70 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã không ngừng phấn đấu gây dựng sự nghiệp "trồng người" ngày càng phát triển, góp phần rèn đức, luyện tài cho bao thế hệ chủ nhân của Hà Nội và đất nước. Giáo dục Thủ đô luôn là lá cờ đầu của cả nước, từng bước sánh vai với quốc tế.

Toàn dân xóa nạn mù chữ

Một lớp học bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Một lớp học bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Sau khi tiếp quản Thủ đô, người dân Hà Nội bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội đã xác định, việc nhanh chóng xóa nạn mù chữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì thế, khắp nơi trên địa bàn Thủ đô, các lớp bình dân học vụ được mở rộng rãi, thu hút đông đảo người học. Thành phố vừa động viên, khuyến khích, vừa áp dụng các biện pháp có tính ràng buộc để người dân chưa biết chữ đến các lớp học, cũng như bố trí, điều động đội ngũ giáo viên và các tình nguyện viên tham gia việc dạy học.

Lớp học bình dân học vụ được mở ra ở khắp nơi. Ảnh tư liệu

Lớp học bình dân học vụ được mở ra ở khắp nơi. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong Hội nghị tổng kết bình dân học vụ năm 1956. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong Hội nghị tổng kết bình dân học vụ năm 1956. Ảnh tư liệu

Thành phố nhanh chóng phục hồi các trường học, tận dụng hệ thống cơ sở vật chất của chế độ cũ, dù hầu hết đều là trường tư thục với số lượng ít. Chỉ ít ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình.

Vượt qua những khó khăn, với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, sự quyết tâm của nhân dân thành phố, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội những năm đầu sau giải phóng đã đạt được những kết quả to lớn.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh 17, 19, 20 để thiết lập Nha Bình dân học vụ, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp bình dân, cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh 17, 19, 20 để thiết lập Nha Bình dân học vụ, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp bình dân, cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.

Nhân dân khu phố Hà Trung (Hà Nội) cổ động phong trào diệt giặc dốt ngày 6/12/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nhân dân khu phố Hà Trung (Hà Nội) cổ động phong trào diệt giặc dốt ngày 6/12/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Đến cuối năm 1958, Hà Nội đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ cao, đạt 97,29% (nội thành đạt 98,1%; ngoại thành đạt 94,6%). Việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân và nhân dân cũng được đẩy mạnh với hơn 85.000 người tham gia các lớp bổ túc văn hoá.

Cùng với kết quả căn bản xử lý xong nạn mù chữ, thành phố cũng tận dụng hệ thống giáo dục cũ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân, đồng thời phát triển hệ thống các trường công lập, từng bước đưa giáo dục công lập chiếm vai trò chủ đạo trong hệ thống các trường học toàn thành phố.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945.

Lá cờ đầu của cả nước

Cùng với cả nước, 2,3 triệu học sinh Hà Nội đã hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025.

Cùng với cả nước, 2,3 triệu học sinh Hà Nội đã hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc. Thực hiện đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Giờ đọc sách cho trẻ tại trường Mầm non Hạt dẻ cười (quận Long Biên, Hà Nội).

Giờ đọc sách cho trẻ tại trường Mầm non Hạt dẻ cười (quận Long Biên, Hà Nội).

Đến nay, thành phố Hà Nội có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường so với năm 2023), một trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với 70.200 lớp học. Thành phố có gần 2,3 triệu học sinh và 130 nghìn giáo viên.

Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 64,5%, trong đó tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn là 55,4%; tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn là 72,8%; tỷ lệ này ở bậc trung học cơ sở là 81%; trung học phổ thông là 37,1%.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám trong tiết học Stem.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám trong tiết học Stem.

Hà Nội đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2 sớm hơn mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm trung bình thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Nội tăng 10 bậc xếp hạng so với năm 2022. Nhiều học sinh ở các trường khu vực ngoại thành đã vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi.

Chất lượng giáo dục "mũi nhọn" ngày càng tiến bộ. Nhiều năm liền, Hà Nội duy trì vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Số lượng học sinh Trung học phổ thông đoạt giải quốc gia cao nhất trong các địa phương, tô thắm bảng vàng thành tích giáo dục Thủ đô khi liên tục đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế thường niên như: Thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi khoa học trẻ, các môn văn hóa…

Công tác quản lý giáo dục, dạy học, tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Diện mạo các nhà trường ngày càng thay đổi, rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn thành phố.

GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, Hà Nội có nhiều lợi thế, là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; đồng thời, có nhiều trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ ngày càng tăng. Đây là tiềm năng, lợi thế nổi bật của Thủ đô, tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Đại Thịnh A (huyện Mê Linh). Ảnh: QUANG THÁI.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Đại Thịnh A (huyện Mê Linh). Ảnh: QUANG THÁI.

Hà Nội có nhiều lợi thế, là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; đồng thời, có nhiều trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ ngày càng tăng. Đây là tiềm năng, lợi thế nổi bật của Thủ đô, tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển.
GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tuyên dương, khen thưởng đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tuyên dương, khen thưởng đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2023.

Thành phố có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ, trọng dụng nhân tài.

Thành phố có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ, trọng dụng nhân tài.

Ưu tiên nguồn lực cho giáo dục

Mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô ngày càng phát triển.

Mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, để theo kịp với trình độ của các nước phát triển trong khu vực và thế giới, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần nhanh chóng khắc phục, vượt qua những khó khăn, bất cập còn tồn tại. Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, nhất là giáo dục đại trà cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo (nhất là ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh) còn chậm được cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia tuy đạt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Quận Hoàng Mai tổ chức Lễ gắn biển công trình cấp thành phố chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) đối với dự án xây dựng Trường Tiểu học Trần Phú. Ảnh: HIỀN THU

Quận Hoàng Mai tổ chức Lễ gắn biển công trình cấp thành phố chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) đối với dự án xây dựng Trường Tiểu học Trần Phú. Ảnh: HIỀN THU

Bên cạnh đó, chương trình, kế hoạch đào tạo nghề, nhất là cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và ngành nghề của thị trường lao động. Các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Đồng thời, nâng cao dân trí, chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”.

Hà Nội phấn đấu hình thành mạng lưới trường học tiên tiến, hiện đại.

Hà Nội phấn đấu hình thành mạng lưới trường học tiên tiến, hiện đại.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương

Ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài.

Thành phố ưu tiền dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại; dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó, phấn đấu có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với tinh thần coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Tổ chức thực hiện: Kiều Hương - Trường Sơn
Nội dung: Nguyên Trang
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nguyên Trang