Trong năm 2023, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Sau đây là năm điểm nhấn về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trong năm qua.
Trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào ngày 2/11/2023.
Dự án Luật được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều, tăng 1 chương và 11 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã bám sát năm chính sách được Quốc hội thông qua. Đó là: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn.
Cụ thể là: (1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; (2) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; (5) Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; (6) Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; (8) Sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; (10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (11) Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Cũng trong năm 2023, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã được gửi Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Việc làm tập trung vào một số nội dung chính. Đáng quan tâm như: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động (bổ sung); hệ thống thông tin thị trường lao động (đổi tên); phát triển kỹ năng nghề (bổ sung) và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung.
Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Việc làm tập trung vào bốn nhóm vấn đề. Cụ thể là: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Gần 3,4 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Ngày 29/6/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, từ ngày 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8% với một số nhóm đối tượng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng thêm đối với người nghỉ hưu, hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng trước năm 1995 có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng.
Mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của năm 2023 là đợt điều chỉnh tăng mới nhất kể từ ngày 1/1/2022 theo quy định tại Nghị định 108/2021/NĐ-CP.
Như vậy, kể từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã có 23 lần điều chỉnh lương hưu. Việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mới lần này sẽ giúp gần 3,4 triệu người trên toàn quốc được hưởng lợi từ chính sách này.
Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024
Ngày 8/12/2023, tại Seoul, Hàn Quốc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký Thỏa thuận hành chính với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để chính thức triển khai Hiệp định từ ngày 1/1/2024.
Trước đó, ngày 14/12/2021, tại Seoul, Hàn Quốc, thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ hai nước.
Tiếp đó, ngày 24/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 25/4/2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định.
Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này, và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác.
Việc ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm của Chính phủ hai nước đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển người lao động cũng như để bảo đảm quyền lợi của người lao động của cả hai quốc gia.
Việc ký kết Thỏa thuận hành chính thực hiện Hiệp định là bước quan trọng nhằm đưa ra các quy định, giải pháp cụ thể để cơ quan thực hiện hai nước triển khai thực hiện Hiệp định theo đúng các nguyên tắc, nội dung đã ký kết giữa hai Chính phủ, đồng thời bảo đảm sự thuận lợi tối đa cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện và doanh nghiệp, người lao động của cả hai bên.
Với việc Hiệp định và Thỏa thuận hành chính sẽ cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của hai nước, bên cạnh việc quy định về tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí.
Thông qua ký kết Thỏa thuận hành chính, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hai bên đã chính thức giao đầu mối thực hiện Hiệp định cho hai cơ quan là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc.
Các nội dung của Thỏa thuận nhằm cụ thể hóa các quy định, nguyên tắc đã được Chính phủ hai nước ký kết trong Hiệp định liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc; nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc khi làm việc trên lãnh thổ của nước kia như đối với công dân nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Hiệp định và Thỏa thuận hành chính khi được triển khai sẽ đáp ứng được kỳ vọng và sự mong đợi của đông đảo các doanh nghiệp và người lao động của cả hai quốc gia.
Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả hai nước. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ cũng được bảo vệ bởi luật pháp của hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.
Tích cực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng là một điểm nhấn của năm 2023. Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong năm qua tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực
Theo thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,515 triệu người. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,012 triệu người; số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,503 triệu người. Cùng với đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,304 triệu người.
Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng hơn 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Công tác tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022 (919.075 người). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (909.089 người).
Chính sách bảo hiểm xã hội đã góp phần hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và gia đình của họ vượt qua khó khăn, bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Người lao động bị mất việc làm cũng kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu tìm kiếm việc làm mới.
Đề án 06 và những thay đổi “bước ngoặt” trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).
Đề án 06 là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện việc xây dựng chính phủ số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, đây chính là thước đo hiệu quả nhất cho quá trình chuyển đổi số của một tổ chức.
Qua 2 năm triển khai, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo.
Cùng với cả hệ thống chính trị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và Tổ công tác của Chính phủ triển khai Đề án 06.
Trong 2 năm 2022 và 2023 triển khai Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao thực hiện 32 nhiệm vụ. Cơ quan này đã hoàn thành 24 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn. Tổng số nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và đang thực hiện trong hạn là 8 nhiệm vụ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành 152 văn bản, gồm: Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch và các văn bản tổ chức triển khai, các quyết định ban hành quy trình nghiệp vụ, dịch vụ công trực tuyến.
Kết quả phối hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương:
- Đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97% tổng số người tham gia.
- 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân), với hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, cơ quan này cũng chủ động, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đạt nhiều kết quả nổi bật. Có thể kể tới như:
Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97% tổng số người tham gia.
100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân), với hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tiếp theo là nỗ lực triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đó là: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế.
Thêm vào đó, ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và bộ phận “Một cửa” của bảo hiểm xã hội các địa phương đã được triển khai.
Đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt; Tích hợp sổ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VNeID; tích hợp tài khoản VNeID với VssID; triển khai sổ sức khỏe điện tử; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử…
Những kết quả đạt được trong triển khai Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành. Từ đó, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số, theo đúng định hướng về chính phủ số, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; các bộ, ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử.
Công tác này cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân. Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai tích hợp, cung cấp 6 dịch vụ công trực tuyến:
- Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
- Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi
- Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng
- Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế
Ngày xuất bản: 28/12/2023
NHÓM PHÓNG VIÊN