Ngày tiếp quản Thủ đô
Những ký ức hào hùng không thể quên
Theo Hiệp định Genève ký ngày 21/7/1954, một số khu vực ở miền bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời gian là 80 ngày. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản. Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng trong cảm xúc hân hoan vỡ òa của người dân Thủ đô.
80 ngày đấu tranh chính trị để Thủ đô ca khúc khải hoàn
Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ngày 25/7/1954, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới: “Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta và của Đảng ta còn rất nặng nề. Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”.
Tiếp quản các thành thị lớn ở miền bắc mới giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Đặc biệt, công tác tiếp quản Hà Nội, giải phóng hoàn toàn Thủ đô có ý nghĩa hết sức trọng đại. Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Do đó, thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn trở không cho ta mau chóng xây dựng thủ đô Hà Nội; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền bắc, để thực hiện âm mưu, kế hoạch xâm lược mới chống lại sự của nhân dân ta. Trước mắt, kẻ thù đế quốc muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
Lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội là các đơn vị quân đội. Để làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, xác định đúng thái độ và quán triệt nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp và chỉ thị trực tiếp cho bộ đội.
Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Người đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Sau khi phân tích về ý nghĩa địa điểm cuộc gặp và nhấn mạnh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Người nêu rõ: “Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó. Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ, trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật...".
Người nhấn mạnh: "Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý; cán bộ chiến sĩ ta còn có những nhận thức, việc làm sơ hở, thiếu sót, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều..."
Kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc: "Đồng bào Hà Nội mong chờ các cháu từ ngày các cháu ra đi. Nay may cờ đỏ sao vàng chờ đợi, hoan hô các cháu, hãy xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm đó".
(Trích Trung đoàn Thủ đô anh hùng - Ngày về vinh quang, NXB Hà Nội, 2014)
Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý; cán bộ chiến sĩ ta còn có những nhận thức, việc làm sơ hở, thiếu sót, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều...
Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, các Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954.
Từ ngày 2/10/1954, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phái các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản. Những năm tháng chiến tranh đã gây bao đau thương, mất mát cho Hà Nội, nên việc tiếp quản thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức.
Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố. Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội, phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ để ra, phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
Theo các Hiệp định đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ, từ ngày mùng 2 đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Đến ngày 8/10, phía ta đã hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Sáng 9/10, bộ đội ta từ đê La Thành chia làm hai mũi tiến vào tổ chức tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội... Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy, tổ chức tiếp thu theo lối “cuốn chiếu”...
Ở ngoại thành, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6/10. Sáng 9/10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long, 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội. Đến 16 giờ 30, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.
Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân gồm Thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa - chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô.
Mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng”. 15 giờ chiều 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.
Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn. tươi vui, phồn thịnh”.
Cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị chu đáo; cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật. Ta đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và thu nhận gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội, trong đó có sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm...
Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước... vẫn hoạt động đều. Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt...
Những người lính Pháp cuối cùng trên đường phố Hàng Bông, Hà Nội. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Đoàn “Anh em nhiếp ảnh thành Hà Nội” tuần hành chào mừng ngày tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Xe phóng thanh tuyên truyền thông báo kế hoạch đón quân ta trở về. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Học sinh tập hợp trên đường phố Hàng Đào chờ đón bộ đội về tiếp quản. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đoàn thể phụ nữ Hà Nội diễu hành trong ngày 10/10/1954. (Ảnh: sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử Việt Nam)
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội trong ngày trở về. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các phóng viên mặt trận trên đường Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố giữa vòng vây của các nữ sinh trường Trưng Vương tặng hoa chúc mừng bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phóng viên Mukhin (Xô Viết) đi cùng đoàn quân tiếp quản trên đường Đinh Tiên Hoàng ghi lại khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)
Những trang báo thời sự nóng hổi về ngày giải phóng Thủ đô
Những ngày lịch sử ấy, Báo Nhân Dân đã theo sát các mốc thời gian của dòng sự kiện để thông tin tới độc giả. Những phóng viên trở thành “người chép sử” với nhiều góc nhìn đa dạng, được thể hiện qua các thể loại gồm tin thời sự, ghi nhanh, xã luận... Trang báo các ngày 9-10/10/1954 và 11-12/10 (báo ra 2 ngày/số) tràn ngập những tin chiến thắng với cảm xúc hân hoan khó tả.
Trang nhất Báo Nhân Dân số ra ngày 11-12/10/1954 đã dành vị trí trang trọng nhất cho những dòng tin điện của phóng viên từ hiện trường: Ngày 9-10-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội.
“– 9 giờ 25 sáng quân đội ta đã vào Phủ toàn quyền cũ và đến 10 giờ 30 đã vào Bắc Bộ phủ.
– Đến 4 giờ chiều, toàn bộ quân đội liên hiệp Pháp đã rời khỏi Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên.
– Toàn thể nhân dân Hà Nội tưng bừng, náo nhiệt hoan nghênh quân đội nhân dân ta trở về Thủ đô Hà Nội”...
Tin sau cùng:
Quân đội ta đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954
"Sáng ngày 10/10/1954, đại quân của ta gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... đã từ ngoại thành mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội. Bộ binh chia làm hai cánh lớn:
Cánh quân thứ nhất xuất phát lúc 8 giờ từ cửa ô Kim Mã, tiến qua phố Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai; 9 giờ đến Hàng Ngang, Hàng Đào; 9 giờ 45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.
Cánh quân thứ hai xuất phát lúc 8 giờ 45 từ Việt Nam học xá, tiến theo đường Duy Tân, Đồng Khánh; 9 giờ 40 đến chợ Hôm; 10 giờ 10 đến bờ Hồ Hoàn Kiếm; 10 giờ 40 tập kết ở hai khu Đấu Xảo và Đồn Thủy.
Pháo binh và những đơn vị bộ binh đi xe hơi xuất phát lúc 9 giờ 30 từ Bạch Mai; 10 giờ 15 đến Bờ Hồ; 10 giờ 30 đến chợ Đồng Xuân, sau đó vào tập kết trong thành Hà Nội, chuẩn bị lễ chào cờ vào 3 giờ chiều.
Nhân dân đón mừng bộ đội suốt hai bên đường phố đã dựng thêm nhiều cổng chào lớn, căng thêm nhiều khẩu hiệu mới rực rỡ. Đông nhất là ở Hàng Ngang và Hàng Đào".
(Theo tin điện của PV Hà Nội)
Hòa mình trong không khí hào hùng đó, nhà báo Thép Mới (1925-1991) đã ghi chép lại thời khắc lịch sử này bằng ký sự “Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên”.
68 năm đã trôi qua, những dòng chữ trên trang báo đã bạc màu ấy vẫn nóng hổi âm hưởng chiến thắng:
“Mới tờ mở đất. ngày 9 tháng 10, tiếng hát “Vì nhân dân quên mình” bỗng vang lên trên các ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên. ô Cầu Giấy. Các đơn vị tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng ngũ nghiêm chỉnh, tiến vào giải phóng Thủ đô. Trên quốc lộ số 1, nhìn về Hà Nội, ánh đèn điện Bạch Mai ngày càng gần lại. Ánh điện báo hiệu công nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội vẫn giữ vững đấu tranh đợi bộ đội về”…
… “Một đồng chí cán bộ bộ đội từ trên xe bước xuống cảm động, sung sướng chào mừng đồng bào rồi giải thích đồng bào cần giữ trật tự để tiếp thu được dễ dàng. Trong trật tự tự giác, đồng bào ngoại ô biểu lộ tình cảm của mình một cách sâu xa. Một bà cụ già như tự hỏi lòng mình: “Bao nhiêu năm trời rồi, nay mới có ngày sung sướng”. Các em bé đứng lên những chỗ cao nhất, vỗ vào nhau đôi bàn tay xinh nhỏ. Một cụ già ôm cháu thơ vào lòng: “Vinh ơi, có sướng không cháu?”. Không biết từ lúc nào, tấm biểu ngữ đỏ thắm chữ vàng đã chăng qua đường: “Hoan nghênh quân đội nhân dân anh dũng vào giải phóng Thủ đô”.
Quân đội ta tiến đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc ra đến đấy. Trên nóc nhà, trên hiên gác, nhà nào nhà ấy treo cao những lá cờ đã lắp cán sẵn. Nhiều cửa đóng kín từ lâu nay bỗng mở tung ra. Sau bao năm xa cách, lần đầu tiên mới lại nhìn thấy người chiến sĩ anh dũng của quân đội nhân dân đã xông pha bao năm chinh chiến, trăm trận trăm thắng, nỗi vui sướng của đồng bào dào dạt thành những tiếng hoan hô không ngớt: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!". Nao nức của bao nhiêu ngày, của bao nhiêu năm chứa chất, mọi người muốn đổ cả ra đường đi theo, theo mãi những người chiến sĩ giải phóng của mình”...
… “Nhìn ngược về dốc Hàng Gà, phố xá đã trở thành một dòng sông đỏ cờ và biểu ngữ. Bộ đội ta đứng giữa lòng nhân dân Hà Nội. Lòng nhân dân Hà Nội vốn giàu nhiệt tình cách mạng. Các em nhỏ quấn quít lấy các anh: “Bao giờ Bác về hở các anh? Các anh sẽ chép bài hát cho các em nhá”. Những bạn trẻ Hà Nội vồn vã hỏi chuyện các chiến sĩ như những người bạn thân lâu ngày mới gặp: “Cả đêm hôm qua chúng tôi chẳng đứa nào ngủ được, chỉ mong chóng sáng các anh về”. Đông bào ngắm mãi bộ đội: “Bộ đội mình anh dũng thế mà trông thật hiền. Chẳng bủ với chúng nó…” Trước các cửa hàng, các bà bảo nhau: “Thôi từ nay hết phèng phèng. Mỗi lần nghe thấy phèng phèng là mất cả hồn...”
Cũng trong số báo đặc biệt này, Báo Nhân Dân đã đăng xã luận “Chính sách tiếp thu và quản lý Hà Nội” bàn về việc chúng ta sẽ tiếp thu và quản lý Hà Nội như thế nào sau khi Thủ đô đã trở về nhân dân Việt Nam, trở về chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng (Clip: Biên niên sử truyền hình Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh)
Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng (Clip: Biên niên sử truyền hình Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh)
Những công việc sau ngày tiếp quản
Sau những giây phút hân hoan mừng Thủ đô giải phóng, cuộc sống thường nhật của một thành phố lớn có hàng chục vạn dân, sau nhiều năm do chính quyền thực dân quản lý, nay do chính quyền cách mạng quản lý, đặt ra hàng loạt vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Cuộc chuyển giao quyền lực mang tính chất hòa bình này, do Hiệp định Genève và Hội nghị Trung Giã quy định, thực tế lại là cuộc chuyển giao giữa hai bên vừa cầm súng bắn vào nhau trong một cuộc chiến kéo dài một mất một còn, hoàn toàn khác với cuộc chuyển giao sau bầu cử giữa các đảng phái. Vì thế, quá trình chuẩn bị giao - nhận là quá trình đấu lý, đấu mưu giữa phá bỏ, bốc dỡ, cài cắm, di chuyển với bảo vệ, giữ lại nguyên trạng, không di cư và khôi phục các hoạt động sinh hoạt bình thường của cả một đô thị, một Thủ đô.
Trong bài viết “Giải phóng Thủ đô và những vấn đề đặt ra” (trong cuốn 60 năm Giải phóng Thủ đô: Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia), PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: Thủ đô Hà Nội sau ngày tiếp quản có những thuận lợi, đó là có tổ chức Đảng, chính quyền gắn bó với nhân dân; nhiều cán bộ, đảng viên được rèn luyện trong thực tế kháng chiến có nhiều kinh nghiệm; nhân dân Hà Nội có lòng yêu nước, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới; năng động, sáng tạo, cần cù vượt khó; có nhiều trí thức có trình độ chuyên môn; có nhiều ngành nghề truyền thống...
Về khó khăn, kinh tế thành phố nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá; dịch vụ, thương nghiệp là chủ yếu, phụ thuộc, phần lớn là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ phục vụ sinh hoạt công cộng.
