Hạnh phúc ở vùng cao Đông Bắc:


MỘT CON ĐƯỜNG, NHIỀU NIỀM HY VỌNG

Từ hơn nửa năm nay, bà Lò Thị Chiu (71 tuổi, ở Khe Lục) đã không còn phải vượt quãng đường núi dài hàng chục cây số mỗi lần có việc tới Đại Thành. Con đường mới mở cắt qua núi Cổng Trời đã giúp bà và hàng nghìn người trong xã Đại Dực tiết kiệm được hàng giờ di chuyển mỗi ngày.

Con đường niềm vui ấy tại Tiên Yên là một thí dụ điển hình chứng minh cho nỗ lực không ngừng trong phát triển hạ tầng giao thông thôn bản của tỉnh Quảng Ninh.

Ở hai đầu của cổng trời

Năm 2020, khi đề án sáp nhập xã Đại Thành và xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) được chính thức thực hiện, ngọn núi Cổng Trời giống như một lằn ranh tự nhiên, chia cắt địa giới hành chính nơi đây thành hai nửa. Mỗi nửa ở một phía của cổng trời.

Vào thời điểm này, để có thể di chuyển từ Khe Lục (trung tâm xã Đại Dực cũ) tới Khe Nà (trung tâm xã Đại Thành cũ), đồng bào người Sán Dìu buộc phải vòng vèo trên con đường được làm từ thập kỷ trước với chiều dài xấp xỉ 50km.

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, chị Triệu Nhì Múi không khỏi rùng mình. Nhà ở bên này Cổng Trời, mỗi khi có việc phải sang bên Khe Nà, chị buộc phải trở dậy từ rất sớm.

Tuyến đường nối xã Đại Thành (cũ) với xã Đại Dực (cũ) lắm cua, nhiều dốc, khó khăn cho người dân khi đi lại. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tuyến đường nối xã Đại Thành (cũ) với xã Đại Dực (cũ) lắm cua, nhiều dốc, khó khăn cho người dân khi đi lại. Ảnh: Báo Quảng Ninh

“Từ trung tâm Đại Dực, chúng tôi sẽ buộc phải di chuyển ngược ra quốc lộ 18C, hướng về đường Đại Phong khoảng 17km sau đó qua thị trấn Tiên Yên trước khi tới được với Khe Nà bên trung tâm xã Đại Thành cũ. Tổng thời gian lên tới hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy”, chị Mùi kể lại.

Anh Trần Văn Cường, nhà cũng ở bản Khe Lục bật cười khi được hỏi về hành trình đi sang bên kia cổng trời.

Anh Trần Văn Cường, nhà cũng ở bản Khe Lục bật cười khi được hỏi về hành trình đi sang bên kia cổng trời.

Ngồi ngay gần đó, anh Trần Văn Cường, nhà cũng ở bản Khe Lục bật cười khi được hỏi về hành trình đi sang bên kia cổng trời. Anh bảo, cực nhất là những lúc trời mưa lớn, nước ngập hết các ngầm tràn. Tuyến đường cũ kỹ sau hơn chục năm xây dựng trở nên trơn tuột. Dốc nối dốc như đổ mỡ. Mặc chủ nhân kéo ga, chiếc xe máy cà tàng vẫn gầm rú, rồi bốc khói đen mù mịt, ì ạch leo trên con dốc dựng đứng dài hàng trăm mét.

“Thời điểm ấy, nhà tôi có họ hàng bên này núi bị ốm nặng. Muốn sang thăm cũng phải đợi nước rút, đường khô mới có thể đi”, anh Cường khẽ nhăn mặt kể.

Với những người già, không thể tự đi xe, cách duy nhất để sang bên kia cổng trời là… vượt núi.

Bà Lò Thị Chiu, 71 tuổi, khoác trên mình một gùi đầy nông sản ngồi nghỉ bên vệ đường liên xã. Chỉ tay lên lưng chừng ngọn núi đang mờ dần trong sương chiều, bà bảo, ngày đó, để sang Đại Thành, bà sẽ phải cắt qua cánh rừng bạch đàn phía trước mặt. Dốc nối dốc, cây cối mịt mù. Cực nhất khi trời ẩm thấp, cây thấp tầng níu chật chân người đi. Leo qua khu vực gọi là yên ngựa đã có thể nhìn thấy dốc bên Đại Thành.

