Để Việt Nam là nước đi đầu về tiết kiệm năng lượng
Việc tiết kiệm và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng vừa giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - nền tảng phát triển bền vững” cung cấp thông tin thực tiễn từ áp dụng công nghệ mới cho tới chiến lược, kế hoạch tổng thể mà Việt Nam và một số quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã triển khai và gặt hái thành công.
Tiết kiệm năng lượng đôi khi chỉ cần một cải tiến nhỏ trong kỹ thuật, song có khi lại cần cả sự đầu tư “khủng” và dài hạn về công nghệ, máy móc. Nhưng trên tất cả, tiết kiệm năng lượng cần đến sự thay đổi trong ý thức của người sử dụng, cả trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay điện sinh hoạt. Dù đã có những mô hình tốt để nhân rộng, những dự án tốt để vay tiền triển khai, tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam vẫn đang cần một cú hích trước yêu cầu phát triển xanh.
Chuyện tiết kiệm năng lượng ở vựa tôm miền Tây
Đến ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hỏi nhà anh Huỳnh Khánh Lượng ai cũng biết. Có tiếng là ông chủ mát tay, các vựa tôm đều thắng lớn nhiều năm qua, anh Lượng luôn là người tiên phong mạnh dạn ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào nuôi tôm. Anh Lượng kể, việc nuôi tôm gặp nhiều thách thức trong sự đầu tư về vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện. Quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy, là khâu chủ yếu sử dụng điện trong nuôi tôm. Thế nhưng những năm trước, điện rất phập phù, chi phí tiền điện cũng cao vì chưa tìm ra giải pháp tiết kiệm được năng lượng điện vào nuôi tôm công nghiệp.
Năm 2017, anh cùng các chủ vựa tôm đã có một bước đột phá trong tiết kiệm năng lượng bằng việc tham gia đề án của Tổng công ty Điện lực miền Nam chuyển đổi mô hình con lăn trong quạt nước, sử dụng điện khoa học, tiết kiệm và an toàn hơn. Quan trọng nhất, nhờ việc mỗi người tiết kiệm điện, bức tranh cung cấp điện tại một số địa bàn Sóc Trăng không bị quá tải, góp phần giảm áp lực về cung cấp điện, giảm chi phí đầu vào cho các hộ dân nuôi tôm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Trường hợp của anh Lượng cũng như anh Nguyễn Văn Khởi hay 26 hộ dân tại hợp tác xã Hòa Nghĩa, thị xã Vĩnh Châu đều đã mạnh dạn vứt bỏ hết dàn công nghệ quạt nước kiểu truyền thống (sử dụng ma sát trượt) để chuyển sang đầu tư mô hình mới là “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt chữ U bằng con lăn trục quay” và “Đồng trục hóa mô-tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ.
Những ngày đầu tiên mang mô hình về hỗ trợ bà con Sóc Trăng, nhiều người bán tín, bán nghi, thắc mắc câu chuyện “ngược đời” vì sao đơn vị bán điện lại quay sang hỗ trợ cho người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, đại diện Công ty Điện lực Sóc Trăng lý giải, với khoảng 60% hộ trong tổng số hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng công nghệ quạt nước kiểu truyền thống gây tổn thất điện năng và hao phí điện lớn. Muốn phát triển, cần phải thay đổi mô hình, ban đầu làm mô hình thí điểm. Để quảng bá rộng rãi mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm đến người dân mang tính trực quan sinh động và thực tế, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai điểm trình diễn mô hình trong nuôi tôm tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu; giới thiệu đến các hộ nuôi tôm 2 giải pháp này.
Chị Nguyễn Thị Lệ Khanh, Phó phòng Viễn thông – Công nghệ Thông tin, Công ty Điện lực Sóc Trăng đồng hành với hàng trăm hộ dân suốt 2 năm triển khai đề án kể lại, tháng 12/2016, đề án bắt đầu triển khai và thí điểm tại 161 hộ dân nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng). Ban đầu người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi vì chưa nhìn thấy hiệu quả khả thi của việc tiết kiệm. “Tại sao phải phá bỏ dàn công nghệ quạt nước cũ, tại sao phải bỏ ra khoản tiền đầu tư mới mà không biết có tiết kiệm điện thật sự hay không?”, nhiều người dân tâm tư. Chưa kể tới là các chủ tôm không cảm thấy chi phí điện cho nuôi đầm tôm quá cao so với chi phí sản xuất. Nhưng ngành điện đã tìm cách vừa hỗ trợ tiền, kỹ thuật, vừa triển khai mô hình thí điểm điển hình để bà con thay đổi tư duy, thay đổi thiết bị hỗ trợ nuôi tôm, giảm chi phí điện xuống thấp.
Hiệu quả được trả lại bằng những con số mà bà con nông dân vô cùng khấp khởi. Nhờ mô hình mới, ghi nhận tại các hộ nuôi tôm tại ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu thuộc Chương trình thí điểm cho thấy, trước khi áp dụng giải pháp tiết kiệm điện hộ này phải trả chi phí điện hơn 84 triệu đồng/vụ, sau khi được ngành điện hỗ trợ (vật tư và nhân công) để thực hiện giải pháp tiết kiệm điện, chi phí tiền điện đã giảm được gần 11 triệu đồng trong vụ tôm, chiếm 13,1% so với chi phí điện và chiếm tỷ trọng 0,98% so với tổng chi phí sản xuất trong vụ nuôi tôm.
Sau một năm thí điểm áp dụng mô hình tiết kiệm điện tại các vùng nuôi tôm trọng điểm tại tỉnh Sóc Trăng, EVN đã thực hiện hỗ trợ được 833 hộ (161 hộ trong giai đoạn 1 và 672 hộ cho giai đoạn 2) với tổng diện tích được hỗ trợ là 543,67 ha và số gối đỡ lăn hỗ trợ là 26.378 cái.
Việc thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay đã giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm được 15,2% điện năng tiêu thụ. Khi lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt kết hợp sử dụng con lăn để thay thế dàn quạt không đồng trục, sử dụng gối đỡ chữ U tiết kiệm điện được 38,7%.
“Với kết quả nêu trên, các hộ nuôi tôm sẽ tiết kiệm được 572.004 kWh/năm khi sử dụng giải pháp 1 (mức tiết kiệm là 15,2%),tương ứng với số tiền tiết kiệm hơn 951 triệu đồng/năm và 1.456.351 kWh/năm nếu áp dụng giải pháp 2 (mức tiết kiệm là 38,7%), tương ứng số tiền tiết kiệm gần 2,5 tỷ đồng/năm”, chị Khanh cho hay.
Đến năm 2018, EVNSPC đã triển khai thí điểm mô hình thứ 3 gồm thay con lăn, đồng trục hóa mô tơ, sử dụng mô tơ hiệu suất cao và hộp số, tiềm năng tiết kiệm từ 45 – 50%. Theo ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhờ tổng thể 3 giải pháp mà người dân ở tại đây đã tiết kiệm được năng lượng trên 50%.
“Thí dụ, trước đây mỗi hộ phải trả 1 triệu đồng tiền điện/tháng thì giờ còn 500.000 đồng. Đây là giải pháp có tính thực tiễn, gần gũi với sự ứng dụng dành cho bà con nông dân từ năm 2017 đã được nhận giải nhất “Giải pháp cải tiến dàn quạt oxy để tiết kiệm trong nuôi tôm” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức. Đề án này cũng đã được Bộ Công thương công nhận sáng kiến năm 2018”, ông Nguyên cho hay.
Sau khi kết thúc mô hình hỗ trợ vào năm 2018, Bộ Công thương cũng đã có những hoạt động hỗ trợ người nông dân ở Sóc Trăng và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các buổi giới thiệu mô hình, thí điểm tại một vài hộ kinh doanh cá thể để người nông dân hiểu và đồng hành thay đổi phương thức nuôi tôm, tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc nhân rộng mô hình ra 8 tỉnh còn lại cũng khá cầm chừng vì khi hết sự hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật, nhiều người vẫn duy trì mô hình dàn quạt oxy cũ.
Theo ông Nguyên, một phần rất lớn do bà con nông dân chưa hiểu về giải pháp tiết kiệm điện này một cách đầy đủ. Nhiều người biết nhưng eo hẹp về kinh phí nên dè dặt trong đầu tư thay thế hệ thống.
Giải pháp đặt ra là gì, theo ông Nguyên, muốn nhân rộng mô hình rất cần có sự vào cuộc của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội nông dân tại các tỉnh, thông qua kênh nào đó hỗ trợ người dân. Đặc biệt, Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố cần có giải pháp tổng thể, trong đó cần dành ngân sách nhà nước hoặc có mô hình hỗ trợ cho bà con chưa đủ vốn đầu tư vay với lãi suất ưu đãi. Một giải pháp nữa cũng khả thi cao là việc xã hội hóa, có sự vào cuộc của doanh nghiệp tư nhân đầu tư vốn và họ sẽ thu lại khoản tiền đầu tư sau này theo mô hình Công ty dịch vụ năng lượng - ESCO.
“Nếu triển khai được mô hình này tại vựa tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 630 nghìn ha sẽ có giá trị lớn trong tiết kiệm đầu tư cho người dân và tiết kiệm năng lượng điện. Chúng ta chỉ cần 1 trong 3 giải pháp được triển khai đã mang lại lợi ích cực kỳ to lớn cho nuôi tôm công nghiệp, giảm áp lực cho chúng tôi cấp điện cho khu vực này”, ông Trần Viết Nguyên cho hay.
Đánh giá cao về mô hình này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, mô hình thay thế gối đỡ trục dàn quạt chữ U bằng con lăn trục quay và đồng trục hóa mô-tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U của EVN có giá thành đầu tư không đắt, giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân và có giá trị cao trong tiết kiệm điện năng.
“Năm 2019, chúng tôi có làm việc UBND tỉnh Sóc Trăng và được biết, sản lượng điện sử dụng cho nuôi tôm hơn 200 triệu kWh, tiêu thụ tới 20% sản lượng điện của tỉnh. Tham vọng của chúng ta là đến năm 2030, sản lượng nuôi tôm sẽ cao hơn nhiều lần so với hiện tại thì sẽ phải tiêu thụ điện năng rất lớn. Nếu không thay đổi mô hình, người dân sẽ tốn kém chi phí đầu vào mà năng lượng tiêu thụ rất cao. Ngoài ra, chuyển đổi mô hình còn giúp giảm tai nạn điện”, ông Vũ cho biết.
Sau khi Bộ Công thương cấp chứng nhận sáng kiến cho mô hình, năm 2019, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, Bộ Công thương đã có chương trình về một số địa phương cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con làm một số mô hình trình diễn tại các đầm tôm trong một huyện để bà con tìm hiểu và áp dụng.
Về vấn đề nguồn vốn được cho là rào cản lớn để người dân mạnh dạn đầu tư triển khai, ông Vũ cho hay, ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương sẽ hỗ trợ một phần thông qua chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của địa phương.
Các doanh nghiệp cần một cú hích để tiết kiệm năng lượng
Giải pháp cải tiến dàn quạt oxy để tiết kiệm trong nuôi tôm là một trong những mô hình triển khai rất thành công của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc hỗ trợ bà con tiết kiệm được chi phí đầu vào và tạo lưới điện an toàn, ổn định, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Thế nhưng, để nhân rộng, bà con cần thêm một cú hích sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Đây là bài toán mà ngành công nghiệp Việt Nam cũng đang loay hoay đi tìm lời giải.
Thực tế, trong những thập kỷ qua, nhu cầu về năng lượng trong khối công nghiệp ngày càng cao. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng điện trong lĩnh vực này tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010, và 10,5%/năm trong giai đoạn 2011-2019.Việt Nam đã chuyển từ nước xuất siêu về năng lượng sang nhập siêu từ năm 2015. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho việc phát triển nguồn cung năng lượng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển ổn định của các ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành công nghiệp.
Theo các chuyên gia, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng so với việc phải bỏ ra một khoản vốn đầu tư ban đầu cho tiết kiệm năng lượng mà nguyên nhân chính được cho là sự thiếu vốn chuyển đổi công nghệ. Các giải pháp dù đồng bộ hay một phần cũng quá sức với tiềm lực tài chính của phần lớn các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, để giảm cường độ sử dụng năng lượng, để giải quyết bài toán phát triển công nghiệp bền vững chính là các doanh nghiệp phải tiết kiệm năng lượng. Thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, mô hình hỗ trợ vốn thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng thông qua các tổ chức tài chính được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Chương trình cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, một hợp phần của dự án “Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công thương phối hợp cùng World Bank (WB), được triển khai với tổng nguồn vốn 156 triệu USD. Trong đó, đặc biệt có sự tham gia đóng góp từ các doanh nghiệp công nghiệp với số vốn là 31 triệu USD.
Theo ông Vũ, với việc hỗ trợ bằng khoản vay ưu đãi, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho việc chuyển đổi các công nghệ tiết kiệm năng lượng hiện đại. Điều này vừa giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh, vừa đóng góp đáng kể cho các mục tiêu giảm phát thải chung của cả nền kinh tế.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, dự án tài trợ khoản vay mới triển khai từ năm 2018 đến nay có rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu thụ năng lượng trọng điểm như lĩnh vực sản xuất mía đường, xi măng, giấy, phân bón… đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư cho chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất mía đường, Công ty Thành Thành Công - Biên Hòa luôn đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang thừa đường cần phải có sự cạnh tranh về giá. Việc tiết kiệm năng lượng để giảm giá thành sản phẩm là vấn đề sống còn. Kể từ năm 2018 khi trở thành đơn vị đầu tiên tham gia dự án VEEIE, công ty đã nhận được 2,6 triệu USD từ dự án để nâng cấp trung tâm nhiệt điện thông qua việc nâng cấp bộ hâm nước và hệ thống xé bã mía. Nhờ đó, công ty đã tiết kiệm được nhiều năng lượng đầu tư cho sản xuất.
Công nghiệp xi măng là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ than và điện lớn nhất, nhiệt lượng dư thừa khí thải trong khâu sản xuất được sử dụng một phần cho khâu nghiền sấy nguyên liệu và than, nhưng lượng nhiệt dư theo khí thải phát tán ra môi trường chưa được khai thác triệt để. Điều đó dẫn tới tiêu hao điện năng cho một đơn vị sản phẩm xi măng ở Việt Nam còn lớn.
Với ngành xi măng, công nghệ thu hồi nhiệt khí thải để phát điện có hiệu quả rất cao giảm phát thải bụi, nhiệt lượng ra môi trường và cung cấp đến 30% điện năng sử dụng trong các nhà máy xi măng.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có một số nhà máy lắp công nghệ này trong đó có Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình. Với mục tiêu tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng cho sản xuất, hạn chế tối đa phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, hướng đến giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh, Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình đã tham gia dự án vay vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải nhà máy phục vụ phát điện. Trên cơ sở sử dụng nhiệt khí thải của hai dây chuyền sản xuất xi măng công suất 2.500 tấn clinker/ngày và 6.000 tấn clinker/ngày. Qua quá trình nung luyện và làm nguội clinker, khí thải thoát ra có nhiệt độ cao mang theo lượng nhiệt dư lớn sử dụng làm nguồn nhiệt chính cung cấp cho tổ máy tận dụng nhiệt khí thải, tham gia cung cấp điện trực tiếp cho dây chuyền sản xuất xi măng của nhà máy.
Theo ông Đỗ Đức Thắng, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần xi măng Vissai Ninh Bình, từ năm 2018 khi đầu tư hai hệ thống tận dụng nhiệt dư khí thải để phát điện với tổng dây chuyền 10 MW, bảo đảm cả về kỹ thuật và kinh tế. Về kỹ thuật, việc phát thải ra nhiệt và bụi giảm được tuyệt đối. Về kinh tế, công ty giảm 1/3 giá thành điện trên sản phẩm. Hằng tháng, việc tiết kiệm năng lượng giúp công ty giảm được 10 tỷ tiền điện.
Lợi ích kinh tế đã rõ ràng, việc đầu tư hệ thống để tiết kiệm năng lượng còn giúp các doanh nghiệp sản xuất hướng tới giảm phát thải khí ra môi trường. Việc được vay vốn ưu đãi là cú hích lớn với các doanh nghiệp để mạnh dạn thay đổi.
Việt Nam sẽ dịch chuyển ngành nghề kinh tế theo hướng xanh hóa
Để giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng, về mặt vĩ mô phải có sự chuyển dịch ngành nghề kinh tế theo hướng xanh hóa, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện trên một đơn vị sản phẩm.
Hiện Chính phủ đã có lộ trình chuyển dịch nền kinh tế, chuyển dịch ngành nghề theo hướng sử dụng carbon thấp, giảm cường độ năng lượng, tiến tới đẩy mạnh ngành công nghệ xanh không khói như nhiều nước trên thế giới. Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, dần chuyển dịch nền kinh tế sang hướng giảm carbon, dịch chuyển nhóm ngành nghề công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng sang nhóm ngành nghề tiêu thụ ít năng lượng hơn, như tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghệ cao, chất bán dẫn, hay ngành có cường độ năng lượng thấp.
Nếu giảm cường độ sử dụng năng lượng, sẽ bớt lệ thuộc vào nguồn tài nguyên năng lượng vì đa phần tài nguyên năng lượng hữu hạn, sẽ tới lúc bị khai thác cạn kiệt. Song song đó, Việt Nam chú trọng phát triển năng lượng tái tạo để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, giảm khí thải nhà kính. Vì thế, với cam kết năm 2050 đạt được điểm trung hòa carbon, Việt Nam có nhiều việc cần phải làm.