Nông nghiệp sa sút, ruộng đất bỏ hoang nhiều, sức kéo trâu bò bị hủy hoại, thủy lợi kém phát triển. Hàng chục nghìn người mù chữ, hàng chục nghìn người thất nghiệp, tệ nạn xã hội phổ biến...
Vấn đề cấp bách đầu tiên chính là giữ gìn trật tự, an ninh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài viết trên Báo Nhân dân ngày 9/10/1954 , đã nhấn mạnh: "Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp. Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân".
Người kêu gọi: "Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng".
Trong bối cảnh tình hình còn rất phức tạp, tệ nạn xã hội tràn lan, các lực lượng phản động do địch cài cắm tìm cách chống phá, gây bất ổn, thì việc bộ mặt của Thủ đô những ngày tháng đầu tiên sau khi được giải phóng giữ được ổn định, an ninh, trật tự cơ bản được giữ vững, là một thành công lớn của Đảng ủy tiếp quản, Đảng bộ Hà Nội, Ủy ban quân chính thành phố, của các lực lượng công an, bộ đội và của toàn dân. Niềm tin vào cuộc sống mới của người dân Hà Nội bước đầu được củng cố và tăng lên.
Đồng chí Vương Thừa Vũ đánh giá kết quả công tác bảo vệ trật tự, an ninh sau những ngày tiếp quản: "Toàn bộ tài sản của Nhà nước đã được cán bộ, chiến sĩ quý trọng và giữ gìn chu đáo, khi bộ đội bàn giao lại các công sở cho các cơ quan nhà nước không thiếu một vật nhỏ, thậm chí cái bàn, cái ghế, trong đó lúc vào đặt ở đâu, lúc ra vẫn ở nguyên đó".
Vấn đề thứ hai là xây dựng, củng cố, ổn định các cấp chính quyền của Hà Nội.
Khi vào tiếp quản, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban quân chính thành phố để tiếp nhận bàn giao từ phía Pháp và chính quyền Bảo Đại tất cả cơ sở vật chất, kể cả nhân sự, để duy trì hoạt động mọi mặt của thành phố trong những ngày đầu. Sau gần một tháng ổn định tình hình, ngày 4/11/1954, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội được thành lập do Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch.
Tiếp đó, hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở cũng được thiết lập, kiện toàn. Cả Hà Nội chia ra 36 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành gồm 46 xã. Sang năm 1955, sau đợt đăng ký hộ khẩu, nội thành được điều chỉnh về tổ chức hành chính, chia thành 4 khu do Ban cán sự hành chính khu phụ trách; ở mỗi khu phố có Ban đại diện hành chính khu phố. Ở ngoại thành, sau khi cải cách ruộng đất, đã thành lập các Ủy ban hành chính huyện, mỗi xã có Ủy ban hành chính xã...
Do chiến tranh kéo dài, thời hạn chuẩn bị tiếp quản ngắn, tình hình rất khẩn trương, khối lượng công việc sau khi tiếp quản rất lớn, trong khi đó, phần lớn cán bộ chính quyền các cấp của Hà Nội chưa được qua đào tạo về kỹ năng điều hành, quản lý chính quyền, kinh nghiệm hầu như không có, chỉ có nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm, vì thế nên có nhiều bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi giải quyết công việc.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố chủ trương khuyến khích người dân nội ngoại thành phát huy quyền tự do, dân chủ, ý thức trách nhiệm của người công dân Thủ đô, đóng góp ý kiến trực tiếp, thiết thực đối với công tác quản lý thành phố. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, hệ thống bộ máy chính quyền của Hà Nội ngày càng được củng cố, kiện toàn, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của Thủ đô trong những năm đầu sau giải phóng.
Vấn đề thứ ba là ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
Trên cơ sở trật tự an ninh bước đầu được bảo đảm, vấn đề ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất sau khi tiếp quản được coi là những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của Đảng bộ và chính quyền Thủ đô.
Tâm lý bình thường của người dân sau thời gian dài kháng chiến gian khổ là muốn có hòa bình và cuộc sống thường nhật được ổn định, từng bước cải thiện. Bảo đảm điện và nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân là hai vấn đề được quan tâm giải quyết trước tiên.
