Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh

Nhà sử học, nhà báo SÁCLƠ PHUỐCNIÔ - Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt

* Đầu đề của tác giả. Bài đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 4/9/1969.

Bà con Pác Bó, Cao Bằng vô cùng xúc động được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 20 năm xa cách (20/2/1961). Ảnh tư liệu

Bà con Pác Bó, Cao Bằng vô cùng xúc động được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 20 năm xa cách (20/2/1961). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969. Ảnh tư liệu

Ngày 15/7 năm nay hồi 7 giờ sáng, tại một trong những ngôi nhà xinh xắn, xây dựng chung quanh Phủ Chủ tịch, tôi ngồi đợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới. Người đã nhận lời cho tôi phỏng vấn. Người mặc bộ quần áo nâu - bao giờ người ta cũng thấy Người mặc kiểu quần áo này, như tất cả mọi nông dân Việt Nam và đầu đội mũ vải, tay chống gậy nhỏ. Giọng nói của Người yếu hơn những lần trước tôi được gặp hồi năm 1964-1965, nhưng con mắt vẫn tinh nhanh như xưa, vừa hóm hỉnh, sâu sắc, vừa hiền từ. Thấy tôi, Người nói đùa ngay một câu về mái tóc ngày càng bạc trắng của tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào hòa bình Pháp thăm Việt Nam (15/3/1955). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào hòa bình Pháp thăm Việt Nam (15/3/1955). Ảnh tư liệu

Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không một chút nghi thức. Chúng tôi ngồi xuống bên cạnh nhau trước một cái bàn bày bánh ngọt và cà-phê mà tôi không lúc nào thấy Người đụng tới. Chúng tôi bắt đầu vào công việc.

Cũng vẫn con người tôi đã được biết cách đây mấy năm, con người mà sự có mặt phi thường như choán hết cả gian phòng, có thể nói làm xóa nhòa sự có mặt của những người khác, nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hòa nhã của Người đối với khách làm cho người ta trong những phút đầu thấy đôi chút lúng túng nhưng sau đó lại tạo ra một bầu không khí thân mật thoải mái ngay.

Nét mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh trông có vẻ rất trẻ nếu không có chòm râu dài. Ở Người, hình hài như thu lại đến mức nhỏ nhất chỉ còn toát ra ý chí và trí tuệ, tuy đã thoát ra ngoài thể xác nhưng vẫn hoàn toàn hiện thực. Lúc bấy giờ tôi không thể nghĩ, “Bác Hồ sẽ từ giã cõi đời này khi sự thoát xác kia trở nên hoàn toàn”... và tôi nghĩ rằng Người đã qua đời theo cách như vậy. Nhưng hỡi ơi, cách đây một tháng rưỡi, không gì có thể làm cho người ta ngờ rằng việc ấy lại xảy ra sớm như thế.

Thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”, ngày 20/4/1963. Ảnh tư liệu

Thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”, ngày 20/4/1963. Ảnh tư liệu

Giờ phút tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong đời tôi. Người không để lộ với tôi những bí mật nhà nước. Chúng tôi nói chuyện về V.I. Lênin nhưng Người không tìm cách dạy tôi một bài học về đạo đức hay chính trị mà Người kể lại những chuyện cũ năm xưa. Tuy nhiên, càng nghe tôi lại càng thấy Người như vừa đang nói về một vấn đề lớn của nhà nước, vừa đang dạy cho tôi một bài học luân lý và chính trị.

Có hai điểm làm tôi chú ý đặc biệt. Trong đề cương đưa Người, đồng chí Hồ Chí Minh đã gạch tất cả những công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa: Người không viết: “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn” mà viết: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn”. Đây không phải là một thói quen trong cách sử dụng ngôn ngữ mà đây chính là một nếp suy nghĩ của Người. Nếp suy nghĩ ấy thể hiện ra như vậy, làm cho người ta thấy rằng trong tất cả mọi tình huống dù là đen tối nhất, Người vẫn phân biệt rõ cái gì là tích cực, cái gì hướng về cuộc sống và tương lai.

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp), tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp), tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu

Lại một lúc khác, khi nhắc đến những kỷ niệm cũ của Người ở Đại hội Tua, câu chuyện có đề cập một nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội tại đại hội đã ngắt lời Người một cách không nhã nhặn lắm và về sau nghị sĩ ấy không bao giờ còn là bạn chính trị của Người nữa. Bác Hồ nói: Chúng ta chẳng nên nhắc đến tên người ta làm gì. Hồi tôi mới bước vào cuộc đời đấu tranh, ông ấy đã có dịp giúp đỡ tôi khi tôi còn ở trong Đảng Xã hội bởi chưa có sự phân liệt ở Tua. 

Chuyện xảy ra cách đây đã 50 năm, thế mà vị đứng đầu Nhà nước này vẫn tế nhị tới mức giữ bí mật tên tuổi cho một người khác chính kiến với mình có thái độ không lịch sự.

Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19/5/1970), Người tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà giữ trẻ, trường học, bệnh viện hay phòng đọc sách. Người nói mấy câu rất nhanh bằng tiếng Việt với các cán bộ giúp việc Người, rồi theo phép lịch sự quay lại phía tôi tóm tắt bằng tiếng Pháp một cách hết sức thoải mái dễ dàng những lời Người vừa nói bằng tiếng Việt mà tôi cũng đã nắm được ý chính. Sau đó, chúng tôi lại quay về công việc. Một giờ sau, Bác Hồ đứng dậy nói mấy lời thân ái hỏi thăm các cháu tôi, rồi chống gậy đi ra, vẫn nhanh nhẹn, để trở về chỗ làm việc tiếp tục công tác.

Cho đến phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi công việc và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam mà Người đời đời là biểu tượng sinh động.

Trình bày: TRUNG HƯNG

E-MAGAZINE
nhandan.vn