Thứ hai, phải thúc đẩy công nghệ tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, loại bỏ công nghệ tiêu thụ nhiều, hiệu suất năng lượng thấp. Hai Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ rà soát, loại bỏ công nghệ lạc hậu. Cứ 5 năm lại tiến hành rà soát một lần để đưa ra tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu, nâng cao hiệu suất năng lượng tối thiểu lên theo giai đoạn 5 năm một lần. “Công nghệ luôn luôn đổi mới, phát triển tiên tiến hơn, hiệu quả cao hơn, vì thế Việt Nam sẽ phải đi cùng, không thể lạc hậu. Nếu không bám sát lộ trình, Việt Nam sẽ thành bãi rác thải công nghệ của thế giới”, ông Vũ cho hay.
Thứ ba, việc thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của người sử dụng năng lượng rất quan trọng. Chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia đã xây dựng những cẩm nang bỏ túi, gồm cả bản in và bản online để hướng dẫn cộng đồng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình. Nhưng kiến thức dễ hiểu dễ thực hành để ai cũng có thể thực hành tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của việc đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng là sức ì quán tính rất lớn của người dân và tư duy cũ trong vận hành mô hình sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là chủ các doanh nghiệp thuộc ngành/lĩnh vực thâm dụng nhiều năng lượng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều bộ phận người dân vẫn còn chưa thấy rõ ý nghĩa, vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với bản thân gia đình, xã hội và đất nước. Người dân chưa quan tâm đến tiêu chí tiết kiệm năng lượng khi mua sắm các thiết bị gia dụng sử dụng điện so với các tính năng khác của thiết bị.
Công chức, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa nhận thức, thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với việc thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Đến năm 2020, mới có gần 50% số địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình. Một số kế hoạch được ban hành còn chung chung về mục tiêu, hoặc mục tiêu đưa ra bám theo mục tiêu quốc gia mà không tính đến đặc điểm cụ thể về sử dụng năng lượng của địa phương, bên cạnh việc bố trí nguồn lực tài chính, đặc biệt là ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện kế hoạch còn chưa phù hợp. Điều này có thể dẫn đến lúng túng, kém hiệu quả trong triển khai chương trình trên địa bàn.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển của thế giới, tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp mạnh dạn chuyển mình, có ý thức cao về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là một số doanh nghiệp xuất khẩu tìm cơ hội vào các thị trường khó tính thông qua việc truy xuất dấu vết carbon của sản phẩm. Nếu doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn và năng lượng tái tạo để sản xuất khi ghi nhãn thì sản phẩm dễ dàng bán hoặc vào thị trường cao cấp như EU, Mỹ. Dần dần xu hướng dán nhãn carbon cho sản phẩm là xu hướng tất yếu.
“Có một số doanh nghiệp đang đi trước cơ quan quản lý nhà nước, tự nguyện xin thí điểm đánh giá về phát thải trong khâu sản xuất, mong dán nhãn chỉ số khí thải carbon và mong được cơ quan quản lý xác nhận mà hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Đó là nhu cầu thiết thực và chính đáng của doanh nghiệp nhưng chúng ta vẫn đang thiếu thể chế và cơ chế khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp. Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương sẽ kiện toàn hành lang pháp lý này”, ông Vũ nói.
Để tiết kiệm điện năng trong thời gian tới, ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN sẽ triển khai các chương trình quản lý nhu cầu phụ tải (DSM) theo Chương trình Quốc gia về DSM giai đoạn 2018 – 2020, định hướng tới năm 2030 và lộ trình thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Bộ Công thương (theo Quyết định số 279/QĐ-TTg và Quyết định số 175/QĐ-BCT).
Tập đoàn cũng triển khai các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Thúc đẩy phát triển các nguồn điện năng lượng mới và năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối), theo Nghị quyết số 55-NQ/TW. Tập đoàn cũng thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) thương mại theo lộ trình, tiết giảm công suất đỉnh tối thiểu bằng 2.000MW (vào năm 2030).
Mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng nhưng thực tế từ năm 2015, chúng ta đã chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu. Vì thế, ngoài việc mở rộng nguồn cung năng lượng, điều tiên quyết để Việt Nam là nước đi đầu lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, chúng ta cần phải cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Quay trở lại với các vựa tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 12/8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững vùng này đến năm 2030. Theo đề án này, vùng tôm nước lợ sẽ đạt 720 nghìn ha thay vì 630 nghìn ha nuôi tôm như hiện nay.
Theo ông Trần Viết Nguyên, nếu những mô hình thành công như sáng kiến tiết kiệm điện trong nuôi tôm ở Sóc Trăng được nhân rộng ra 720 nghìn ha nuôi tôm với hàng chục nghìn ao tôm thì sẽ tiết kiệm được lượng điện vô cùng lớn.
Tổ chức thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM, MINH DUY
Ảnh và đồ họa: Minh Duy, TTCsugar, Ximang, Reply.