KIẾN TẠO

CHUỖI GIÁ TRỊ BỀN VỮNG

CHO CÂY DƯỢC LIỆU

TRÊN ĐẤT RỪNG ĐÔNG BẮC

Khởi nghiệp muộn ở cái tuổi đã xấp xỉ ngũ tuần, ông Phạm Việt Trung vẫn phải nếm trải biết bao “bầm dập” do thiếu kinh nghiệm. Nhưng tình yêu với cây cỏ đã tiếp thêm sức mạnh cho ông quyết bỏ phố lên rừng trồng dược liệu. Giờ đây, ở tuổi 60, có sự hỗ trợ từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, ông Trung đã tự tin hiện đại hóa quá trình sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị cho cây dược liệu, mở rộng thị trường trong nam ngoài bắc và hướng tới đưa Dược phẩm Đông Bắc xuất ngoại.

Thành công từ cây dược liệu bản địa

Chúng tôi đến nhà máy chế biến của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc tại xã Cộng Hòa, Cẩm Phả, Quảng Ninh đúng khi một chiếc xe đang chờ lấy hàng. Vừa hướng dẫn nhân viên lấy hàng, ông Trung - Giám đốc công ty, vừa kể: “Đấy, có cậu thanh niên người ở xã này đến nhà máy đặt hàng nhờ chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh giúp. Người quen cậu ấy ở trong đó mua thuốc đông dược để tặng cho nhân viên cả công ty. Cậu ấy cứ bảo “Lạ thật, sao người quen cháu ở tít trong đó mà lại biết ở quê cháu có nhà máy dược để nhờ mua”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các khu sản xuất của nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh do mình gây dựng nên, ông Phạm Việt Trung - Giám đốc công ty bồi hồi nhớ lại: “Tôi khai sinh cùng năm với tỉnh Quảng Ninh, năm nay là 60 rồi. Cách đây hơn chục năm, tôi quyết định rời bỏ vùng an toàn, nghỉ việc nhà nước và bắt đầu khởi nghiệp. Thành lập công ty từ năm 2010, ban đầu, chúng tôi chỉ trồng dược liệu và bán nguyên liệu thô cho các công ty dược. Nhưng suốt mấy năm, tôi toàn phải mang tiền nhà bù lỗ vì không thể cạnh tranh với dược liệu do người dân thu hái từ rừng và dược liệu Trung Quốc, do giá rẻ hơn rất nhiều”.

Người nhà khi đó thuyết phục ông dừng lại, nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê.

Do học chuyên ngành về hóa, ông Trung mày mò nghiên cứu sách vở và chuyển sang ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và chế biến cây dược liệu. Nhờ sự hỗ trợ từ Viện Dược liệu và nhiều đơn vị đầu ngành khác, từ năm 2013, Công ty của ông đã thành công trong việc chế biến và sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng đầu tiên từ các loại cây dược liệu.

Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nhân sự là người địa phương.

Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nhân sự là người địa phương.

Trong những năm 2012, 2013, Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Và tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong triển khai mô hình này trên cả nước. Thế là, ông Trung mang hai sản phẩm Trà diệp hạ châu và Trà giảo cổ lam tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh năm 2013. Các sản phẩm đi thi đều được cấp phép của Cục An toàn thực phẩm và ngay lần đầu dự thi, hai sản phẩm đã được chấm sao.

“Vì Quảng Ninh thực hiện chương trình OCOP đi trước cả nước, mà mình tham gia OCOP từ những ngày đầu tiên, nên nói về OCOP thì mình là lão làng rồi” - ông Trung cười.

Thông qua Chương trình OCOP, công ty nhỏ của ông Trung với số vốn ít ỏi và nhân sự có hạn không chỉ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, mà còn mở rộng thị trường.

Do ít vốn, nên cứ “mỡ nó rán nó”, tôi tích lũy dần và được như ngày hôm nay” - ông Trung chia sẻ.

"Với các công ty khác, họ thường xuyên thay đổi danh mục sản phẩm, nhưng với tôi, tôi muốn mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường là sẽ dùng được mãi".

"Với các công ty khác, họ thường xuyên thay đổi danh mục sản phẩm, nhưng với tôi, tôi muốn mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường là sẽ dùng được mãi".

“Thời gian đầu tiên khi mới bắt tay vào làm, tôi quyết định sản xuất Trà diệp hạ châu, bởi vì sản phẩm có nguyên liệu chính từ cây Diệp hạ châu là cây bản địa của vùng. Diệp hạ châu còn gọi là cây chó đẻ, chó đẻ răng cưa. Đây là một loại thảo dược quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe gan thận, đặc biệt tác dụng như một loại thuốc giảm đau, kháng viêm tự nhiên hiệu quả. Với các công ty khác, họ thường xuyên thay đổi danh mục sản phẩm. Nhưng với tôi, tôi muốn mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường là sẽ dùng được mãi. Thế nên, đã hơn 10 năm rồi, nhưng chúng tôi vẫn sản xuất sản phẩm trà Diệp hạ châu. Và cũng chính thời gian đã minh chứng cho chất lượng của sản phẩm là rất tốt, nên người tiêu dùng họ vẫn tìm mua nhiều” - ông Trung chia sẻ.

Thời gian đầu tiên khi mới bắt tay vào làm, tôi quyết định sản xuất Trà diệp hạ châu, bởi vì sản phẩm có nguyên liệu chính từ cây diệp hạ châu là cây bản địa của vùng.
Ông Phạm Việt Trung - Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

Không chọn cách chạy những chiến dịch quảng cáo tốn nhiều thời gian và tiền bạc, ông Trung cho biết khách hàng của mình chủ yếu truyền tai nhau, người nọ dùng thấy tốt thì mách người kia tìm mua.

“Hàng qua nhiều khâu kiểm định, đánh giá, dùng thử, thực sự tốt chúng tôi mới cho ra thị trường” - ông Trung chia sẻ.

Với vị giám đốc này, chính các sản phẩm tốt là cơ sở vững chắc nhất để xây dựng niềm tin của khách hàng. Ông cũng chia sẻ, trên chặng đường đã qua, chính niềm tin và sự tín nhiệm của khách hàng là điều quý giá nhất, đã giúp ông vượt qua bao khó khăn, tiếp tục vững tin vào con đường mình đã chọn.

Từ hai sản phẩm đầu tiên tham dự OCOP, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã có 12 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao và năm nay công ty tiếp tục có 5 sản phẩm dự thi OCOP.

Từ hai sản phẩm đầu tiên tham dự OCOP, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã có 12 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao và năm nay công ty tiếp tục có 5 sản phẩm dự thi OCOP.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng khách treo kín giấy chứng nhận OCOP và các loại bằng khen, giấy khen, ông Trung bất chợt không nhớ ra công ty của mình đã có bao nhiêu sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ông quay sang phía cô nhân viên đang sắp xếp các hộp sản phẩm dược hỏi:

- Đến giờ này mình được bao nhiêu sản phẩm đạt OCOP cháu nhỉ?

- Dạ, công ty có 12 sản phẩm đã được xếp hạng OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao và năm nay công ty tiếp tục có 5 sản phẩm dự thi OCOP chú ạ.

Tằng Móc Chống, cô gái người dân tộc Sán Chỉ đang làm việc tại công ty nhanh nhảu trả lời.

Vị giám đốc “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022” cười hiền từ: “Đấy con bé này gắn bó lâu nhất với công ty, suốt ngày ăn ngủ với dược liệu, da cứ trắng hồng”.

“Chương trình OCOP đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong khâu quảng bá sản phẩm. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, chúng tôi đã mang sản phẩm tới các hội chợ trên cả nước. Tháng 8/2022, công ty đã tham gia Hội chợ thương mại Việt-Lào. Bà con Việt kiều đón nhận các sản phẩm rất nhiệt tình, hàng mang đi hội chợ bao nhiêu bán hết bấy nhiêu” - ông Trung hào hứng.

Chương trình OCOP đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong khâu quảng bá sản phẩm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, chúng tôi đã mang sản phẩm tới các hội chợ trên cả nước.
Ông Phạm Việt Trung - Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

Xây dựng chuỗi giá trị

Với nhiều diện tích đất đồi núi, khí hậu có độ ẩm cao, tỉnh Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Theo số liệu thống kê, Quảng Ninh hiện có trên 900 loài cây thuốc thuộc các họ, chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc trồng dược liệu của bà con vẫn ở quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, ông Trung trăn trở với bao câu hỏi. Làm thế nào để phát huy thế mạnh về cây dược liệu và lực lượng lao động sẵn có tại địa phương? Làm thế nào để tập trung chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến tổng hợp nguồn nguyên liệu thô, tạo ra giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu? Làm thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến dược liệu gắn với công nghệ tiên tiến, thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ? Làm thế nào để xây dựng nguồn nguyên liệu, liên kết các vùng trồng nhằm kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và chủ động nguyên liệu cho chế biến và sản xuất dược liệu?

Thời gian đầu, việc hợp tác giữa nhà máy với các hộ trồng dược liệu cũng gặp nhiều khó khăn, do các khu vực trồng nguyên liệu chủ yếu tập trung ở các vùng cao, vùng sâu vùng xa. Thời gian khoảng hơn chục năm trước, các khu vực này chưa phát triển, ý thức người dân cũng chưa cao. Khi công ty đưa ra đề nghị trồng cây dược liệu, người dân thường chọn cây sinh trưởng ngắn ngày, dễ trồng, cây khó bỏ lại. Hoặc người dân rủ nhau trồng theo phong trào, sau 1-2 vụ, cây thì thừa, cây thì thiếu.   

“Cây dược liệu là cây đặc thù, không phải bà con trồng rồi lúc nào thu, lúc nào hái cũng được. Phải căn thời gian trồng, thời gian thu hoạch làm sao để bảo đảm cây thu hái có dược tính cao nhất” - ông Trung cho biết.

Hệ thống phun tưới tự động tại khu ươm trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc giúp tiết kiệm nhân lực chăm sóc.

Hệ thống phun tưới tự động tại khu ươm trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc giúp tiết kiệm nhân lực chăm sóc.

Ban đầu, để người dân tin tưởng, công ty ông phải bỏ vốn ra cho các hộ trồng dược liệu và bao tiêu thu mua. Nhưng nếu cây dược liệu chất lượng kém, thì công ty lại không thu hồi được vốn. Hiện nay, công ty làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện, sau đó, các huyện giao về phòng nông nghiệp và mời các xã lên nhận làm. Ngân hàng đứng ra làm trọng tài.

“Mô hình liên kết như hiện nay đạt hiệu quả tốt. Công ty chúng tôi cung cấp cây giống, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thu mua. Bà con qua thời gian hợp tác cũng nâng cao kinh nghiệm. Ý thức tuân thủ quy trình trồng dược liệu sạch, bảo đảm chất lượng của bà con cũng tăng lên rõ rệt” - ông Trung chia sẻ.

Dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền đóng gói tự động với công suất đóng gói 35 gói/1 phút, ông Trung cho biết: “Giờ các khâu là mình chủ động hết rồi, chỉ có bao bì là phải đi mua thôi. Hiện nay, nhờ kiểm soát từ khâu cấy giống, nuôi trồng tới nghiên cứu, chế biến, công ty đã kiểm soát được chất lượng nguyên liệu và sản phẩm đầu ra. Vùng dược liệu cũng giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân trong khu vực”.

Cây dược liệu được đưa vào thùng nấu, thiết bị có cảm biến nhiệt giúp duy trì nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình nấu.

Cây dược liệu được đưa vào thùng nấu, thiết bị có cảm biến nhiệt giúp duy trì nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình nấu.

Để các sản phẩm từ cây dược liệu đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài, Công ty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, trang bị máy móc và xây dựng các chiến lược kinh doanh lâu dài.

Năm 2020, công ty đã đầu tư để xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn GMP với phòng nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhà sấy, máy đóng gói quy mô lớn trên diện tích 500m2.

Một nhà máy tiêu chuẩn GMP phải bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe về nhà xưởng, nhân sự và an toàn vệ sinh. Cụ thể, nhà xưởng phải được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại, bố trí các phân khu sản xuất rõ ràng để không bị chồng chéo các công đoạn, gây ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.