Đi quen thì không sao, nhưng người mới thì phải ướt đầm đìa mồ hôi mới có thể đặt chân lên vị trí này.

Dốc nối dốc, cây cối mịt mù. Ảnh minh họa.

Dốc nối dốc, cây cối mịt mù. Ảnh minh họa.

Không chỉ người dân hai đầu cổng trời gặp khó khăn, mà ở nhiều thôn, người dân khi muốn lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã cũng phải đi xa tới hàng chục cây số vì… vướng cổng trời. Gặp ngày mưa, lũ lớn, họ thậm chí phải vòng xuống trung tâm huyện, ngược lên xã Đông Hải rồi mới… tới đích.

Núi cao thậm chí còn khiến trung tâm hành chính xã cũng buộc phải… chia đôi thành 2 phân hiệu như mô hình các điểm trường vùng núi cao Tây Bắc.

Bà Nình Móc Mộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Dực chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Bà Nình Móc Mộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Dực chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Bà Nình Móc Mộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Dực chia sẻ: Vào thời điểm đầu sáp nhập, do tình trạng giao thông quá khó khăn, Ủy ban nhân xã Đại Dực đã bố trí một cơ sở để giải quyết thủ tục hành chính bên trung tâm xã Đại Thành cũ, song song với trụ sở Ủy ban nhân dân xã tại Đại Dực.

Cá nhân bà Mộc, vốn ở bên kia cổng trời, ngày nào cũng phải thức dậy từ… 5 giờ sáng. Sau khi lo cơm nước, bà sẽ phải vượt hàng chục km để đi làm.

“Ngày nắng thì mất khoảng 40 phút. Mưa bão thì có khi hơn 1 giờ đồng hồ”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Dực cười, nhớ lại.

Đi lại vất vả là thế, nên mong ước lớn nhất của cán bộ, nhân dân nơi đây là có được một tuyến đường mới rộng rãi, ít đèo cao, dốc đứng để có thể kết nối hai đầu thôn bản. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi địa phương triển khai dự án tuyến đường mới vắt qua cổng trời.

Con đường niềm vui từ sức dân thôn bản

Ngay từ thời điểm sáp nhập Đại Dực và Đại Thành, dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp, nắn tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành (cũ) cũng được triển khai. Cụ thể, trên cơ sở tuyến đường mòn trên núi Cổng Trời, một con đường mới sẽ được cải tạo lại với tổng chiều dài chỉ còn 7,5km, rút ngắn được 42,5km so với hướng di chuyển trước kia. Công trình có tổng mức đầu tư 153.000 triệu đồng, bằng nguồn vốn tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu thực hiện chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ngân sách huyện tự cân đối đầu tư.

Trên cơ sở tuyến đường mòn trên núi Cổng Trời, một con đường mới sẽ được cải tạo lại với tổng chiều dài chỉ còn 7,5km, rút ngắn được 42,5km so với hướng di chuyển trước kia.

Biết được tin, cộng đồng bà con ở hai đầu cổng trời vui như mở hội. Thậm chí, khi nghe chủ trương, nghe cán bộ phân tích cái lợi, nhiều hộ gia đình đã hiến đất để mở đường. Trong danh sách ghi lại của xã Đại Dực ghi rõ: Chị Triệu Nhì Múi hiến 2.000m2 đất; hộ bà Lò Thị Chiu (71 tuổi ở Khe Lục) cũng hiến 2.000m2; hộ anh Sằn A Cặm hiến 200m2 đất ở và đất vườn.'

Chỉ tính riêng dự án làm tuyến đường Khe Lục-Khe Nà, toàn xã có tới 85 hộ nằm trong diện cần giải phóng mặt bằng thì xã Đại Dực đã vận động được người dân hiến đến hàng vạn mét vuông đất, bàn giao mặt bằng sớm, tạo điều kiện cho công tác thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng. Bà con thậm chí hớn hở dỡ rào, chặt gỗ keo đang trồng ở góc vườn cho… tiện làm đường mới.

“So với lợi ích của con đường, chừng này đất, chừng này keo có là gì”, anh Sằn A Cặm, người hiến đất nhiều nhất nhì thôn Khe Lục cười xòa.

Tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang xã Đại Thành cũ, huyện Tiên Yên, trong thời gian thi công. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang xã Đại Thành cũ, huyện Tiên Yên, trong thời gian thi công. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Anh Lê Quang, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tiên Yên kể lại, đơn vị thi công tuyến đường cho biết, mặc dù đã làm nhiều nơi tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhưng chưa ở nơi nào lại thuận lợi như tại Đại Dực.

