Ngày 29/4/1954:
QUÂN TA SẴN SÀNG BƯỚC VÀO ĐỢT TIẾN CÔNG THỨ 3
Ngày 29/4/1954, các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 351 và Trung đoàn 57 sau khi kiểm tra lại công tác chuẩn bị chiến đấu đã báo cáo lên Bộ Chỉ huy Mặt trận: tất cả đã sẵn sàng bước vào đợt tiến công thứ 3.
Cùng ngày, kết thúc Hội nghị Bí thư đại đoàn ủy và các đồng chí phụ trách các tổng cục trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29/4/1954. Tại Hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy Chiến dịch giới thiệu Nghị quyết mới của Bộ Chính trị và trình bày Báo cáo của Đảng ủy Mặt trận: “Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch”.
Hội nghị thảo luận, nhất trí về tình hình khi phân tích kỹ những khó khăn, thuận lợi của ta và địch. Từ Tổng Quân ủy đến các đồng chí phụ trách các tổng cục và bí thư đại đoàn ủy đã nghiêm khắc tiến hành kiểm điểm và chấn chỉnh tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xác định quyết tâm và biện pháp lãnh đạo bộ đội kiên quyết chiến đấu, bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Trên cơ sở kiểm điểm tự phê bình và phê bình về tư tưởng hữu khuynh tiêu cực còn tồn tại và xác định quyết tâm lãnh đạo bộ đội kiên quyết chiến đấu giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị nêu rõ: “Nhiệm vụ của toàn thể đảng viên, của toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong các đơn vị đang chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ là phải kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành toàn thắng cho chiến dịch”. Tuy nhiên, trên đường đi đến thắng lợi, một trở ngại rất lớn đang ngăn cản quân ta làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình, đó là tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, đó là hiện tượng kém tinh thần chấp hành mệnh lệnh, thiếu quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ...
Để khắc phục tình trạng này, Hội nghị nhấn mạnh:
“Chúng ta là những đồng chí phụ trách của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta càng phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình thành khẩn và nghiêm chỉnh đối với những tư tưởng sai lầm. Chúng ta cần phải tiến hành đấu tranh trong nội bộ để đi đến thực sự đoàn kết nhất trí giữa các cấp ủy phụ trách, làm cơ sở để mở rộng cuộc phê bình và tự phê bình, để tăng cường niềm tin và phấn khởi, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong toàn quân, đoàn kết trên mục đích tối cao trong chiến dịch này là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”.
Sau Hội nghị, phần lớn cán bộ Cơ quan chính trị chiến dịch chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị, triển khai một đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ để mọi người nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay sau đợt tấn công thứ 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ, để củng cố công tác hậu cần, tiếp viện cho tiền phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chỉ rõ nhiệm vụ cho anh em lái xe, phụ xe và dân công vận tải. Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò: “Nhiệm vụ giết giặc của bộ đội ngày càng lớn. Nhiệm vụ ngành vận tải ngày càng nặng nề và quan trọng. Để đảm bảo cho bộ đội giết giặc, tất cả các đội viên vận tải, các anh em lái xe, phụ xe, các anh chị em dân công vận tải hãy cố gắng thi đua tăng năng suất, thi đua tranh thủ thời gian, thi đua chuyển cho nhiều hàng, thi đua tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe cộ, giữ gìn hàng hóa. Muốn được như vậy, các anh chị em cần có quyết tâm vững chắc, cần có tinh thần chịu đựng gian khổ, cần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Các anh chị em hãy hăng hái giật giải thưởng của Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng tư lệnh”. (trích cuốn “Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2014))
Bên cạnh đó, Đảng ủy Cung cấp mặt trận cũng ra lời kêu gọi: “Súng ta đã nổ đạn không thể thiếu Bộ đội ta đã đánh ăn không thể thiếu Quân ta đã tiến quyết không thể ngừng Cán bộ, chiến sĩ, dân công hãy dốc toàn lực, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương bền bỉ, không ngại gian khổ, khó khăn, mệt nhọc, kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ”. (trích cuốn “Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2014))
Đây chính là liều thuốc tinh thần quý báu, kích thích tinh thần vượt khó, quyết tâm giết giặc cứu nước của quân dân ta trước trận chiến có ý nghĩa sống còn.
Nội dung: Trung tá Nguyễn Quốc Hùng - Viện Lịch sử quân sự; Bách Thu
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN