Mùa vàng trong dịch bệnh

Bất chấp những trở ngại do đại dịch Covid gây ra, làm gián đoạn quá trình đến trường của học sinh, năm 2021 Việt Nam đã đạt được thành tích chưa từng có trong các cuộc thi Olympic quốc tế với 48 huy chương và 2 bằng khen.
Đã có những thế hệ người Việt “thông thiên văn”
Suốt những năm học phổ thông, Đỗ Hoàng Minh (Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam) đã đọc không dưới 20 lần cuốn sách Things to Make and Do in the Fourth Dimension của Matt Parker. Minh đọc đến thấu đáo các vấn đề toán và ứng dụng toán được viết trong sách đó mới thôi. Sau mỗi lần đọc lại lục tìm tài liệu và tự học các chuyên đề toán khác nhau có liên quan tới nội dung trong sách. Cứ như vậy cùng với nhu cầu phải có kiến thức toán đủ để hiểu về các lĩnh vực điện, điện tử, lập trình cho con robot nặng gần 60 kg, Đỗ Hoàng Minh đã vô tình lạc vào khu rừng của toán cao cấp và hiểu được những ứng dụng của những kiến thức này trong việc lập trình robot đủ để đạt yêu cầu của đấu trường FRC, đấu trường thi đấu robotics khó nhất dành cho học sinh phổ thông toàn thế giới. Học có phương pháp đã giúp Đỗ Hoàng Minh trở thành thành viên có tổng điểm cá nhân cao nhất đội tuyển và mang về 1 trong 2 tấm HCĐ đầu tiên cho Việt Nam ở đấu trường Olympic Kinh tế học quốc tế IEO đầy thử thách mới lạ trong năm 2021.
Cả một năm dài vật lộn với Covid-19, nhưng 7 đoàn dự thi Olympic quốc tế do Bộ GD và ĐT cử đi với 37 lượt học sinh đã mang về tổng số 35 huy chương và 2 bằng khen ở các môn Toán học, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Tin học và 2 cuộc thi Olympic khu vực Châu Á-Thái Bình Dương các môn Tin học và Vật lý. Ngoài các cuộc thi do Bộ GD và ĐT tuyển chọn, huấn luyện đội tuyển quốc gia nêu trên, 13 huy chương thế giới ở các cuộc thi Olympic quốc tế của các môn học và lĩnh vực hầu như chưa có trong nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay như Olympic Vật lý Thiên văn quốc tế IOAA (2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ), Olympic Khoa học Trẻ quốc tế IJSO (4 HCV, 2 HCB) và Olympic Kinh tế học quốc tế IEO (2 HCĐ mặc dù lần đầu tiên tham dự). Như vậy có thể nói Việt Nam có tới 18 HCV, 16 HCB, 14 HCĐ và 2 bằng khen, lần đầu tiên tổng số HCV lại nhiều hơn các loại huy chương khác.

Câu lạc bộ robot Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Câu lạc bộ robot Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Cũng trong năm 2021 vừa qua, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đã đạt được kỷ lục vô cùng ấn tượng với tổng số 20 huy chương Olympic quốc tế các loại, chiếm tới 40% tổng số huy chương và bằng khen của cả nước. Nếu chỉ xét theo tiêu chí tổng số huy chương Olympic quốc tế do học sinh giành được trong một năm của một trường học thì Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam năm 2021 có thể thuộc vào loại đầu bảng thế giới. Thiên văn từ xa xưa luôn được coi là phần không thể thiếu trong đào tạo trí thức và lãnh đạo với quan niệm thông thiên văn, thế nhưng mảng kiến thức này bị xem nhẹ và gần như mờ nhạt trong giáo dục phổ thông lẫn cả đại học. Ở một vài nơi hiện có câu lạc bộ thiên văn do những người đam mê thành lập nhưng số lượng ít ỏi. Trong các trường phổ thông dường như chỉ có câu lạc bộ Thiên văn của THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam là được đầu tư phòng lab riêng bao gồm cả các loại kính thiên văn dù đây không phải môn học chính khóa. Ngay cả đa số những học sinh giỏi cũng bị thiếu cả môi trường chính khóa lẫn ngoại khóa để học Thiên văn. Đây là điều đáng báo động bởi ngày nay các nước đều chú ý tới việc dành ưu thế về kinh tế, chính trị, quốc phòng trên vũ trụ, nơi không có vé vào cửa cho những ai bị mù kiến thức về thiên văn. Bởi vậy giải thưởng Vật lý Thiên văn quốc tế của học sinh Việt Nam hứa hẹn là cú hích thích đáng để tạo bệ phóng cho việc phổ cập các kiến thức về thiên văn học tới đại đa số học sinh phổ thông và hình thành sân chơi toàn quốc cho các học sinh giỏi Vật lý Thiên văn. Đòi hỏi của thời đại, trí thức tinh hoa có tâm và có tầm cần thiết phải thông thiên văn.
Trong kỳ nghỉ hè 2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) đã cho thử nghiệm học và thi tuyển chọn đội tuyển quốc gia của học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic Kinh tế học quốc tế IEO 2021. Sau 3 vòng học và thi tuyển bằng tiếng Anh trong cả tháng 6 năm 2021, ban huấn luyện đã chọn được 5 thí sinh xuất sắc nhất từ 1.000 học sinh trên cả nước để lập đội tuyển IEO đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người có kinh nghiệm nhiều năm đào tạo học sinh Olympic Toán quốc tế, đội tuyển quốc gia IEO 2021 của Việt Nam đã xuất sắc đạt kết quả ngoài mong đợi với 2 HCĐ cá nhân, xếp hạng 25/44 toàn đoàn. Olympic Kinh tế học quốc tế IEO là cuộc thi rất khó ở phần kiến thức Kinh tế học và Toán kinh tế bởi vì cuộc thi IEO được tổ chức từ năm 2018 theo sáng kiến của Eric Maskin, giáo sư toán và kinh tế học của Đại học Harvard (Mỹ), người từng được nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2007. Tuy nhiên thực tế là, đa số học sinh phổ thông của nhiều cường quốc khi tham gia IEO 2021 đều được học các kiến thức về kinh tế, tài chính và kinh doanh rất bài bản trong chương trình giáo dục phổ thông, những tri thức nền vô cùng cần thiết cho cuộc sống và giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp lúc còn trẻ.

Lần đầu tiên tất cả thành viên đội tuyển Olympic quốc gia Vật lý thiên văn của Việt Nam tham dự kỳ thi quốc tế đều đoạt giải.
Lần đầu tiên tất cả thành viên đội tuyển Olympic quốc gia Vật lý thiên văn của Việt Nam tham dự kỳ thi quốc tế đều đoạt giải.
Các câu hỏi còn bỏ ngỏ?
Tháng 5/2021 vừa qua, dự án Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần của 2 học sinh Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An Trường THPT Hàn Thuyên (tỉnh Bắc Ninh) đã giành Giải ba ở Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế - REGENERON ISEF 2021, cuộc thi STEM lớn nhất của học sinh phổ thông thế giới. Đây là một thành tựu không có gì bất ngờ với các chuyên gia về giáo dục STEM vì mặc dù không có điều kiện như các trường chuyên nhưng từ lâu THPT Hàn Thuyên đã luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động STEM theo định hướng công nghệ cao, trong đó có khoa học máy tính và robotics. Cũng nói thêm là ở cuộc thi REGENERON ISEF 2021 còn có 4 học sinh của hai tỉnh Lào Cai và Thừa Thiên Huế giành được các giải đặc biệt do các hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến STEM trao tặng, một kết quả xứng đáng cho hai địa phương luôn dành cho giáo dục STEM sự quan tâm đặc biệt. Cũng năm 2021, dù thi đấu online do dịch bệnh nhưng đội tuyển câu lạc bộ robot GART 6520 của Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đã xuất sắc giành được giải thưởng Thiết kế kỹ thuật ở cuộc thi FRC 2021, một cuộc thi được cho là trong nhóm khó nhất của học sinh phổ thông thế giới trong lĩnh vực robotics. Thành công này lại cho thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm để các trường THPT có được những câu lạc bộ robot đáp ứng được yêu cầu của hệ thống FRC toàn cầu, vì hiện nay cả nước chỉ có mỗi câu lạc bộ robot GART 6520 của Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam làm được điều này từ cách đây 6 năm.
Thành tích là một tin vui nhưng cũng là cơ sở để suy ngẫm về những vấn đề đang còn thiếu và yếu so với thế giới, những khoảng trống tri thức cần phải được vá lấp trong thời gian tới ở các trường phổ thông và các trường THPT chuyên trên cả nước.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Long Minh-Đỗ Hoàng Sơn-Minh Long-Misol
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hoàng Sơn, internet