Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm là một trong những người tâm huyết, yêu nghề rối nước, tự làm sân khấu ở nhà, từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng điều trăn trở lớn nhất của anh là tìm người truyền nghề, bởi nghề rối nước gia truyền đến anh là đời thứ 7 đang có nguy cơ thất truyền.

Phóng viên: Nghệ thuật múa rối truyền thống, trong đó, có nghệ thuật múa rối nước, cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác đều đang hết sức khó khăn để tồn tại trong thời đại các loại hình giải trí hiện đại bùng nổ như hiện nay. Trong hành trình giữ nghề đến bây giờ, anh thấy yếu tố nào là quan trọng nhất?

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm: Qua nhiều năm làm nghề, tôi nhận ra rằng, để nghệ thuật truyền thống tồn tại, vấn đề truyền thông là rất quan trọng, để đưa thông tin đến cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nghệ thuật truyền thống bị ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống hiện đại. Ngay cả ở những đất nước phát triển cũng chịu tình trạng như vậy. Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng quan tâm đến vấn đề này. Khi sang Nhật Bản lưu diễn, tôi được biết ở đó họ tìm đến các nghệ nhân, thu âm và ghi hình lại các nghệ nhân biểu diễn, tìm hiểu, làm các chương trình để bảo tồn nghệ thuật truyền thống, giữ lại cho thế hệ trẻ.

Tôi thấy vấn đề bảo tồn hay không rất quan trọng ở việc truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tôi là người sinh ra ở quê, cho nên thường hướng đến những gì liên quan đến nghệ thuật truyền thống. Ngày nay giới trẻ không quan tâm nhiều đến nghệ thuật truyền thống. Ngay cả con trai tôi cũng không quan tâm, và tôi nghĩ đó là điều đáng báo động.

Nghệ sĩ, nghệ nhân làm nghệ thuật truyền thống sống bằng nghề rất khó. Để đi quảng bá, biểu diễn ngay trong thành phố rất khó, đi xa càng khó hơn nữa, bởi vì chi phí cho vận chuyển rất tốn kém. Nếu bán vé giá cao thì không có người xem, không phù hợp với thu nhập của người dân ở vùng nông thôn hay các vùng sâu, vùng xa, bán rẻ thì không bù được chi phí.

Chính vì thế, tôi cho rằng truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Item 1 of 3

Khách du lịch thích thú với thủy đình tại nhà của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.

Khách du lịch thích thú với thủy đình tại nhà của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.

Phóng viên: Được biết, anh hiện đang vận hành mô hình “nhà hát múa rối mini” tại gia. Anh có thể chia sẻ thêm về hoạt động của mô hình này và những kinh nghiệm anh đã rút ra được?

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm: Tại nhà tôi có hai cơ sở biểu diễn múa rối, một ở ngõ chợ Khâm Thiên, một ở Thạch Bàn. Hai cơ sở này đều khá nhỏ, ở ngõ chợ Khâm Thiên đón được từ khoảng 16-21 khán giả xem múa rối, còn ở Thạch Bàn đón được khoảng 40 người, do diện tích rộng hơn và vị trí này khá thuận tiện về giao thông.

Tôi thực hiện nhà hát nhỏ của mình như một bảo tàng thu nhỏ về múa rối. Khách đến không chỉ xem múa rối mà còn được tìm hiểu và trải nghiệm về nghệ thuật múa rối. Tôi thường trò chuyện với khách về ý nghĩa của những con rối, những vở rối, cách làm ra những con rối, những câu chuyện, tích trò liên quan đến văn hóa truyền thống của Việt Nam. Cơ sở múa rối của tôi được xây dựng như một bảo tàng thu nhỏ về múa rối. Tôi cũng giới thiệu với họ những con rối của ông cha tôi để lại khi truyền nghề cho tôi, đến nay là đời thứ 7. Tôi cũng cho họ xem những con rối của tôi làm ra.

Khách du lịch thường đặt vé xem các show tại điểm diễn của tôi rất sớm, có khi cho tận năm sau. Khi giao lưu, khách thường quan tâm đến nguồn gốc của những con rối, tại sao lại lấy mặt nước làm sân khấu, cách vận hành con rối trong nước như thế nào. Khách du lịch cũng rất quan tâm đến các thế hệ kế cận, thường hỏi han xem con nhà tôi có thích và theo nghề không. Nhiều người cũng quan tâm đến việc nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam hiện nay tồn tại ra sao. Có những người nói rằng, tôi làm múa rối không chỉ cho riêng mình tôi, mà còn cả cho những thế hệ sau này. Họ cũng động viên tôi cố gắng gìn giữ nghề truyền thống của mình.

Bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ chính những khán giả của mình, từ sự chỉn chu, ý thức, nghiêm túc và thái độ đối với nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm và thủy đình "tại gia".

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm và thủy đình "tại gia".

Anh Phan Thanh Liêm tự tay chế tác và sửa chữa con rối cho các buổi diễn của mình.

Anh Phan Thanh Liêm tự tay chế tác và sửa chữa con rối cho các buổi diễn của mình.

Phóng viên: Hành trình giữ nghề của anh có lẽ cũng trải qua nhiều gian truân?

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm: Với nghệ thuật truyền thống, việc theo đuổi nghề không bao giờ là dễ dàng. Tôi lại là “người một mình một ngựa” giữa thế giới giải trí đầy ắp những phương tiện hiện đại như hiện nay.

Nhiều lúc tôi cũng rất lo lắng, bởi vì nghệ thuật múa rối không hề nhẹ nhàng, mà yêu cầu khá cao về mặt sức khỏe để có thể biểu diễn được. Có những show tôi làm phải nâng con rối liên tục trong nửa tiếng, tay mỏi rã rời và đau. Có những đợt diễn xong, tôi phải nghỉ cả tháng, thậm chí đi bệnh viện phục hồi cơ xương khớp, vì quá tải. Bởi vì con rối cồng kềnh, nặng, khi biểu diễn dưới nước lại chịu sức cản của nước, trong khi diễn viên luôn ở trong tư thế gò bó để điều khiển. Đó cũng là một vấn đề khiến cho các diễn viên trẻ không thích theo nghề này.

Anh Phan Thanh Liêm và ê-kíp trong một chuyến lưu diễn tại Hàn Quốc.

Anh Phan Thanh Liêm và ê-kíp trong một chuyến lưu diễn tại Hàn Quốc.

Các ngành nghệ thuật khác có sự tham gia của nhiều thành phần, diễn viên, nhạc công, người sửa con rối, người làm con rối… nhưng ở đây một mình tôi đảm nhận toàn bộ. Thậm chí khi biểu diễn xong còn phải đi lau dọn, chuẩn bị từng chi tiết cho show kế tiếp từ chỗ ngồi, nước uống…, vì khách quốc tế rất khó tính.

Tôi may mắn được thừa kế nghề truyền thống của gia đình. Yêu nghề và muốn giữ nghề, cho nên tôi cũng nghiên cứu nhiều về rối nước. Hiện nay, người ta chưa quan tâm nhiều đến kỹ thuật con rối, con rối hoạt động tốt hay không là do kỹ thuật. Tôi đã có công trình nghiên cứu xem con rối ngày xưa và ngày nay khác nhau những kỹ thuật gì, chất liệu gì, và kỹ thuật dưới nước như thế nào. Hiện nay hầu hết người làm nghề chỉ chú tâm vào diễn, chưa đi sâu nghiên cứu những kỹ thuật đó.

Phóng viên: Khi con mình không hứng thú với việc tiếp nối nghề của bố, anh có tiếp tục tìm kiếm học trò để truyền lại nghề gia truyền 7 đời của gia đình?

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm: Con trai tôi hiện nay đang theo ngành kỹ thuật, và không quan tâm đến múa rối, mặc dù hồi nhỏ rất thích và thường đi theo bố trong nhiều chuyến biểu diễn, và cháu cũng khá khéo tay. Tôi vẫn mong con sau này trưởng thành, đến một lúc nào đó sẽ nhận ra và trở lại với nghề của gia đình.

Còn với học trò ở ngoài, tôi vẫn mong mỏi có thể truyền dạy lại nghề múa rối nước. Có những người đã tìm tôi học, nhưng cũng chỉ một vài nội dung, để phục vụ cho những công việc nhất định.

Điều đó cũng không khó hiểu, bởi so với nhiều ngành nghề khách, diễn múa rối chỉ đủ sống, không thể làm giàu được.

Nghề múa rối nước nếu vì mục đích kiếm tiền thì rất khó. Làm nghề này phải thực sự đam mê, vất vả từ sáng tới tối. Tôi vẫn mong muốn truyền nghề, bất kỳ ai đam mê, không chỉ con cháu trong gia đình mà kể cả khán giả.

Ngày xưa các cụ không truyền nghề cho con gái vì sợ mất nghề và cũng bởi một số lý do. Ngày xưa trời rét căm căm, quần áo không có, nhiều khi các cụ vẫn cởi trần diễn. Có những trò phải lội xuống ao từ đêm, chờ dân làng ngủ hết mới đi chuẩn bị các tích trò cho bất ngờ. Chính vì thế các cụ không truyền nghề cho con gái. Tuy nhiên ngày nay thì một yếu tố quan trọng đối với nghề múa rối nước là sức khỏe bởi vì phải chịu rét ngâm mình dưới nước, phải có sức nâng con rối trong một thời gian dài.

Làm nghề này phải thực sự đam mê. Khi dành hết tâm huyết cho nghề, show diễn đương nhiên sẽ có chất lượng, sẽ thu hút được người xem. Hiện nay tôi có khá nhiều khách đi xem theo tour và sau đó tiếp tục quay trở lại. Có những đoàn đã xem ở Nhà hát, nhưng vẫn đến chỗ tôi. Nếu không hay thì tôi không thể tồn tại.

Phóng viên: Các nhóm nhỏ, các nghệ nhân múa rối đã từng có một thời gian được phục hồi và phát triển trở lại, nhưng hiện nay chỉ còn anh và một số ít phường rối, anh có thấy buồn không?

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm: Bộ môn nghệ thuật truyền thống nào cũng thế, chỉ mong được bảo tồn và phát triển tốt. Tôi là người trong nghề nhưng cũng không thể nói mạnh được, rất khó. Vì hiện nay chưa nói đến phường, chỉ nhà hát thôi cũng đang rất khó khăn. Kinh tế khủng hoảng khiến các đơn vị lữ hành nhiều khi cũng phải tính toán khi đặt tour… Khách cũng lựa chọn tour kỹ hơn. Còn về các phường rối, cũng phải tính toán chi phí cho phù hợp, như bán vé rồi trừ chi phí như thế nào để lo được cho mấy chục người, trong khi các suất diễn không nhiều. Đó là lý do người trẻ không mặn mà với nghề, vì họ còn phải lo cơm áo cho gia đình. Múa rối mỗi buổi chia nhau được mấy chục nghìn đồng, trong khi tiền công làm thợ cũng gấp mấy lần.

Tuy nhiên, tôi vẫn không từ bỏ mong muốn tìm kiếm người trẻ để truyền nghề, và mong con trai mình sau này sẽ trở lại, khi hiểu và yêu hơn nghề truyền thống của cha ông.

Ngày sản xuất: 8/2/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Tuyết Loan
Ảnh: Nghệ nhân cung cấp
Trình bày-đồ họa: Dương Dương