Mười lăm năm trưởng thành của ngành quân y

Bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 23/12/1959

Trước ngày Cách mạng Tháng Tám, số lượng Giải phóng quân của ta ở các khu căn cứ địa còn ít, hoàn cảnh kinh tế lại rất nhiều khó khăn nên mỗi lần chiến sĩ ta ốm đau, hoặc bị thương, ta thường dựa vào kinh nghiệm đồng bào địa phương tìm các thứ thuốc lá, rễ cây để chữa. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã kể lại trong quyển Quân Giải phóng như sau: “Mỗi tiểu đội đều chọn lấy một đồng chí “thầy thuốc” trong hàng ngũ mình. Đồng chí ấy chuyên trách thu nhặt các thứ thuốc “ngoại khoa”. Nước Mã liên an đã giúp cho nhiều anh em đỡ cơn sốt rét rừng, có thứ lá đã giúp trị các vết thương nặng nhẹ và hút đạn ra khỏi vết thương; cho đến bệnh lỵ, bệnh sâu quảng… tất cả đều nhờ vào thuốc lá cây và rễ cây”. Các đồng chí Giải phóng quân cũng rất chú ý đến công tác phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh. Các điều kỷ luật vệ sinh như: cấm ăn quả xanh, uống nước lã, hành quân mệt nhọc phải nghỉ ngơi đã rồi mới tắm, cấm gối đất nằm sương, v.v... đã được đặt ra và chấp hành đầy đủ. Nhờ đó tỷ lệ ốm không quá 5–7%.

Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương

Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương

Quân y viện dã chiến mặt trận Đường 9 - Nam Lào (1971).

Quân y viện dã chiến mặt trận Đường 9 - Nam Lào (1971).

Nửa tháng sau ngày lịch sử 2/9/1945, tổ chức Quân y được gọi là Ban Y tế Vệ quốc đoàn mới được thành lập và từ đó đến nay, ăn nhịp với đã trưởng thành nhanh chóng của quân đội, ngành Quân y đã lớn lên không ngừng. Trong thời kỳ kháng chiến, do quy mô tác chiến ngày càng tập trung, các chiến dịch mở ra liên tiếp, nên số thương binh cũng ngày càng nhiều. Nhiệm vụ chủ yếu của ngành Quân y là phải góp phần bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và nhanh chóng trả lại sức khỏe và sức chiến đấu cho thương binh các mặt trận. Ngoài ra, còn phối hợp với cơ quan y tế nhân dân săn sóc, cứu chữa một số lớn dân công tham gia các trận chiến đấu và các chiến dịch. Cũng cần thêm rằng, theo chính sách khoan hồng và nhân đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, chúng ta còn cứu chữa và săn sóc sức khỏe cho hàng vạn tù binh.

Trong hoàn cảnh gay go, ác liệt, thiếu thốn mọi mặt của cuộc kháng chiến, nhờ sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân vùng tự do cũng như vùng địch chiếm và sự giúp đỡ của các cơ quan y tế nhân dân, nhờ biết phát huy truyền thống anh dũng chiến đấu, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, tự lực cánh sinh, mặt khác, nhờ biết áp dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm của Giải phóng quân Trung Quốc, nhất là từ sau Chiến dịch Biên giới, nên ngành Quân y đã thu được những thành tích vẻ vang: biết áp dụng phương châm phòng bệnh là chính nên đã hạn chế được rất nhiều tỷ lệ phát bệnh trong bộ đội. Trong khi chữa cho những thương binh, không những dùng phương pháp Tây y, mà còn biết kết hợp dùng thuốc bắc, thuốc nam, mang lại nhiều kết quả, nhất là ở chiến trường Nam Bộ. Về mặt cung cấp thuốc men, đã biết tự lực cánh sinh, tận dụng các nguyên liệu trong nước để sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị và phòng bệnh. Ngoài số anh em trí thức trước cách mạng, chúng ta đã đào tạo hàng nghìn cứu thương, y tá và các nhân viên kỹ thuật khác rồi từ đó bồi dưỡng lên thành hàng trăm cán bộ trung cấp. Những thành tích trên đây đã giúp cho ngành Quân y hoàn thành nhiệm vụ phục vụ quân đội và đóng góp phần công lao xứng đáng của mình vào sự thành công của cuộc kháng chiến.

Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn giới thiệu với Bác Hồ về những sáng kiến của ngành quân y tại triển lãm quân y năm 1956 . 

Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn giới thiệu với Bác Hồ về những sáng kiến của ngành quân y tại triển lãm quân y năm 1956 . 

Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã tạo ra cho ngành Quân y những thuận lợi căn bản để hoàn thành nhiệm vụ như: một bộ phận quân đội chuyển quân khỏi vùng sốt rét, điều kiện tinh thần, vật chất được cải thiện nhiều... nhưng mặt khác, sau khi hòa bình lập lại, ngành Quân y cũng gặp những khó khăn mới: Số thương binh sau chiến tranh chưa giải quyết xong, bệnh mãn tính và chuyên khoa trong bộ đội còn nhiều do hoàn cảnh kháng chiến không thuận lợi để phát hiện và giải quyết một cách đầy đủ. Cán bộ còn thiếu nhiều, thiết bị lại sơ sài…

Trước tình hình như vậy, nhiệm vụ của Đảng đề ra cho ngành Quân y là phải hoàn thành mọi nhiệm vụ do quân đội giao cho; đồng thời phải xây dựng bản thân ngành lớn, mạnh theo kịp với yêu cầu của quân đội tiến lên chính quy và hiện đại.

Nhìn lại sau năm năm xây dựng theo phương châm y học dự phòng, cần kiệm xây dựng ngành, ngành Quân y đã có những tiến bộ rõ rệt và có những thành tích đáng kể để chào mừng 15 năm Ngày thành lập Quân đội ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Quân y đã góp phần bảo đảm số người khỏe tăng lên từ 12 đến 15%. Các bệnh tật đã được phát hiện và có biện pháp điều trị, dự phòng ngày càng tốt. Tỷ lệ bệnh tật trong bộ đội đã giảm đi rõ rệt. Lấy riêng bệnh sốt rét là bệnh phổ biến nhất trong bộ đội ta làm thí dụ, thì tỷ lệ chín tháng đầu năm 1959 đã giảm đi 16 lần so với năm 1955. Đến nay, chúng ta đã có những điều kiện căn bản đề đặt ra vấn đề tiêu diệt và hạn chế một số bệnh chủ yếu làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe quân đội ta như: sốt rét, đậu mùa, thương hàn, sởi, quai bị, đi lỏng... Đây là một việc có ý nghĩa to lớn trong điều kiện quân đội của một nước mà hoàn cảnh kinh tế như nước ta hiện nay. Về mặt phòng bệnh, khẩu hiệu “Tích cực phấn đấu làm cho cách sống bộ đội ngày càng khoa học, vệ sinh” đã được các Đảng ủy hết sức chú ý và bộ đội tích cực tham gia nên đã có những kết quả bước đầu, nhiều đơn vị đã tích cực thực hiện bốn tốt: ăn tốt, ngủ tốt, ở tốt, vệ sinh cá nhân tốt; bốn diệt: diệt ruồi, muỗi, rệp, chuột, và có nơi đã căn bản tiêu diệt được những loài truyền bệnh đó. Bất kỳ ở nhà dân hay ở doanh trại, ở đồng bằng hay ở biên phòng, hải đảo, lúc ở đơn vị hay diễn tập ngoài trời, nhiều đơn vị đã đạt được thành tích phòng bệnh cao.

Bản thân ngành Quân y sau năm năm xây dựng cũng đã lớn mạnh lên rõ rệt. Hồi kháng chiến, các bệnh viện, đội điều trị của ta tuy có nhiều thành tích nhưng vì thiếu thốn mọi mặt nên chỉ giải quyết được các vết thương chiến tranh, còn các vấn đề khác như các bệnh chuyên khoa, mãn tính thì chưa làm được mấy. Ngày nay, các đơn vị đó đã được tăng cường rất nhiều về mọi mặt, lại được sự giúp đỡ của các chuyên gia các nước anh em nên một số đã dần dần đi vào tổ chức các chuyên khoa hiện đại. Nhờ đó ngày chữa khỏi trung bình của một thương binh, bệnh binh ở bệnh viện đã giảm xuống 32% so với năm 1955. Trong phong trào thi đua tiến nhanh vượt mức kế hoạch hiện nay, còn có thể giảm nữa. Có những trường hợp, nhờ sự lãnh đạo của chi bộ, nhờ phát huy trí tuệ của tập thể, chúng ta đã chữa được những bệnh rất hiểm nghèo.

Việc sản xuất và cung cấp thuốc men đã được cải tiến và có nhiều sáng kiến, do đó thuốc men cung cấp đã được tăng thêm về số lượng, và chất lượng nhiều loại thuốc không kém thuốc ngoại quốc. Trong mấy năm qua, nói chung, trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật của cán bộ Quân y đã được nâng cao rõ rệt; hằng năm, chúng ta đã đào tạo và bổ túc được hàng trăm cán bộ trung cấp, cao cấp và chuyên khoa. Không lâu nữa chúng ta sẽ có những cán bộ chuyên môn cao cấp do Quân y đào tạo, trong đó cán bộ xuất thân công nông sẽ chiếm một tỷ lệ xứng đáng. Từ năm 1956 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học mỗi ngày một đi vào nề nếp và mở rộng. Trong kế hoạch ba năm có nghiên cứu một số vấn đề quan trọng và Y học quân sự là những vấn đề mới mẻ đối với chúng ta.

Những thành tích trên đây nói lên sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ của quân đội đối với ngành Quân y, đồng thời cũng nói lên sự cố gắng của tất cả cán bộ Quân y đã phát huy truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, tự lực cánh sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao cho.

Trong quá trình trưởng thành như vậy, ngành Quân y đã phải đấu tranh với những tư tưởng và quan điểm y học tư sản còn biểu hiện một cách khá phổ biến trong hàng ngũ cán bộ Quân y nhất là trong cán bộ chuyên môn có bằng cấp cao. Trong cuộc đấu tranh đó, những tư tưởng, quan điểm y học tư sản như : “Chuyên trước, đỏ sau”, “chuyên môn giỏi tức chính trị cao”, “kỹ thuật là vốn quý nhất” đã bị vạch ra là những quan điểm hết sức sai lầm. Trong công tác và học tập, thái độ khoanh tay tuyệt vọng trước những bệnh mãn tính khó chữa, yếu bệnh hơn yêu người bệnh, học tập theo sở thích riêng, chạy đua hùn vốn kỹ thuật, thiếu trách nhiệm để xảy ra nhầm lẫn thuốc men, lãng phí của cải, v.v... cũng đã được phê phán một cách nghiêm khắc.

Các bác sĩ quân y Việt Nam thực hành nội dung thi chuyên môn.

Các bác sĩ quân y Việt Nam thực hành nội dung thi chuyên môn.

Cho đến nay, qua quá trình đấu tranh gay go trong một thời gian dài, qua các lần chỉnh huấn và kiện toàn chi bộ, nhờ sự kiên trì giáo dục của Đảng, cộng với quyết tâm tự cải tạo bản thân nên nói chung cán bộ Quân Y đã tiến bộ nhiều về mặt quan điểm lập trường của giai cấp vô sản. Tuy vậy, tư tưởng tư sản trong y học vốn có nguồn gốc từ lâu trong nhiều cán bộ Quân y chưa phải đã hoàn toàn bị đánh bại. Nó vẫn còn là một trong những nguyên nhân cản trở sự tiến bộ của Quân y hiện nay; một số ít cán bộ vẫn chưa hoàn toàn xác định được các vấn đề: Y học là của ai? Phục vụ ai? Do ai lãnh đạo? Do ai làm? Ai là cốt cán? Theo phương châm nào? Bởi vậy trong công tác có lúc chưa đề cao được quan điểm yêu thương thương binh, bệnh binh, chưa thật phấn khởi khi được bố trí công tác không hợp với sở thích kỹ thuật cá nhân, chưa tin vào khả năng sáng tạo của quần chúng, một số đồng chí còn chưa thật nhận rõ vai trò của chi bộ lãnh đạo kỹ thuật.

“Thoát khỏi ngục tù” là bức ảnh đầu tiên trong chùm ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” của nhà báo Chu Chí Thành.

“Thoát khỏi ngục tù” là bức ảnh đầu tiên trong chùm ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” của nhà báo Chu Chí Thành.

Cua chữ A – một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP. 

Cua chữ A – một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP. 

Các nữ sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 lên đường làm nhiệm vụ.

Các nữ sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 lên đường làm nhiệm vụ.

Đoàn công tác của phái bộ UNMISS bày tỏ tin tưởng vào năng lực chuyên môn của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6.

Đoàn công tác của phái bộ UNMISS bày tỏ tin tưởng vào năng lực chuyên môn của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6.

Do những khuyết điểm trên, phương hướng nỗ lực của ngành Quân y trong thời gian tới là phải coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, trên cơ sở đó mau chóng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật để xây dựng một ngành Quân y cách mạng, tiến tới chính quy, hiện đại.

Cũng như quá trình trưởng thành của quân đội, 15 năm xây dựng ngành Quân y là một quá trình phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn để luôn luôn đáp ứng được đòi hỏi của quân đội ta.

Quá trình đó cũng là một quá trình phấn đấu chống tư tưởng chuyên môn đơn thuần, làm cho cán bộ Quân y ngày càng xác định được rằng tuy Quân y là một ngành kỹ thuật nhưng vẫn phải luôn luôn lấy chính trị làm gốc, tư tưởng dẫn đầu, và không lúc nào được xa rời sự lãnh đạo của Đảng.

Thực tế 15 năm qua cũng là một quá trình xây dựng đoàn kết nội bộ, cùng nhau khắc phục khó khăn chịu đựng gian khổ, tự lực cánh sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ do cách mạng giao cho.

15 năm qua cũng là một quá trình phấn đấu xây dựng một nền y học cách mạng lấy dự phòng làm chính.

Những điểm trên đây cũng chính là những truyền thống vẻ vang của ngành Quân y Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những truyền thống đó ngày càng được giữ vững và phát triển không ngừng, cho nên mặc dù nhiệm vụ phục vụ quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại ngày càng nặng, chúng ta tin tưởng rằng ngành Quân y sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp.

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: Bác sĩ VŨ VĂN CẨN, Cục trưởng Cục Quân y
Trình bày: PHI NGUYEN
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, Báo QĐND