Chị Thúy Anh được biết đến là một người sưu tập tranh của các họa sĩ đương đại với nhiều bộ sưu tập giá trị, đồng thời cũng là người khởi xướng nhiều dự án văn hóa và giáo dục có ý nghĩa.
Nhiều năm qua, chị đã tổ chức trưng bày các bộ sưu tập của mình để lan tỏa tình yêu cái đẹp đến công chúng. Qua đó, chị cũng âm thầm gieo cái đẹp trong cộng đồng, kết nối cùng chung tay bảo vệ văn hóa, giữ gìn thiên nhiên, lan tỏa thông điệp sống xanh và bền vững.
Phóng viên: Thưa chị Thúy Anh, được biết, ngày 27/12 tới, sự kiện “Việt Nam Đẹp Xanh” do Quỹ Hợp tác và Phát triển C&D mà chị với vai trò là Chủ tịch Quỹ phối hợp cùng NXB Hội Nhà văn tổ chức, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, chuyên gia nổi tiếng, đồng thời có các em học sinh, thanh niên từ 150 trường học, các bí thư Đoàn thanh niên của các phường, khu phố của Hà Nội, các trường đại học tới dự. Mục đích của sự kiện này là gì vậy ạ?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Câu chuyện này cũng khá dài, nhưng có thể nói tóm gọn lại, đây là dự án tâm huyết mà tôi đã ấp ủ từ rất lâu. Ban đầu, từ những triển lãm nhỏ trong giới nghệ sĩ, chúng tôi cùng nhau chiêm ngưỡng những bức tranh đẹp, tọa đàm, bàn luận, trao đổi về những quan điểm sáng tạo, về mỹ thuật, văn học, âm nhạc, nhằm chia sẻ những kiến thức cũng như cùng nhau bảo vệ những giá trị của văn hóa, nghệ thuật, của cái đẹp. Dần dần, tôi muốn lan tỏa những tri thức, lối sống đẹp ấy ra cộng đồng lớn hơn, là công chúng trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.
Qua thực tế làm việc và dịch chuyển, tiếp xúc với nhiều cộng đồng, nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi hiểu, điều gì ở Việt Nam chúng ta đang cần cải thiện. Ngoài việc gieo cái đẹp trong nghệ thuật, tôi muốn mở rộng sự lan tỏa đó sang lĩnh vực giáo dục và văn hóa cộng đồng. Vì thế tôi khởi xướng ý tưởng tủ sách Hỗ trợ phát triển văn hóa cộng đồng. Chẳng phải cái gì đâu xa, chỉ là xuất bản những cuốn sách mang tính chất “cẩm nang” để cho các em nhỏ làm quen, hiểu biết những nguyên tắc và kỹ năng cơ bản rồi sau đó sẽ là những tác phẩm đi xa hơn.
Cuốn đầu tiên, tôi lên ý tưởng và đặt hàng nhà văn Di Li viết có tên “Chuyện thường ngày của Bi và Be”, với những bức hình minh họa hấp dẫn của họa sĩ Kim Duẩn. Cuốn sách tập hợp 36 kỹ năng sống dành cho học sinh tiểu học và trung học, truyền tải những bài học gần gũi, nhẹ nhàng mà sâu sắc thông qua những câu chuyện hài hước của cặp chị em sinh đôi Bi và Be.
Tôi muốn kết nối cộng đồng cùng chung tay giữ gìn thiên nhiên, lan tỏa thông điệp sống xanh và bền vững.
Ngày 27/12, trong khuôn khổ chương trình “Việt Nam Đẹp Xanh” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, NXB Hội Nhà văn cũng công bố ra mắt cuốn sách và trao tặng hơn 100 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Đây không chỉ là một món quà tri thức mà còn là hạt mầm nuôi dưỡng tình yêu cái đẹp, ý thức sống tử tế và trách nhiệm với môi trường cho thế hệ trẻ. Bởi bảo vệ môi trường cũng là một cách kiến tạo cái đẹp.Tôi muốn kết nối cộng đồng cùng chung tay giữ gìn thiên nhiên, lan tỏa thông điệp sống xanh và bền vững. Nếu xã hội sạch và đẹp, lòng tử tế sẽ tự nhiên nảy nở. Đó là mục đích của dự án.
Phóng viên: Cũng được biết, chị đã mời đến sự kiện nhiều gương mặt nghệ sĩ, chuyên gia nổi tiếng, mong muốn của chị là gì khi mời họ đồng hành?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Lâu nay, tôi vẫn luôn nhận được sự đồng hành của các nghệ sĩ, nhà văn… trong những sự kiện ở phạm vi nhỏ hơn, như các cuộc triển lãm, tọa đàm mà chúng tôi tổ chức phi lợi nhuận. Họ là những người có kiến thức chuyên môn rất cao, đồng thời cũng là người có ảnh hưởng tới công chúng. Vì thế, sự đồng hành của họ trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa, lan tỏa nhận thức về cái Đẹp - theo tôi là rất hiệu quả và ý nghĩa.
Đồng thời, đây là cơ hội để cộng đồng nhận được sự ủng hộ giá trị tinh thần cao từ những tấm lòng của những “ngôi sao, người nổi tiếng”. Lần này, cho phép tôi chưa “bật mí” gì nhiều, nhưng chắc chắn là sẽ hấp dẫn và thú vị.
Phóng viên: “Việt Nam Đẹp Xanh” cũng là một việc làm rất cấp thiết để đạt tới những mục tiêu cụ thể trong Kỷ nguyên mới của chúng ta. Chắc chắn là dự án này phải được thực hiện bền bỉ, bài bản để có hiệu quả lâu dài?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Việt Nam chúng ta có sức lao động tốt, dân số trẻ nhưng môi trường sống quá ô nhiễm. Vấn đề này không chỉ một mình nhà nước làm như mong muốn được mà phải có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Nếu mỗi cá nhân không bắt đầu thì cả hệ thống cũng sẽ rất khó vận hành. Tôi mong muốn được hỗ trợ cộng đồng, bất kể là ai, khi có ý thức tham gia vào quá trình đó một cách chủ động hơn. Hiện nay, qua nhận định từ nhiều đánh giá chuyên môn và truyền thông, về cơ bản thì ý thức của cộng đồng chưa được xây dựng đầy đủ.
Mỗi người cùng chung tay, chắc chắn xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Còn xét theo góc độ về xây dựng tư duy của cộng đồng thì gần như chưa rõ lắm. Vì thế nên bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục qua văn hóa, qua việc lan tỏa cái đẹp, bắt đầu từ cộng đồng nhỏ để hướng tới một Việt Nam Xanh và Đẹp hơn, là một định hướng chiến lược rất thân thiện và hiệu quả (như cách tôi đã tư vấn cho rất nhiều dự án cộng đồng 20 năm qua). Mà theo tôi, muốn Xanh và Đẹp thì trước hết phải Sạch đã. Sạch phố phường, sạch nhà, sạch môi trường, sạch cả trong tư duy vì cộng đồng… Mỗi người cùng chung tay, chắc chắn xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Phóng viên: Vâng, rất tâm đắc với quan điểm của chị về việc “muốn Đẹp và Xanh trước hết phải Sạch”. Ở một chiều ngược lại, được biết từ lâu chị đã quan tâm sâu sắc đến cái đẹp, bằng việc sưu tập và sở hữu rất nhiều tranh của các họa sĩ đương đại. Chị có thể chia sẻ vì sao mà vốn là một doanh nhân, chuyên gia tư vấn chính sách và dự án phát triển, các dự án phi lợi nhuận, chị lại quan tâm đến hội họa?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Có lẽ, mối duyên đó của tôi đến từ rất lâu rồi, cách đây gần 20 năm khi tôi có cơ hội tiếp cận với đồng bào dân tộc trong các dự án xóa đói giảm nghèo ở vùng cao. Tôi tiếp xúc với văn hóa, vẻ đẹp phong tục tập quán, món ăn, sản phẩm của đồng bào và rất ấn tượng. Hơn nữa, tôi cũng lớn lên trong bầu không khí của cái đẹp, được tiếp xúc với hội họa, văn học, âm nhạc từ nhỏ nên nó cứ ngấm dần. Còn nói về việc sưu tập tranh, thì chính là trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, tôi muốn làm một cái gì đó để giảm bớt những u ám bức bối trong những ngày thực hiện lệnh giãn cách.
