Tháng 6/1976, một năm sau ngày thống nhất đất nước, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất họp phiên đầu tiên đã thông qua nghị quyết đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng quyết định lấy Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Thoắt đã  50 năm, Hà Nội có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng.

Thời bao cấp khó quên

Ngay sau kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất kết thúc, tháng 7/1976, Chính phủ đã phê duyệt “Luận chứng kinh tế kỹ thuật phát triển và xây dựng Thủ đô đến năm 2000” làm định hướng phát triển Hà Nội. Luận chứng kinh tế kỹ thuật này thực chất là điều chỉnh quy hoạch Hà Nội được Quốc hội thông qua năm 1974.

Định hướng thật rõ ràng, mục tiêu rất cụ thể nhưng sau chiến tranh, đất nước ngổn ngang, bộn bề khắc phục hậu quả tàn khốc của chiến tranh, trong khi cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và manh mún, sản xuất nông nghiệp lạc hậu nên không có nhiều nguồn lực cho Hà Nội phát triển. Về cơ chế, nhà nước vẫn duy trì bao cấp, tiếp tục áp dụng mô hình sản xuất kế hoạch hóa tập trung nên khó khăn chồng khó khăn. Hà Nội là thành phố khó khăn nhất vì tập trung quá nhiều cán bộ, công nhân, viên chức, tất cả sống nhờ bao cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt và hàng tiêu dùng thiết yếu bán với giá rẻ như cho không.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI. 

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI. 

Bằng tất cả sự nỗ lực, Hà Nội đã cố gắng vươn lên nhất là ở lĩnh vực xây dựng nhà ở. Hàng loạt các khu tập thể cao tầng theo cách lắp ghép mọc lên gồm: Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công... các căn hộ diện tích tuy không rộng nhưng khép kín, khác hẳn với các căn hộ tại những khu tập thể cao tầng xây dựng trước 1975 theo mô hình “công xã”, chung bếp, chung nhà vệ sinh. Trong suốt thời kỳ bao cấp, từ 1975-1986, khu vực phố cổ, phố cũ gần như không có gì thay đổi cũng không có nhà máy nào được xây dựng mới, duy nhất có Nhà máy xe lửa Gia Lâm do Chính phủ Ba Lan viện trợ tiếp tục hoàn thiện. Song Hà Nội cũng mọc lên một số công trình tầm cỡ như Nhà ga T1 sân bay Nội Bài, Viện Khoa học Việt Nam.

Nảy mầm và vươn lên

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI họp tháng 12/1986, trong Báo cáo chính trị đọc trước các đại biểu, Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đó đã thẳng thắn “nhìn vào sự thật, nói rõ sự thật”, Tổng Bí thư chỉ ra sự quan liêu duy ý chí là nguyên nhân cản trở đất nước phát triển. Cũng tại đại hội, Đảng đã đề ra chủ trương đổi mới đất nước, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, công nhận nhiều thành phần kinh tế trong đó có kinh tế nước ngoài.

Năm 1987, chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài. Cuối năm 1987, Hà Nội đã có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên trên cả nước làm đà cho các dự án lớn hơn sau đó. Đầu năm 1989, nhà nước xóa bỏ hoàn toàn cơ chế bao cấp, không còn bán gạo theo sổ, không còn tem phiếu mua thực phẩm, hàng tiêu dùng bán theo giá thị trường. Nhà nước cũng đóng cửa các xí nghiệp, nhà máy làm ăn không có lãi, người lao động về hưu “một cục” theo Nghị định 176. Nhiều người cho rằng thời bao cấp thiếu thốn, đúng như vậy nhưng giai đoạn xóa bỏ bao cấp, Hà Nội khó khăn hơn nhiều, thành phố bao trùm tâm lý “gà công nghiệp”. Sống thế nào dù lạm phát từ 3 con số giảm xuống còn 2. Nhưng bản năng sinh tồn và ý chí vươn lên khiến người Hà Nội đã vượt qua giai đoạn này. Chính sách đổi mới đã đi vào cuộc sống tạo ra môi trường thuận lợi để cái hạt nảy mầm.

Chủ trương và chính sách đã khơi thông nguồn lực trong xã hội, nhiều công ty tư nhân ra đời, dự án vốn nước ngoài đổ vào nhiều hơn. Một dấu mốc quan trọng về nhà ở là Hà Nội đã xuất hiện Khu đô thị mới Linh Đàm, các căn hộ có diện tích rộng hơn, được thiết kế nhiều tiện ích, có thang máy. Những căn hộ này không để phân như thời bao cấp mà là bán đã mở ra thị trường bất động sản căn hộ.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, diện mạo thành phố từng ngày thay đổi, giao thông của thành phố với nhiều tuyến đường lớn kết nối với hệ thống đường quốc gia. Khu đô thị mới mọc lên khắp nội, ngoại thành, xuất hiện các khu công nghiệp. Hai công trình lớn xuất hiện là Trung tâm hội nghị quốc gia và Sân vận động quốc gia trên đất phường Mỹ Đình. Sau đó là cầu Nhật Tân, hội trường Ba Đình mới, Cảng hàng không quốc tế ở sân bay Nội Bài và nhiều công trình tiêu biểu khác. Nhưng thay đổi vô cùng quan trọng, có tính bước ngoặt là việc Quốc hội ra nghị quyết mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập cả tỉnh Hà Tây vào Hà Nội năm 2008. Hôm nay nhìn lại đã cho thấy quyết định sáp nhập Hà Tây vào Thủ đô để tạo dư địa phát triển thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khi đó.

Dù thay đổi nhưng nếu quan sát kỹ, lắng tai nghe hơi thở cuộc sống, nhịp điệu phố phường vẫn thấy còn những giá trị căn cốt trong lối sống của người Hà Nội.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô.

Sau 1975, đề tài Hà Nội hoặc liên quan đến Hà Nội quay trở lại và nhiều tác phẩm đã trở thành dấu ấn trong văn chương nước nhà. Đó là tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của nhà văn Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà... Truyện ngắn có Mùa hoa cải ven sông của Nguyễn Quang Thiều, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, hai truyện ngắn đề tài hậu chiến này đều được dựng thành phim rất hay.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao.

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng

Sau năm 1975, đời sống văn hóa Hà Nội trở lại với truyền thống vì trước đó một số hoạt động văn hóa, tín ngưỡng bị cho là lạc hậu, mê tín. Song khởi sắc nhất chính là các hoạt động văn học nghệ thuật.

Trước 1975, đề tài của văn học chủ yếu là công nông binh, đề tài Hà Nội với nhân vật nữ có lối sống “tư sản”, trí thức có lối sống khép kín thưa vắng. Sau 1975, đề tài Hà Nội hoặc liên quan đến Hà Nội quay trở lại và nhiều tác phẩm đã trở thành dấu ấn trong văn chương nước nhà. Đó là tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của nhà văn Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà... Truyện ngắn có Mùa hoa cải ven sông của Nguyễn Quang Thiều, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, hai truyện ngắn đề tài hậu chiến này đều được dựng thành phim rất hay.

Tuy nhiên với các chương trình nghệ thuật nhà nước vẫn bao cấp, cấp tiền dựng vở diễn sân khấu, làm phim và tổ chức các chương trình ca múa nhạc. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn giữ vai trò là trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của cả nước. Thập niên 80, sân khấu Hà Nội bùng nổ với nhiều vở diễn thu hút đông đảo công chúng như Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa của Lưu Quang Vũ, bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt cùng rất nhiều tác phẩm khác đã góp tiếng nói vào công cuộc đổi mới đất nước. Cơ chế mới cũng khuyến khích các cá nhân bỏ tiền sản xuất phim điện ảnh, phim truyện video khi nhà nước giảm dần đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh.

Mạng internet xuất hiện đã kết nối Việt Nam với thế giới làm xã hội thay đổi, thưởng thức nghệ thuật cũng khác. Để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của giới trẻ, nhạc sĩ Quốc Trung đã tổ chức liên hoan âm nhạc với cái tên Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa tại Hà Nội. Liên hoan góp mặt các nhóm nhạc trong nước có xu hướng gần hơn với các trào lưu trên thế giới, những tác phẩm dựa chất liệu dân gian, nhạc sĩ Quốc Trung còn mời nhóm nhạc nước ngoài và nghệ sĩ solo. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, những người yêu mến các ca sĩ thế giới lừng danh đã không chỉ được nghe còn tận mắt nhìn thấy các ca sĩ của nhóm Scorpions, Smokie, Boney M... trên sân khấu ở Hà Nội qua các kỳ liên hoan. Lại có đơn vị bỏ tiền mời nghệ sĩ Richard Clayderman độc tấu piano vô cùng điệu nghệ các bản nhạc quốc tế nổi tiếng. Gần đây Báo Nhân Dân đã phối hợp với một đơn vị đứng ra tổ chức đêm saxophone của nghệ sĩ Kenny G tài danh. Khán giả Hà Nội chật cứng khán phòng rộng lớn của Trung tâm hội nghị quốc gia đã thổi làn gió mới trong thưởng thức nghệ thuật của người dân Thủ đô.

Hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn tại cầu Thê Húc - Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong MV "Going home" (Ảnh: IB).

Hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn tại cầu Thê Húc - Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong MV "Going home" (Ảnh: IB).

Thập niên 80, sân khấu Hà Nội bùng nổ với nhiều vở diễn thu hút đông đảo công chúng như Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa của Lưu Quang Vũ, bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt cùng rất nhiều tác phẩm khác đã góp tiếng nói vào công cuộc đổi mới đất nước.

50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Hà Nội có nhiều đổi thay tất cả mọi mặt. Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, luật sửa đổi cho phép thành phố tự chủ, tự quyết, tự làm nhiều hơn để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, “văn minh, văn hiến, hiện đại” xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam.

Nội dung: NGUYỄN NGỌC TIẾN
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Phi Nguyên