Một năm xung đột ở Ukraine và các cột mốc đáng chú ý

Chuyến tàu chở người tị nạn Ukraine đi sơ tán khỏi xung đột đến Medyka, Ba Lan, ngày 7/3/2022. (Ảnh: AP)

Chuyến tàu chở người tị nạn Ukraine đi sơ tán khỏi xung đột đến Medyka, Ba Lan, ngày 7/3/2022. (Ảnh: AP)

Rạng sáng ngày 24/2/2022, Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Một năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn bắt nguồn từ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngày 24/2/2022: Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - chiến dịch quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Các lực lượng Nga tiến quân vào Ukraine theo 3 hướng - qua ngả Belarus ở phía bắc, Donbas ở phía đông và từ Crimea ở phía nam.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thiết quân luật và chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Mỹ và Liên minh châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực chủ chốt của Nga. Chứng khoán Nga và đồng ruble lao dốc.

Ngay sau khi Nga tiến vào Ukraine, giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 14/8/2014, đạt 103,78 USD/thùng.

Ngày 28/2/2022, Ukraine nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Người dân Kiev rời thủ đô sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ngày 24/2/2022. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 29/3/2022: Nga và Ukraine lần đầu đàm phán sau hơn 3 tuần chiến sự

Ngày 1/3/2022, các lực lượng Nga bắt đầu bao vây Mariupol, thành phố cảng quan trọng bên bờ Biển Azov. Đến ngày 4/3/2022, Nga giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Ngày 2/3/2022, EU loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và đình chỉ phát sóng các kênh truyền thông Nga Russia Today và Sputnik ở châu Âu.

Ngày 8/3/2022, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch nhằm giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022. Mỹ cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Số người tị nạn Ukraine rời đất nước đi sơ tán đã lên tới 2 triệu người.

Ngày 10/3/2022, các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov không đạt được tiến triển.

Moskva tuyên bố rút lực lượng khỏi Kiev và các khu vực khác vào ngày 29/3/2022 để tập trung vào khu vực Donbas ở phía đông. Cùng ngày, phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine gặp nhau tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa 2 bên sau hơn 3 tuần chiến sự.

Người tị nạn Ukraine di chuyển qua biên giới với Romania, ngày 2/3/2022. (Ảnh: Bloomberg)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu mở đầu cuộc đàm phán Nga-Ukraine tại Istanbul, ngày 29/3/2022. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ/Reuters)

Ngày 21/5/2022: Nga kiểm soát Mariupol

Ngày 8/4/2022, EU áp đặt đợt trừng phạt thứ năm đối với Nga, theo đó cấm nhập khẩu than đá từ Nga, cũng như cấm nhập khẩu gỗ, xi-măng, hải sản và phân bón của nước này. EU cũng cấm xuất khẩu sang Nga nhiên liệu máy bay cũng như các công nghệ và phần mềm khác. Cùng ngày, Ủy ban châu Âu kích hoạt quá trình công nhận tư cách thành viên EU của Ukraine.

Ngày 12/4/2022, Tổng thống Putin tuyên bố, các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine đang "đi vào ngõ cụt" và chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vẫn đang được tiến hành "theo kế hoạch".

Ngày 11/5/2022: Ukraine lần đầu tiên hạn chế khí đốt của Nga vận chuyển qua lãnh thổ của mình sang châu Âu, cắt giảm 1/4 lưu lượng khí đốt qua 1 trong 2 đường ống chính.

Ngày 18/5/2022, Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 21/5/2022, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn toàn kiểm soát Mariupol, sau khi sơ tán 1.908 người Ukraine tại nhà máy thép Azovstal.

Ngày 30/5/2022, Mỹ quyết định cung cấp các hệ thống tên lửa tiên tiến cho Ukraine, bao gồm tên lửa GMLRS và hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).

Người dân Donetsk tìm nơi trú ẩn trong đợt pháo kích từ phía lực lượng Ukraine. (Ảnh: Sputnik)

Quân nhân Ukraine trên xe buýt rời nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, ngày 20/5/2022. (Ảnh: AP)

Ngày 24/6/2022: EU cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine

Ngày 15/6/2022, Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương bắc 1 xuống còn 40% công suất.

Ngày 24/6/2022, EU chính thức cấp quy chế ứng cử viên gia nhập khối này cho Ukraine và Moldova.

Ngày 29/6/2022, NATO thông báo liên minh quân sự này chính thức khởi động quy trình phê chuẩn Thụy Điển và Phần Lan trở thành các thành viên mới nhất của khối.

Ngày 22/7/2022: Nga và Ukraine nhất trí giải phóng các kho ngũ cốc

Ngày 3/7/2022, quân đội Ukraine rút khỏi thành phố Lysychansk, "thành trì" đô thị cuối cùng dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine ở khu vực Luhansk, miền đông nước này.

