Năng lượng tái tạo

Sau thăng hoa là gánh nợ!

Với hệ thống điện nói chung, sự nở rộ của năng lượng tái tạo vẫn không giúp được các tỉnh phía bắc thoát khỏi tình trạng phải cắt điện do thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu điện vẫn tăng mạnh. Cùng lúc, trái với mong chờ ngồi mát nhìn tiền rủng rỉnh chảy về túi, nhiều nhà đầu tư vào điện mặt trời và điện gió lại đang như đi trên dây với khối nợ lớn bởi nguồn thu giảm mạnh.

Ồ ạt đầu tư

Theo số liệu của Bộ Công thương, tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW. Xét về mặt cơ cấu, điện gió chiếm khoảng 0,8% công suất và 0,4% sản lượng; điện mặt trời khoảng 23,8% công suất, 3,7% sản lượng; còn lại là các nguồn khác là 325 MW; điện nhập khẩu là 572 MW...

Như vậy, từ chỗ chỉ có 5 MW điện mặt trời, trong đó duy nhất có 1 MW nối lưới vào thời điểm trước tháng 4/2017 (thời điểm ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg), tới cuối năm 2020, tốc độ tăng trưởng điện mặt trời ở Việt Nam khiến không nơi nào trên thế giới sánh kịp, với con số cả nước có 104.282 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà (tổng công suất 9.580 MWp). Cũng ở thời điểm này, thống kê của Bộ Công thương cho thấy còn 5.146 MW điện mặt trời đã, đang trình bổ sung tiếp vào quy hoạch điện (tính hết ngày 30/6/2019, ngày kết thúc hưởng với mức giá mua là 9,35 UScent/kWh, cả nước đã có gần 4.900 MW điện mặt trời hòa lưới).

Đòn bẩy cho việc tăng trưởng thần tốc về điện mặt trời này không có gì khác ngoài giá mua điện hấp dẫn so với suất đầu tư ban đầu và việc dễ dàng được bổ sung dự án vào Quy hoạch điện thời gian qua. Cũng do bùng nổ nguồn cung trong khi không đầu tư hệ thống pin lưu trữ đã khiến hệ thống điện bắt đầu gặp những thách thức trong vận hành, đặc biệt là vào giai đoạn nhu cầu tiêu thụ điện giảm sút do tác động của dịch Covid-19.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) kiểm tra, cập nhật phương án sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch. Ảnh: H.Hoa

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) kiểm tra, cập nhật phương án sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch. Ảnh: H.Hoa

Trong khi dự báo huy động điện cho ngày kế tiếp được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) công bố hằng ngày cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc thấp điểm nhất vào buổi trưa (thời gian điện mặt trời phát huy cao nhất), nhiều tháng nay chưa tới 30.000 MW. Thậm chí có những thời điểm như trưa 1/1/2021, hệ thống ghi nhận mức tiêu thụ điện chỉ còn khoảng 16.585 MW.

Đối với điện gió, ở thời điểm giữa tháng 10/2021, các dự án cũng đang chạy đua gấp rút về đích để kịp hưởng giá bán điện cố định (FIT) cao ngày 31/10/2021. Vì thế, vào thời khắc bước sang ngày 1/11/2021, hệ thống điện còn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về nguồn năng lượng tái tạo khi có thêm 3.000 MW điện gió kịp hưởng cơ chế giá FIT và nối lưới.

Lắp đặt trụ Turbine điện gió tại Ninh Thuận. Ảnh: Phương Thảo

Lắp đặt trụ Turbine điện gió tại Ninh Thuận. Ảnh: Phương Thảo

Quay trở lại thời điểm trước khi Quyết định 39/2018/QĐ-TTg được ban hành, cả nước mới chỉ có chín dự án điện gió đi vào vận hành, với công suất khiêm tốn là 353 MW. Nhưng sau khi có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, đồng thời nhìn tấm gương điện mặt trời đi trước “ngon ăn”, đã có hàng nghìn MW điện gió được bổ sung quy hoạch. Cụ thể, tính tới tháng 3/2020, Việt Nam đã có 78 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.800 MW được bổ sung quy hoạch. Trong đó có 11 dự án (tổng công suất 377 MW) đã vận hành phát điện; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện dự kiến đi vào vận hành năm 2020 - 2021. Ngoài ra, còn 250 dự án với tổng công suất khoảng 45.000 MW được Bộ Công thương đã hai đến ba lần đề nghị được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực...

Lo nhà đầu tư phá sản!?

Nhìn vào công bố của A0 có thể nhận thấy, nguồn năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời và điện gió, tỷ lệ huy động chỉ dao động từ 40%-45% công suất đặt. Với nguồn điện mái nhà, việc huy động cũng chỉ quanh mức 50%. Điều này nghĩa là cơ hội đổi đời, “nhặt tiền” từ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nhiều nhà đầu tư tư nhân không thể như mong đợi! Hệ quả là, các tính toán ban đầu để vay vốn phát triển dự án khác xa thực tế, khiến dòng tiền thu được giảm mạnh và các chủ đầu tư vỡ mộng! Đã vậy, áp lực trả nợ đầu tư ban đầu nhanh chóng đè nặng lên các nhà đầu tư năng lượng tái tạo không kể lớn, nhỏ.

Đã có 40 doanh nghiệp làm điện mặt trời tại Gia Lai cùng ký tên vào một kiến nghị tập thể để gửi tới nhiều cơ quan chức năng ngày 16/9/2021 bởi lo ngại khoản đầu tư của mình vào năng lượng xanh có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Danh sách này dự báo còn tiếp tục được nối dài...!

Toàn cảnh Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: Báo Đầu tư

Toàn cảnh Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: Báo Đầu tư

Không chỉ vậy, ngành điện cũng đang tiến hành rà soát lại hàng trăm dự án điện mặt trời áp mái nhà xem có sự gian lận để được hưởng giá cao không? Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, sau khi rà soát lại một số hồ sơ tại Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Hậu Giang, đã quyết định truy thu phần đã thanh toán với sản lượng điện mái nhà không đúng quy định, thậm chí chuẩn bị tiến hành khởi kiện.

Nhưng, bài học của cơn sốt điện mặt trời dường như đã không được các nhà đầu tư điện gió quan tâm đúng mức. Nhiều nhà đầu tư tự tin với tên tuổi của mình có thể giúp “đi qua” nhiều cửa thuận lợi để dự án đến đích, nên vẫn hăng hái đầu tư và tạo nên trào lưu mới. Tuy nhiên, trong số 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất đăng ký là 5.655,5 MW thì tới ngày 15/10/2021 mới chỉ có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443 MW đã được công nhận COD.

Nhiều gia đình ở Bình Dương lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

Nhiều gia đình ở Bình Dương lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

Trong khi hiện có nhiều dự án điện gió tuy đã tiến hành xong các thử nghiệm công suất, nhưng lại đang thiếu một số giấy tờ liên quan trong bộ hồ sơ nghiệm thu nên đang “vắt chân lên cổ” để hoàn tất mới mong kịp hưởng chính sách giá FIT hấp dẫn hiện nay (ngày 31/10).

Thực tế đã 10 tháng trôi qua sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hết hạn vẫn chưa có phương thức phát triển tiếp cho các dự án điện mặt trời nói chung, bao gồm cả giá cho điện mặt trời áp mái nhà, mức giá cho điện gió kể từ sau ngày 1/11/2021 cũng được xem là câu hỏi khó cho các nhà đầu tư đang phát triển dự án dở dang.

Về điểm này, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc chưa có chính sách rõ ràng này khiến cho các doanh nghiệp hoang mang. “Nếu EVN chưa sẵn sàng đón nhận thì các dự án điện gió hòa lưới thì sẽ gây ra lãng phí xã hội, bởi nếu chỉ phát được 50% công suất lên lưới thì kể cả giá FIT có cao, nhà đầu tư vẫn có thể lỗ, thậm chí phá sản”, ông Huân khẳng định.

Rõ ràng, gánh nặng về chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo lại sẽ dồn lên vai nhà đầu tư nói riêng và toàn xã hội nói chung theo hướng lãng phí nguồn lực.

Tổng công suất nguồn điện gió trên bờ và gần bờ
Infogram

Áp lực tối ưu hệ thống khi có sự “đột biến”

Sự bùng nổ của năng lượng xanh, nhất là điện mặt trời, nhưng lại không có pin lưu trữ cũng đang gây khó khăn và sức ép đến vận hành hệ thống điện.

Để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung lớn và nhu cầu tiêu dùng điện thấp, việc huy động nguồn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên các nhà máy điện bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật, rồi đến các nguồn năng lượng tái tạo rồi mới đến các nguồn điện còn lại.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0

Do ưu tiên huy động nguồn năng lượng tái tạo mà trong bốn tháng đầu năm 2021 các nhà máy nhiệt điện đã phải khởi động tổ máy đến hơn 334 lần. Con số này vào nửa cuối năm 2019 (thời điểm bắt đầu huy động nguồn điện mặt trời vào hệ thống) là 74 lần, vào năm 2020 là 192 lần. Tất cả các lần huy động lại nguồn điện đều có thể dẫn đến sự cố tăng nguy cơ sự cố tổ máy (như đã xảy ra với nhà máy Phú Mỹ 2.2; nhà máy Bà Rịa…).

Một góc Nhà máy Phú Mỹ.

Một góc Nhà máy Phú Mỹ.

Gần đây nhất là lời than phiền của các nhà máy điện khí khi không được huy động phát điện. Điều đáng nói là việc giảm huy động nhiệt điện khí kéo theo nguy cơ một số mỏ khí đang khai thác tại Việt Nam sẽ có nguy cơ dừng sản xuất dài hạn hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế biển và phần thu ngân sách nhà nước của các mỏ khí bị giảm mạnh.

Thực tế vận hành hệ thống điện hiện nay cũng cho thấy, khi dễ dãi với việc bổ sung quy hoạch điện, cấp phép đầu tư tràn lan cho các dự án năng lượng tái tạo, nhưng lại thiếu nghiêm túc trong tính toán khoa học, cân nhắc các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành, cái giá phải trả là vừa lãng phí tiền bạc của xã hội, mà điện vẫn... thiếu. Đó chính là cái kết không ai mong muốn!

So với mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch phát triển điện VII hiệu chỉnh (ban hành tháng 3/2016) là đạt 850 MW công suất điện mặt trời và 800 MW điện gió vào năm 2020; khoảng 4.000 MW điện mặt trời và 2.000 MW điện gió vào năm 2025; khoảng 12.000 MW điện mặt trời và 6.000 MW điện gió năm 2030, có thể nói đang có sự bùng nổ về đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Nguồn: Bộ Công thương

Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, LÊ ĐỨC NGHĨA, THANH MAI, KIẾN GIANG, VÕ HOÀNG
Trình bày: ĐỨC DUY, PHAN ANH
Ảnh: NGỌC HƯƠNG, TÚ UYÊN, FECON, TRUNG NAM, HALCOM, ANH TUẤN, PHƯƠNG THẢO, HẢI VÂN