Các cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy điện, nhà máy nước để bảo vệ nguồn cấp điện, nước ổn định trong những ngày chuẩn bị bàn giao, tiếp quản, là cơ sở tiền đề cho việc duy trì vận hành bảo đảm điện, nước, giao thông vận tải, bưu điện phục vụ sản xuất và đời sống hằng ngày của người dân sau khi đã tiếp quản. Năm 1957, sản xuất điện của Hà Nội đã tăng 32% so với năm 1955. Xí nghiệp nước lắp đặt thêm được 28 km đường ống nước, hàng trăm vòi nước công cộng…
Thời điểm tiếp quản cũng là lúc giáp hạt, vì thế, việc bảo đảm gạo và các loại lương thực khác cho hàng chục vạn người dân nội thành trở thành vấn đề rất lớn nếu biết rằng trong những ngày chuẩn bị rút khỏi Hà Nội, kẻ địch đã ngăn cấm việc chuyên chở lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm từ ngoại thành và các tỉnh xung quanh vào nội thành. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước nên vấn đề thiếu đói cơ bản đã không xảy ra.
Để giảm bớt khó khăn cho người dân và các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngay sau ngày tiếp quản, Ủy ban quân chính thành phố đã công bố bãi bỏ các thứ thuế như đảm phụ quốc phòng, thuế đánh vào sản xuất nhỏ và bán hàng rong.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam tiến hành thu đổi tiền Đông Dương ngay từ ngày 11/10/1954, lưu hành đồng tiền Ngân hàng nhằm ổn định thị trường tiền tệ.
Để khôi phục nền kinh tế, thương nghiệp, dịch vụ nhỏ bé chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp, chính quyền thành phố chủ trương phục hồi thế mạnh của Hà Nội là thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh, từ cơ sở đó, khôi phục và phát triển các ngành nghề khác. Sau khi tiếp quản, toàn thành phố chỉ có khoảng 1.500 cơ sở sản xuất (chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp) với khoảng 5.000 nhân công, trong đó có 6 xí nghiệp cơ khí, thì đến năm 1957, Hà Nội đã có 45 xí nghiệp quốc doanh với hơn 9.000 công nhân. Công nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Thương nghiệp quốc doanh được ví như bà nội trợ của xã hội, ngày càng chiếm lĩnh thị trường, đóng vai trò điều tiết hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Các hợp tác xã mua bán, tổ mua bán lưu động, kinh tiêu đại lý phát triển nhanh chóng góp phần bình ổn giá lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trên thị trường.
Nông nghiệp Hà Nội trước giải phóng ở trong tỉnh trạng diện tích ruộng để hoang hóa khá nhiều, năng suất lúa và hoa màu thấp, mất mùa, đói kém thường diễn ra. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp Đảng bộ, chính quyền Thủ đô, nhất là các huyện ngoại thành, diện tích đất trồng trọt ngày càng tăng, năng suất từng bước được nâng cao. Chăn nuôi được đẩy mạnh. Sau cải cách ruộng đất và thực hiện sửa sai, giai cấp địa chủ cơ bản bị đánh đổ, hàng chục nghìn mẫu ruộng, hàng nghìn con trâu bò và nông cụ được chia cho nông dân sản xuất. Nông dân bắt đầu đi vào con đường làm ăn tập thể.
Cùng với công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính quyền nhân dân, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội trong những tháng năm đầu sau giải phóng đã lãnh đạo, chỉ đạo các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, cải tạo, xây dựng, mở rộng giao thông vận tải... làm cho bộ mặt Hà Nội thay đổi nhanh chóng, xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam mới, văn minh, giàu mạnh, yên bình.
Ngày xuất bản: 10/10/2022
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH
Nội dung: HỒNG VÂN
Trình bày: HẢI BÌNH
Nguồn tư liệu: Báo Nhân Dân; 60 năm Giải phóng Thủ đô: Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia; Đảng bộ Thành phố Hà Nội: 90 năm xây dựng và phát triển, NXB Hà Nội; Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), NXB Hà Nội; Trung đoàn Thủ đô anh hùng - Ngày về vinh quang, NXB Hà Nội; Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, tập 2, NXB Hà Nội.
Ảnh: Tư liệu TTXVN, Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội.