Quyết tâm "mở cửa mạnh mẽ, hiệu quả hơn" của nước Mỹ

Bình minh tại New York. (Ảnh: Reuters)

Bình minh tại New York. (Ảnh: Reuters)

Chuyên đề “Chiến lược tái mở cửa, phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19” cung cấp góc nhìn đa chiều, bài học kinh nghiệm của những quốc gia có chỉ số phục hồi kinh tế khả quan trên thế giới, mặc dù nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.

Sau khi đạt mục tiêu 70% người trưởng thành tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, nước Mỹ đang trong quá trình mở cửa trở lại với chiến lược mũi nhọn như: mở cửa trường học an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận khoản vay ưu đãi...

Từ khi còn là ứng cử viên của đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2020, ông Joe Biden đã nêu quan điểm về kế hoạch mở cửa trở lại “mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”. Ông cho rằng phần lớn trong số hơn 20 triệu người Mỹ không có việc làm là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, mà nguyên nhân chính là sự thất bại của ông Donald Trump trong ứng phó với đại dịch.

Ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Do đó, ông Biden đã đưa ra chiến lược nhằm bảo vệ người lao động, khôi phục niềm tin tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bảo đảm người cao tuổi cũng là một phần của kế hoạch và giúp đỡ các bậc phụ huynh khi họ quay lại với công việc.

Kế hoạch của ông Biden hứa hẹn bảo đảm việc mở cửa trở lại diễn ra an toàn và mạnh mẽ, đồng thời tạo nền tảng cho một nền kinh tế có lợi cho người dân “xứ cờ hoa”. Ngoài các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch này còn nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng chương trình mua sắm an toàn hơn, khởi động lại các doanh nghiệp nhỏ, mở lại trường học và chương trình chăm sóc trẻ em.

Lộ trình thoát khỏi đại dịch

Nhằm đưa đất nước sớm thoát khỏi đại dịch và mở cửa trở lại, Tổng thống Joe Biden đang triển khai chiến lược quốc gia toàn diện gồm 6 mũi nhọn:

  • bảo đảm trường học mở cửa an toàn
  • phục hồi kinh tế
  • tiêm chủng cho người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19
  • tiếp tục bảo vệ người đã tiêm chủng
  • tăng cường xét nghiệm và yêu cầu đeo khẩu trang
  • chăm sóc người bệnh Covid-19

Bảo đảm và duy trì an toàn cho trường học

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden ngay từ ngày đầu nắm quyền là mở lại và duy trì hoạt động của trường học một cách an toàn. Trong bài phát biểu ngày 9/9, ông Biden cho rằng bảo vệ trẻ em và mở cửa trường học có thể là phần quan trọng nhất trong kế hoạch của ông.

Là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng của các cộng đồng, trường học cung cấp cho học sinh môi trường an toàn và khuyến khích học tập. Trường học là nơi làm việc của các giáo viên và nhiều nhân viên khác, đồng thời giúp các phụ huynh và người có trách nhiệm chăm sóc trẻ có thời gian làm việc. Trường học đóng cửa làm gián đoạn những hoạt động quan trọng đối với trẻ em, gây thêm áp lực về kinh tế và tâm lý cho các gia đình.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)

Chính quyền Mỹ đã có nhiều bước đi quan trọng để đưa trẻ em quay trở lại trường học. 130 tỷ USD trong Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP) được phân bổ để giúp các trường học mở cửa trở lại, thúc đẩy cơ hội học tập của học sinh, giải quyết những bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian đại dịch bùng phát, cũng như hỗ trợ đáp ứng nhu cầu về mặt xã hội, cảm xúc và sức khỏe tinh thần của học sinh và giáo viên.

Để giữ an toàn cho trường học, chính quyền Mỹ đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có yêu cầu toàn bộ nhân viên và học sinh đủ điều kiện phải tiêm vaccine ngừa Covid-19, ban hành quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, duy trì giãn cách xã hội, giữ cho phòng học thông thoáng và thường xuyên xét nghiệm sàng lọc cho học sinh và nhân viên của nhà trường. 

Vaccine được chứng minh là lá chắn tốt nhất bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của Covid-19. Các nghiên cứu mới đây của CDC cho thấy, tỷ lệ nhập viện do Covid-19 ở trẻ em tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cao hơn gần bốn lần so với tỷ lệ này ở các bang có nhiều người đã tiêm chủng.

Em Alessandro Roque (12 tuổi) được tiêm vaccine ngừa Covid-19, tại TP Los Angeles, bang California, ngày 23/8. (Ảnh: Reuters)

Em Alessandro Roque (12 tuổi) được tiêm vaccine ngừa Covid-19, tại TP Los Angeles, bang California, ngày 23/8. (Ảnh: Reuters)

Trong thời gian chờ đợi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đánh giá vaccine phù hợp với trẻ em dưới 12 tuổi, chính quyền Mỹ khuyến khích trẻ em chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên được chung sống với những người đã được tiêm chủng. Đến nay, hơn 90% giáo viên và nhân viên trường học đã được tiêm vaccine phòng bệnh.

Tháng 4/2021, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đã hỗ trợ 10 tỷ USD để làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các giáo viên, nhân viên và học sinh trong hệ thống trường học từ mẫu giáo cho đến lớp 12. CDC khuyến nghị việc xét nghiệm sàng lọc nên được áp dụng với những học sinh chưa được tiêm chủng đầy đủ khi tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức trung bình, đáng kể hoặc cao; cũng như với tất cả giáo viên và nhân viên chưa được tiêm chủng đầy đủ dù tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức độ nào.

Nhiều trường học thực hiện biện pháp như: yêu cầu toàn bộ nhân viên và học sinh đủ điều kiện phải tiêm chủng, đeo khẩu trang trong không gian kín, thường xuyên xét nghiệm sàng lọc cho học sinh và nhân viên của nhà trường... để bảo đảm mở cửa an toàn. (Nguồn: Reuters)

Nhiều trường học thực hiện biện pháp như: yêu cầu toàn bộ nhân viên và học sinh đủ điều kiện phải tiêm chủng, đeo khẩu trang trong không gian kín, thường xuyên xét nghiệm sàng lọc cho học sinh và nhân viên của nhà trường... để bảo đảm mở cửa an toàn. (Nguồn: Reuters)

Theo kế hoạch của ông Biden, cần có thêm các biện pháp nhằm bảo đảm tất cả các trường học đều kiên định thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch bệnh dựa trên cơ sở khoa học do CDC khuyến cáo. Nếu làm được như vậy, trường học vẫn có thể mở cửa để giảng dạy trực tiếp cho học sinh, trong khi tất cả học sinh, nhân viên nhà trường và gia đình của họ vẫn được an toàn và khỏe mạnh.

Khôi phục nền kinh tế hàng đầu thế giới

Theo thống kê của Nhà trắng, người Mỹ đang quay trở lại làm việc và người lao động, doanh nghiệp nhỏ đang chứng kiến những tín hiệu khả quan.

Kể từ khi ông Biden lên nắm quyền (tháng 1/2021) đến nay, Mỹ đã có thêm hơn 4 triệu việc làm, đánh dấu tốc độ tăng trưởng việc làm trong nước cao kỷ lục. Trong 3 tháng qua, trung bình mỗi tháng nước này có thêm 750.000 việc làm mới. Bất chấp những thách thức do biến thể Delta gây ra, nền kinh tế vẫn có thêm 235.000 việc làm trong tháng 8/2021. Tỷ lệ người không có việc làm giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm trước khi đại dịch chuẩn bị bùng phát.

Biển báo tuyển dụng nhân viên của một cửa hàng tại New York, ngày 6/8. (Ảnh: Reuters)

Biển báo tuyển dụng nhân viên của một cửa hàng tại New York, ngày 6/8. (Ảnh: Reuters)

Từ tháng 2/2021 đến nay, tỷ lệ yêu cầu chi trả bảo hiểm thất nghiệp tại Mỹ đã giảm hơn 50%. Có tới hơn 70% người Mỹ được phỏng vấn cho rằng lúc này là thời điểm thích hợp để tìm một công việc chất lượng, tăng so với tỷ lệ 30% cùng kỳ năm ngoái. Các hãng dự báo độc lập dự báo, trong năm nay Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Report Light
Infogram

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Kế hoạch phục hồi kinh tế của chính quyền Mỹ có trọng tâm là hạn chế thiệt hại và bảo đảm rằng biến thể Delta không thể phá hủy tiến trình này. Tổng thống Biden kỳ vọng chính sách xuyên suốt kế hoạch phục hồi sẽ ngăn chặn kịch bản nước Mỹ phải quay lại thực hiện các biện pháp phong tỏa và đóng cửa một lần nữa.

Nhà trắng khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế vì những doanh nghiệp này tạo ra khoảng 2/3 việc làm mới và tuyển dụng gần 50% lực lượng lao động tư nhân của nước Mỹ. Do đó, chính quyền sẽ có giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh các doanh nghiệp này phải gồng mình ứng phó làn sóng do biến thể Delta gây ra.

Theo kế hoạch, hơn 150.000 doanh nghiệp nhỏ sẽ được hỗ trợ thông qua EIDL, chương trình cung cấp các khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp trong dài hạn. Như vậy, sẽ có thêm doanh nghiệp được hỗ trợ nhiền hơn và linh hoạt hơn từ khoản tiền 150 tỷ USD của các quỹ cho vay có sẵn trong EIDL.

Trước hết, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) sẽ tăng số tiền tối đa mà một doanh nghiệp nhỏ có thể vay lên 2 triệu USD, thay vì mức 500.000 USD hiện nay. Với hạn mức mới này, doanh nghiệp nhỏ có thể thuê và giữ chân nhân viên, mua sắm thiết bị, trả các khoản nợ có lãi suất cao hơn... SBA bảo đảm rằng không có doanh nghiệp nhỏ nào phải hoàn trả khoản vay trong vòng 2 năm sau khi họ được hỗ trợ. Do đó, doanh nghiệp nhỏ có thể vượt qua đại dịch mà không cần lo lắng về trách nhiệm trả nợ.

Ngoài ra, SBA sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ sở trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như nhà hàng, khách sạn... được tiếp cận khoản vay.

Mức tiêu dùng tăng vọt tại Mỹ mở ra triển vọng cho các hãng bán lẻ lớn. (Nguồn: Reuters)

Mức tiêu dùng tăng vọt tại Mỹ mở ra triển vọng cho các hãng bán lẻ lớn. (Nguồn: Reuters)

Thông qua Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP), SBA đã thực hiện hơn 11 triệu khoản cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp này có thể được miễn nợ nếu họ sử dụng quỹ của mình để duy trì trả lương cho nhân viên. Để được miễn nợ, bên vay phải hoàn thiện đơn đăng ký với bên cho vay PPP. Theo cách tiếp cận mới, SBA sẽ gửi mẫu đơn đã được hoàn thiện trước cho bên vay để bên vay rà soát, ký và gửi lại cho SBA. Sau đó, SBA sẽ làm việc với bên cho vay để hoàn tất thủ tục miễn nợ.

Kể từ khi quy trình mới này có hiệu lực từ ngày 4/8, hơn 820.000 doanh nghiệp nhỏ đã đăng ký miễn nợ. Bên vay chỉ cần khoảng 6 phút để đăng ký và 60% bên nộp đơn đã thực hiện quy trình đăng ký trên điện thoại di động.

Trong diễn biến liên quan đến nỗ lực khôi phục ngành hàng không và du lịch, Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà trắng Jeff Zient ngày 15/9 thông báo Mỹ đang xây dựng một "hệ thống mới cho du lịch quốc tế” được cho là an toàn, mạnh mẽ và bền vững hơn. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ không có kế hoạch ngay lập tức nới lỏng bất cứ biện pháp hạn chế đi lại nào do số ca nhiễm biến thể Delta vẫn tăng mạnh ở trong nước và trên thế giới. Chính quyền của ông Biden cũng đang xem xét các quy định tiêm chủng đối với công dân nước ngoài du lịch đến Mỹ.

Tháng trước Reuters dẫn lời một quan chức Nhà trắng cho biết, chính quyền của ông Biden đang xây dựng kế hoạch yêu cầu gần như toàn bộ du khách nước ngoài tới nước này phải tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19.

Cũng theo quan chức này, Nhà trắng muốn nối lại các hoạt động đi lại song vẫn chưa sẵn sàng dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp hạn chế do số ca mắc Covid-19 vẫn tăng mạnh và biến thể Delta vẫn chưa được kiểm soát.

Quan chức nêu trên cho biết, chính quyền đang triển khai các nhóm làm việc liên ngành nhằm giúp nước Mỹ có thể sẵn sàng cho việc tái mở cửa du lịch, bao gồm cách tiếp cận theo từng giai đoạn.

Đến nay, Nhà trắng đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các hãng hàng không và cơ quan khác để trả lời những câu hỏi quan trọng như: "Mỹ sẽ chấp nhận những loại chứng nhận nào?", "nước này có chấp nhận chứng nhận tiêm chủng của những người tiêm loại vaccine mà FDA chưa phê duyệt hay không?"...

Song song với đẩy lùi đại dịch chưa có tiền lệ, xây dựng lại nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng là ưu tiên số một của Tổng thống Biden ngay từ ngày đầu tại nhiệm. Trong giai đoạn hiện nay, nỗ lực mở cửa trở lại đất nước của ông Biden đang tập trung vào hai mũi nhọn chính là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ trẻ em, mở cửa trường học để khôi phục nhiều hoạt động vốn bị gián đoạn trong thời gian dài do đại dịch.

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: HOÀNG HÀ, HỒNG VÂN, ĐỨC DUY, PHAN ANH
Ảnh: Reuters
Nguồn tin và dữ liệu: Reuters, White House, CDC, Statista.