NA CHI LĂNG
QUẢ NGỌT MIỀN BIÊN VIỄN
Huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn được nhiều người biết đến là “thủ phủ” của cây na với tổng diện tích trên 2200ha. Na Chi Lăng nổi tiếng với chất lượng hình quả to đều, căng mịn, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ngọt thanh, ít hạt. Cứ khoảng tháng 8 tới đầu tháng 9, những năm gần đây còn có thêm vụ gối vào tháng 10, tháng 11 hằng năm, bà con khắp huyện ai nấy lại tấp nập, hồ hởi vào mùa thu hoạch. Mỗi thúng na nặng trĩu độ gần nửa tạ được người dân lần lượt chuyển bằng xe máy, ròng rọc từ trên núi xuống băng qua những đường khúc khủy, vách đá cheo leo.
Từ thử nghiệm đến thành công
Từ đầu những năm 1980, vì thiếu đất canh tác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên người dân phải thay đổi quan niệm canh tác bằng cách vác đất lên núi đá vôi để trồng thử nghiệm một số loại cây trồng, trong đó có cây na lấy giống từ Hoài Đức (Hà Nội).
Thử nghiệm lại trở thành "phát minh", cây na từ đó phát triển bền vững, tạo kế sinh nhai vững chắc cho nhân dân trên vùng núi đá lịch sử Chi Lăng, minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Chăm sóc na cũng rất vất vả, để quả ra đúng vụ, bà con phải lên núi tỉa cành, làm cỏ, vun đất từ trong Tết Nguyên Đán. Thời gian này, na Chi Lăng chưa có thị trường lớn, người dân phải tự thu hoạch rồi đem ra chợ na Đồng Bành (thị trấn Chi Lăng) bán.
Trong những năm đầu, khi cây na mọc trên núi đá Chi Lăng, từ là giống cây thử nghiệm, nhiều hộ dân trong vùng đã chuyển hẳn từ trồng sắn sang trồng na. Dần dần, với chất lượng khác biệt, và nhờ tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn huyện được xây dựng nâng cấp rộng đẹp, na Chi Lăng đã được tới với thị trường cả nước và đem lại hiệu quả cho bà con.
Na ngọt theo “ròng rọc” đi khắp mọi miền
Cây na theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng lên những đỉnh núi có độ cao gần 800m rồi vào thung lũng. Nơi nào bước chân người dân đến được nơi đó có na.
Không phải tự nhiên mà na Chi Lăng lại trở thành sản phẩm nổi tiếng, đặc biệt. Hầu như na Chi Lăng đều được trồng trên những vách núi đá vôi cao chót vót.
Theo chân đồng bào, băng qua những mỏm đá hiểm trở, nhô ra như răng thú nhọn và sắc trên các triền núi, chúng tôi mới thấu hiểu sự nhọc nhằn của bà con.
Có lẽ bởi vậy mà na Chi Lăng ngọt và thơm đặc biệt vì ngoài yếu tố về thổ nhưỡng, ở đó còn đong chứa bao giọt mồ hôi tâm sức của nhiều thế hệ nông dân Chi Lăng đã biến núi đá khô cằn thành đất màu dinh dưỡng.
Ngày này vào mùa thu hoạch, na được bà con hái từ trên những triền núi đá vôi nhe nhở, gom thành từng sọt lớn và dùng tời ròng rọc để đưa na xuống chân núi.
Trước đây, điện sinh hoạt còn khó khăn bà con phải dùng tời kéo tay. Nhưng giờ việc kéo điện lên núi canh tác đã phổ biến, nhờ tời máy mà công việc chăm sóc và thu hoạch na đã giảm đi vất vả.
Những trái na thơm mọng theo hệ thống ròng rọc mà xuống núi, lên những chuyến xe đi khắp mọi miền Tổ quốc, gửi gắm vị ngọt thanh, ấm áp tình người xứ Lạng.
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác.
Quả na Chi Lăng có vỏ mỏng mềm, mắt nở và phẳng, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm có vị ngọt thanh, thơm đặc trưng, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn.
Hiện mới vào vụ thu hoạch na gần nửa tháng nay, nhưng hằng ngày không khí tại các chợ nông sản của huyện Chi Lăng luôn tấp nập người mua, kẻ bán từ sáng đến trưa.
Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã bắt đầu thu hoạch na. Hiện giá na đầu vụ được các thương nhân thu mua với giá từ 35-50 nghìn đồng/kg tùy loại.
Đặc biệt, giá bán lẻ na dai Chi Lăng loại quả mẫu mã đẹp đầu vụ có giá từ 55 – 60 nghìn đồng/kg, tăng 10-15 nghìn đồng/kg so với thời điểm cùng niên vụ năm 2022.
Na giúp làm giàu, na xây dựng quê hương
Tay thoăn thoắt xếp từng quả na vừa hái vào thùng xốp cho kịp chuyến xe ngày trưa nắng, anh Trịnh Quốc Huy, chủ kinh doanh hoa quả ở quận Hà Đông, Hà Nội hồ hởi chia sẻ, anh đã kinh doanh mặt hàng na Chi Lăng gần 20 năm nay vì sức hút thị trường với loại quả này luôn rất lớn.
Theo anh Huy, na Chi Lăng được lựa chọn vì chất lượng quả ngon ngọt tự nhiên, được bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, mã quả bền, luôn tươi, to đẹp hơn sản phẩm cùng loại ở nhiều vùng khác.
Với khí hậu đặc trưng của vùng đất xứ Lạng kết hợp vùng núi đá vôi Cai Kinh giàu khoáng chất, cây na sinh trưởng, phát triển tốt, có hương vị thơm ngon đặc trưng.
Hiện nay, trên 2200ha diện tích trồng na của toàn huyện Chi Lăng đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ những năm 2013, huyện Chi Lăng áp dụng quy trình sản xuất na đạt tiêu chuẩn VietGAP; và đến năm 2017 áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng khiến bà con nông dân bớt vất vả hơn trong cả khâu chăm sóc và tiêu thụ na, nhờ đó mà quả na Chi Lăng được cải thiện trọng lượng, chất lượng, không còn nhiều na nhỏ trên cây, thay vì thu 2 - 3 gánh na nhỏ như trước đây, hiện tại nông dân chỉ cần thu về một gánh na to được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Rạng rỡ nụ cười vì được mùa, ông Mã Vă Lét, chủ vườn na mẫu thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Na là giống quả sợ nắng ưa ẩm; nhờ áp dụng công nghệ tưới tiêu bằng phần mềm hiện đại, gia đình ông đã chủ động chăm sóc cho cây cũng như luôn bảo đảm độ ẩm cho đất mà không lo mưa nắng như trước đây.
"Vụ năm nay vườn nhà tôi chắc chắn thu hoạch được nhiều hơn năm ngoái. Nhất là từ khi áp dụng sáng kiến trồng na trái vụ, sản lượng thu hoạch của chúng tôi tăng gần gấp đôi, doanh thu đạt tới gần 400 triệu mỗi năm" - ông cho biết.
Nhờ quả na này mà trước đây con tôi đã được đi Hà Nội học đại học, đến giờ là cháu tôi. Biết ơn na lắm !”
Anh Lăng Văn Thức, Bí thư Đoàn thanh niên xã Chi Lăng thông tin thêm : Đối với việc chăm sóc cây na, ruồi vàng là loại côn trùng có hại gây sâu bệnh và làm hỏng trái.
Cùng với phòng Nông nghiệp, lực lượng Đoàn thanh niên địa phương đã luôn tích cực tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức mới trong chăm sóc cây trồng, chống ruồi vàng có hại, cũng như hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các công nghệ hiện đại giảm canh tác vất vả, tăng năng suất cũng như chất lượng cho na Chi Lăng.
Ngoài ra, Đoàn thanh niên còn là đơn vị chủ lực trong việc hỗ trợ giúp tiêu thụ sản phẩm na nhờ nắm bắt kênh buôn bán quảng bá sản phảm thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook hay các sàn thương mại điện tử Vò sò (voso.vn), postmart.vn. Với việc mở rộng diện tích trồng na mang lại sản lượng lớn hơn trước, Hợp tác xã Thanh Niên của Huyện Đoàn Chi Lăng sẽ thành lập thêm các kênh bán hàng trực tuyến trên Tiktok để tiếp cận được sâu rộng hơn với khách hàng.
Chúng tôi cùng bà con đề ra quyết tâm, phải làm sao để Chi Lăng không chỉ nổi tiếng trồng na ngon mà còn trồng na thông minh, trồng na sáng tạo nữa!.
Hiện nay, diện tích na trên địa bàn huyện Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 700ha. Hiện có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, na Chi Lăng lọt vào top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017; Cúp Vàng của Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam năm 2018. Na Chi Lăng đã có mã số vùng ngăn ngừa giả mạo thương hiệu trên 40ha của 20 hộ trồng na tại thôn Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ) và thôn Giáp Thượng 2 (xã Y Tịch).
“Vàng” từ núi đá vươn mình ra biển lớn
Xác định, cây na là một trong những loại nông sản thế mạnh của tỉnh, hiện nay diện tích trồng na đã mở rộng từ Chi Lăng ra nhiều địa phương lân cận.
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 4.900ha trồng na, trong đó, chủ yếu trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng (huyện Chi Lăng khoảng 2.200ha; Hữu Lũng có 2.500ha trồng na).
Năng suất vụ na năm 2023 đạt 105 tạ/ha, sản lượng thu hoạch dự ước khoảng 39.000 tấn.
Theo tính toán, vụ na năm 2023 bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 7/2023 đến tháng 10/2023, nếu giá na ổn định như thời điểm đầu vụ, tổng doanh thu từ na trên toàn tỉnh sẽ được từ 1.200-1.400 tỷ đồng.
Để thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm na, UBND các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng… đã triển khai liên kết với một số siêu thị lớn trên toàn quốc nhằm đưa sản phẩm vào tiêu thụ qua kênh phân phối của các siêu thị.
Cùng đó, ngày 19/8, huyện Chi Lăng đã tổ chức chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP của huyện.
Ngày 24/8, Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023 do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn và các địa phương tổ chức đã chính thức khai mạc tại Khu Hội chợ triển lãm, Giao dịch kinh tế và Thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Ngoài những thành công đã đạt được đối với thị trường trong nước, na Chi Lăng đang hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang rất tích cực tuyên truyền, phổ biến bà con nông dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng quy trình giám sát sản xuất, chăm sóc cây na theo hướng an toàn để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế; quan tâm đến phương thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Từ đó sản phẩm na Chi Lăng sẽ được cấp mã vùng trồng thúc đẩy việc xuất khẩu na Chi Lăng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ...