Là Tập đoàn sản xuất lớn trên địa bàn Quảng Ninh, thực hiện quyết tâm cao của địa phương về chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư mạnh và triển khai hiệu quả nhiều giải pháp gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Quyết tâm lớn của Quảng Ninh

Tại Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ giữa năm) Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nêu rõ, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, vượt qua các thách thức, quản trị tốt rủi ro, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022).

Khẳng định của vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã cho thấy những quyết tâm mạnh mẽ của Quảng Ninh trong việc chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đặc biệt là trong ngành than.

Được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng ninh là một trong số ít địa phương trong nước được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, toàn tỉnh có trên 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác; trong đó, sản lượng khai thác nguyên khai một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn...

Giai đoạn năm 2011 trở về trước, so với các ngành kinh tế khác, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa. Trong đó, chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái khi sở hữu các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long… Chính vì vậy, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh dần nhận ra những mâu thuẫn, thách thức: Giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra... Quảng Ninh đã quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” để hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành than.

Quảng Ninh đã quyết tâm chuyển đổi MÔ HÌNH KINH TẾ từ “NÂU sang “XANH” để hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành than.
---------
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký

Tại Nghị quyết 236/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 12/12/2015 về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác quản lý môi trường tập trung vào 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.

Theo đó, hằng năm, tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó riêng năm 2018 chi 5,6%, tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải, nạo vét cống rãnh, vệ sinh môi trường và triển khai các nhiệm vụ, dự án, đề tài về môi trường.

Quảng Ninh cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác than có hoạt động trên địa bàn đảm bảo kinh phí cho bảo vệ môi trường.

Ngành than Quảng Ninh “vào cuộc”

Là một trong những Tập đoàn lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, trong chiến lược phát triển bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn xác định hai phương châm hành động đó là: “Phát triển sản xuất phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất phải hài hoà với môi trường, hài hòa với địa phương, cộng đồng”. 

Ông Ðặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết: “Ngành than tiếp tục thực hiện các cam kết về môi trường với địa phương và dành các nguồn lực cho công tác bảo vệ, trồng cây cải tạo hoàn nguyên môi trường; đồng thời, tập trung triển khai các phương án đối phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, thân thiện với môi trường hơn”.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Ðặng Thanh Hải.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Ðặng Thanh Hải.

Do đó, năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hoàn thành các công trình trong Đề án bảo đảm môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2016-2020), trồng cây phủ xanh hơn 1.000ha bãi thải; lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động. Ngoài ra, đầu tư và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất hơn 120 triệu m3 mỗi năm, bảo đảm toàn bộ nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn. Các đơn vị thuộc TKV cũng đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp để tăng hiệu quả chống bụi, áp dụng giải pháp vận chuyển than bằng băng tải giảm thiểu bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng dân cư, đô thị.

Đáng chú ý, TKV đã di chuyển nhiều phân xưởng, nhà máy sản xuất than ra khỏi các trung tâm, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị của vùng mỏ. Đơn cử, giữa năm 2019, TKV đã chấm dứt hoạt động Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng (quy mô rộng gần 33ha), bảo đảm an toàn môi trường khu vực sản xuất.

Trong bối cảnh khai thác than ngày càng xuống sâu, TKV đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò. Cụ thể, TKV đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, Tập đoàn đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại các đơn vị, gồm: Hà Lầm, Vàng Danh, Khe Chàm...

Hằng năm, TKV dành kinh phí trên 1.300 tỷ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn, trong đó riêng vùng Quảng Ninh khoảng 1.100 tỷ đồng.

Hằng năm, TKV dành kinh phí trên 1.300 tỷ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn, trong đó riêng vùng Quảng Ninh khoảng 1.100 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của TKV.

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường Vùng than Quảng Ninh luôn được TKV chú trọng, triển khai quyết liệt, mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của TKV cũng như tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, mới đây, TKV đã xây dựng và triển khai Đề án bảo vệ môi trường vùng Than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030; Kế hoạch tổng thể cải tạo phục hồi môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030”.

Doanh nghiệp ngành than quyết tâm gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình “xanh hóa” các đơn vị khai thác than, ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường Vinacomin (VITE) - đơn vị thực hiện tư vấn chiến lược phát triển cho Tập đoàn TKV cho biết, đối với doanh nghiệp ngành than phải nói thật sự trong quá trình triển khai thực hiện những chủ trương sản xuất xanh, sạch hơn rất khó khăn bởi vì là yếu tố lịch sử. Ngành than trải qua một quá trình rất dài, có những mỏ đã triển khai hàng chục, gần trăm năm nay rồi. Vì vậy, thực hiện một chủ trương mới vào một đối tượng đã triển khai từ rất lâu rồi không thể tránh khỏi khó khăn.

Tuy nhiên, việc “xanh hóa” các doanh nghiệp khai thác than cũng có những thuận lợi riêng. Một trong những thuận lợi nhất trong quá trình triển khai đó là sự đồng bộ, tức là Tập đoàn có sự đồng bộ đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác môi trường, đồng bộ từ Tập đoàn cho đến các đơn vị và quản lý cũng theo một hệ thống đồng bộ.

Vì vậy mà khi triển khai các giải pháp cũng như các phương án liên quan nâng cao sản xuất xanh, sạch hơn diễn ra khá thuận tiện, bởi vì có sự liên kết cũng như sự trao đổi, học tập và rút kinh nghiệm từ nhau rất nhanh. Đấy là thuận lợi.

Hệ thống xử lý nước thải của Tập đoàn TKV.

Hệ thống xử lý nước thải của Tập đoàn TKV.

“Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, các văn bản pháp lý cũng như hướng dẫn của Nhà nước liên quan các công tác bảo vệ môi trường khá rõ nét. Chính vì vậy đấy là một hành lang pháp lý rất dễ để cho các đơn vị thực hiện”, ông Nguyễn Hoàng Huân khẳng định.

Tại Than Hà Lầm, TKV đã đầu tư một lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất lớn nhất (1,2 triệu tấn than/năm). Việc đầu tư cơ giới hóa cũng giúp giảm tối đa lượng chất thải sau quá trình sản xuất.

Những thuận lợi đó, các doanh nghiệp ngành than đã nỗ lực đầu tư các dự án bảo vệ môi trường. Tại Than Hà Lầm, TKV đã đầu tư một lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất lớn nhất (1,2 triệu tấn than/năm). Theo đánh giá của lãnh đạo TKV, các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với lò chợ bình thường. Bình quân mỗi năm, sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11-14% tổng sản lượng than hầm lò. Việc đầu tư cơ giới hóa cũng giúp giảm tối đa lượng chất thải sau quá trình sản xuất.

Hoặc, dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại khu vực Suối Lại là dự án đầu tiên của TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Việc tái sử dụng đất đá tại bãi thải mỏ làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích kép cho ngành Than, đó là giảm áp lực đổ thải, hạn chế tác động đến môi trường và tăng hiệu quả kinh tế theo hướng tuần hoàn. Đây cũng là chủ trương lớn, hướng đi đúng của tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh các dự án, công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn đang cần số lượng lớn về nguyên liệu san lấp mặt bằng. Thay vì san gạt đồi lấy đất phục vụ hoạt động san lấp, hiện nay, các dự án có thể sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu thay thế phù hợp và hiệu quả.

Item 1 of 2

Ngoài ra, Công ty Chế biến Than Quảng Ninh đã đầu tư 9 xe tưới nước dập bụi ở các khu vực kho cảng vùng Cẩm Phả, Hạ Long và Uông Bí, Mạo Khê cùng hệ thống phun nước dập bụi tại các khu vực dây chuyền chế biến than, các vị trí đầu các máng rót than, kho than, các tuyến đường vận chuyển…

Mới đây, công ty tiếp tục đầu tư 3 máy phun sương cao áp dập bụi với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng và thực hiện cải tạo hệ thống đường nội bộ, hệ thống thoát nước, tổ chức thu gom nước bề mặt, làm các hố lắng; tổ chức che bạt các kho than để bảo vệ than và chống phát tán bụi. Định kỳ hằng tháng, quý, công ty tổ chức quan trắc môi trường, bảo đảm các quy định về môi trường.

Công ty Môi trường - TKV là đơn vị chuyên ngành về công tác môi trường, đang rất nỗ lực thực hiện việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các hoạt động khai thác than, khoáng sản tạo ra. Hiện nay, Công ty đang quản lý vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ tại các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Các trạm được trang bị hệ thống quan trắc tự động để theo dõi giám sát chất lượng nước sau xử lý đủ điều kiện thải ra môi trường. Công ty đang quản lý vận hành 2 tuyến băng tải vận chuyển than từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, đã làm hạn chế tối đa bụi phán tán ra môi trường như trước đây. Hằng năm, Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp nguy hại đã thu gom, xử lý hàng nghìn tấn chất thải rắn các loại. Công ty đã thực hiện quản lý, duy tu bão dưỡng thường xuyên 32km đường vận tải liên mỏ, hàng ngày sử dụng xe xitec để phun nước dập bụi. Đồng thời, thực hiện trồng cây phủ xanh các khai trường sau khai thác, các bãi thải với hàng nghìn ha. Hằng năm, sửa chữa, xây dựng hàng chục km bờ kè, đập chống sạt lở…

Trong thời gian tới, TKV triển khai chủ trương TÁI SỬ DỤNG NƯỚC THẢI MỎ; cải tạo, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG moong khai thác than lộ thiên 917 - Công ty Than Hòn Gai khi kết thúc khai thác và đóng cửa mỏ, chuyển moong 917 sử dụng làm HỒ DỰ TRỮ NƯỚC NGỌT với dung tích 20 triệu m3; thực hiện mục tiêu “Phát triển mô hình KINH TẾ TUẦN HOÀN, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của TKV.
-----------
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đặng Thanh Hải

Ông Đặng Thanh Hải nhấn mạnh: Trong thời gian tới, TKV tiếp tục thực hiện các phương án bảo vệ môi trường tổng thể theo mô hình cụm tại các đơn vị; duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư; tiếp tục đầu tư khởi công mới các công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, môi trường làm việc.

Đồng thời, Tập đoàn triển khai chủ trương tái sử dụng nước thải mỏ; cải tạo, phục hồi môi trường moong khai thác than lộ thiên 917 - Công ty Than Hòn Gai khi kết thúc khai thác và đóng cửa mỏ, chuyển moong 917 sử dụng làm hồ dự trữ nước ngọt với dung tích 20 triệu m3; thực hiện mục tiêu “Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của TKV.

Công ty Than Thống Nhất-TKV. (Ảnh: Thành Đạt)

Nữ cán bộ say sưa làm việc tại phòng điều khiển, Công ty Than Thống Nhất-TKV. (Ảnh: Thành Đạt)

Công ty Than Thống Nhất-TKV. (Ảnh: Thành Đạt)

Nữ cán bộ say sưa làm việc tại phòng điều khiển, Công ty Than Thống Nhất-TKV. (Ảnh: Thành Đạt)

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, tính đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, như:

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%.

Các thông số quan trắc môi trường cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, tính đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%. Các thông số quan trắc môi trường cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép. Điều này thể hiện những quyết tâm và chính sách mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh đã và đang mang lại kết quả tích cực, tạo đà cho những nỗ lực lớn hơn trong tương lai.

Ngày xuất bản: 07/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND