Ngày mới của người Đan Lai
BÊN TÁN ĐẠI NGÀN

Nhiều năm qua, nhờ làm tốt chính sách giao khoán rừng, bảo vệ rừng, cuộc sống của người Đan Lai ở xã Châu Khê (Con Cuông, Nghệ An) đã bớt nhọc nhằn. Từ cảnh ăn nhờ rừng, bà con đã biết dựa vào rừng, tìm kiếm thêm sinh kế mới để phát triển bền vững.
TRUYỀN THUYẾT VỀ BỘ TỘC NGỦ NGỒI Ở PHÍA BẮC TRƯỜNG SƠN

Rời Trạm kiểm lâm Khe Choăng, chúng tôi ngược ra bản Khe Bu (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) để tìm hiểu thêm về những đổi thay của tộc người ngủ ngồi trong truyền thuyết. Dẫn đường cho đoàn là Trạm phó Lữ Văn Duy. Do đã vào mùa khô, nên con đường vào bản dù đã được bê tông hóa phần nào nhưng vẫn mù mịt bụi. Khe Bu cũng chính là điểm bản chót cùng xa của tộc người thiểu số Đan Lai, nhóm người đã sống biệt lập gần 400 năm; đồng thời cũng là một trong những khu vực khó khăn bậc nhất của cả huyện Con Cuông.
Trong ngôi nhà sàn nằm nép mình ngay sát đường cái, trưởng bản La Văn Nam kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của tộc người bi thương giữa đại ngàn. Chuyện rằng, vào khoảng thế kỷ thứ XVI, sau cuộc phân tranh Lê-Mạc, vùng đất Nghệ Tĩnh bị biến thành lãnh địa tranh chấp quyền lực.
Cũng vào thời điểm ấy, dòng họ La ở miền Hoa Quân (Thanh Chương) phải đối mặt với sự áp bức của một tên bạo chúa khét tiếng. Hắn bắt họ phải vào rừng tìm cho ra 100 cây nứa bằng vào, một chiếc thuyền liền mái chèo nếu không sẽ tàn sát tất cả.
Trưởng bản Khe Bu La Văn Năm kể lại truyền thuyết về bộ tộc ngủ ngồi bên dãy Trường Sơn.
Trưởng bản Khe Bu La Văn Năm kể lại truyền thuyết về bộ tộc ngủ ngồi bên dãy Trường Sơn.
Biết chẳng thể làm vừa ý kẻ ác, lợi dụng đêm tối, cả dòng họ nọ gồng gánh, dắt díu nhau bỏ xứ mà đi. Họ cứ ngược dòng sông Giăng để chạy vào mãi nơi thâm sơn, cùng cốc. Chỉ tới khi không còn nghe thấy tiếng người, họ mới dám dừng chân.
Về tên gọi Đan Lai, những người già trong bản cho rằng: Đan là chỉ nơi xuất phát điểm của cả một tộc người, tức làng Đan Nhiệm. Còn Lai có nghĩa là trải qua thời gian, tất cả các yếu tố, từ tiếng nói, phong tục… đều đã bị lai tạp đi.
Đan Lai là một bộ tộc với dân số vào khoảng 3.000 người, sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi chung quanh Vườn Quốc gia Pù Mát, rải rác ở một số xã của huyện Con Cuông. Riêng tại Khe Bu, hiện có 800 người, với 44 khẩu.
Sống cách biệt quá lâu với thế giới, người Đan Lai xưa kia có những thói quen rất riêng biệt. Nổi tiếng nhất phải kể tới chuyện ngủ ngồi. Trưởng bản La Văn Nam giải thích: Ngày trước, vùng Pù Mát này có rất nhiều thú dữ. Cộng với việc luôn lo sợ kẻ thù đuổi giết, người trong tộc buộc phải ngủ ngồi để có thể vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu khi có biến cố. Ðói nghèo bủa vây, cùng các hủ tục lạc hậu như: hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn… kéo dài nhiều năm khiến tộc người Ðan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi.
Thế nhưng, tất cả những chuyện xưa ấy giờ đã và đang dần trở thành quá khứ. Theo ông Kha Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Khê, từ năm 2001, tỉnh Nghệ An đã triển khai đề án đưa người Đan Lai từ rừng sâu ra định cư tại các khu vực phía bên ngoài. Vận động từng người dân di dời, chính quyền còn cấp đất, cấp gạo, làm nhà ở, chia ruộng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con. Từ những bỡ ngỡ ngày đầu, dần dần, người Đan Lai đã biết trồng lúa, nuôi lợn gà và… cũng không còn phải ngủ ngồi để sẵn sàng trốn chạy nữa.
Bản làng Đan Lai hôm nay...
Bản làng Đan Lai hôm nay...
Đặc biệt, tới năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát tiếp tục tạo tiền đề cho những cuộc đổi đời bền vũng dưới tán đại ngàn Trường Sơn.
Từ năm 2001, tỉnh Nghệ An đã triển khai đề án đưa người Đan Lai từ rừng sâu ra định cư tại các khu vực phía bên ngoài.
Từ thợ săn khét tiếng thành... người giữ rừng

Rời nhà trưởng bản La Văn Nam, chúng tôi được các cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát dẫn tới gặp ông La Văn Chắt, sinh năm 1966 kèm theo lời giới thiệu: Ông Chắt từng là thợ săn nổi tiếng nhất, thuộc đến từng khúc quanh, điểm hươu nai, lợn rừng hay tụ tập. Đến chỗ nào có mó nước uống được, ông Chí cũng không hề xa lạ.
“Trước đây, đồng bào người Đan Lai vẫn sống dựa vào rừng. Ngoài đốt nương làm rẫy, họ còn vào rừng đặt bẫy hoặc bắn thú rừng”, Trạm phó Trạm kiểm lâm Khe Choăng Lã Văn Duy giải thích thêm.
Dừng xe ven con đường chính, chúng tôi đi bộ về phía cuối rìa sông Giăng. Căn nhà sàn của cựu thợ săn La Văn Chắt nằm ngay ngắn trên một khoảnh đất rộng. Phía bên hông chất đầy củi khô và được quây lưới để nuôi một bầy ngan con. Thấy có khách, người đàn ông đen nhẻm, nhỏ thó và rắn chắc như một gốc lim rừng lâu năm tụt từ nhà trên xuống, hỏi: “Các anh tới thuê tôi dẫn đi đặt bẫy ảnh trong rừng à?” Rồi, thoáng nhận thấy màu áo anh em kiểm lâm, ông lão cười phá lên: “À, hóa ra là các anh à”.
Ông La Văn Chắt (ở giữa) từng là thợ săn nổi tiếng nhất, thuộc đến từng khúc quanh, điểm hươu nai, lợn rừng hay tụ tập.
Ông La Văn Chắt (ở giữa) từng là thợ săn nổi tiếng nhất, thuộc đến từng khúc quanh, điểm hươu nai, lợn rừng hay tụ tập.
Sau khi được giới thiệu, ông Chắt bắt đầu kể về những ngày “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Từ năm 15 tuổi, ông đã bắt đầu vào rừng, ban đầu chỉ là theo cha mẹ đi lấy măng, nứa. Dần dần thì ông học cách đi sâu hơn về vùng lõi để chặt cây về dựng nhà, rồi đặt bẫy, bắn thú.
- Ông đã từng bắt được những con gì là to nhất? - chúng tôi hỏi.
- To nhất từng thấy thì là voi, nhưng không bắn được. Quãng năm 1990-1991, rừng Pù Mát nhiều thú lớn lắm. Tôi từng thấy cả hổ ở trên giông [rừng theo cách gọi địa phương – PV]. Nhưng hắn thấy người là hắn chạy. Còn con lớn nhất bắn được thì là lợn rừng, hươu và nai.
- Có nhiều người vào rừng những năm ấy không ông?
- Lúc ấy, bà con vào rừng đốt nương, làm rẫy, lấy măng. Đàn ông thì cũng có đi săn bắn.
Động vật trong Vườn quốc gia Pù Mát.
Động vật trong Vườn quốc gia Pù Mát.
Góp thêm chuyện “đi săn”, trưởng bản La Văn Nam cho biết, quãng năm 1985, ông cũng chứng kiến người họ hàng… kéo từ lõi rừng về một con gấu cỡ lớn rồi… bán lại cho người ngoài huyện.
Nhưng, cũng giống như “đồng nghiệp trẻ” Mông Văn Khánh – người hiện đã “hoàn lương” và xin tham gia giữ rừng, qua năm tháng, ông Chắt, ông Nam bỗng thấy rừng đã vơi dần thú đi. “Ngay cả vượn, có khi đi vài ngày cũng không nghe thấy hắn hót”.
Cựu thợ săn Mông Văn Khánh.
Cựu thợ săn Mông Văn Khánh.
Ngồi bên cạnh, anh Lữ Văn Duy bổ sung: Ngoài việc săn bắn làm suy giảm tài nguyên, hiện tượng bà con Đan Lai ồ ạt vào rừng kiếm măng cũng đã từng gây tác động nghiêm trọng tới vùng lõi sinh cảnh Vườn quốc gia Pù Mát.
Cụ thể, vào thời điểm trước năm 2018, mỗi khi tới mùa măng, hầu hết bà con, kể cả người già và trẻ em đều dắt nhau vào rừng để… nhặt lộc trời. Họ bỏ nhà cửa, thậm chí mang theo cả trâu bò, vật nuôi đi theo như một cuộc… thiên di nhiều thế kỷ trước. Tới vùng có măng, bà con sẽ dựng lán để ở rồi săn bắt thú, hái lượm rau quả mà ăn. Trưởng bản La Văn Nam cũng dùng từ “ăn rừng” để nhắc về quãng thời gian lạ lùng ấy. “Chúng tôi còn phải chặt cây để sấy măng mang về, chặt cây dựng lán”.
Nguồn lợi tự nhiên từ cây măng rừng trở thành một thỏi nam châm, khiến người Đan Lai một lần nữa bị hấp dẫn trở lại với rừng sâu… nhưng theo một… chu kỳ ngắn hạn.
Lãnh đạo Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, vòng lặp trầm kha trên chỉ thực sự được chấm dứt từ năm 2018 khi lãnh đạo vườn tổ chức họp, nghiêm cấm việc lấy măng ở những phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, cấm bà con dựng lán hay đưa gia súc, vật nuôi vào rừng. Ngoài ra, bà con cũng được Vườn tạo điều kiện vào lấy măng ở các vùng rìa phía bên ngoài theo hình thức “sáng đi tối về” và tuyệt đối không được đốt lửa, tránh gây hỏa hoạn.
Về sinh kế lâu bền hơn, cộng đồng các dân tộc ở xã Châu Khê nói chung, Khe Bu nói riêng được nằm trong diện nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng người Đan Lai cũng có thêm một khoản thu nhập cố định.
Bản Khe Bu hôm nay.
Bản Khe Bu hôm nay.
Trưởng bản La Văn Nam phấn khởi cho biết, tính tới thời điểm cuối năm 2024, 100% hộ dân tại Khe Bu đã ký cam kết không phá rừng. Tình trạng vào rừng dựng lán, lấy măng đã giảm cơ bản.
“Các cán bộ kiểm lâm thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền tại từng cơ sở nên nhận thức của người dân đã được nâng cao. Bên cạnh đó, việc bảo vệ rừng về lâu dài cũng có lợi cho bà con. Mỗi năm, gần Tết bà con lại rất phấn khởi khi nhận được hơn 6 triệu tiền khoán bảo vệ rừng, bởi vậy, những năm qua, bà con đã hiệp đồng với Vườn Quốc gia, trạm kiểm lâm để hiệp đồng bảo vệ rừng.”, ông Nam nói.
Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Khe Choăng phối hợp cùng Anti Poaching Team tổ chức tuyên truyền cho bà con tại Khe Bu về bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Khe Choăng phối hợp cùng Anti Poaching Team tổ chức tuyên truyền cho bà con tại Khe Bu về bảo vệ rừng.
Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, qua đó giúp bà con vơi bớt đi khó khăn. Thanh niên Đan Lai cũng đã biết cách ra ngoài trung tâm huyện để xin đi làm công ty để vươn ra khỏi những tán rừng…
Nhiều hộ dân tại Khe Bu cũng từng bước thoát nghèo. Điển hình như trưởng bản Nam đang sở hữu 8 con bò, 16 héc ta rừng khoán; gần 1 héc-ta trồng keo và gần 1.000m2 nương lúa nước. Nhiều ngôi nhà mái bằng, đổ bê tông cũng được xây mới ngay đúng thời điểm chúng tôi có mặt tại bản.
Riêng “cựu thợ săn” La Văn Chắt lại có lựa chọn khác. Sau khi “giải nghệ”, ông được thuyết phục để trở thành… cộng tác viên giữ rừng Pù Mát. Nhờ thuộc rừng như trong lòng bàn tay, ông thường xuyên đưa các nhóm chuyên gia khảo sát bảo tồn vào vùng lõi. “Tôi được họ thuê đi cùng đặt bẫy ảnh, đi thực địa dài ngày. Các anh kiểm lâm đi đâu cũng hỏi tôi điểm ăn ngủ nghỉ an toàn nữa”
- Vậy, giờ, ông thấy rừng sao sao rồi? – Chúng tôi hỏi.
- Mấy năm ni, vào rừng tôi mừng lắm vì thấy vượn đã về nhiều, đẻ nhiều. Đi mô cũng đã thấy chim kêu vượn hót rất vui. À, con trai tôi, La Văn Hoài, hắn cũng tham gia đội Gỡ bẫy [Anti Poaching – PV] nữa đó. Người Đan Lai giờ không hái rừng, ăn rừng nữa mà sẽ cùng giữ rừng rồi anh ạ!, ông Chắt cười xòa bên hiên nhà đang lích tích tiếng chim kêu…
Phía xa xa, mặt trời đã đỏ lựng lặn dần về phía sông Giăng trùng điệp một màu xanh của đại ngàn Pù Mát….
Khi người dân hưởng lợi từ... OCOP
Bên cạnh nỗ lực xóa đói giảm nghèo của chính quyền địa phương, những năm qua, người Đan Lai dưới tán rừng Pù Mát cũng đã tìm được nguồn sinh kế bền vững nhờ hợp tác trồng cây dược liệu với Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát.
Giám đốc Công ty Phan Xuân Diện hồ hởi cho biết, Dược liệu Pù Mát xác định đặt chữ tâm, chữ tín lên hàng đầu, tất cả vì mục tiêu nâng tầm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, xem đó là “kim chỉ nam” cho quá trình phát triển dài lâu.
Không chỉ bảo đảm đời sống cho hàng chục công nhân địa phương, Dược liệu Pù Mát cũng trực tiếp tạo ra nguồn thu ổn định cho khoảng 100 hộ dân khác thuộc các xã Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê và Thạch Ngàn (Con Cuông) thông qua mô hình liên kết suốt nhiều năm qua.
Những hộ này vốn dĩ trước kia chỉ trồng lúa, ngô, sắn, mía, hiệu quả thực tế rất thấp, cũng bởi vậy mà nhiều nhà bỏ hoang đất. Nhưng khi liên kết với công ty của ông Diện, họ sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng dược liệu. Đây là loại cây có thể canh tác quanh năm, nông dân chẳng phải lo lắng về chất lượng nguồn giống, sản phẩm được thu mua hết, không mất phí vận chuyển, giá bán lại cao hơn thị trường.
Tại Châu Khê, "mối liên kết" trên đã được hình thành từ đầu năm 2021 với mô hình thí điểm ban đầu có diện tích 2ha, sau đó mở rộng lên thành 5ha như hiện nay.
Đánh giá về mô hình doanh nghiệp và người dân cùng chung sức này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Khê Kha Văn Kiên vui mừng chia sẻ: "Qua thực tiễn có thể thấy, hiệu quả đem lại có thể cao gấp từ 2-3 lần so với canh tác các loại cây trồng truyền thống. Do đó, người dân các xã của Châu Khê đang rất mong mỏi được nhân rộng hơn nữa trong tương lai gần".











Những ngày chúng tôi có mặt tại Khe Bu, rất nhiều ngôi nhà mới đang được xây dựng. Theo trưởng bản La Văn Nam, đây là... kết quả của những người con Đan Lai đã mạnh dạn... vươn ra khỏi tán rừng để lập nghiệp. Họ đi làm công ty, tham gia vào chuỗi hợp tác sản xuất dược liệu... để có thêm thu nhập ổn định; từ đó thoát dần khỏi cái đói, cái nghèo đã đeo đuổi họ đằng đằng nhiều năm qua...
Mặc dù tại Khe Bu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn nhiều, nhưng cuộc sống cũng đã bớt nhọc nhằn hơn xưa kia. Những ngôi nhà sàn được kéo điện, có cả truyền hình vệ tinh để bảo đảm đời sống tinh thần cho bà con...
Thôn bản cũng đã khang trang hơn nhiều. Những cây nêu ngày Tết được dựng nên, như một ước vọng cho tương lai tươi sáng hơn cho bộ tộc từng phải trốn chạy xuống mấy trăm nay dưới những tán rừng già Trường Sơn rậm rạp...
Người Đan Lai ở Khe Bu hôm nay cũng đã biết trồng lúa, nuôi gia súc, gia cầm. Họ cũng bỏ tập tục "đau thương" là ngủ ngồi.
Cuộc sống của bà con đang đổi thay từng ngày, từng phút...
Nét bình yên ở Khe Bu khi chiều về...
Ngày xuất bản: 31/1/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - THÀNH CHÂU
Nội dung: SƠN BÁCH - DIỆU THU
Trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh & Video: THÀNH ĐẠT, VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT, BÁO NGHỆ AN