Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trực tiếp trong cả nước gần như tê liệt, các đơn vị nghệ thuật phải đối mặt vô vàn khó khăn. Song, vượt lên trở ngại, thách thức, bằng khát khao cống hiến của nghệ sĩ, đời sống nghệ thuật biểu diễn trong năm qua vẫn có nhiều điểm sáng, cho thấy nỗ lực thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới để tạo ra những liều “vaccine tinh thần” ý nghĩa, đồng hành cùng nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch.

Thách thức và khát khao cống hiến

Những đợt dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến thị trường nghệ thuật biểu diễn ở nước ta dường như “đóng băng” trong năm nay. Ở những thời điểm dịch căng thẳng, công chúng không thể đến rạp, sân khấu không thể sáng đèn, hàng loạt chương trình nghệ thuật quy mô lớn được lên kế hoạch đầu tư, dàn dựng công phu buộc phải hoãn, hủy. Không có suất diễn, không có doanh thu, các đơn vị nghệ thuật đã phải đau đầu giải bài toán giữ chân nhân lực. Không ít nghệ sĩ buộc phải xoay sở làm thêm đủ mọi nghề để mưu sinh… Qua đó, có thể thấy, đại dịch đã tạo ra sức công phá mạnh cỡ nào tới đời sống biểu diễn nghệ thuật.

Theo thống kê từ báo cáo của ban tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua, tổng số vở diễn sân khấu, chương trình ca múa nhạc và công diễn của các đoàn nghệ thuật trung ương, địa phương thuộc ngành quản lý trên cả nước vào năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch) là khoảng 700; sang năm 2020, con số này là hơn 620 và đến tháng 9/2021 ước tính chỉ còn hơn 100 chương trình, vở diễn, sụt giảm nhiều lần so với những năm trước.

Đối diện những thách thức chồng chất, nhiều cuộc họp, hội nghị liên quan đã được các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa tiến hành để khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách đặc thù gỡ khó cho nghệ sĩ ngành nghệ thuật biểu diễn. Ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được Chính phủ ban hành, trong đó đề cập mức hỗ trợ dành riêng cho đối tượng là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà quan trọng hơn, đây còn là sự tiếp lửa kịp thời về tinh thần, khẳng định sự quan tâm, trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng lao động nghệ thuật, giúp họ giữ vững tình yêu, niềm tin với nghề nghiệp để tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo.

Đặc biệt, với phương châm “Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến”, thời gian qua, những người yêu nghệ thuật đã được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ chưa từng có của hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ môi trường trực tiếp sang trực tuyến. Xuất phát điểm chỉ là những tiết mục nhỏ lẻ được các nghệ sĩ livestream ngẫu hứng trên mạng xã hội trong thời gian ở nhà chống dịch, các sản phẩm trực tuyến chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều, thể hiện sự đầu tư về cả ý tưởng và kỹ thuật dàn dựng. Trong đó, có không ít chương trình nghệ thuật quy mô kết nối không gian biểu diễn ở nhiều đầu cầu, thu hút sự tham gia đông đảo của cả nghệ sĩ trong nước và ngoài nước.

Đáng chú ý, bên cạnh sự vào cuộc sôi nổi của các nghệ sĩ ở dòng chảy nghệ thuật đương đại, sân chơi trực tuyến còn ghi nhận sự tham gia của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Tiêu biểu phải nói tới chuỗi chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức xuyên suốt thành nhiều số, mang đến các tiết mục, trích đoạn thuộc nhiều loại hình sân khấu truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, xiếc, rối… Bên cạnh đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã làm việc với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ và một số đài truyền hình Trung ương, địa phương để triển khai mô hình “nhà hát truyền hình”, phát sóng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ nhân dân. Theo ghi nhận của những người trong nghề, việc đưa các chương trình, tác phẩm nghệ thuật lên nền tảng số không chỉ là giải pháp tình thế nhằm khơi thông dòng chảy nghệ thuật trong bối cảnh đại dịch mà còn là xu thế giúp các sản phẩm nghệ thuật được tiếp cận rộng rãi nhiều đối tượng khán giả trên không gian mạng.

