
Người làm báo đi giữa vòng vây Covid-19, vào vùng thiên tai bão lũ hay đưa tin về hoạt động của nguyên thủ cũng... không dễ như nhau. Trong mỗi bài viết đều từ những nếm trải nông sâu.
Ngày Phụ nữ Việt Nam đặc biệt
Hôm đó, ngày 13/10/2021, anh em trong đội thiện nguyện lên đỉnh đèo Hải Vân (địa phận Đà Nẵng) giúp bà con hồi hương tránh dịch Covid-19. Mọi người về lấy hàng, tôi ở lại để hướng dẫn đội sinh viên tình nguyện của Trường đại học Đông Á sửa xe, thay dầu, tiếp xăng...
Đó là thời điểm bà con về nhiều nhất, có ngày qua Đà Nẵng cả nghìn người. Đội chúng tôi cũng đã trên đường gần 100 ngày đêm.
Lúc đó tôi đã nghỉ hưu nhưng có tham gia giảng dạy báo chí, vẫn viết báo và đi làm thiện nguyện. Bất kỳ địa phương nào cần cũng đến, đến ngay giữa lúc ngập nặng ở Quảng Bình và bão lớn ở Quảng Nam. Cô Chủ tịch, Hiệu trưởng Trường đại học Đông Á nhờ tôi quản lý điều hành đội sinh viên này.
Đội vốn “nâng cấp”, bổ sung nhân sự từ “Đội SOS sửa xe 0 đồng” của sinh viên nhà trường lâu nay. Đó là những thành viên giỏi giang và kiên cường nhất mà tôi biết. Trước hết là xe nào cũng sửa được cả (trừ xe bể lóc máy phải xin xe cũ thay cho bà con).
Ngoài ra, còn một đội khác chuyên đón bà con từ đèo Lò Xo giáp Quảng Nam và Kon Tum, hỗ trợ thức ăn, nước uống và mọi vật dụng cần thiết rồi đưa họ ra Đà Nẵng. Một khối lượng hàng hóa khổng lồ từ các nhà hảo tâm cũng phải được phân phối kịp thời. Nếu ai thiện tâm giúp đỡ thì đều chỉ định mua hàng chứ không nhận tiền mặt.
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (sinh năm 1956), làm báo từ năm 1986 ở báo Bình Trị Thiên, sau đó là Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng phòng Phóng viên báo Quảng Bình. Từ năm 1997-2017 là Trưởng văn phòng đại diện báo Thanh Niên tại miền trung. Ông từng đoạt 3 Giải Báo chí Toàn quốc (nay là Giải Báo chí Quốc gia) vào các năm 1998, 1999, 2000 cùng nhiều giải thưởng khác. Giúp con người hướng thiện, theo ông, đó là nhiệm vụ của báo chí và là đạo đức của người làm báo. Ông tham gia giảng dạy báo chí-truyền thông từ năm 2002 đến nay.
Đội sửa xe lưu động giúp bà con về quê tránh dịch Covid-19 do tác giả tổ chức.
Đội sửa xe lưu động giúp bà con về quê tránh dịch Covid-19 do tác giả tổ chức.
Một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi là ngày 20/11 năm đó, khi dòng người đã vãn, anh em định nghỉ thì nhận được điện thoại có một đoàn ra đến chân đường hầm Hải Vân. Trần Vương hỏi tôi, anh còn tiền không? Tôi bảo, anh còn trong thẻ 8.600.000, để anh rút 8.500.000, còn 100.000 để anh mua mì gói. Vương nói vội, được rồi, em còn ít đây, anh em mình đi đi.
Chúng tôi tập trung 64 phụ nữ của những gia đình về quê. Nói rằng, hôm nay là Ngày Phụ nữ Việt Nam, anh em chúng tôi có chút quà và phát cho mỗi người một phong bì 500 nghìn đồng. Sau đó mỗi trẻ em cũng được 500 nghìn đồng. Một trường hợp đặc biệt thì 3 triệu đồng. Và gọi đặt cho mỗi người một suất cơm, một chai nước uống. Đó là Ngày Phụ nữ Việt Nam đặc biệt.
Những ngày đó, ngoài công việc, tôi còn tranh thủ viết bài. Vào thời điểm đó phóng viên cũng hiếm người có giấy phép ra đường. Và, cho dù có ra đường cũng không thể thực tế như người trong đội chúng tôi. Chứng kiến và cảm thông cùng nhiều thân phận nên bài viết cũng lay động hơn.
Chiếc bè mong được “ăn cắp bản quyền”
Năm 2020, lụt lớn chưa từng có, cả nước hướng về huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Mỗi ngày hàng trăm chiếc xe, hàng trăm đoàn về cứu trợ, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, quần áo...
Tôi sinh ra, lớn lên ở nơi đó nên thấu cảm và bèn liên tưởng, nghĩ ra một cách. Lúc nhỏ, nhà nào cũng trồng chuối sứ trong vườn, ngoài dùng để ăn trái, thân cây thì nuôi lợn, đến mùa lụt thì dùng nhiều cây chuối sứ kết lại bằng một cây tre đóng xuyên qua làm bối. Cái dùng để đưa lợn gà, cái thì để thóc gạo, cái dùng làm bếp, cái để đi nhà này sang nhà khác...
Trong các đợt lũ lớn, nhiều gia đình bị ngập sâu nhưng thiếu phương tiện di chuyển, chờ cứu hộ thì khó kịp nên tôi cùng mấy anh em quyết định làm bè bằng ống nhựa PVC phi 200. Bỏ chụp ống vào hai đầu nữa thì bè dài chừng 3,8m. Dùng 4 ống ghép như trong hình, bè rộng 1,4m. Dùng gỗ làm sàn để ngồi hoặc chở đồ vật. Bè có thể chở 6 người, tải trọng hơn 300 kg nhưng trên bè ghi rõ bằng sơn “Tải trọng cho phép 200kg”.
Phóng viên tác nghiệp trong lũ lụt ở Quảng Bình năm 2000.
Phóng viên tác nghiệp trong lũ lụt ở Quảng Bình năm 2000.
Bè đằm, bước lên bước xuống rất vững, không lật, trường hợp có lật thì vẫn nổi nên an toàn hơn các loại thuyền. Thuyền nhôm hoặc nhựa dễ lật, có kỹ năng mới bơi được. Thuyền hơi loại tốt thì đắt, loại cùng tầm giá thì đi trong làng đụng cành cây dễ thủng, tải trọng không bằng mà chèo tốc độ chậm vì nước cản dồn thuyền lại.
Để làm được chiếc bè mô tả ở trên, nhóm chúng tôi đã thử nghiệm nhiều lần với các loại ống khác nhau cho đến khi tìm ra cách phù hợp nhất. Chủ tịch quận Sơn Trà đến xem, thấy có ích nên rất ủng hộ, cô Nguyễn Thị Anh Đào (Trường đại học Đông Á) như thường lệ, ủng hộ nhiệt tình, tôi gọi điện xin thêm bạn bè và con cháu nữa... Anh em làm đêm làm ngày rồi được một bạn cho xe chuyển ra vùng lũ đang ngập. Sau đó thì mua vật tư và thi công tại chỗ, phía đường quốc lộ không ngập.
Dân vùng lũ nhiều kinh nghiệm nên rất thích loại bè này. Và nó thật sự hữu ích. Từ đó nhiều nhà tự làm để sẵn phòng khi lũ lụt đến.
Sau này, nhiều nơi bị lũ lụt, lấy hình ảnh từ báo chí và Facebook của tôi rồi bảo họ sáng tạo ra. Anh em khắp nơi biết chuyện điện thoại bảo tôi bị “ăn cắp bản quyền”. Tôi cười mà rằng, tôi rất mong được họ nhân rộng ra.
Cũng nhờ chiếc bè đó mà chúng tôi đi lại trong hang cùng ngõ hẻm, vừa giúp bà con, vừa lấy tư liệu viết bài. Vì lúc đó phóng viên vào rất khó. Nhiều làng xã cấm thuyền máy vì sợ sóng làm đổ tường. Không gì bằng vừa làm nghề, vừa làm thiện nguyện. Trong buồn cũng có chút vui.
Khó như... làm tin về Tổng thống
Đó là ngày 16/11/2000, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên, anh Nguyễn Quốc Phong gọi tôi vào phòng giao nhiệm vụ: Ban biên tập yêu cầu phải thay đổi cách đưa tin thời sự, đặc biệt là đưa tin các nguyên thủ đến Việt Nam. Lần này, Tổng thống Bill Clinton sang, nhất định phải có ảnh ông ấy bước xuống máy bay kèm bài tường thuật. Ban biên tập chỉ luôn, Nguyễn Thế Thịnh làm.
Chiều tối, Chu Ngọc Thắng lái xe chở tôi lên sân bay. Theo lịch thì Tổng thống Bill Clinton đáp chuyên cơ xuống Nội Bài lúc 23 giờ 30 phút. Tôi vào khu vực dành cho phóng viên lúc 20 giờ và áng chừng trên sân có 500 phóng viên của các hãng thông tấn báo chí trên thế giới (sau này mới biết hơn nghìn và riêng phóng viên Nhà trắng đi theo đã 200 người).
Tôi đứng đầu tiên, sát dây làm vạch phân cách, không hiểu thế nào, lúc sau bị bật ra sau cùng. Tôi cố bò sát đất (thậm chí qua háng mấy anh cao to) đến hàng đầu tiên thì máy bay xuống. Lúc Chelsea, con gái Tổng thống bước xuống. Tôi bấm liên tiếp một loạt. Rồi Tổng thống Bill Clinton xuất hiện. Bấm tiếp một loạt nữa.
Xe chúng tôi chạy theo sau chiếc xe cảnh sát khóa đuôi. Tôi nhẩm tính, kiểu này thì không thể nào rửa ảnh và viết bài cho kịp, bèn quay sang nói với Chu Ngọc Thắng, chạy đường khác. Đang ngon trớn thì thấy bóng mấy anh cảnh sát, hóa ra đường Đội Cấn chỉ đi một chiều theo hướng ngược lại.
Thắng đang lúng túng thì tôi bảo, tắt đèn, quay xe lại. Thắng quay xe rồi tiếp tục lúng túng. Tôi đang bị áp lực nên gắt: Chạy lùi! Thắng đạp côn, trả số, cho xe chạy lùi. Thắng lái xe rất xịn, lùi nhanh như tiến nên khi ngang qua, mấy anh cảnh sát bất ngờ không kịp phản ứng (mà chắc đang đêm đường vắng nên cũng không gây khó dễ gì).
Phải nói ngắn gọn thế này, tất cả ảnh tôi chụp chỉ được ba tấm rõ nhưng bố cục không ra gì. Nhưng may thay, trên xe, có một phóng viên ảnh của báo bạn, anh này là một tay máy chuyên nghiệp.
Khi đi có mặc cả là xin anh một tấm ảnh nếu có sự cố. Anh đồng nghiệp đồng ý nhưng bảo ảnh cứ ghi tên Nguyễn Thế Thịnh chứ báo anh mà biết ảnh của anh thì không xong. May mắn thay, giờ đó báo của anh đã mang sang nhà in nên kho ảnh của anh chỉ còn giá trị tư liệu. Vậy là chúng tôi chọn bức ảnh đẹp nhất của anh.
Tác giả tham gia điều hành việc phát quà hỗ trợ cho bà con trong dịch Covid-19.
Tác giả tham gia điều hành việc phát quà hỗ trợ cho bà con trong dịch Covid-19.
Cuối cùng thì Tổng Thư ký cũng nhận được bài và ảnh. Lúc đó đã 2 giờ 30 phút sáng. Báo hôm đó in hơi trễ vì một cách làm mới. Hóa ra, theo để làm tin về Tổng thống còn khó hơn vào vùng lũ.
Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Nội dung và ảnh: NGUYỄN THẾ THỊNH
Trình bày: DUY LONG