“Thậm chí, có thời điểm khi thi công qua cánh đồng của người dân đúng vào mùa mưa khiến một số đất đá trôi xuống ruộng làm ảnh hưởng tới canh tác, bà con vẫn vui vẻ động viên nhau, huy động nhân công nạo, vét kênh mương cùng hướng tới mục tiêu chung phía trước”, anh Quang kể.

Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo tháng năm, tuyến đường huyết mạch kết nối hai đầu của xã Đại Dực dần dần được hình thành trong niềm hân hoan, mong chờ của cả cộng đồng.

Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo tháng năm, tuyến đường huyết mạch kết nối hai đầu của xã Đại Dực dần dần được hình thành trong niềm hân hoan, mong chờ của cả cộng đồng.

Mở cánh cửa hướng tới tương lai

Những ngày đầu tháng 10, trong không khí nô nức kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường Đại Thành-Đại Dực đã được gắn biển chào mừng. Sau 2 năm chờ đợi, tuyến huyết mạch cấp xã tại địa phương chót cùng Tiên Yên đang mang một diện mạo mới. Đường phẳng lì, nép dưới hàng ta-luy cao sừng sững hai bên chạy thẳng tít tắp. Chung quanh, những trảng rừng xanh ngắt trải ra xa xăm, yên bình.

Người Đại Dực thậm chí mạnh dạn gọi đây là con đường kỷ lục khi đã giúp rút ngắn 7 lần khoảng cách, xấp xỉ chừng đó thời gian di chuyển cho mọi người. Cũng nhờ “huyết mạch mới”, tình trạng một xã, hai điểm cầu hành chính được xóa bỏ. Hành trình đi làm của những bà con người Dao, người Sán Chỉ được rút gọn lại chỉ còn 10 phút.

Những ngày đầu tháng 10, trong không khí nô nức kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường Đại Thành-Đại Dực đã được gắn biển chào mừng.

Những ngày đầu tháng 10, trong không khí nô nức kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường Đại Thành-Đại Dực đã được gắn biển chào mừng.

Lãnh đạo địa phương chia sẻ, cũng từ con đường này, một tương lai mới đã, đang và sẽ được kỳ vọng mở ra cho vùng đất biên viễn Quảng Ninh này.

Bà Nình Móc Mộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Dực chia sẻ: Đại Dực là xã nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Tiên Yên có tổng diện tích tự nhiên là 4.631,63ha; trên địa bàn có 634 hộ/2.824 nhân khẩu, trong đó 99,8% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao, Kinh, Tày, Thái sinh sống tại 10 thôn khá cheo leo trên sườn đồi hay những thung lũng nhỏ theo kiểu tự cung, tự cấp là chủ yếu…

Thế rồi, thời gian gần đây, cuộc sống của đồng bào đã có sự thay đổi rõ rệt. Tất cả sự phát triển ấy là nhờ vào chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn kết nối giữa trung tâm với các thôn.

Thời gian gần đây, cuộc sống của đồng bào đã có sự thay đổi rõ rệt.

Thời gian gần đây, cuộc sống của đồng bào đã có sự thay đổi rõ rệt.

"Sở dĩ, một thời kỳ Đại Dực khó khăn, lạc hậu là vì hệ thống giao thông nơi đây rất khó khăn. Địa bàn xã rất rộng lại bị chia cắt bởi hệ thống núi cao, vực sâu, lắm suối lớn. Do đó, dù điều kiện đất đai, khí hậu có thuận lợi, nhưng mọi canh tác của bà con một thời gian dài chủ là tự cung, tự cấp; sản phẩm nông-lâm nghiệp làm ra thì giá cũng rất thấp so với các xã vùng xuôi", bà Mộc nhớ lại.

Cũng theo bà, tuyến đường mới đã tạo thuận lợi để lưu thông hàng hóa, tăng cường phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế rừng. Bên cạnh đó, do là địa phương có nhiều lợi thế về du lịch trải nghiệm, xã đã và đang hình thành các mô hình dịch vụ ăn, uống, nghỉ dưỡng.

"Chắc chắn, trong thời gian tới, tuyến đường sẽ là động lực phát triển kinh tế của đồng bào Đại Dực”, bà Mộc nhấn mạnh.

Người Đại Dực thậm chí mạnh dạn gọi đây là con đường kỷ lục khi đã giúp rút ngắn 7 lần khoảng cách (tổng chiều dài tuyến đường chỉ còn 7,5km, rút ngắn được 42,5km so với hướng di chuyển trước kia).

Người Đại Dực thậm chí mạnh dạn gọi đây là con đường kỷ lục khi đã giúp rút ngắn 7 lần khoảng cách (tổng chiều dài tuyến đường chỉ còn 7,5km, rút ngắn được 42,5km so với hướng di chuyển trước kia).

Câu chuyện tại Đại Dực là một thí dụ điển hình cho hành trình nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân tại tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Tiên Yên nói riêng.

Trên cơ sở chủ đề công tác năm của huyện, thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên đã ban hành các kế hoạch riêng về nâng cấp hạ tầng giao thông. Địa phương xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt, nghiêm túc, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Các nội dung công việc được xây dựng kế hoạch đầy đủ, cụ thể, thời hạn tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra; gắn trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đến hết năm 2023, Tiên Yên phấn đấu 100% đường xã, trục xã đạt chuẩn đường giao thông nông thôn; 100% đường huyện quản lý được duy tu, bảo trì, lắp đặt theo quy định các hạng mục cần thiết.

Theo đó, đến hết năm 2023, Tiên Yên phấn đấu 100% đường xã, trục xã đạt chuẩn đường giao thông nông thôn; 100% đường huyện quản lý được duy tu, bảo trì, lắp đặt theo quy định các hạng mục cần thiết (như: Biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc). Tại các tuyến giao thông đến trung tâm các xã và qua các khu dân cư được lắp điện chiếu sáng. Các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, các tuyến đường huyện quản lý được trồng cây xanh theo tiêu chí nông thôn mới đạt tỷ lệ trên 70%.

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư vào bến xe khách Tiên Yên đạt tiêu chuẩn bến xe khách loại III trở lên, phấn đấu trong giai đoạn 2023-2025 hoàn thành đưa vào khai thác.

Để hoàn thành được các chỉ tiêu đó, từ đầu năm đến nay, Tiên Yên đã chú trọng công tác rà soát, điều chỉnh, cập nhật các tuyến giao thông cần đầu tư, nâng cấp bổ sung trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, trong quy hoạch tỉnh; quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung và các quy hoạch khác để bảo đảm đồng bộ, thuận lợi cho quản lý và phát triển hạ tầng giao thông. Địa phương cũng tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng các công trình giao thông, hoàn thiện các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông, bảo đảm các tuyến giao thông sáng-xanh-sạch-đẹp.

Nhìn những con đường liên thôn, liên xã phẳng lỳ chạy thẳng tắp vào tận các bản xa, chúng tôi tin vào một tương lai sáng, nơi mỗi con đường sẽ mang lại rất nhiều hạnh phúc, niềm vui và cả hy vọng phát triển bền vững, dài lâu cho cả cộng đồng…

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm “lấy phát triển hạ tầng làm nền tảng”, kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tỉnh tập trung huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm “nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng”, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và xã hội hóa; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình động lực lan tỏa, tạo đột phá phát triển mới phù hợp với bối cảnh mới.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 294.259 tỷ đồng, tăng bình quân 10,2%/năm. Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có Chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.

Với quan điểm “3 không” (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt” do hạ tầng giao thông… để tìm cách gỡ.


Tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả (dài 18,7km, rộng 6 làn xe, kết nối hai vịnh Hạ Long và Bái Tử Long và giảm tải cho quốc lộ 18), cầu Cửa Lục I, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài 80,6km. Tuyến cao tốc này hoàn thành đã cùng cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km), góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.

Không chỉ riêng khu vực trung tâm, thành thị, ở các địa bàn vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh cũng tập trung nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông. Theo tính toán, trong 10 năm qua, từ các nguồn vốn của Chương trình 135, Đề án 196 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã đầu tư, nâng cấp hàng nghìn công trình giao thông nông thôn. Trong đó, có nhiều công trình đường sá, cầu cống được đầu tư xây mới, với hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông. Đến nay, 100% xã thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đều đã có đường bê tông khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho đi lại, giao thương, phát triển sản xuất.

Việc đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, Quảng Ninh đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối liên vùng và nội vùng giữa vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển với vùng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền… 

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

Ngày xuất bản: 16/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND