiệp chiến tranh, cho nên bọn chúng là tư sản mại bản và quan liêu, bởi vì anh em nhà Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân với bọn tướng tá mới có quyền lấy tiền lấy công nghệ của Mỹ để mở ra các xí nghiệp làm lợi cho chúng. Cho nên tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt với một chính quyền như vậy không thể nào dùng đấu tranh chính trị mà bắt chúng phải thi hành Hiệp định Geneva để thống nhất đất nước được.
Từ phân tích đó, chúng tôi bắt đầu đề ra đường lối cách mạng miền nam, tức là với cái chính phủ đó là ta phải đánh đổ mà đánh đổ thì không thể bằng đấu tranh chính trị được mà phải dùng vũ trang dùng quần chúng nổi dậy vũ trang với 3 thứ quân thì mới lật đổ được chính phủ đó và lập lên chính phủ cách mạng ở miền nam để tiến lên thống nhất đất nước.
Đồng chí Lê Duẩn được triệu tập ra miền bắc vào cuối năm 1958, chúng tôi đợi mãi mà không thấy Trung ương chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng miền nam. Cho nên chúng tôi nóng ruột lắm. Lúc bấy giờ bọn Ngô Đình Diệm dưới sự lãnh đạo của đế quốc Mỹ đã đánh phá cơ sở cách mạng của ta, chúng chẳng những khủng bố những người yêu nước, những Cộng sản mà cả những yêu nước trong Bình Xuyên. Và nó lê máy chém đi các nơi để chém đầu những người yêu nước.
Phải nói rằng nếu cứ dùng đấu tranh chính trị đơn thuần như thế này thì làm sao bảo vệ được những cán bộ và đánh thắng được bọn địch.
Xứ uỷ lúc bấy giờ tôi làm Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn, nhận được từ Bình Dương một lá thư của trên 10 lão nông đề nghị là: "Không biến tình hình này Xứ ủy có báo cáo lên Hồ Chủ tịch rõ ràng không, tại làm sao cứ đấu tranh chính trị đơn thuần mãi, nó thì dùng súng mà ta thì cứ dùng cùi cho mà đánh nó thì làm sao mà thắng được". Vì thế chúng tôi cử đồng chí Hai Sô và đồng chí Hai Văn ra miền bắc. Đợi mãi mới có Nghị quyết 15.
Hai đồng chí mang Nghị quyết 15 về thì tất cả trong Đảng cũng như ngoài quần chúng học tập và rất hoan nghênh. Trước đây chúng tôi chỉnh huấn một năm 3 lần, các đồng chí cứ thắc mắc tại sao cứ đấu tranh chính trị mãi thì chúng tôi giải thích là tại vì đấu tranh chính trị còn yếu quá nên chưa thắng, địch nó chưa chịu nhượng bộ, bây giờ phải đấu tranh mạnh hơn nữa. Học thì thấy có lý, nhưng về thực tế nó chỉ ra rằng đấu tranh chính trị đơn thuần là không được. Nhưng đến khi có Nghị quyết 15 thì học qua loa là người ta đồng ý liền.
Với một chính quyền tay sai của địch, nhất định ta phải dùng bạo lực quần chúng, bạo lực vũ trang để đánh địch thì mới được. Nhưng trong vấn đề đó có một điều còn băn khoăn là: Về phương pháp đấu tranh thì vẫn còn dùng chính trị là chủ yếu, du kích là hỗ trợ. Tất cả chúng tôi đều nói là: "Trời ơi! Bao nhiêu sư đoàn bao nhiêu tiểu đoàn, rồi lực lượng dân quân tự vệ của nó đông đảo như thế mà ác độc như thế thì mình chỉ có du kích làm sao mà thắng được mà trước đây mình cũng đã có du kích rồi.
"Đồng chí Lê Duẩn ở khu 9 đã tập hợp thanh niên lập ra những đội du kích tuy là không có súng đạn, nhưng cũng đã tập du kích và đồng chí đã phái đồng chí Xuyến và đồng chí Tám Lê Thanh lấy danh nghĩa Bình Xuyên đã lập ở miền đông lấy hai tiểu đoàn, nhưng cũng không làm gì được nó. Thậm chí có nơi đã tập trung đến trung đội du kích nhưng mà đến khi nó đánh thì lại phân tán ra thành mấy tiểu đội. Có đồng chí khi bị địch đuổi bắt, đã đưa súng ra nói: "Tao có súng đây nhưng Đảng chưa cho đánh, nếu cho đánh thì tao đánh chết tụi bây". Vì thế mà chúng tôi mới bàn với nhau và chính tôi viết bức điện ra Trung ương xin cho đồng khởi, tức là một mặt phát động quần chúng ở nhiều nơi nổi dậy chứ không phải chỉ có Bến Tre là quê hương đồng khởi đâu, nổi dậy làm mít-tinh bắt bọn tề và tước súng của bọn dân vệ. Và trước khi làm đồng thời đó thì đã có ba cuộc đánh lớn: ở miền đông đánh Tua Hai (thuộc Tây Ninh). Tua Hai là một căn cứ sư đoàn của Nguỵ, nó để ở đây một trung đoàn và bao nhiêu vũ khí trong đấy. Ta có nội tuyến ở đấy cho nên ta liên lạc với nội tuyến và khi đánh vào thì ta cướp được 14 xe súng đạn (có cả súng DKZ nữa).
Còn ở khu 8 thì ta tiêu diệt 1 tiểu đoàn dịch ở gò quản cung cướp được nhiều súng của nó trang bị cho mình.
Còn ở Khu 9 thì tại một huyện ở vùng Rạch Giá ta đã đánh cái huyện đó, giải thoát cho hơn 400 tù chính trị và cướp súng dân. Ngoài ra thành lập dần dần từ du kích cho đến đại đội địa phương quân huyện.
Và ở miền đông thì đã bắt đầu thành lập 2 sư đoàn. Lúc bấy giờ ở miền bắc các đồng chí đã gửi vũ khí bằng đường thủy, sau đó mở đường Trường Sơn và cử những đồng chí lãnh đạo quân đội vào để dần dần thành lập các sư đoàn bộ binh. Lúc bấy giờ các đồng chí vào thì vác một cây cácbin với cây súng sáu. Tôi mới “tước” cây cácbin giao cho bộ đội các sư đoàn, còn lại các đồng chí giữ súng sáu để chỉ huy thôi. Lập được hai sư đoàn. Lần đầu mới có chủ trương đề nghị ra ngoài kia và chính đồng chí Lê Duẩn đồng ý và thảo luận với Thường vụ Bộ chính trị và gửi điện vào nói là phải đấu tranh cả chính trị, vũ trang binh vận 3 mũi giáp công và tuỳ theo vùng mà tổ chức lực lượng khác nhau.
Vùng rừng núi và nông thôn đồng bằng địa hình hiểm trở thì ta lập quân chủ lực mạnh, địa phương quân mạnh. Còn vùng giáp ranh chung quanh đô thị thì ta lập những đội địa phương quân (đại đội, có khi tiểu đoàn) và các đội du kích. Còn ở nội thành lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, nhưng mà cũng có quân đội vũ trang, đánh vào những chỗ trọng yếu của nó như là tòa đại sứ Mỹ, hay là Bộ tổng tham mưu của nó nay là các đội đặc công biệt động thành lập lên và đánh địch vào những nơi hiểm ty cảnh sát của nó, rất đau.
Cho nên là chính từ đó mới thành lập dần dần ra nhiều sư đoàn chẳng những ở ba khu ở Nam Bộ mà cả ở khu V. Trị Thiên cũng lập nên những lực lượng vũ trang và kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận như ở Nam Bộ. Đường lối đó được quần chúng nhiệt tình ủng hộ và lực lượng ra ngày càng tiến bộ lên. Chính nhờ thế mà ta đã đánh thắng Mỹ và bọn Ngô Đình Diệm trong chiến tranh đặc biệt.
Về sau này, Mỹ phải truất phế Ngô Đình Diệm, đưa Dương Văn Minh và bọn khác lên, rồi tiến lên đưa hơn nửa triệu quân đội Mỹ và quân Australia, quân Nam Triều Tiên, quân Thái Lan vào cùng với quân nguỵ đánh lại ta. Nhưng mà ta vẫn thắng và ta đã tiến lên giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thậm chí năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị, khắp các tỉnh thành ở miền nam ta tấn công các đô thị làm rung động cả Nhà trắng chúng nó, Mỹ buộc lòng phải mở Hội nghị Paris để đàm phán với ta. Nhưng mà lúc bấy giờ đáng lẽ đánh một trận rồi thôi, bởi vì sau một trận như thế quân của ta hy sinh rất nhiều, cả ngoại thành lẫn nội thành, cả chủ lực lẫn du kích, địa phương quân và đặc công hy sinh rất nhiều. Và lực lượng của nó còn đông nên chúng nó đánh nống ra, và tiếp tục xây dựng ấp chiến lược và hệ thống bảo vệ rất kiên cố.
Tôi nghĩ lúc bấy giờ anh em còn hăng vì là trận đầu tiên là ở Huế, đã đánh và chiếm Huế đến 15 ngày. Còn ở Sài Gòn thì đánh có vài ngày thì rút ra thôi. Cho nên là tôi cùng với đồng chí Lê Đức Anh xuống vùng ven họp bàn đánh tiếp nữa và đồng thời rước các nhân sĩ trong thành ra để tham gia mặt trận. Nhưng mà giữa chúng tôi thấy tiếp tục đánh nữa bất lợi cho nên tôi về bàn với đồng chí Phạm Hùng, lúc bấy giờ thay tôi làm Bí thư Trung ương Cục còn tôi làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Bàn thì đồng chí Phạm Hùng không chịu cho nên tôi phải xin đi ra miền bắc để bàn với Bộ chính trị là nên chấm dứt cuộc tấn công đó đi.
Bàn nửa tháng thì Trung ương đồng ý.
Với tương quan lực lượng như thế này ta đánh như thế buộc nó phải chịu rút hết quân Mỹ, thay màu da của xác chết. Và chúng nó không dùng danh từ bồi thường chiến tranh, nó dùng danh từ gì mà lâu ngày tôi quyên mất rồi, tính ra là trên ba tỷ đôla. Nhưng mà từ bấy đến nay nó có trả cho mình đồng xu nhỏ nào đâu. Cho nên là ta bằng lòng là Mỹ rút quân. Mỹ rút hết quân rồi thì nó lại tiếp tục giúp vũ khí, tiền bạc cho bọn nguỵ đánh ta. Nhưng mà nó đánh không thắng ta.
Đến năm 1975 ta mở cuộc tổng tấn công và giành thắng lợi mùa Xuân năm 1975. Sợ ta đánh mạnh thì Mỹ nó đánh lại ta nó thắng ta đánh chiếm chẳng những miền nam mà đánh cả miền bắc...
Còn Liên Xô lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Khrútxốp thì Bác Hồ đã thân chinh sang xin những súng đạn mà hồi trước lấy của phát-xít Hítle, thì Khrútxốp đã nói: "Chúng tôi đã đem các loại sắt này ra làm máy móc hết rồi". Họ không cho là vì họ không dám đánh Mỹ. Cho nên chính một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của ta trong đó có Bác Hồ và các đồng chí trực tiếp ở miền nam này nói là phải kiên quyết đánh Mỹ, phải thắng Mỹ. Mà muốn đánh không phải chỉ có đấu tranh chính trị, mà phải đẩy mạnh đấu tranh vũ trang; mà đấu tranh vũ trang không phải chỉ có đánh bằng du kích mà thắng được đâu, mà phải lập ba thứ quân bằng phương châm "lấy súng địch đánh lại địch". Rồi ta lập ra những xưởng quân giới tạo ra những vũ khí của mình. Bấy giờ những xưởng quân giới đã tạo ra những vũ khí tốt. Thậm chí có những nơi có những sáng tạo ghê gớm lắm như ở Bến Tre dùng ong vò vẽ để đánh địch... Khi thằng địch kéo vào thì thả ong ra; rồi thì mọi người vừa đấu tranh chính trị vừa đấu tranh vũ trang và làm cả binh vận.
