Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam:

TĂNG TỶ TRỌNG NHÀ ĐẦU TƯ TỔ CHỨC ĐỂ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại một chương trình đối thoại gần đây cho biết, thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường đã đạt hơn 8 triệu. Nhưng, nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận ra vấn đề này từ lâu, đã báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.

TỶ TRỌNG NHÀ ĐẦU TƯ TỔ CHỨC CÒN KHIÊM TỐN

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính tứ đi vào hoạt động 24 năm. Với nền tảng kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán có nhiều dư địa tăng trưởng và phát triển ổn định, khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8 triệu tài khoản vào cuối tháng 6/2024. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tại ngày 28/6/2024 đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.

Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm khoảng 90%. Về con số này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chí thẳng thắn thừa nhận: Nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận ra vấn đề này từ lâu, đã báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi

Tại Chương trình “Đối thoại tháng 7” về thị trường chứng khoán với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Fiin Group cho biết, tính đến ngày 17/7/2024, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam (HOSE, HNX, UPCoM). Riêng trên HOSE thì tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCoM là 3%.

Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83%, 10,99% và 4,24%. Tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng (free-float) trên thị trường Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính 45,5%, mà một trong những lý do chính là Nhà nước đang nắm sở hữu đến 26% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp sắp tới, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Fiin Group

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Fiin Group

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đang là nhà đầu tư lớn nhất sở hữu 43% giá trị thị trường này vào cuối 2023. Đây là tỷ lệ khá cao trong tương quan với các thị trường trong khu vực. Trong khi đó, các định chế đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện sở hữu trái phiếu riêng lẻ còn rất hạn chế, mới khoảng 9%.

Theo tính toán của FiinGroup, tổng tài sản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của 5 nhóm nhà đầu tư tổ chức (tại thời điểm cuối năm 2023) như sau: Nhóm quỹ chủ động trong và ngoài nước là 27,5 tỷ USD); Nhóm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm là 36,1 tỷ USD; Nhóm ngân hàng thương mại là 8,1 tỷ USD; Nhóm công ty chứng khoán là 9,3 tỷ USD; Nhóm bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí tư nhân là 49,4 tỷ USD. 

Tính đến ngày 17/7/2024, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam (HOSE, HNX, UPCoM)

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đang là nhà đầu tư lớn nhất sở hữu 43% giá trị thị trường này vào cuối 2023.

Tổng tài sản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của 5 nhóm nhà đầu tư tổ chức (tại thời điểm cuối năm 2023) như sau:

Nhóm bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí tư nhân: 49,4 tỷ USD;

Nhóm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm: 36,1 tỷ USD;

Nhóm quỹ chủ động trong và ngoài nước: 27,5 tỷ USD;

Nhóm công ty chứng khoán: 9,3 tỷ USD;

Nhóm ngân hàng thương mại: 8,1 tỷ USD.

DƯ ĐỊA LỚN NHƯNG CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN THÁO GỠ

Phân tích bức tranh về 5 nhóm nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, tiềm năng và dư địa để tăng sở hữu của nhà đầu tư tổ chức còn rất lớn trên cả kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Chủ tịch FiinGroup khuyến nghị, bên cạnh ngoài mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Cùng với đó, cần chủ động thu hút các định chế quản lý tài sản quốc tế lớn mang tính chủ động (như JPMorgan, Morgan Standley), cấp phép và có điều kiện hoạt động cho họ vào quản lý tài sản tại Việt Nam làm cơ sở dẫn dắt các quỹ đầu tư thụ động khác phân bổ vào Việt Nam như một số nước đã làm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia...).

Với định chế đầu tư trong nước, theo ông Thuân, cần xem xét nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, nới lỏng hạn chế về việc công ty bảo hiểm trong việc đầu tư vào trái phiếu phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ. Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình quỹ hưu trí tự nguyện và quy định về phân bổ tài sản theo mức độ rủi ro và khuyến khích Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam và SCIC đầu tư một tỷ lệ nhất định và phù hợp vào trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến cho rằng dư địa cho nhà đầu tư tổ chức còn nhiều, nhưng ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, nhà đầu tư tổ chức trong hay ngoài nước tham gia mua bán cổ phần nhà nước nước không dễ. Họ rất muốn mua lại phần của Nhà nước và Nhà nước cũng muốn bán bớt cổ phần nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp để tăng lượng cung hàng. Tuy nhiên, cách bán khó thu hút, do phải thực hiện đấu giá, công bố thông tin trước 20 ngày.

“Gần đây, SCIC tiếp cận một số quỹ đầu tư vùng Vịnh. Quan điểm của họ là thực hiện giao dịch thỏa thuận nhưng quy trình chúng ta lại là thực hiện đấu giá, không theo quy trình nước ngoài”, ông Tuấn nêu thí dụ về trở ngại và cho rằng, để gỡ vướng cho quy trình bán vốn, cần thay đổi phương thức bán và một số nội dung chính sách. Chẳng hạn, Bộ Tài chính nên rà lại quy định sắp xếp sử dụng đất. Nếu coi đất của doanh nghiệp đều là thuê của Nhà nước thì sẽ dễ dàng hơn.

“Hiện nay, để thoái vốn, chúng tôi đều phải đề nghị doanh nghiệp sắp xếp lại đất. Có những doanh nghiệp lớn có đất tại 63 tỉnh, thành phố, như FPT và SCIC phải làm việc với cả 63 tỉnh. Hay thử hình dung, nếu thoái vốn MobiFone, Agribank thì sẽ thấy công việc lớn như thế nào”, ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, với những đợt thoái vốn lớn, nguồn vốn trong nước là không đủ và phải thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Ví dụ với FPT, với khẩu vị nhà đầu tư trong nước, thì việc thoái 6% vốn, tương đương hàng nghìn tỷ đồng là rất khó.

Ở góc nhìn của một tổ chức đầu tư gắn bó và có 30 năm kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, trong 4 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 4 tỷ USD, trong đó, năm nay đã bán ròng hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ được nhiệt huyết với Việt Nam.

Trong 4 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 4 tỷ USD, trong đó, năm nay đã bán ròng hơn 2 tỷ USD.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam

“Dường như câu chuyên về Việt Nam gần đây không có yếu tố mới, yếu tố thú vị để thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế, trong khi nhiều thị trường khác họ có”, ông Dominic Scriven thẳng thắn.

Chia sẻ quan điểm của ông Dominic Scriven, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký chứng khoán cho rằng, rút vốn ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam là do không có nhiều cái mới trên thị trường, đặc biệt về hàng hóa. Sau nhiều năm, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua vẫn chậm. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới, “các món hàng cũ đã rất nhiều năm”.

“Trong khi đó, với các nhà đầu tư quốc tế, có được mức tăng trưởng 10% là họ đã có thể hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư và các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia đang đáp ứng tốt yêu cầu này”, ông Sơn chia sẻ.

NỖ LỰC THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT, TIẾN TỚI NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác định thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn và coi phát triển nhà đầu tư tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện để mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá, báo cáo sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ hưu trí tự nguyện. “Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này vì còn dư địa rất lớn”, ông Chi cho biết.

Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm là làm sao cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi hơn, để dòng tiền từ họ vào nhiều hơn trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% khi mua cổ phiếu tại Việt Nam.

Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm là làm sao cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi hơn, để dòng tiền từ họ vào nhiều hơn trên thị trường chứng khoán.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi

Ngày 26/7/2024, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã chủ trì Hội nghị thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Sau cuộc họp này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo Thông tư và chuẩn bị sẵn các quy trình nghiệp vụ để đồng thời áp dụng ngay khi Thông tư được ký ban hành.

Trước đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã được đã được công bố lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và thành viên thị trường. Dự thảo Thông tư sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải, tại Dự thảo Thông tư có hai vấn đề trọng tâm:

Thứ nhất, về tiêu chí không yêu cầu phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu của Nhà đầu tư nước ngoài, quy định này áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài cá nhân thì vẫn áp dụng mức ký quỹ như theo quy định hiện tại. Dự thảo Thông tư quy định cụ thể cách thức đặt lệnh, nhận lệnh, cơ chế xử lý khi nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền, trong đó, để quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán và quá trình kết nối thanh toán giữa các bên, Dự thảo Thông tư cũng có quy định công ty chứng khoán đánh giá rủi ro thanh toán, mức độ tín nhiệm khách hàng và mức độ thanh toán của từng công ty chứng khoán để xác định hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu.

Thứ hai, về tiêu chí đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tại Dự thảo Thông tin đã đưa ra quy định việc tổ chức niêm yết, công ty đại chúng có trách nhệm công bố thông tin tiếng Việt, tiếng Anh theo lộ trình, đối tượng và thông tin công bố cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã sớm xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, và có nhiều buổi làm việc, trao đổi với các thành viên thị trường, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế để hoàn thiện Dự thảo Thông tư. 

“Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng đối với tất cả nhà đầu tư, các thành viên thị trường khi tham gia trên thị trường chứng khoán”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng đối với tất cả nhà đầu tư, các thành viên thị trường khi tham gia trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương

Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết, để đáp ứng tiêu chí về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) theo tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng đề ra, thì giải pháp không yêu cầu ký quỹ đủ tiền trước giao dịch là giải pháp ngắn hạn; còn về dài hạn sẽ triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Hiện nay, các đơn vị đang phối hợp xây dựng các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan để triển khai đồng bộ ngay khi Thông tư có hiệu lực thi hành.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có buổi làm việc với đại diện FTSE Russell, cập nhật các thông tin chính sách, thị trường, định hướng giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam ngày 16/10/2023.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có buổi làm việc với đại diện FTSE Russell, cập nhật các thông tin chính sách, thị trường, định hướng giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam ngày 16/10/2023.

Ngày xuất bản: 11/8/2024
Chỉ đạo: NGUYỄN NGỌC THANH
Tổ chức: XUÂN BÁCH
Thực hiện: ĐỨC KHÔI
Trình bày: HOÀI ANH
Ảnh: UBCKNN