Ngày 4/7/2023, Ukraine công bố kế hoạch tái thiết đất nước, trong đó nêu rõ nước này cần hơn 750 tỷ USD trong 10 năm tới để phục hồi sau xung đột.

Vào ngày 22/7/2022, Nga và Ukraine, với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, đã thống nhất về 1 thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine.

Tàu Despina V chở ngũ cốc từ Ukraine trong hải trình trên Biển Đen, ngoài khơi Kilyos, gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/11/2022. (Ảnh: Reuters)

Ngày 31/8/2022: Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu

Ngày 30/8/2022, Ukraine khởi động 1 cuộc phản công toàn diện, bắt đầu từ khu vực phía nam Kherson. Ukraine sau đó đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Kharkiv cùng thành phố Lyman thuộc Donetsk.

Nga dừng tất cả hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vào ngày 31/8/2022, với việc Tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga Gazprom viện lý do bảo trì đường ống Dòng chảy phương bắc 1.

Ngày 30/9/2022: 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine sáp nhập Liên bang Nga

Vào ngày 6/9/2022, quân đội Ukraine mở 1 cuộc phản công bất ngờ ở khu vực đông bắc Kharkiv.

Ngày 21/9/2022, Tổng thống Putin thông báo đã ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội, huy động thêm 300 nghìn quân.

Từ ngày 23 đến 27/9/2022, các cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Liên bang Nga được tiến hành ở Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Ngày 30/9/2022, Tổng thống Putin và những người đứng đầu các vùng lãnh thổ tại Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, đã ký các văn kiện về việc các khu vực này sáp nhập Liên bang Nga. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 1.000 cá nhân và thực thể Nga.

Thành viên của Lực lượng vũ trang Nga trong đợt động viên một phần quân đội, mùa thu 2022. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ ký các văn kiện 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sáp nhập Nga, tại Moskva ngày 30/9/2022. (Ảnh: Reuters)

Tháng 11/2022: Lạm phát châu Âu ở mức 2 con số

Vào ngày 9/11/2022, Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson trong đợt phản công của Ukraine.

Lạm phát ở châu Âu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức 2 con số, đạt 10% trong tháng 11/2022.

Các lực lượng Nga hỗ trợ người dân Kherson đi sơ tán về phía tả ​​ngạn sông Dnepr, trong bối cảnh thành phố hứng chịu các đợt pháo kích từ phía Ukraine, tháng 10/2022. (Ảnh: Sputnik)

Ngày 21/12/2022: Tổng thống Ukraine thăm Mỹ

Ngày 21/12/2022, Tổng thống Zelensky thăm Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi xung đột tại Ukaine nổ ra.

Tổng thống Ukraine đã gặp người đồng cấp Joe Biden để bàn thảo về khả năng Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot và các vũ khí khác cho Ukraine.

Washington đã công bố khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine. Ông Zelensky đồng thời cũng có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Ông Zelensky có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ở Washington, ngày 21/12/2022. (Ảnh: Bloomberg)

Tháng 1/2023: Mỹ và đồng minh đồng ý chuyển xe tăng cho Ukraine

Ngày 14/1/2023, Vương quốc Anh tuyên bố sẽ gửi xe tăng chiến đấu Challenger 2 tới Ukraine, trở thành thành viên NATO đầu tiên đồng ý cung cấp vũ khí bọc thép hiện đại nhất của khối này cho Ukraine.

Ngày 25/1/2023, Mỹ thông báo sẽ gửi cho Kiev 31 xe tăng chiến đấu M1 Abrams, trong khi đó Đức cũng lần đầu tiên tuyên bố sẽ cung cấp một số xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Tháng 2/2023: Ukraine nhận thêm viện trợ

Ngày 8/2/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố, Vương quốc Anh đang xem xét gửi tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu cho Ukraine, đồng thời cũng sẽ đào tạo phi công Ukraine. Phát biểu của ông Sunak được đưa ra khi Tổng thống Zelensky có chuyến thăm bất ngờ tới London trước khi gặp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ).

Ngày 20/2/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, chuyến thăm đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống, và gặp người đồng cấp Zelensky. Trong bài phát biểu chung với Tổng thống Ukraine, ông Biden đã công bố khoản hỗ trợ bổ sung 500 triệu USD của Mỹ cho quốc gia Đông Âu.

Ngày 21/2/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), với lý do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham gia “xung đột quân sự trực tiếp” chống Nga.

Ngày xuất bản: 24/2/2023
Nội dung và trình bày: Trung Hưng
Nguồn: New York Times, Bloomberg, AP, Reuters, Euronews