MỘT QUẢNG TRƯỜNG
LỊCH SỬ
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2021), xin được giới thiệu một số hình ảnh lịch sử, ghi lại các sự kiện sôi động trong những năm tháng độc lập đầu tiên (1945-1946), gắn với Quảng trường Nhà hát Lớn mà ngày nay mang tên "Quảng trường Cách mạng Tháng Tám".
Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội được xây dựng và khánh thành vào năm 1911 ở đầu một con phố thương mại sầm uất nhất. Nhà hát Lớn chủ yếu là không gian để thỏa mãn nhu cầu dịch vụ thương mại và văn hóa.
Hà Nội khi đó chỉ có hai quảng trường, một nằm trong khu thành cổ gắn với Dinh Toàn quyền là trung tâm chính trị của Đông Dương. Quảng trường này ban đầu mang tên cố đạo Puginier, thời Chính phủ Trần Trọng Kim (4/1945) đổi thành Ba Đình. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn địa điểm này để tổ chức Ngày Độc lập 2/9/1945.
Lý do chọn không chỉ vì diện tích lớn đủ sức chứa đông người mà còn vì địa điểm này nằm trong không gian của người Âu và khách quốc tế sinh sống (khu phố Tây), đáp ứng được nhu cầu tuyên truyền ra thế giới sự kiện nước Việt Nam độc lập.
Quảng trường thứ hai nằm trước cửa Nhà hát Lớn, mở đầu con đường trục từ khu nhượng địa Đồn Thủy đi sâu vào thành phố Hà Nội và nằm trong các khu công sở hành chính của Bắc Kỳ (tòa Thống sứ) và Hà Nội (tòa Thị chính) cùng các cơ sở dịch vụ cho người Âu.
Quảng trường này là một phần của Nhà hát Lớn, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật theo phong cách (và chủ yếu) phục vụ người Âu hoặc giới nói tiếng Pháp (francophonie).
Đôi khi một số lực lượng văn hóa của người Việt cũng tìm cách khai thác nhà hát này để thử nghiệm những hoạt động văn hóa "tân thời" như diễn kịch nói, tân nhạc... nhưng chỉ rất hãn hữu.
Vào thời kỳ trước khởi nghĩa, nhất là khi Pháp đã thất thế trước Nhật, thì một số lực lượng văn hóa dân tộc và yêu nước (như Tổng hội sinh viên hay Hướng đạo sinh chịu ảnh hưởng của Việt Minh) đã sử dụng để tổ chức các sự kiện văn nghệ khích lệ lòng yêu nước.
Vì thế vào thời điểm thời cơ cách mạng đã chín muồi, khi Tổng hội công chức hô hào lực lượng của mình đến Quảng trường Nhà hát Lớn để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim (đã được Nhật “trao trả độc lập” vào ngày 17/8/1945), thì Việt Minh huy động lực lượng quần chúng có tổ chức biến thành cuộc khởi động cho Cách mạng Tháng Tám bùng nổ tại thành phố Hà Nội, nơi đã được Quốc dân Đại hội Tân Trào chọn làm Thủ đô của nước Việt Nam một khi độc lập.
Kể từ đó cho đến suốt cuộc vận động xây dựng và bảo vệ chế độ mới trong những năm tháng độc lập đầu tiên (9/1945-12/1946), Quảng trường và bên trong Nhà hát Lớn trở thành diễn trường sôi động nhất nước của nhiều sự kiện lớn và có ý nghĩa.
Và truyền thống đó tiếp tục được nối lại sau ngày Thủ đô được giải phóng (10/1954) và cho đến ngày nay…
Cho dù Hà Nội lớn rộng hơn và có nhiều không gian hiện đại hơn rất nhiều nhưng cụm Quảng trường - Nhà hát Lớn Hà Nội xứng đáng được coi là một không gian lịch sử không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.
Tại đây, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần xuất hiện, trở thành những ký ức lịch sử sâu sắc.
Số ảnh này nằm trong một album gồm hơn 200 bức ảnh do Nhà sử học Pháp Philippe Devillers tặng lại Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ (2010) sau một thời gian dài lưu lạc ở nước Pháp.
Ngày 25/9/1945 lần đầu tiên Ngày giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Nhà hát Lớn.
Ngày 30/9/1945, tại Nhà hát Lớn diễn ra lễ bán đấu giá tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp vào Tuần lễ Vàng. Đông đảo nhân dân đến chứng kiến.
Ngày 14/10/1945, Đài Kháng chiến được dựng trước Nhà hát Lớn để dân chúng đóng góp cho Quỹ Độc lập.
Trong Nhà hát Lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ xuất quân Đội tuyên truyền Xung phong với 500 đội viên sẵn sàng lên đường nhận mọi nhiệm vụ của nhà nước.
Ngày 5/11/1945, ngày Kháng chiến được tổ chức dưới khẩu hiệu Quyết giành Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì trong Nhà hát.
Lễ truy điệu đồng bào Nam Bộ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp tổ chức trong Nhà hát Lớn.
Ngày Kháng chiến cũng thu hút rất đông người dân Hà Nội đến Quảng trường Nhà hát Lớn hưởng ứng.
Ngày Cứu Đói cũng được xuất phát từ quảng trường Nhà hát Lớn.
Ngày 3/12/1945, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số triệu tập nhiều đại biểu từ mọi miền đất nước đến Nhà hát Lớn Hà Nội.
Ngày mùng 1 Tết Bính Tuất, dân chúng Hà nội đến Quảng trường Nhà hát Lớn để đón chào Chính phủ sẽ xuất hiện ở bao lơn chúc Tết.
Quốc hội khóa I được triệu tập tại Nhà hát Lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang giới thiệu thành viên Chính phủ.
Ngày 7/3/1946, cả một biển người tập hợp tại Quảng trường Nhà hát Lớn nghe Chính phủ giải thích việc ký Hiệp ước sơ bộ (6/3) và bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ.
Ngày 12/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong Lễ ra quân Chống nạn thất học tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn.
Tổ chức sản xuất: HỮU VIỆT - HỒNG MINH
Bài viết và ảnh tư liệu: Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Thiết kế: THU TRANG - PHAN THẠCH - PHAN ANH