Năm 2021 tôi tham gia đấu giá tranh ủng hộ cộng đồng. Và ngay sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, tôi tổ chức triển lãm đầu tiên mang tên “Xuân Hồng” - một dự án nghệ thuật gửi đi thông điệp của mùa xuân, của sự tái sinh và niềm hy vọng. Thời điểm đó cả xã hội còn sợ hãi hoang mang vì đại dịch, mọi người vẫn bịt khẩu trang đến dự triển lãm. Nhưng nó đã khởi lên một niềm tin niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.
Chị PHẠM THÚY ANH
Chủ Tịch Quỹ Xã hội C&D Foundation
TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN:
- CỬ NHÂN LUẬT: Chuyên ngành Luật Kinh tế, Đại học Tổng hợp Kisinhop, Liên Xô cũ.
- THẠC SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH: Chuyên ngành MBA Quản trị Dịch Vụ Công, Đại học Birmingham, Anh Quốc. Học bổng năm đầu tiên của Chính phủ Anh dành cho Nam.
NGHỀ NGHIỆP:
- Giảng dạy:
- Luật Kinh tế và Quản Trị Kinh Doanh ở Học Viện Hành Chính Quốc gia.
- Các khoá tập huấn kỹ năng lãnh đạo Thỉnh giảng cho các chương trình Quốc tế.
- Các nghiên cứu trong lĩnh vực: chính sách, quản trị dịch công, phát triển nguồn nhân lực, giám sát đánh giá hiệu quả dự án 20 năm (2004- 2024).
- Tư vấn, cố vấn kỹ thuật thiết kế/quản lý/giám sát/ đánh giá các dự án Phát triển cho các dự án của Chính phủ và các Tổ chức UNDP, World Bank, Danida... từ 2024 đến nay.
- Quản lý Quỹ và kết nối hỗ trợ phát triển các lĩnh vực, khu vực trong Phát triển, Môi trường, Giáo dục, Văn hoá... từ năm 2009 đến nay.
ĐÓNG GÓP CHO CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI:
Thông qua công việc Nghiên cứu, cố vấn/ tư vấn các Dự án phát triển ở các lĩnh vực và công tác Quỹ, kết quả đầu ra và giá trị ảnh hưởng của các dự án/ nghiên cứu, các đầu công việc tham gia luôn hướng tới người hưởng lợi trọng tâm là cộng đồng và phát triển cộng đồng. Nâng cao nhận thức, sự tham gia và năng lực của cộng đồng trong các lĩnh vực.
Đặc biệt là từng bước giáo dục tư duy mới hiệu quả và bền vững cho đời sống và công việc của các cộng đồng. Phát huy các kết nối giữa các cộng đồng cho công cuộc xây dựng Xã hội thịnh vượng văn minh, theo xu hướng Tăng trưởng Xanh bền vững và ứng dụng chuyển đổi số.
Phóng viên: Từ bấy đến nay, chị đã tổ chức thành công một loạt các cuộc triển lãm – trưng bày tranh kết hợp tọa đàm, giúp mọi người hiểu hơn về cái đẹp. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, đời sống nghệ thuật Việt còn hiếm/ thiếu những người như chị. Còn chị, những việc làm này có ý nghĩa thế nào?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Đúng là những năm qua tôi đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày tranh, kết hợp mạn đàm, tọa đàm về đời sống mỹ thuật, mời các chuyên gia, những người yêu tranh đến nói chuyện, chia sẻ. Tôi hiểu, mỗi tác phẩm là một hành trình sáng tạo miệt mài của người nghệ sĩ đóng góp cho xã hội. Các bạn có nền tảng, đam mê và tình yêu nghệ thuật vô bờ bến, có sự pha trộn tinh tế giữa truyền thống và hiện đại. Và tác phẩm của các bạn cần được công chúng đón nhận để có thêm động lực sáng tạo.
Tôi ủng hộ các họa sĩ đương đại có những kết nối với truyền thống, với văn hóa cổ truyền.
Tôi ủng hộ các họa sĩ đương đại có những kết nối với truyền thống, với văn hóa cổ truyền. Vừa rồi tôi tổ chức tọa đàm về kết nối, đó là một vấn đề của văn hóa hiện nay, dù chúng ta phát triển, đổi mới nhưng vẫn kết nối chặt chẽ với truyền thống, văn hóa dân tộc.
“Việt Nam Đẹp Xanh”
- Thời gian: 18 giờ 30 phút ngày 27/12/2024;
- Địa điểm: Nhà hát Lớn TP Hà Nội.
- Nội dung: Phát động chiến dịch “Phố phường sạch xanh; Ra mắt bộ sách kỹ năng “An toàn & bảo vệ mầm xanh”; Giao lưu với các nhà văn, nghệ sĩ và chuyên gia có ảnh hưởng tích cực trong văn học, nghệ thuật, mỹ thuật.
- Đơn vị tổ chức: Quỹ Hợp tác và Phát triển C&D và Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Phóng viên: Được biết, chị hiện đang sở hữu gần 200 bức tranh nhưng lại không bán. Những lợi nhuận chị nhận được ở đây không phải tiền mà là những giá trị lớn hơn?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Đúng rồi, thí dụ như tôi có thể sẵn sàng tặng bức tranh giá trị cao cho một ai đó hiểu biết và có sự kết nối, lan tỏa những giá trị có ích cho xã hội. Vì tôi vốn là chuyên gia về dự án cộng đồng, nên có lẽ là tư duy của tôi vẫn hướng tới những giá trị hữu ích, lâu dài, chứ không phải là lợi nhuận, lợi ích trước mắt.
Đó là một hành trình dài, từ việc cho nhau con cá, cần câu, bây giờ phải mang lại thay đổi về nhận thức, về tư duy, bởi chỉ có thay đổi tư duy mới có thể thay đổi cuộc sống.
Phóng viên: Thế nhưng, để đi được đường dài bắt đầu từ việc thay đổi tư duy đến thay đổi hành vi, lối sống, tới những hành động lớn hơn, cần phải có tiềm lực về tài chính. Vậy chị có nguồn tài trợ nào hay là phải sử dụng những tích lũy cá nhân để đi con đường mình đã chọn?
Nhà sưu tập Thúy Anh: Tôi tự hào vì sinh ra trong một gia đình truyền thống về giáo dục ở Hà Nội. Bố tôi là nhà giáo Phạm Quốc Truyền, giáo viên dạy toán ở Trường THPT Việt Đức, Thăng Long, chuyên đào tạo học sinh giỏi cho thành phố. Mẹ tôi cũng là giáo viên cấp 3 Lê Quý Đôn. Ông bà làm giáo dục thuần túy. 10 năm trước, bố tôi cùng tôi thành lập quỹ “Hợp tác và Phát triển” mà nay bố đã giao cho tôi quản lý.
Cái tên “Quốc Truyền” của bố gửi gắm nhiều mong ước của ông nội tôi là bố có thể làm những điều tốt đẹp cho đất nước. Có lẽ, tôi đang gánh vác trách nhiệm đó của bố.
Tôi nghĩ, thông qua giáo dục, văn hóa, đặc biệt dành cho thanh thiếu niên sẽ là cơ sở để kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn - xã hội biết yêu cái Đẹp-biết sống Xanh và thụ hưởng cái đẹp là một xã hội Tử tế, Văn minh.
Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm chương trình đào tạo “Lãnh đạo trẻ” mà quỹ đã đồng hành cùng nhiều bạn trẻ xuất sắc ở các vùng miền khác nhau. Trong sự kiện 27/12 sẽ có một bạn thủ lĩnh trẻ thay mặt các thế hệ YLeader lên chia sẻ về hành trình sau 10 năm các bạn đã thay đổi và thành đạt như thế nào.
Tôi nghĩ, thông qua giáo dục, văn hóa, đặc biệt dành cho thanh thiếu niên sẽ là cơ sở để kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn - xã hội biết yêu cái Đẹp-biết sống Xanh và thụ hưởng cái đẹp là một xã hội Tử tế, Văn minh.
Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị. Chúc dự án và sự kiện sắp tới thành công và lan tỏa những việc hữu ích tới cộng đồng.
Ngày xuất bản: 24/12/2024
Thực hiện: MINH NHẬT
Trình bày: DIỆP ANH
Ảnh: Nhân vật cung cấp