Trên chặng đường 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách khốc liệt của chiến tranh, đã chịu nhiều tổn thất hy sinh để giành độc lập, tự do. Suốt quá trình hơn hai thập kỷ đó, đế quốc Mỹ đã không từ một thủ đoạn và biện pháp nào hòng khuất phục đối phương. Với tiềm lực và sức mạnh to lớn về kinh tế và quân sự, với cỗ máy chiến tranh khổng lồ, giới cầm quyền Mỹ ngày ấy vững tin vào thắng lợi dễ dàng và nhanh chóng trên chiến trường Việt Nam.

Chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ trong trận Ấp Bắc. (Ảnh tư liệu/ Báo QĐND)

Chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ trong trận Ấp Bắc. (Ảnh tư liệu/ Báo QĐND)

Thế nhưng, những tính toán chủ quan của Mỹ đã không trở thành hiện thực. Quân và dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, đánh đổ đội quân nhà nghề có lúc lên tới gần 1 triệu 50 vạn tên, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc chiến tranh đó, kế thừa thành quả và kinh nghiệm tích lũy được từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới với nội dung và hình thức phong phú. Ðó là nền nghệ thuật quân sự lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất  lượng  cao  thắng  số  lượng  đông, biết cách hạn chế sở trường của địch, phát huy cao độ sở trường của ta, luôn giành thế chủ động tiến công, luôn tạo ra thế mạnh để đánh địch và thắng địch...

Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể thấy, quân và dân Việt Nam đã giải quyết thành công những vấn đề rất cơ bản thuộc về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao trong cuộc đụng đầu lịch sử với đội quân nhà nghề Mỹ và đồng minh của Mỹ, cả ở trên bộ, trên không, trên sông, trên biển.

Trong cuộc đụng đầu này, dựa vào lòng yêu nước của nhân dân, vững tin ở sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân, chúng ta đã xây dựng và phát triển được thế trận chiến tranh nhân dân, ngày càng hoàn chỉnh và vững chắc trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Ðó là thế trận xen cài giữa vùng ta và vùng địch kiểm soát, bao gồm những cơ sở cách mạng; căn cứ, khu du kích; vùng giải phóng, vùng căn cứ được xây dựng thành hậu phương tại chỗ của cách mạng miền nam, thành địa bàn triển khai các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị một cách hợp lý trên khắp các vùng chiến lược.

Ðặc biệt, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng và không ngừng mở rộng, vươn sâu, vươn xa về phía nam và tới các chiến trường, chẳng những nối liền hậu phương lớn miền bắc với hậu phương tại chỗ của cách mạng miền nam, mà còn nối vùng Nam Lào, Ðông Bắc Campuchia, nam Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ thành thế trận liên hoàn; thành căn cứ đứng chân của các binh đoàn chủ lực. Thế trận đó buộc Mỹ - ngụy phải sử dụng một bộ phận binh lực quan trọng để đối phó.

Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn) tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới trên Đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: Tư liệu/Báo QĐND)

Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn) tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới trên Đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: Tư liệu/Báo QĐND)

Trên thực tế, những năm chống đế quốc Mỹ, chỉ riêng việc ba khối chủ lực mạnh của ta đứng chân ở Tây Trị Thiên, Trường Sơn - Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ cũng đã tạo nên thế uy hiếp thường xuyên đối với toàn bộ chiến trường miền nam. Rõ ràng, thế trận chiến tranh nhân dân ở miền nam là thế trận liên hoàn và rất hiểm hóc. Thế trận đó cho phép quân và dân ta thực hành chiến lược tiến công địch rộng khắp, liên tục, ngày càng mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị, bằng nhiều hình thức, với những vũ khí có trong tay.

Bị bao vây, chia cắt, bị tiến công liên tục mọi nơi mọi lúc, Mỹ - ngụy buộc phải dàn mỏng lực lượng để đối phó, khiến cho ưu thế về quân số, hỏa lực, sức cơ động của chúng bị hạn chế trước sự vây hãm của thế trận đan cài, xen kẽ. Suốt cuộc chiến tranh, Mỹ - ngụy luôn bị lâm vào tình thế giằng co, mâu thuẫn giữa chiếm đóng và cơ động, giữa phân tán và tập trung, giữa phòng giữ và tiến công, giữa "tìm diệt" và "bình định".

Thế trận chiến tranh nhân dân ở miền nam là thế trận liên hoàn và rất hiểm hóc.

Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, chúng ta đã phát triển và kết hợp chặt chẽ hoạt động của lực lượng quân sự và chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phát triển và kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy.

Chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Mỹ phát triển đến trình độ cao, trở thành chiến tranh nhân dân địa phương, có tác dụng tiêu hao, tiêu diệt rộng rãi một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; ghìm chặt địch trên các địa bàn chiến lược, buộc chúng phải phân tán binh lực chống đỡ, bộc lộ sơ hở, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực đẩy mạnh hoạt động.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam coi trọng phương thức tác chiến của các binh đoàn chủ lực, binh chủng hợp thành, coi trọng những trận đánh lớn, những chiến dịch gây thôi động mạnh, làm rung chuyển thế trận chiến lược của địch, tạo ra những bước ngoặt quyết định trong cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Từ những chiến dịch khởi đầu ở Ba Gia, Bình Giã, Ðồng Xoài trong Xuân Hè 1965 góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt, chủ lực ta tiến lên mở các chiến dịch lớn như Plây Me, Khe Sanh, Ðường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên... Ðặc biệt, giai đoạn kết thúc chiến tranh, bằng ba đòn tiến công chiến lược của lực lượng binh chủng hợp thành, chúng ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Xác máy bay trực thăng của Mỹ bị quân giải phóng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) bắn rơi trên đồi Không Tên, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Xác máy bay trực thăng của Mỹ bị quân giải phóng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) bắn rơi trên đồi Không Tên, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Ðể đánh bại lực lượng quân sự địch, qua đó, bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề chọn hướng tiến công trên tất cả các lĩnh vực chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Ðồng khởi mùa xuân 1960, quân dân ta tiến công và nổi dậy đập tan chính quyền cơ sở địch ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công trên khắp ba vùng chiến lược. Mùa xuân 1968, chúng ta "lừa địch" ở Ðường 9 - Khe Sanh và bất ngờ chuyển hướng tiến công chiến lược vào một loạt đô thị trên toàn miền nam, đập tan tham vọng giành thắng lợi về quân sự của Mỹ.

Nghệ thuật tiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ là nghệ thuật chọn hướng mà còn là nghệ thuật chọn mục tiêu, chọn hình thức và phương thức tiến công.

Mùa xuân 1972, chúng ta sử dụng các binh đoàn chủ lực đánh mạnh và đập vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài vững chắc của địch ở Trị Thiên, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ. Mùa xuân 1975, chúng ta căng địch ra và ghìm chặt địch ở hai đầu chiến tuyến là Trị Thiên, Ðông Nam Bộ; đồng thời tập trung binh lực tiến công mãnh liệt địch ở quãng giữa là Tây Nguyên, tiêu diệt Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của ngụy quyền Sài Gòn, cắt đôi thế trận chiến lược của chúng, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Cùng lúc đó, chúng ta kịp thời sử dụng lực lượng giải phóng các đảo và quần đảo do quân ngụy chiếm giữ, thu hồi phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên nền của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển sâu rộng, quân và dân ta ở khắp các chiến trường, các địa phương đã sáng tạo những cách đánh đầy hiệu quả, nhằm vào những khu vực mục tiêu "yết hầu", "huyết mạch", "tim óc", như hệ thống căn cứ quân sự - hậu cần - kỹ thuật, hệ thống giao thông, các cơ quan đầu não chỉ đạo của địch ở sâu trong các đô thị trên toàn miền... Cách đánh đó dựa trên tính năng động chủ quan, trí thông minh, lòng quả cảm và tài sáng tạo của quân và dân ta - những con người yêu nước thiết tha, chẳng những dám đánh mà còn biết đánh, biết thắng một cách có lợi nhất, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.

Xác máy bay B52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội năm 1972. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Xác máy bay B52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội năm 1972. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Trên vùng trời, vùng biển miền bắc, những năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân ta đã xây dựng, phát triển mạnh mẽ thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm trung và tầm cao. Dựa trên thế trận đó, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển ba thứ quân với phương thức tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng của lực lượng phòng không chủ lực, đánh bại các bước leo thang chiến tranh của không quân, hải quân Mỹ.

Hình thành và phát triển trong cuộc chiến tranh cách mạng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nâng lên một tầm cao mới, trở thành nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam - xét cả về bản chất, quy mô, cường độ cuộc chiến; cả về vũ khí và phương tiện chiến tranh cũng như việc giải quyết vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật và kỹ thuật.

Hình thành và phát triển trong cuộc chiến tranh cách mạng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nâng lên một tầm cao mới, trở thành nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam

Ðó là nền nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, nền nghệ thuật kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết hợp giữa đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, kết hợp các nhân tố lực - thế - thời, đánh địch một cách bất ngờ, tạo nên sức mạnh đánh thắng lực lượng quân sự địch và các chiến lược chiến tranh của chúng, qua đó, góp phần quan trọng đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, hoàn thành mục tiêu giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất đất nước.

Ðó là một biểu hiện rực rỡ của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới.

Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, tư liệu Printerest

(Bài viết đăng trên Nhân Dân Điện tử ngày 14/3/2005)