Cuộc chiến tranh nhân dân diễn ra thật phong phú. Khi địch kéo đến thì các thanh niên phải lánh mặt đi, còn lại phụ nữ và ông già, bà già, phụ nữ bế con theo, có người nằm lăn ra cản đầu xe tăng địch cho nó không dám đi qua. Rồi sau đó chính người phụ nữ đó chạy vào nhà tìm lựu đạn từ trong nhà quăng ra.
Địa phương nào xã nào cũng lập xã chiến đấu. Hai bên đường ta có hầm chông hố chông, lựu đạn gài. Cho nên khi thằng địch nó kéo đi trên đường thì ta quăng đạn ra, chúng dạt sang hai bên bờ thì trúng hầm chông hố chông, lựu đạn, nó chết nhiều lắm. Thậm chí có những nơi du kích đào hầm làm cả cái xe tăng của địch cũng sập hầm không kéo lên được. Do đó mà du kích, địa phương quân và cả chủ lực phân tán ra mà đánh địch, cướp nhiều súng địch, đánh địch giành thắng lợi.
Đây là cuộc chiến tranh rất đặc biệt. Và sau này do thực tế đó chúng tôi báo cáo ra thì đồng chí Lê Duẩn đã viết một tài liệu (chắc bây giờ lục ra vẫn còn đó) là đánh địch ở ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn và cả đô thị; bằng cả đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận, mà địch thì nó có máy bay, có xe tăng rất cơ động. Còn ta thì sao? Ta làm gì có máy bay nhiều, chỉ được một ít do Liên Xô giúp thôi mà tầm bay thì rất ngắn. Còn xe tăng ta làm gì có. Nhưng mà ta cơ động hơn địch là bởi vì thằng địch đi đến đâu cũng có mặt du kích, có mặt địa phương quân thậm chí cả chủ lực của ta nữa. Thành ra ta cơ động hơn nó. Địch đi đến đâu cũng đụng ta và chúng nó bị đánh bất ngờ.
Đường lối chiến tranh nhân dân của ta có từ thời kỳ trước, thời kỳ Quang Trung, Lê Lợi. Và ta vận dụng một cách sáng tạo: Khi mình yếu thì đánh du kích lấy ít đánh nhiều, đánh bất ngờ làm thằng địch không trở tay kịp. Nhưng mà khi đã có lực lượng tập trung rồi thì đánh ồ ạt và giành toàn thắng. Vì thế mà địch chết nhiều.
Cái hay của ta là ta có lực lượng ở khắp mọi nơi, khi địch đi đến đâu nếu lực lượng ta yếu thì ta đánh du kích bất ngờ.
Và để đối phó với ta có khi thằng địch cũng phải phân tán quân chủ lực để đánh với ta, nhưng nó phân tán làm sao đánh lại được với quân du kích của ta. Thậm chí có nơi bọn chủ lực của Mỹ phải xé ra từng trung đội, và đêm cũng phải đi cũng phải lội ruộng băng rừng, nhưng mà đi đến đâu cũng gặp quân ta, chúng nó phải chùn lại.
Đây là nét đặc biệt của cuộc chiến tranh Việt Nam của chúng ta. Đấy là bài học rất lớn.
Cho nên tôi tiếc rằng đến bây giờ mặc dầu tôi đã phát triển nhiều tần nhưng chưa có người đúc kết. Thường thường ở quân đội thì rút những bài học chiến tranh thôi, nhưng mà chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân kia mà.
Dân cũng đánh giặc. Vừa đấu tranh chính trị vừa đánh giặc mà đến bộ đội cũng vừa đấu tranh quân sự đồng thời cũng có khi phân tán ra cùng với nhân dân đấu tranh chính trị. Rồi ta lại có một đội quân đặc biệt là đặc công mà chưa một nước nào có cả.
Cho nên là những bài học về chiến tranh nhân dân của ta rất là phong phú, rất là đặc biệt Việt Nam. Bây giờ những đồng chí quân sự đơn thuần làm sao mà hiểu được hết các khía cạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam được.
* Tư liệu của gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh
Nguồn: Sách "Nguyễn Văn Linh tuyển tập", tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN