Tăng khả năng
cạnh tranh
của gạo Việt
Phóng viên Nhân Dân hằng tháng vừa có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh (ảnh trên) về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt, trong bối cảnh nhu cầu về gạo trên thị trường thế giới đang tăng do những bất ổn ở một số khu vực và nguy cơ khủng hoảng lương thực dần hiện hữu.
Thưa Thứ trưởng, chủ trương không chỉ tập trung vào lượng hàng xuất khẩu mà ngày càng chú trọng đến chất lượng và giá trị hạt gạo của ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Ông có thể đánh giá một số thay đổi về chất lượng và giá trị của hạt gạo Việt trên thị trường thời gian vừa qua?
Mục đích gia tăng về chất lượng và giá trị của hạt gạo Việt trên thị trường là nhất quán được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ trong các lĩnh vực, từ cơ chế chính sách, đến tổ chức sản xuất, phát triển thị trường... Trong giai đoạn 2000-2021 chúng ta đã có những thay đổi ngoạn mục về chất lượng, giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Năm 2000, Việt Nam xuất khẩu được 3,5 triệu tấn gạo thu về 0,67 tỷ USD (giá trung bình 191 USD/tấn), thì tới năm 2021 chúng đã xuất khẩu 6,24 triệu tấn gạo với giá trị 3,3 tỷ USD (giá trung bình 528,8 USD/tấn).
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung xây dựng, đề xuất một số chính sách cụ thể như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, thể hiện cụ thể về định hướng cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích sản xuất từng giai đoạn.
Thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang chuyển dịch đúng theo các định hướng trên của Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Tính đến nay, xuất khẩu gạo trắng chiếm 46,7%, gạo thơm các loại chiếm 33%. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 cũng đi theo hướng điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Để thực hiện chủ trương này, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu chọn tạo ra nhiều giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt để nâng cao giá trị xuất khẩu, đặc biệt chương trình sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra được các gói kỹ thuật cụ thể và các giống lúa chất lượng cao cho từng vùng. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tại 8 tỉnh, thành phố ĐBSCL nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân. Bộ cũng tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo sang các thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như triển khai thực hiện hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm cho gạo xuất khẩu để hưởng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA và UKVFTA.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ đông xuân.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ đông xuân.
Tuy chúng ta đã có những chủ trương đúng đắn nhưng việc nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo dường như vẫn là vấn đề khó và chậm chuyển biến, thưa ông?
Ngành hàng lúa gạo còn chưa phát triển được theo kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, phần lớn chưa có hợp đồng tiêu thụ ổn định, liên kết theo chuỗi còn thấp lại chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, đầu tư vào nông nghiệp, vào ngành hàng lúa gạo hiệu quả còn thấp, mức độ rủi ro cao so với các ngành nghề khác, cũng chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư. Vì thế doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ít về số lượng, quy mô nhỏ và mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ.
Quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, khó thực hiện cơ giới hóa; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản thiếu, yếu làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản. Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển; các sản phẩm phụ còn lãng phí, chưa được chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.
Mặt khác, nông dân còn khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ như nguồn vốn tín dụng để phục vụ đầu tư dài hạn do thủ tục vay còn khá phức tạp, cho vay theo chuỗi còn hạn chế. Nguồn kinh phí bố trí để thực hiện chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...
Ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa gạo. Theo ông, còn những vấn đề gì cần lưu ý để đưa các giải pháp đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả?
Theo tôi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo các Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025-2030, Chiến lược xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 và Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, cần tiếp tục việc thực hiện tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp. Ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”; hướng đến nền sản xuất xanh, sản xuất sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ.
Một trong những trọng tâm mà chúng ta đã nỗ lực nhiều năm qua là phát triển ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lúa gạo liên kết với nông dân, hợp tác xã... xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và áp dụng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu. Cần có chính sách đủ mạnh và tập trung nguồn lực để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị vào phát triển ngành hàng lúa gạo, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất .
Chính phủ cũng vừa giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trong đó tập trung định hướng vùng nguyên liệu cần gắn với hệ thống logistic phù hợp, tận dụng sử dụng phế phụ phẩm trong sản xuất lúa, chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ gạo, phụ phẩm từ lúa gạo nhằm gia tăng giá trị hạt gạo; sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, và tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách đầu tư theo chuỗi giá trị.
Là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng đáng tiếc là đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều thương hiệu mạnh về lúa gạo. Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thực tế là vậy và chúng tôi rất trăn trở. Việc chưa có nhiều thương hiệu gạo Việt Nam mạnh một phần là do các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã...) chưa chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đầu tư phát triển thương hiệu mang tính bài bản, lâu dài vì chính các chủ thể đó là người đăng ký, sở hữu và vận hành các nhãn hiệu/thương hiệu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế và họ được hưởng những giá trị của thương hiệu đó mang lại.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo. Bộ đã xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice năm 2015 và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice năm 2018 có hiệu lực trong 10 năm. Theo Hệ thống Madrid, Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã được bảo hộ tại 21 quốc gia bao gồm cả Nhãn hiệu chứng nhận và Nhãn hiệu thông thường.
Bộ NN&PTNT cũng tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về xây dựng và quản lý Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản địa phương, trong đó có mặt hàng gạo. Hiện nay nhiều loại gạo Việt Nam có chất lượng cao như dòng gạo ST, Jasmine, OM 18... hoặc một số loại gạo đạt giải trong những cuộc thi lúa gạo quốc tế như ST 25 đủ điều kiện và đáp ứng về chất lượng cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Xin nhấn mạnh lại rằng, thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp, và muốn có thương hiệu buộc phải sản xuất trách nhiệm, xanh sạch, được người tiêu dùng, quốc tế đón nhận và ghi nhận.
Ông có thể đánh giá triển vọng và cơ hội của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế thời gian tới, khi tình hình thế giới còn nhiều bất ổn?
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột vũ trang, thời tiết cực đoan, nguy cơ dịch bệnh phức tạp, vật tư đầu vào tăng cao dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đã thực hiện tốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và với vị thế của nước xuất khẩu nông sản hàng đầu đã thể hiện trách nhiệm góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Hiện tại chúng ta vẫn duy trì được việc sản xuất lúa gạo với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 7,2 triệu ha với sản lượng hơn 43 triệu tấn thóc, bảo đảm lương thực quốc gia và xuất khẩu 6,0-6,5 triệu tấn gạo. Minh chứng điển hình là thời gian qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước, xuất khẩu gạo vẫn đạt kết quả khả quan.
Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội do nhiều nước trên thế giới đang có các chính sách nhằm bảo vệ an ninh lương thực trước những tranh chấp địa chính trị xảy ra gần đây, do đó tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm nhiều quốc gia nhập khẩu gạo nhiều hơn thay cho nguồn cung lúa mì bị đứt gãy. Trong khi đó, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp thiên tai làm giảm sản lượng lúa gạo, gây thiếu hụt nguồn cung. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đối với gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo trắng và gạo lứt là cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo (trong đó có Việt Nam) gia tăng thị phần. Chúng ta cũng được hưởng ưu đãi thuế quan theo một số FTA.
Việc cạnh tranh đối với một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Myanmar... là bình thường, tất yếu, nhất là khi các quốc gia đó còn dư địa về diện tích gieo trồng và cũng có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo. Cạnh tranh bao giờ cũng đem lại lợi ích chung và không còn cách nào khác chúng ta phải tổ chức sản xuất tốt hơn để đem lại giá trị nhiều hơn nữa cho hạt gạo Việt.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ánh Tuyết-Trần Dũng-Nguyễn Mỹ Linh
Thúy Hà-Hải Phương
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Minh Huyền, Trần Dũng, Minh Duy, nguồn internet