Một nhà máy tiêu chuẩn GMP phải bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe về nhà xưởng, nhân sự và an toàn vệ sinh.

Một nhà máy tiêu chuẩn GMP phải bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe về nhà xưởng, nhân sự và an toàn vệ sinh.

Các tiêu chuẩn về nhân sự yêu cầu đội ngũ nhân viên trong quá trình gia công phải được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn để thao tác gia công chuẩn xác và đúng tiêu chuẩn đã đặt ra.

Nhà máy cũng phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh để bảo đảm thực phẩm không bị biến đổi do các tác nhân của môi trường nhà xưởng.

Nhà xưởng đạt chuẩn GMP được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại, bố trí các phân khu sản xuất riêng biệt.

Nhà xưởng đạt chuẩn GMP được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại, bố trí các phân khu sản xuất riêng biệt.

“Tôi quyết tâm xây dựng nhà máy quy mô, đạt chuẩn, bởi năm 2015, đã có đối tác Séc tới thăm cơ sở sản xuất, kiểm định chất lượng sản phẩm và đặt hàng. Nhưng khi đó, công suất chưa đáp ứng được, mà nếu chậm tiến độ hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng. Suy nghĩ mãi, thời điểm đó tôi đã không dám đặt bút ký” - vị giám đốc trầm ngâm nhắc lại câu chuyện cũ.

Hiện nay, với nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, năng lực sản xuất đã được hiện đại hóa, công ty xác định mục tiêu trọng tâm là vấn đề mở rộng đơn hàng.

“Hồi Covid-19, công ty vẫn bán hàng tốt do mọi người quan tâm đến sức khỏe, nhưng hậu Covid-19, kinh tế khó khăn hơn nên đơn hàng cũng bị sụt giảm. Mà mình khó khăn là còn bao nhiêu hộ dân liên kết sản xuất với mình lao đao theo” - ông Trung suy tư.

Các sản phẩm dược liệu được chế biến, đóng gói tiện dụng.

Các sản phẩm dược liệu được chế biến, đóng gói tiện dụng.

Công ty hiện đã có trang fanpage trên facebook, gian hàng trên shopee và trên trang thương mại OCOP Quảng Ninh.

Ngoài kênh phân phối truyền thống qua hệ thống nhà thuốc trên cả nước, các sản phẩm của Dược Đông Bắc hiện còn được bán tại các trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP, điểm Bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh Quảng Ninh.

Để bảo tồn cây dược liệu bản địa, nuôi trồng các cây dược liệu di thực từ các địa phương khác, ông Trung cho biết hiện đang xây dựng khu vườn trồng và bảo tồn cây dược liệu vùng Đông Bắc tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Công ty hiện đang xây dựng khu vườn trồng và bảo tồn cây dược liệu vùng Đông Bắc tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Công ty hiện đang xây dựng khu vườn trồng và bảo tồn cây dược liệu vùng Đông Bắc tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và các địa phương để đẩy mạnh kết nối các chương trình, tuyến du lịch nhằm đưa du khách tới trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.

Với định hướng này của cơ quan chức năng, vườn dược liệu của công ty Dược Đông Bắc trong tương lai rất có thể sẽ trở thành một điểm đến thú vị.

Khi đó, du khách tới đây sẽ vừa được tận hưởng không khí trong lành nơi đất rừng Đông Bắc, vừa được tận mắt nhìn và tìm hiểu sâu hơn về các loại cây thuốc Việt. Đồng thời, khi được giới thiệu về cơ sở sản xuất và quy trình sản xuất, họ cũng sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm.

Một góc vườn dược liệu xanh mướt nhìn từ trên cao của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc.

Một góc vườn dược liệu xanh mướt nhìn từ trên cao của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc.

Ngoài ra, với điều kiện về khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp cho cây dược liệu phát triển, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện các giải pháp để trở thành trung tâm dược liệu của các tỉnh Đông Bắc nói riêng, cả nước nói chung. Với định hướng này, ông Trung hy vọng đơn vị mình sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh hiện có, đóng góp để Quảng Ninh phát triển thành trung tâm dược liệu của cả nước trong tương lai.

Nghiên cứu và ứng dụng thảo dược trị bệnh cho tôm

Hiện nay, Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã phát triển hơn 40 loại sản phẩm, đang tham gia nghiên cứu và triển khai dự án cấp nhà nước về ứng dụng cây ngải mọi trong điều trị bệnh xương khớp.

Với chức năng là đơn vị khoa học công nghệ, công ty không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, tìm lối đi mới cho cây dược liệu và đang nghiên cứu phát triển một sản phẩm phục vụ cho ngành thủy sản, cụ thể là thuốc chữa bệnh cho tôm.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển kinh tế thủy sản, trong 32.000ha tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 7.500ha, hiện Quảng Ninh cũng là trung tâm tôm giống của khu vực phía bắc.

Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển kinh tế thủy sản

Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển kinh tế thủy sản

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để nuôi tôm thành công là bảo đảm sức khỏe tốt cho con tôm. Sức khỏe, tăng trưởng và năng suất của loài thủy sản này chịu ảnh hưởng khá lớn từ môi trường. Do đó, thành công của quá trình nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào việc duy trì tình trạng sức khỏe tốt cho tôm nuôi.

Gan tụy là một tuyến tiêu hóa của con tôm, sức khỏe của gan tụy ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, khả năng kháng bệnh và tốc độ tăng trưởng của tôm.

Tôm bị bệnh gan gây ra nỗi lo lắng “mất ăn mất ngủ” đối với những người nuôi trồng thủy sản, bởi khi bị bệnh này, tôm sẽ bị chết sớm, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Trong khi đó, hiện nay các thuốc điều trị bệnh cho tôm chủ yếu nhập từ Thái Lan. Các sản phẩm trong nước sản xuất vẫn còn rất khiêm tốn.

Công ty chúng tôi đã phối hợp với Viện Khoa học thủy sản nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thuốc chữa bệnh gan tụy cho tôm và tặng một số cơ sở để dùng thử. Hiện công ty đã xin đăng ký nhiệm vụ khoa học công nghệ với thành phố và tỉnh, đang trong quá trình chờ phê duyệt.
Ông Phạm Việt Trung - Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

Ngoài việc kiểm soát chất lượng môi trường ao nuôi, người nuôi tôm cũng áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ chức năng gan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm.

Khi nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, việc bảo vệ gan tụy là ưu tiên hàng đầu. Nếu bệnh gan tụy nặng thì điều trị khó có hiệu quả. Do đó, trong quá trình nuôi trồng, một số cơ sở nuôi tôm tại Quảng Ninh đã dùng các thuốc bổ gan của Dược Đông Bắc trộn với thức ăn nuôi tôm để phòng bệnh và cho kết quả khả quan.

Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã phối hợp với Viện Khoa học thủy sản nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thuốc chữa bệnh gan tụy cho tôm.

Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã phối hợp với Viện Khoa học thủy sản nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thuốc chữa bệnh gan tụy cho tôm.

“Biết được điều này, công ty chúng tôi đã phối hợp với Viện Khoa học thủy sản nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thuốc chữa bệnh gan tụy cho tôm và tặng một số cơ sở để dùng thử. Hiện công ty đã xin đăng ký nhiệm vụ khoa học công nghệ với thành phố và tỉnh, đang trong quá trình chờ phê duyệt” - ông Trung cho biết.

Với hướng đi này, ông Trung hy vọng sẽ đóng góp vào chuỗi giá trị sản xuất bền vững của ngành tôm tỉnh Quảng Ninh.

“Chúng tôi tập trung vào việc phòng và trị bệnh gan cho tôm bằng thảo dược. Khi gan khỏe, tôm sẽ tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, con tôm sẽ lớn nhanh, vỏ cứng, tăng năng suất nuôi trồng” - ông Trung hồ hởi.

Chúng tôi tập trung vào việc phòng và trị bệnh gan cho tôm bằng thảo dược. Khi gan khỏe, tôm sẽ tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, con tôm sẽ lớn nhanh, vỏ cứng, tăng năng suất nuôi trồng.
Ông Phạm Việt Trung - Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

Ngày xuất bản: 5/10/2023

Thực hiện: Nhóm Phóng viên