Nga nỗ lực
"tắt báo động đỏ”
về ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.
Nga là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nước nhất trên thế giới với 14 vùng biển tiếp giáp, hơn 2 triệu hồ nước ngọt và 2,5 triệu con sông lớn nhỏ chảy trên một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Đông sang Tây. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chỉ số về ô nhiễm nguồn nước ở Nga trong nhiều năm trở lại đây không khỏi khiến chính quyền và người dân xứ Bạch Dương lo lắng và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để giải quyết triệt để vấn đề này.
“Báo động đỏ”
Báo cáo “Thực trạng bảo vệ môi trường” năm 2019 của Bộ Tài nguyên và môi trường Nga ghi nhận tới hơn 3.000 vụ việc ô nhiễm nguy hại đối với hệ thống sông ngòi. Theo số liệu quan trắc, ở nhiều địa bàn, tới 56% sông hồ ở trong tình trạng ô nhiễm khiến toàn bộ hoặc một phần hệ sinh thái tại đó bị suy thoái hoặc không thể phục hồi, 32% bị ô nhiễm ở mức trung bình và chỉ có 12% được đánh giá là sạch. Các nhà bảo vệ môi trường đánh giá, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Nga năm 2019 ở mức tệ nhất trong 20 năm trở lại đây.
Năm 2020 ở Nga ghi nhận hơn 2.700 vụ việc ô nhiễm nguồn nước, giảm 12% so năm 2019, tuy nhiên vẫn ở mức tương đương so với các năm trước đó (biểu đồ).
Theo số liệu thống kê của Cơ quan giám sát tài chính của Quốc hội Nga, có tới 40% dân số Nga thường xuyên sử dụng nước kém chất lượng với các mức độ ô nhiễm khác nhau. Nhiều khu vực vẫn là những điểm nóng về ô nhiễm như vùng Sverdlovsk, Arkhangelsk, Vladimir, Leningrad, Novgorod và thủ đô Moscow. Đó là các trung tâm công nghiệp và các vùng đô thị lớn.
Sự cố ô nhiễm môi trường nước nguy hiểm nhất trong năm 2020 xảy ra vào ngày 29/5 ở vùng Krasnoyarsk tại Công ty cổ phần NTEK thuộc Tập đoàn Norilsk Nickel. Hơn 21 nghìn tấn nhiên liệu bị tràn ra ngoài, chảy vào các sông Daldykan, Ambarnaya và hồ Pyasino. Cơ quan Giám sát Môi trường Liên bang Nga ước tính thiệt hại từ sự cố tràn nhiên liệu tại công ty Norilsk Nickel là 147,78 tỷ rúp, khối lượng thiệt hại đối với nguồn nước Bắc Cực là chưa từng có. Đầu năm 2021, Tòa án đã yêu cầu Công ty NTEK bồi thường thiệt hại hơn 146 tỷ rúp do sự cố này, số tiền sẽ được dùng để hỗ trợ các dự án môi trường.
Một số vụ việc khác cũng làm dấy lên những lo ngại mới trong dư luận, như hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực bãi biển Khalaktyrsky, vùng Kamchatka, hồi tháng 9/2020 do nồng độ phenol trong nước biển vượt mức cho phép gấp 2 lần và nồng độ các sản phẩm dầu mỏ nhiều hơn mức an toàn gấp 4 lần. Ngày 5/10/2020, Hãng tin RIA Novosti đã công bố một video mô tả các con sông Kizel và Severnaya Vilva (vùng Perm) bị nhiễm độc bởi dòng chảy từ các mỏ của bể than Kizelovsky đã bị đóng cửa cách đây 15 năm, khiến axit sulfuric chảy dọc theo các con sông đến hồ chứa Kama. Thảm họa đã khiến nước trên độ dài khoảng 500km sông không thể sử dụng.
Vì sao nên nỗi?
Cũng như ở các nước khác trên thế giới, mọi lý do dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ở Nga đều liên quan đến hoạt động của con người trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Thủ phạm đầu tiên là các loại nước thải, từ nước thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải đô thị đến nước thải sinh hoạt. Giai đoạn 2015-2019, lượng nước thải trung bình hàng năm ở Nga lên tới 27 km3, cao hơn gấp nhiều lần tổng công suất thiết kế của các cơ sở xử lý trên cả nước. Do chỉ có 8-9% lượng nước thải được lọc sạch, một lượng lớn chất ô nhiễm xâm nhập vào hệ thống ao hồ, sông suối và cả các nguồn nước ngầm, khiến cho chất lượng nước sinh hoạt ngày càng giảm sút.
Hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp kéo theo nhiều tác động tiêu cực đối với tài nguyên nước. Nước thải công nghiệp, nhất là ở các xí nghiệp luyện kim mang theo những hóa chất độc hại, các dạng phế thải dầu, kim loại nặng, chất phóng xạ và nhiều loại vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm.
Trong sản xuất nông nghiệp, tác nhân ô nhiễm môi trường nước là nhiên liệu, chất thải rò rỉ từ máy móc nông nghiệp, các loại hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… dẫn đến hiện tượng cá và động vật thủy sinh chết hàng loạt.
Hoạt động của các công ty, xí nghiệp sản xuất dầu mỏ và nhà máy lọc dầu cũng “góp công” không nhỏ trong việc hủy hoại tài nguyên nước. Trong đó, mối nguy hiểm đặc biệt đến từ những sự cố tràn dầu.
Thủ phạm thứ hai là chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Chúng không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn gây ra cái chết cho nhiều loài động vật và chim khi nuốt phải hoặc bị vướng vào. Một phần của các mảnh vỡ rắn nổi trên bề mặt, trong khi phần còn lại lắng xuống đáy. Chất thải rắn có thể rất đa dạng, thậm chí có cả các phương tiện thủy bị bỏ hoang.
Ô nhiễm nước ngầm được ghi nhận ở 76 thành phố của Nga do hoạt động của các mỏ dầu, bãi thải của các cơ sở khai thác và luyện kim, bãi chứa và bãi chôn lấp chất thải hóa học, trang trại chăn nuôi và nước thải. Đáng lo ngại hơn, nguồn nước ngầm còn bị nhiễm phóng xạ do sự cố tại nhà máy điện hạt nhân, các vụ thử vũ khí hạt nhân và hoạt động của các nhà máy sản xuất plutonium.
Các giải pháp “cấp cứu” nguồn nước
Thời kỳ đầu sau khi Liên Xô tan rã, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được nhà nước quan tâm đúng mức. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng các thiết bị xử lý nước thải lạc hậu, không đủ công suất để đáp ứng nhu cầu xử lý ngày càng gia tăng. Điều này trực tiếp dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, nhất là ở vùng lãnh thổ châu Âu, nơi có ngành công nghiệp phát triển. Ô nhiễm nguồn nước của các doanh nghiệp lên tới 75% tổng lượng nước thải (28 tỷ m³), trong đó vùng Krasnodar chiếm 11%, Moscow - 8%, Irkutsk - 6%, St. Petersburg - 5%.
Trong những năm gần đây, chính quyền và người dân Nga dần quan tâm hơn đối với vấn đề bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước. Nhà nước đã ban hành các quy định pháp lý trong lĩnh vực sinh thái, xây dựng các chiến lược, kế hoạch về bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Nga nhiệm kỳ 2018 - 2020, ông Dmitry Kobylkin, cho biết, từ năm 2012 - 2019, nhà nước đã thực hiện 64 dự án đầu tư xử lý nước thải với tổng số tiền khoảng 58 tỷ rúp. Hiện nay, Bộ đang chủ trì triển khai Chương trình nước sạch liên bang giai đoạn 2019 - 2024 nhằm hỗ trợ các vùng trong việc chống ô nhiễm và cải thiện chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước; xác định nguồn nước bị ô nhiễm; xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá tiến độ cải thiện chất lượng nguồn nước thực tế. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Duma Quốc gia về Tài nguyên Thiên nhiên Nikolai Nikolayev, với sự hỗ trợ của nhà nước ở cấp liên bang, có thể đạt được những kết quả tham vọng hơn.
Ngoài ra, Nga cũng tăng mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Tháng 4/2019, Luật tăng cường trách nhiệm đối với hành vi vi phạm các quy tắc bảo vệ nguồn nước bắt đầu có hiệu lực tại Nga, trong đó tập trung vào việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ quan chức địa phương khi để xảy ra ô nhiễm nguồn nước. Tất cả các mức phạt đều được tăng gấp 2 - 3 lần so với đạo luật cũ, mức tối đa lên đến 300 nghìn rúp.
Bên cạnh đó, chính quyền Nga cũng tích cực đấu tranh chống các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước trong khuôn khổ Đề án sinh thái quốc gia. Theo đó, trọng điểm là tập trung loại bỏ những bãi chứa rác trái phép. Mục tiêu đề ra là đến năm 2024, khoảng 60% chất thải sẽ được tái chế và không chôn tại các bãi chôn lấp. Giới chức Nga cũng lên kế hoạch xây dựng các công trình xử lý nước mới tại các khu vực tiếp giáp với hồ Baikal và vùng hạ lưu sông Volga trong thời gian tới. Các bãi rác, bãi chôn lấp hiện có sẽ được xóa sổ, giúp ngăn ngừa các nguyên nhân gốc rễ gây ô nhiễm nguồn nước.
Để hạn chế ô nhiễm nguồn nước từ các tác nhân khác, tháng 7/2019, Duma Quốc gia Nga đã thông qua các bộ luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định hình phạt vi phạm các yêu cầu về trang bị các nguồn phác thải độc hại với các công trình và phương tiện xử lý đặc biệt; thiết lập hệ thống kiểm soát tự động mức độ phác thải chất ô nhiễm, yêu cầu tất cả các cơ sở công nghiệp nguy hại phải lắp đặt các hệ thống kiểm soát này.
Nhiều cơ sở xử lý nước thải được xây dựng mới hoặc nâng cấp, ứng dụng các phương pháp lọc nước hiện đại. Nhà nước khuyến khích lắp đặt các hệ thống cung cấp nước tuần hoàn tại các doanh nghiệp thuộc các ngành luyện kim, năng lượng, chế tạo máy, sản xuất giấy, hóa dầu, khai thác mỏ, sản xuất thực phẩm…
Để khắc phục các sự cố vỡ cống, nước nhiễm phóng xạ, tràn dầu hoặc rò rỉ chất độc, ô nhiễm nước ngầm, các đơn vị chức năng tổ chức bơm nước ô nhiễm vào các bể lắng và làm sạch nếu có thể. Nếu không, nước ô nhiễm được lưu trữ trong các bể chứa ngầm hoặc trên mặt đất, bảo đảm độ chắc chắn cao, chống ăn mòn và có khả năng chống chịu động đất.
Để giảm mức độ ô nhiễm đồng thời làm sạch các nguồn nước, các địa phương tại Nga còn triển khai giải pháp như: giảm lượng nước thải; nạo vét, khơi thông dòng chảy; tăng cường giám sát của nhà nước; kiểm soát chặt chẽ đối với lượng nước lấy vào sản xuất; bảo đảm các ao hồ, sông suối có khả năng tự làm sạch tự nhiên. Năm 2020, các hoạt động nhằm bảo tồn các vùng nước độc đáo thuộc Dự án sinh thái quốc gia đã được triển khai tại 85 nguồn nước ở 48 địa phương, giúp cải thiện điều kiện sinh thái gần các nguồn nước cho hơn 4 triệu cư dân của các vùng. Dự án sinh thái quốc gia này dự kiến kéo dài tới năm 2030, đồng nghĩa với việc sẽ còn có nhiều sông và hồ được phục hồi trong cả nước.
Để cải thiện chất lượng của các hệ sinh thái thủy sinh, năm 2009 Nga đã thông qua Chiến lược cải tạo nguồn nước giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, theo Báo cáo phân tích kết quả thực hiện Chiến lược cải tạo nguồn nước trong giai đoạn 2012 - 2020 do Cơ quan kiểm soát tài chính của Quốc hội Nga công bố ngày 9/2/2021, nhiệm vụ khôi phục và phục hồi môi trường nguồn nước còn chưa được giải quyết một cách hiệu quả.
Cơ quan này đánh giá: trong giai đoạn nêu trên, các biện pháp đã được thực hiện để phục hồi sinh thái nguồn nước là chưa đủ, và mặc dù tổng lượng nước thải ô nhiễm giảm nhưng hàm lượng clorua, nitrat, kali và phốt-phát trong nước thải lại tăng. Ở các vùng nước được sử dụng làm nguồn nước uống, vẫn còn tỷ lệ mẫu nước không đáp ứng yêu cầu vệ sinh dịch tễ.
Theo Báo cáo, các biện pháp được thực hiện không hiệu quả do quy định pháp luật chưa đầy đủ, các văn bản chiến lược chính trong lĩnh vực này chưa thống nhất, thiếu sự phối hợp liên ngành và thiếu giám sát chất lượng về tác hại của việc xả thải vào các nguồn nước.
Để nâng cao hiệu quả của các biện pháp bảo vệ nguồn nước, Cơ quan kiểm soát tài chính của Quốc hội Nga đề xuất tạo ra một nền tảng kỹ thuật số chung cho các lưu vực sông cùng với với việc giám sát trực tuyến. Điều này sẽ giúp xác định kịp thời tác động tiêu cực của từng đối tượng sử dụng nước và có được dữ liệu đáng tin cậy về mức độ ô nhiễm của các hệ sinh thái dưới nước.
Về vấn đề này, năm 2020, trong thông điệp gửi tới Quốc hội Liên bang, Tổng thống Nga đã chỉ đạo Chính phủ nước này xây dựng một công cụ hiệu quả để phân tích và kiểm soát môi trường, giúp đánh giá nhanh chóng và đáng tin cậy chất lượng nước, không khí, đất và các khía cạnh khác của tình trạng môi trường trên khắp nước Nga.
Hiện nay, Nga đang nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát môi trường cấp nhà nước. Nguyên tắc xây dựng hệ thống này dựa trên việc sử dụng tối đa dữ liệu có sẵn ở tất cả các cấp chính quyền và chuyển thông tin về lượng phác thải của các doanh nghiệp gây ô nhiễm theo thời gian thực bằng các công cụ đo lường. Dự án này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhằm mục đích giám sát “không chỉ là Volga hoặc một con sông nào cụ thể, mà sẽ phải là toàn bộ ngành công nghiệp nước” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Liên bang Nga đương nhiệm Alexander Kozlov thông tin tại một cuộc họp về vấn đề môi trường diễn ra vào tháng 7 vừa qua.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường sinh thái nói chung, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều nước trên thế giới, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả trước mắt lẫn lâu dài, đe dọa đến sự tồn vong của mỗi quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nước Nga, các biện pháp đã triển khai vẫn chưa giúp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước, các biện pháp mới mà chính quyền dự kiến triển khai hy vọng sẽ sớm phát huy hiệu quả tích cực. Điều quan trọng, để tắt chế độ “báo động đỏ” về ô nhiễm nguồn nước cần có sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Ngày xuất bản: 26/09/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: XUÂN HƯNG, DIỆU THU, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Ảnh: Quang Hiếu, Reuters, Bộ Tài nguyên và môi trường Nga.
Nguồn tin và dữ liệu: Bộ Tài nguyên và môi trường Nga, TASS, RIA Novosti, voda.org.ru.