Với nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền, âm nhạc dân tộc đã ngấm vào trong huyết quản của chị, từ những ngày thơ bé mới chập chững bước vào làng nhạc, từ những cuốn sách cha hướng cho đọc. “Vốn liếng” đó đã được Minh Hiền sử dụng trong những tác phẩm của mình, trong những chuyến lưu diễn, và ngày càng khẳng định phong cách hiện đại gắn bó với âm nhạc truyền thống.

Trịnh Minh Hiền đã chia sẻ con đường âm nhạc của mình, cũng như hành trình xây dựng phong cách trên nền âm nhạc truyền thống, và đưa phong cách đó đến với khán giả quốc tế.

Trịnh Minh Hiền trong chuyến lưu diễn tại Italia.

Trịnh Minh Hiền trong chuyến lưu diễn tại Italia.

Phóng viên: Trịnh Minh Hiền đã đến với âm nhạc như thế nào?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Những năm 80, thời kỳ bao cấp, mọi thứ đều khó khăn, khi đó Nhạc viện là một ngôi trường rất danh giá, và là giấc mơ của rất nhiều phụ huynh. Cha mẹ tôi cũng như các phụ huynh khách, mong muốn cho con vào học ở ngôi trường danh giá ấy. Thời đó để thi vào được khoa Dây của Nhạc viện, bộ môn violon, thì tỷ lệ chọi rất cao.

Bố mẹ tôi cho tôi đi tập đàn ở chỗ thầy Nguyễn Vĩnh Ngọc, người dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên. Khi đó, thầy là sinh viên mới ra trường, còn rất trẻ. Thầy chú ý đến từng chi tiết ở tôi, từ việc hướng dẫn cách chọn trang phục cho đỡ gầy, đỡ nhỏ, cho đến việc lựa chọn bản nhạc để chơi cho phù hợp trong buổi thi. Thầy nói, vì các bạn dự thi rất đông và đều theo học những giáo viên âm nhạc kỳ cựu, cho nên tôi phải tập bài thật khó. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ mình đi thi vào Sơ cấp 1, mà chơi bài thi trong giáo trình là dành cho học sinh Sơ cấp 3. Vậy mà tôi cũng đỗ thủ khoa năm đó.

Phóng viên: Hành trình khổ luyện từ nhỏ chắc rất gian nan đối với một cô bé “tay không bắt giặc” như Trịnh Minh Hiền?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Hồi còn nhỏ tôi thấy mình đi học khổ lắm. Chỉ biết học ở trường, rồi lại học ở nhà, học chữ rồi học đàn, trong khi chúng bạn bằng tuổi đi chơi suốt. Khi đó tôi mới 6 tuổi thôi, còn chưa biết gì, chưa hiểu gì.

Tôi hoàn toàn học trong trường, không biết gì về thế giới bên ngoài, học trong môi trường khổ luyện, vì khi đã vào trường rồi, việc khổ luyện rất nghiêm, tập hàng tiếng đồng hồ mỏi tay tê vai.

Ngoài việc cho tôi học âm nhạc cổ điển, bố mẹ tôi là giáo viên và có yêu cầu rất cao về mặt văn hóa. Các cụ mua những cuốn sách rất dày về đọc cho tôi, vừa nuôi dưỡng âm nhạc, đồng thời nuôi dưỡng tâm hồn cho tôi. Điều đó rất quan trọng, sau này tôi mới thấy rằng, sự thành công không chỉ đến ở sự khổ luyện mà còn ở những tích lũy, bồi đắp vốn văn hóa, cảm nhận cái đẹp từ nơi mình đang sống. Sau này tôi mới hiểu, từ những cảm giác đó, mỗi nghệ sĩ đều lưu giữ trong tâm hồn những thế giới tinh thần nào đó, chính từ thế giới đó mà họ quyết định sẽ chọn con đường nào cho mình sau này, dựa trên những gì đã được cảm thụ và xây dựng lên cho mình.

Phóng viên: Ngoài tài năng và sự yêu thích, hai yếu tố quan trọng nhất, lý do gì Hiền chọn nhạc cổ điển, xác định con đường tương lai của mình trong điều kiện, hoàn cảnh nhạc cổ điển hoàn toàn không chiếm ưu thế trong thị trường âm nhạc và số đông công chúng, tại sao lại chọn nhạc cổ điển?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Bây giờ có nhiều nghệ sĩ thành công vì họ bắt được xu hướng và có sự may mắn, và thường là các ca sĩ. Còn các nghệ sĩ chơi nhạc cụ cổ điển thường ở trong một thế giới kinh viện, rất khó tiếp cận gần với khán giả. Khán giả thì luôn mặc định rằng, đi đến Nhà hát Lớn mà nghe thính phòng hoặc cổ điển thường sẽ hơi trang trọng và xa cách, cho nên nhiều người cảm thấy ngại.

Nhưng sau rất nhiều năm, tham gia Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, biểu diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới, hoặc các địa phương trong nước, tôi nhận thấy rằng, nghe nhạc giao hưởng cũng là một hình thức cảm thụ văn hóa của khán giả. Đó là sự thay đổi, mặc dù chưa được như mong muốn, bởi vì để đạt được thành công như ở châu Âu hay các nước châu Á phát triển, khán giả cũng phải có cả một quá trình tiếp cận âm nhạc cổ điển từ trong nhà trường.

Con đường tôi đi đến nay cũng đã hơn 20 năm, cũng đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự bỡ ngỡ, có phát triển, có trau dồi, nghiên cứu và đến nay là đưa ra được những thông điệp âm nhạc riêng của mình. Chính vì thế, tôi nghĩ những sản phẩm âm nhạc mình làm gần đây có mang tính cá nhân nhưng cũng có sự chia sẻ, cống hiến dành cho khán giả: Đó là những tác phẩm về Tổ quốc, những tác phẩm tôn vinh các giá trị dân tộc. Tôi bắt đầu có những thành công và cảm thấy hạnh phúc vì nhận ra khán giả cũng rất yêu thích nhạc cổ điển.

Phóng viên: Là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi kết hợp âm nhạc dân gian, truyền thống với cổ điển, cả hai thể loại này đều rất khó khi phối với nhau, nhưng khi đã phối được cùng nhau lại rất tuyệt diệu. Vậy âm nhạc dân bắt đầu truyền cảm hứng cho Minh Hiền từ khi nào và lại sao lại chọn chất liệu dân gian chứ không phải một chất liệu khác?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Từ năm 20 tuổi tôi bắt đầu biểu diễn nhạc Flamengo, kết hợp với nhièu nghệ sĩ khác ở rất nhiều thể loại, như nhạc điện tử, hay các loại nhạc hiện đại khác như pop, jazz, rock... Trên con đường đó, tôi nhận ra dù chơi nhạc như thế nào, âm nhạc của Việt Nam mới khiến tôi là chính mình. Tôi là người nghe nhiều, và tôi cũng rất thích tìm tòi, suy nghĩ cách ứng dụng âm nhạc dân gian, truyền thống trên các tác phẩm của mình. Thí dụ, có lần chơi bài “Chiếc khăn piêu”, tôi đã tìm cách chơi cây đàn violon sao cho giống tiếng khèn. Lúc đó tôi bắt đầu nghiên cứu các cung bậc, cung quãng của cây đàn violon để bắt chước được tiếng khèn, và điều đó rất thú vị.

Yêu thích nhạc dân gian là cả một quá trình, mà chính tôi cũng không thể xác định được cụ thể bắt đầu từ khi nào. Chỉ khi đưa ra các sản phẩm âm nhạc, lúc đó mới thấy rằng đây là âm nhạc Việt Nam, chơi như thế nào để làm nổi bật lên chất Việt Nam trong đó.

Những chuyến biểu diễn ở Trường Sa, đi biển đảo đã giúp tôi bồi đắp tình yêu nước, và giúp tôi nhận ra đây mới là con người của mình. Và sau đó, những chuyến lưu diễn nước ngoài cũng giúp cho tôi thấy, âm nhạc truyền thống Việt Nam đã nâng cánh thành công cho tôi.

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền.

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền.

Phóng viên: Trịnh Minh Hiền làm thế nào để kết hợp hai thang âm khác nhau giữa nhạc cổ điển và nhạc truyền thống trên cây đàn violon?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Âm nhạc dân gian cũng có những thang âm trùng với 7 nốt nhạc. Âm nhạc dân gian ngấm vào trong tôi trong suốt hành trình làm nhạc. Các làn điệu dân ca của các vùng miền Việt Nam vô cùng phong phú, tôi chỉ việc học các thang âm, nghe các nghệ nhân biểu diễn, và sau đó là đưa các kỹ thuật của mình dựa trên thang âm, chỉ cần đúng nốt thang âm như thế là đã ra màu sắc âm thanh rất đẹp. Tôi cứ tìm hiểu dần, trước hết là âm nhạc truyền thống của các dân tộc phía bắc, từ những bài như “Chiếc khăn piêu”, “Inh lả ơi”...

Tôi cũng học các bậc tiền bối như các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, hay nhạc sĩ Phó Đức Phương, đó là những cây đa cây đề về nghiên cứu âm nhạc dân gian và áp dụng trong âm nhạc của mình. Tôi kết hợp chất dân gian vào các tác phẩm, ca khúc mà mọi người đều yêu thích, như thế vừa có được sự sáng tạo riêng của mình, vừa được khán giả tiếp nhận dễ dàng hơn.

Phóng viên: Với những tác phẩm quen thuộc thì đã rõ, những với những tác phẩm tự sáng tác, Hiền đưa chất dân gian vào như thế nào?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Các tác phẩm “Phượng Linh”, “Cây đời” là những tác phẩm mà tôi muốn thể hiện chất âm nhạc dân gian, đây chính là thành quả của 20 năm biểu diễn, sáng tác của tôi. Hai tác phẩm đó đã được “lọc” qua một ống kính của nhiều loại hình âm nhạc trên thế giới, mà khi sáng tác, tôi chỉ viết ra thôi chứ không định hình rõ được đã lấy từ đâu. Tôi khá tự hào vì sau 20 năm đã tìm ra được phong cách kỹ thuật riêng của mình.

Phóng viên: Trên nền tảng dân gian, văn hóa dân gian nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói chung được kết tinh qua một quá trình rất dài, cho nên đã tạo thành một nền móng vững chắc để các nghệ sĩ phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình trên đó. Nhưng hiện nay cũng chưa nhiều nghệ sĩ quan tâm đến điều này. Hiền nghĩ thế nào về điều này?

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền: Ở show diễn Phượng Linh cuối năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia, tôi có mời một người bạn là nghệ sĩ sáo Ngọc Anh. Có rất nhiều nghệ sĩ chơi sáo rất hay, nhưng tôi chỉ mời Ngọc Anh vì quan điểm của anh là tôi phải giữ được chất dân gian nguyên thủy trong tiếng sáo của anh. Những bản nhạc có thể hiện đại, nhưng phải giữ được màu sắc dân gian trong phần sáo. Từ đó, tôi nhận thấy rằng, có nhiều nghệ sĩ mong muốn và cần phải bảo tồn chất nguyên thủy trong âm nhạc của họ. Tôi là nhạc sĩ chơi nhạc cụ hiện đại, kết hợp với những người như vậy mới tạo được các màu sắc.

Có một điều là ngoài gìn giữ tinh hoa, thì bảo tồn, phát triển và sáng tạo đối với tôi rất quan trọng, vì tôi cho rằng nghệ sĩ chuyên nghiệp phải có sự cống hiến và sự sáng tạo. Bây giờ khán giả và nghệ sĩ nghe nhạc, chơi nhạc hiện đại, khó có thể áp đặt việc nghe gì cho họ, mà điều quan trọng là phải thu hút họ nghe nhạc dân gian, truyền thống. Tôi mong muốn mình sẽ là một trong những nghệ sĩ theo đuổi việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân gian, mặc dù khán giả không nhiều, nhưng ở một góc độ nào đó, đấy mới là những giá trị lâu bền. Tôi lựa chọn con đường của mình và cứ đi thôi.

Ngày xuất bản: 10/02/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Tuyết Loan
Ảnh-Video: Hà Nam
Trình bày-đồ họa: Dương Dương