Trong điều kiện bình thường mới cho phép hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, các đơn vị nghệ thuật vẫn cần xây dựng các nhà hát trực tuyến trên nền tảng công nghệ số và truyền hình nhằm phục vụ đồng thời cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả tiếp cận qua các kênh thông tin truyền thông.
Ông Trần Hướng Dương
Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn

Đồng hành chống dịch, thích ứng linh hoạt

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, câu nói này càng đúng hơn trong bối cảnh hiện tại. Những khó khăn, thách thức bủa vây từ đại dịch Covid-19 càng làm ngời sáng bản lĩnh, lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia của mỗi người dân Việt Nam hôm nay. Điều đó đã trở thành chất xúc tác, nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các nghệ sĩ thai nghén, sáng tác hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa về đề tài chống dịch. Năm 2021 có thể xem là thời điểm ghi dấu sự “bùng nổ” của những sáng tác nghệ thuật biểu diễn tri ân các chiến sĩ áo trắng, lực lượng tuyến đầu chống dịch, cổ vũ tinh thần chiến thắng đại dịch của nhân dân, đặc biệt ở các lĩnh vực như: Âm nhạc hiện đại, âm nhạc truyền thống, sân khấu kịch nói, múa…

Tháng 7/2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động đợt vận động sáng tác ca khúc lần thứ hai về đề tài chống dịch và chỉ sau hơn một tuần đã nhận về hơn 400 ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên cả nước. Tháng 8/2021, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch. Chỉ sau 2 tháng phát động, có hơn 200 tác phẩm của các tác giả, nghệ sĩ cả nước ở nhiều thể loại như: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, bài chòi, quan họ, ví giặm… đã được gửi tới dự thi. Cùng với đó là hàng loạt cuộc vận động sáng tác được các địa phương, ban, ngành tổ chức.

Tất cả đã làm nên một cuốn nhật ký nghệ thuật ghi lại hành trình chống dịch bằng vẻ đẹp của giá trị nhân văn, tình người sáng bừng trong đại dịch. Không chỉ mang đến những món ăn tinh thần giàu ý nghĩa, sự ra đời của số lượng lớn những tác phẩm nghệ thuật chống dịch thời gian này còn khẳng định ý thức công dân, trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ cũng như sứ mệnh bám sát hiện thực để chuyển tải từng hơi thở cuộc sống của văn học nghệ thuật.

Năm vừa qua, dù làn sóng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song cùng với sự thay đổi trong chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ, chuyển hướng từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch, ngành nghệ thuật biểu diễn đã thể hiện sự nhanh nhạy trong kết nối trở lại các hoạt động biểu diễn có khán giả. Bằng chứng là ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, một số đơn vị đã có ngay những vở diễn, chương trình ra mắt công chúng, đồng thời lên kế hoạch dàn dựng tiếp những sản phẩm mới.

Dấu ấn nổi bật là Tuần lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921-2021) đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công với nhiều hoạt động ý nghĩa: công diễn vở kịch nói “Chén thuốc độc”-vở diễn ra mắt cách đây đúng 100 năm đánh dấu sự hình thành kịch nói Việt Nam; Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển” và công diễn một số vở kịch đặc sắc…

Cách đây đúng một thế kỷ, vào ngày 22/10/1921, vở “Chén thuốc độc” của nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896-1960) được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khẳng định sức hút của vở kịch đầu tiên do người Việt viết và đánh dấu sự ra đời chính thức của kịch nói Việt Nam. Được dàn dựng lại và công diễn ngày 21/10/2021 tại Hà Nội, “Chén thuốc độc” do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn đã gửi đi lời cảnh tỉnh sâu sắc về lối sống hưởng lạc đáng phê phán, đánh mất bản thân, quên đi trách nhiệm với gia đình và xã hội… Đây cũng là lần đầu tiên, các diễn viên của nhiều đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội… cùng hội ngộ trong một vở diễn để kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu kịch nói nước nhà.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kịp thời tổ chức một số liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, như: Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, thu hút hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của 14 đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương tham gia với 20 vở diễn đặc sắc; hay Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021, quy tụ sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, đến từ 19 đơn vị ca múa nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc, cống hiến các chương trình nghệ thuật với hàng trăm tiết mục hấp dẫn ở các thể loại ca, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhạc kịch… 78 gương mặt nghệ sĩ trẻ đạt giải thưởng cao nhất từ các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong năm qua được vinh danh trong Chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2021” tối 26/12 đã chấm phá thêm những nét tươi sáng cho diện mạo nghệ thuật biểu diễn nước nhà.

Phát biểu tại lễ vinh danh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Trong những thời điểm khó khăn nhất của năm 2021, với phương châm Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến, toàn ngành văn hóa đã đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…

Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đã được phát trên các nền tảng số, mạng xã hội, mang đến liều “vaccine tinh thần” cổ vũ, động viên và tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân đồng lòng cùng chính quyền vượt qua đại dịch; các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô quốc gia như: Liên hoan Kịch nói toàn quốc, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc… được tổ chức thành công, phù hợp với chủ trương thích ứng an toàn, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ cũng đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong những kết quả nổi bật đó, có sự đóng góp hết sức quan trọng của các nghệ sĩ, diễn viên, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Ông Nguyễn Văn Hùng
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chương trình hòa nhạc “Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối phần biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trong nước, quốc tế, thu hút sự tham gia đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Chương trình hòa nhạc “Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối phần biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trong nước, quốc tế, thu hút sự tham gia đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Tiết mục xiếc “Thăng bằng trên thang” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. (Ảnh: Đào Anh)

Tiết mục xiếc “Thăng bằng trên thang” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. (Ảnh: Đào Anh)

Một tiết mục biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2021”. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Một tiết mục biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2021”. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Nhạc kịch Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi trẻ) là một trong sáu chương trình được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. (Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ)

Nhạc kịch Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi trẻ) là một trong sáu chương trình được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. (Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ)

Item 1 of 4

Chương trình hòa nhạc “Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối phần biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trong nước, quốc tế, thu hút sự tham gia đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Chương trình hòa nhạc “Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối phần biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trong nước, quốc tế, thu hút sự tham gia đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Tiết mục xiếc “Thăng bằng trên thang” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. (Ảnh: Đào Anh)

Tiết mục xiếc “Thăng bằng trên thang” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. (Ảnh: Đào Anh)

Một tiết mục biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2021”. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Một tiết mục biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2021”. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Nhạc kịch Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi trẻ) là một trong sáu chương trình được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. (Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ)

Nhạc kịch Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi trẻ) là một trong sáu chương trình được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. (Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ)

Bước qua năm 2021, đại dịch vẫn đang diễn biến và chưa thể dự đoán chính xác khi nào dừng lại. Ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ còn tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện bình thường mới, nghệ thuật biểu diễn cần được vận hành ở cả môi trường trực tuyến và trực tiếp. Đối với hình thức trực tuyến, cần lựa chọn đưa lên nền tảng số những trích đoạn, chương trình, tiết mục, chuyện hậu trường… phù hợp tâm lý tiếp nhận của công chúng hiện đại. Đây sẽ là kênh quảng bá hữu hiệu để giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tới đông đảo người dùng mạng, đồng thời thu hút công chúng thưởng thức tác phẩm. Đối với biểu diễn trực tiếp, cần xây dựng và áp dụng những quy định cụ thể trong thưởng thức nghệ thuật, như: Quy định về chứng nhận vắc xin đối với nghệ sĩ biểu diễn và khán giả; giới hạn số lượng người xem dựa trên sức chứa cụ thể của các điểm biểu diễn… sao cho vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ các chương trình, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn của nhân dân.


Xuất bản ngày: 31/12/2021
Tổ chức thực hiện: Hữu Việt - Hồng Minh
Nội dung: Trang Anh
Trình bày: Phùng Trang
Ảnh: Đào Anh; Hòa Nguyễn; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Nhà hát Kịch Hà Nội; Nhà hát Tuổi trẻ