Nâng tầm
hạt gạo Việt
& những cơ hội mới
Là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng trong nhiều năm qua, thương hiệu gạo Việt lại ít được biết đến ngay cả ở những nước ăn gạo truyền thống, hay những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Gạo Việt Nam bị đóng nhãn mác gạo nước ngoài, xuất khẩu thô với giá rẻ, sang các thị trường như châu Phi, Trung Quốc, ASEAN... là phổ biến, xuất khẩu nhiều nhưng doanh thu chưa cao.
Gần đây, có nhiều tín hiệu tích cực khi gạo Việt đạt được thứ hạng cao trong các cuộc thi gạo quốc tế, một số tập đoàn lớn đang chú trọng sản xuất gạo chất lượng cao có thương hiệu xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật... Thời gian dịch bệnh kéo dài làm đứt gẫy chuỗi sản xuất, nhưng doanh thu từ xuất khẩu gạo vẫn liên tục tăng cao. Điều đó chứng tỏ chất lượng, giá trị gạo Việt ngày càng chuyển biến tích cực. Làm thế nào để chất lượng gạo ngày càng xứng tầm với một cường quốc xuất khẩu về lúa gạo như Việt Nam và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế là tiêu điểm của Nhân Dân hằng tháng tháng 10.
Tạo bước đột phá mới
cho gạo xuất khẩu
Sau nhiều năm liên tục giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang giảm lượng, tăng chất, tăng giá bán. Theo đó, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã có sự thay đổi, dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo Japonica... Mục tiêu là tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao đời sống cho nông dân trồng lúa.
Sự chuyển mình mạnh mẽ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,02 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng lần lượt 19% và 9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính trung bình 8 tháng đầu năm 2022, giá gạo xuất k hẩu đạt 486,5 USD/tấn, trong cơ cấu chủng loại lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao đứng vị trí hàng đầu.
Trước đó, năm 2021, trong tổng số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là hơn 6,2 triệu tấn, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm hơn 89%. Năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD, các loại gạo thơm, chất lượng cao chỉ chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu.
Điểm qua các số liệu tiêu biểu cho thấy, trong ba năm trở lại đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có bước chuyển mình rõ rệt. Điều này xuất phát từ chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó có tái cơ cấu ngành lúa gạo với hướng điều chỉnh mạnh mẽ, thay đổi quy trình canh tác và tập trung nâng cao chất lượng gạo. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, chất lượng gạo xuất khẩu được nâng cao xuất phát từ việc tập trung đẩy mạnh gieo trồng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Cụ thể vụ hè thu 2022, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1.493 nghìn ha, thì giống lúa thơm, đặc sản đạt 15,24 %; giống lúa chất lượng cao đạt 68,33%, tăng 20,33% so với cùng kỳ.
Mặt khác, tình hình sử dụng giống xác nhận trong vụ hè thu 2022 cũng đạt tới 77,3%; sử dụng giống nguyên chủng là 0,25%. Cũng trong chương trình thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tập trung ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với các giải pháp thực hiện như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ICM. Đặc biệt, với việc giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích đã giúp giảm chi phí đầu tư về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 2 đến 3 triệu đồng/ha tùy từng vùng sản xuất. Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng cũng giúp tăng năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa, chi phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh giá phân bón và vật tư đầu vào liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Ngoài thay đổi về giống lúa thì một trong những “mắt xích” quan trọng trong tái cơ cấu ngành lúa gạo là liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín. Những năm qua, mối liên kết này vẫn được coi là “nút thắt” lớn nhất đối với sản xuất lúa gạo, nên khi được tháo gỡ, đã tạo ra sự biến chuyển nhanh chóng cho ngành hàng lúa gạo cả ở khâu sản xuất và kinh doanh. Một trong những mô hình liên kết nổi bật thời gian qua là sự hình thành các liên hiệp hợp tác xã. Đây là những mô hình điểm về liên kết sản xuất lớn: nông dân vẫn giữ đất canh tác, nhưng phải tuân thủ theo kế hoạch, quy trình sản xuất của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng; doanh nghiệp bảo đảm đầu ra sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Nhờ đó, chất lượng lúa gạo từng bước được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện không chỉ của từng khu vực xuất khẩu mà còn của từng quốc gia xuất khẩu.
Tại thị trường EU, gạo Việt Nam đã bước đầu “đặt nền móng” cho tiến trình xác lập thương hiệu thông qua lượng gạo xuất khẩu tăng dần theo từng năm với giá bán ở mức cao, từ 800 đến hơn 1.000 USD/tấn. Cụ thể, đầu tháng 9 năm 2022, lần đầu tiên sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được giới thiệu tới người tiêu dùng nước Pháp. Cùng với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), “cánh cửa” cho gạo Việt xuất sang EU đang rất rộng mở. Bên cạnh đó, tại thị trường Nhật Bản, gạo ST25 mang thương hiệu A An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã vượt qua gần 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe để chính thức được nhập khẩu và bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản từ cuối tháng 6 năm nay.
Tới đây, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực khác như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật Bản.
Top 10 thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất năm 2021.
Top 10 thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất năm 2021.
“Điểm nghẽn” cần được khơi thông
Mặc dù những chuyển dịch mạnh mẽ trong sản xuất, liên kết, tiêu thụ đã tạo ra bước phát triển mới cho ngành hàng lúa gạo những năm vừa qua, nhưng đến thời điểm này, lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn đó những “điểm nghẽn”, cản trở quá trình tái cơ cấu và nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo. Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất phải kể đến chính là yếu tố chất lượng. Hiện, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới. Điều này thể hiện qua cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, thị trường xuất khẩu chính vẫn là các nước châu Á truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc và các nước châu Phi... Lượng gạo xuất khẩu vào các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản... vẫn còn rất ít. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết chất lượng gạo thể hiện thông qua việc đạt các chứng nhận của các quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới. Hiện, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt các chứng nhận như: Global GAP (tiêu chuẩn chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu); ISO 22000 (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm); HACCP (hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu); Chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, áp dụng cho dòng gạo hữu cơ)... là chưa nhiều. Trong khi đó, để xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao thì đây là những chứng nhận vô cùng quan trọng. Chưa kể hiện nay nhiều thị trường còn đặt ra các tiêu chuẩn khác về môi trường, lao động, thương mại công bằng... đòi hỏi ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam phải thích ứng nhanh chóng, nếu muốn đa dạng hóa thị trường và tăng giá bán gạo.
Từ hạn chế về chất lượng đã dẫn đến thực tế là gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, hầu hết đều chưa có thương hiệu riêng. Doanh nghiệp các nước thường nhập gạo Việt Nam theo container gạo thô, về đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ. Do đó, mặc dù là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người tiêu dùng thế giới lại rất ít biết đến gạo Việt Nam. Nhìn sang Thái Lan, có thể thấy từ rất lâu nước này đã có thương hiệu gạo xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao với giá bán hơn 1.000 USD/tấn. Ông Nguyễn Thành Huy - Tùy viên Thương mại, Phụ trách Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết: Hiện Thái Lan có 3 loại gạo xuất khẩu chính là gạo trắng, gạo Hom Mali và gạo đồ, chiếm 70% tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan ra thị trường nước ngoài, trong đó gạo Hom Mali có giá bán rất cao. Không chỉ vậy, tại thị trường châu Âu, gạo Thái Lan cũng đang có ưu thế hơn hẳn gạo Việt Nam. Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy, thì riêng tại thị trường Bắc Âu - khu vực thị trường có yêu cầu cao bậc nhất thế giới về chất lượng nông sản - Thái Lan đang là nhà cung cấp gạo thơm chính với số lượng nhiều gấp 3 lần so với Việt Nam. Bên cạnh Thái Lan, Campuchia và Myanmar cũng đã sớm đưa gạo thơm, gạo đặc sản vào thị trường Bắc Âu. Hiện hai nước này đều có sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng được người tiêu dùng Bắc Âu đón nhận như gạo thơm Phka Rumduol của Campuchia và gạo đặc sản Paw San của Myanmar. Đây là điều mà gạo Việt Nam chưa làm được.
Dây chuyền chế biến, đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ.
Dây chuyền chế biến, đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ.
Bên cạnh đó, theo nhận định của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo vẫn chưa đạt được giá trị gia tăng cao là do Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như thực phẩm làm từ gạo, nước uống từ gạo, sữa gạo, thậm chí là các loại mỹ phẩm từ gạo..., trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với các loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.
Xuất khẩu gạo lâu nay luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tác động lớn đến sinh kế và lợi ích của hàng chục triệu nông dân cả nước. Trong thời gian tới, ngành hàng xuất khẩu gạo còn nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng, mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm xóa bỏ “điểm nghẽn” trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết để tạo ra bước đột phá mới.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ánh Tuyết-Trần Dũng-Nguyễn Mỹ Linh
Thúy Hà-Hải Phương
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Minh Huyền, Trần Dũng, Minh Duy, nguồn internet