Thông tin liên lạc với nhiệm vụ nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên - Một số bài học kinh nghiệm vận dụng hiện nay

Thiếu tướng VŨ VIẾT HOÀNG
Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc
Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở màn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thắng lợi của chiến dịch đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật nghi binh lừa địch, trong đó có nghi binh bằng các phương tiện thông tin liên lạc.
Tháng 9/1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) mở “Chiến dịch Nam Tây Nguyên” (tên gọi ban đầu của Chiến dịch Tây Nguyên). Chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương chỉ đạo “phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào việc bảo vệ phía Bắc Tây Nguyên”[1]. Khi đó, ở Tây Nguyên ta có 2 sư đoàn: Sư đoàn bộ binh 10 đứng chân ở Kon Tum, Sư đoàn 320 đứng chân ở nam Pleiku (Bắc Tây Nguyên). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 đã tích cực chỉ đạo các đơn vị triển khai hàng loạt các hoạt động nghi binh thu hút lực lượng của địch lên hướng Pleiku - Kon Tum như: Điều động Sư đoàn 968 đang hoạt động ở Hạ Lào về Pleiku - Kon Tum làm nhiệm vụ nghi binh thay cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 bí mật hành quân xuống Nam Tây Nguyên; tổ chức các trận đánh nhỏ quanh thị xã Kon Tum; đánh phá giao thông địch trên Đường 19; tập kích, phá hủy kho xăng địch ở Pleiku; mở các trục đường mới, sửa chữa đường cũ trên hướng Bắc Tây Nguyên; triển khai các trận địa pháo binh, xe tăng giả... nhằm thu hút sự chú ý của địch.
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Để kế hoạch nghi binh thêm hoàn hảo và làm cho chúng tin rằng ta sẽ đánh Pleiku - Kon Tum, bộ đội Thông tin tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Lực lượng Thông tin tham gia chiến dịch có các đơn vị: Trung đoàn 132 và 136, Trung đoàn quân bưu 130, Tiểu đoàn 4 vô tuyến điện tiếp sức gồm ba xe và Tiểu đoàn 2 thông tin cơ động, thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Trung đoàn thông tin 29, chiến trường B3, Trung đoàn thông tin 596, đơn vị thông tin Sư đoàn 470, thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559[2] và các đơn vị thông tin của các sư đoàn tham gia chiến dịch. Theo quyết định của Bộ, đồng chí Hồ Trọng Tuyến - Chủ nhiệm Thông tin B3 làm Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu cán bộ Phòng Khoa học Quân sự/Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc được tăng cường làm Phó Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch[3].
Ngay sau khi Sư đoàn 968 được điều động về làm nhiệm vụ nghi binh thay cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 bí mật cơ động xuống Nam Tây Nguyên, Ban Thông tin chiến dịch, cùng với Sư đoàn 968 đã tạo ra một “mạng thông tin giả” để đánh lừa đối phương. Đầu tháng 2/1975, một “mạng thông tin giả” được tung lên không trung. Ở Pleiku xuất hiện cụm điện đài của “Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên” giả, do tổ Cơ yếu của Trung đoàn 19, cụm điện đài của Sư đoàn 968 và đơn vị thông tin Trung đoàn 29 khai thác. Khi các cụm điện đài phát sóng lên không trung, lập tức các máy bay trinh sát L-19, OV-10 của địch thay phiên nhau ngày đêm đan chéo trên bầu trời, để định vị các cụm điện đài của ta, chỉ thị mục tiêu cho máy bay B-52 liên tiếp ném bom tọa độ xuống các điểm xung quanh Pleiku - Kon Tum.[4] Bằng cách “Triển khai giả” như trên, ta đã mô phỏng hoạt động của “Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên” giả bằng các phương tiện thông tin thật, đồng thời kết hợp với các biện pháp nghi binh chiến dịch khác như trinh sát giả, để lộ thông tin giả…, bước đầu, đã thu hút được sự chú ý của địch về hướng Pleiku - Kon Tum (tức hướng nghi binh).
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta không chỉ xây dựng được lực lượng với khả năng tác chiến binh chủng hợp thành, mà còn có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng hậu cần, kỹ thuật phục vụ. Trong ảnh: Bộ đội vận tải thuộc đơn vị 250 (Gia Lai) chuyển hàng ra chiến trường. (Ảnh: TTXVN)
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta không chỉ xây dựng được lực lượng với khả năng tác chiến binh chủng hợp thành, mà còn có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng hậu cần, kỹ thuật phục vụ. Trong ảnh: Bộ đội vận tải thuộc đơn vị 250 (Gia Lai) chuyển hàng ra chiến trường. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với “Triển khai giả”, ta còn tiến hành thủ đoạn “Thông tin giả” để lừa địch. Trong lúc Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 bí mật hành quân về tập kết ở Nam Tây Nguyên. Để tránh địch nghi ngờ, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để lại 2 điện đài sóng ngắn 15W cùng báo vụ; toàn bộ quy ước vô tuyến điện sóng cực ngắn và hệ thống thông tin hữu tuyến điện cho Sư đoàn 968 sử dụng. Hàng ngày, Sư đoàn 968 duy trì đều đặn công việc ở các vị trí của hai sư đoàn trên; các bộ phận làm nhiệm vụ nghi binh của Sư đoàn 968 vẫn theo nếp cũ phát đi những mệnh lệnh và những báo cáo giả trên mạng thông tin mang mật danh của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320; một số bức điện thể hiện ý định ta đang chuẩn bị tiến công vào Pleiku - Kon Tum.
Cùng với việc phát đi những bức điện giả, để nghi binh thu hút địch về hướng Bắc Tây Nguyên; ta cho người phao tin sẽ đánh lớn vào Pleiku - Kon Tum; tổ chức mít tinh, hoan nghênh bộ đội về giải phóng Pleiku - Kon Tum. Cuối tháng 1 năm 1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh bổ sung nhiệm vụ cho Chiến dịch Tây Nguyên, xác định trọng điểm hoạt động của chiến dịch là tỉnh Đắk Lắk với mục tiêu chủ yếu là thị xã Buôn Ma Thuột. Lúc này, nhiệm vụ nghi binh, thu hút định về Pleiku - Kon Tum càng trở nên cấp thiết, nặng nề hơn. Các đơn vị thường xuyên được quán triệt yêu cầu nhiệm vụ, hết sức chấp hành kỷ luật chiến trường, đề cao tinh thần cảnh giác. Trước những hoạt động “rầm rộ” của Quân giải phóng, quân đội Sài Gòn tăng cường nhiều lực lượng thu thập thông tin, nắm bắt mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.
Trong quá trình này, cơ quan tình báo Quân khu 2 quân đội Sài Gòn đã thu thập được một quyển sổ tay của chiến sĩ ta, có ghi chép một số thông tin liên quan đến Buôn Ma Thuột và thông tin khai thác được từ một chiến sĩ “chiêu hồi”, đề cập đến hướng tiến công của Quân giải phóng[5]. Ngày 18/2/1975, viên Đại tá Trịnh Tiêu - Trưởng phòng Tình báo Quân khu 2 quân đội Sài Gòn báo cáo với Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu: Những hoạt động ở Kon Tum và Pleiku chỉ là hoạt động nghi binh của Việt cộng. Ý định thực sự của họ là sẽ đánh vào Buôn Ma Thuột. Ngay lập tức, tướng Phú điều Trung đoàn 45 xuống Ea-Hơ-Leo để thăm dò và bảo vệ Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, thông tin ta đánh vào Buôn Ma Thuột nhanh chóng bị nguồn tin tình báo của cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA - Central Intelligence Agency) phủ nhận và cho rằng: “các đơn vị chủ lực Quân giải phóng vẫn tập trung ở hướng Pleiku và Kon Tum, hoạt động ở Nam Tây Nguyên chỉ là nghi binh”[6].
Để “củng cố thêm nhận định” của địch về hướng tiến công của Quân giải phóng vào Pleiku và Kon Tum; lúc này, lực lượng thông tin được lệnh phát đi bức điện cho các đơn vị với nội dung: “Địch đã bị mắc lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã điều quân xuống phía Nam”[7] và cố tình để địch thu được. Thông tin này tiếp tục gây nhiễu loạn hệ thống tình báo quân đội Sài Gòn, buộc địch điều Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 về PleiKu để đối phó với Sư đoàn 968, đúng theo ý đồ chiến dịch của ta. Sau trận đánh, Trung tướng Charle Times - cố vấn Mỹ của chính quyền Sài Gòn cũng phải thừa nhận “Bằng nghi binh qua làn sóng điện, Việt Nam đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của quân đội Sài Gòn, Quân khu 2 ở Pleiku và Kon Tum”[8].
Du kích Đắk Lắk (Gia Lai) cắm chông đề phòng địch đánh chiếm, năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Du kích Đắk Lắk (Gia Lai) cắm chông đề phòng địch đánh chiếm, năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Như vậy, bằng chiến thuật “đưa tin giả”, ta đã cung cấp cho địch qua các phương tiện thông tin những tin tức giả, hoặc tin tức thật đã bị bóp méo với mục đích làm cho chúng bị nhầm lẫn về thành phần, lực lượng, vị trí sở chỉ huy, tình hình hoạt động, ý định tác chiến, đồng thời giữ bí mật công tác chuẩn bị thật của chiến dịch.
Để đạt hiệu quả cao trong nghi binh, các thủ đoạn “Triển khai giả”, “Đưa tin giả” thường kết hợp với “Im lặng vô tuyến điện” để lừa địch. Thực hiện biện pháp này, các đơn vị không sử dụng thông tin vô tuyến điện trong quá trình cơ động lực lượng cũng như làm công tác chuẩn bị tác chiến. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, để giữ bí mật mục tiêu tiến công Buôn Ma Thuột, tháng 1/1975, ta bí mật cho Sư đoàn 968 vào thay vị trí của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để hai sư đoàn này hành quân xuống Nam Tây Nguyên. Khi đi, các sư đoàn này thực hiện “Im lặng vô tuyến” điện, kết hợp với việc “Đưa tin giả” của lực lượng thông tin Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để lại Sư đoàn 968, do đó, khi các sư đoàn 10, 320 đã vào khu vực tập kết chiến dịch ở gần Buôn Ma Thuột thì địch vẫn đinh ninh rằng các đơn vị này đang ở PleiKu, Kon Tum. Khi Sư đoàn 316 hành quân từ miền Bắc vào Tây Nguyên, bằng thủ đoạn “Im lặng vô tuyến điện”, chỉ sử dụng hữu tuyến điện và thông tin vận động, ta đã làm cho địch không theo dõi được, phải báo cho nhau là “mất hút” đơn vị trên.
Cùng với việc nghi binh thông tin, đánh lạc hướng, làm cho địch nhiễu loạn thông tin, dẫn đến nhận định sai ý đồ chiến dịch của ta. Bộ đội Thông tin còn bảo đảm thông tin thông suốt cho các trận đánh nghi binh lừa địch của các đơn vị bộ binh. Tiêu biểu là trong trận đánh nghi binh lừa địch ngày 28 tháng 2 năm 1975 của Sư đoàn 968. Mặc dù trong điều kiện không gian tác chiến rộng, diễn biến tác chiến nhanh chóng và phức tạp, cự ly bảo đảm liên lạc giữa Sư đoàn 968 với Sở Chỉ huy chiến dịch xa. Nhưng do cơ quan thông tin chiến dịch đã biết phát huy cao nhất tác dụng của vô tuyến điện, coi đó là phương tiện thông tin chủ yếu khi nổ súng, nên việc bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời. Đồng thời kết hợp chặt chẽ vô tuyến điện với hữu tuyến điện và thông tin vận động, nên đã làm tăng thêm tính vững chắc cho hệ thống thông tin liên lạc trong trận đánh.
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, các cụm pháo chiến dịch của ta bắt đầu trút bão lửa xuống các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột, làm tê liệt địch. Trong ảnh: Quân Giải phóng tiến vào chi khu Đức Lập, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, các cụm pháo chiến dịch của ta bắt đầu trút bão lửa xuống các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột, làm tê liệt địch. Trong ảnh: Quân Giải phóng tiến vào chi khu Đức Lập, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Kết quả nghi binh thông tin liên lạc trong Chiến dịch Tây Nguyên đã để lại cho Bộ đội Thông tin liên lạc nhiều bài học kinh nghiệm, có thể vận dụng trong điều kiện hiện nay, đó là:
Một là, làm tốt công tác tổng kết và truyền thụ kinh nghiệm tổ chức nghi binh thông tin, làm cơ sở vận dụng vào thực tế chiến đấu.
Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, nghi binh thông tin đã được Bộ đội Thông tin sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch Biên Giới 1950, khi các phương tiện thông tin vô tuyến điện đã được sử dụng tương đối phổ biến trong Quân đội. Kể từ đó, Bộ đội Thông tin đã tiến hành nghi binh bằng các phương tiện thông tin liên lạc thành công trong nhiều chiến dịch, tiêu biểu như: Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Sa Thầy (1966), Cuộc tổng tiến công và nổi dậy (mùa Xuân 1968), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971)... Qua mỗi chiến dịch, biện pháp, thủ đoạn, cách thức tổ chức chỉ đạo nghi binh thông tin ngày càng hoàn thiện.
Quân Giải phóng chiếm nhiều xe tăng của địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
Quân Giải phóng chiếm nhiều xe tăng của địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
Để những kinh nghiệm quý báu ấy được thế hệ đi sau kế thừa, phát huy, đồng thời chuẩn bị cho họ khả năng ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn chiến đấu; Binh chủng Thông tin liên lạc, đặc biệt quan tâm đến công tác tổng kết lịch sử chiến tranh, nghiên cứu phát triển nghệ thuật bảo đảm thông tin liên lạc quân sự. Ngày 28/12/1969, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc điều một số cán bộ công tác nhiều năm trong Binh chủng, đã qua chiến đấu và có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc từ các đơn vị và Trường Sĩ quan Thông tin về Cơ quan Bộ Tư lệnh, lâm thời thành lập Bộ phận Nghiên cứu tổng kết, nằm trong Phòng Tham mưu, do đồng chí Nguyễn Diệp phụ trách; có nhiệm vụ nghiên cứu biên soạn các tài liệu về tổ chức sử dụng các phương tiện thông tin trong các loại hình chiến đấu, phục vụ công tác huấn luyện bộ đội[9].
Ngay sau khi đi vào hoạt động, bộ phận này đã biên soạn được hai tập “chiến sĩ thông tin kể chuyện”, viết về thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, để huấn luyện cho bộ đội và hoàn thành các văn bản tổng kết kinh nghiệm tổ chức bảo đảm thông tin trong một số chiến dịch và trận đánh điển hình[10], trong đó có các trận nghi binh bằng phương tiện thông tin liên lạc trong các chiến dịch: Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Sa Thầy, Đường 9 - Nam Lào... Cùng với tổng kết kinh nghiệm, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc chủ trương đưa cán bộ tham gia nghiên cứu tổng kết vào chiến trường để áp dụng những kinh nghiệm đã được tổng kết vào thực tế chiến đấu.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Binh chủng cử đồng chí Nguyễn Ngọc Châu, cán bộ Phòng Khoa học quân sự Binh chủng - cơ quan biên soạn các văn bản tổng kết kinh nghiệm tổ chức bảo đảm thông tin trong một số chiến dịch và trận đánh điển hình, tham gia chiến dịch[11]. Khi Quân ủy Trung ương chỉ đạo “Phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung chú ý vào bảo vệ phía Bắc Tây Nguyên”. Dựa vào “cẩm nang” là các văn bản tổng kết kinh nghiệm nghi binh thông tin được biên soạn trước đó và số cán bộ có nhiều kinh nghiệm, Bộ đội thông tin thêm vững tâm bắt tay vào chuẩn bị các phương án nghi binh thông tin cho Chiến dịch Tây Nguyên.
Xe tăng của quân Giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng của quân Giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Hai là, lợi dụng mưu kế của địch để lập kế đánh lại chúng
Dùng mưu của mình để lừa địch đã giỏi, nhưng dùng chính kế của địch để đánh địch, lấy “gậy ông đập lưng ông” thì lại càng tinh vi, hiểm hóc hơn. Đây là một quá trình đấu mưu, chọi kế quyết liệt giữa hai bên đối chiến, nên còn được gọi là tương kế, tựu kế. Muốn tương kế, tựu kế, trước hết phải biết được kế của địch. Qua nghiên cứu, ta biết được mưu kế của địch là qua làn sóng điện, chúng theo dõi các “cố tật” của chiến sỹ báo vụ ta khi phát điện báo (mỗi người phát điện báo đều có một phong cách riêng trong cách gõ tín hiệu Morse, bao gồm tốc độ, nhịp, khoảng cách giữa các ký tự, hoặc thói quen sử dụng các cụm từ hoặc mẫu tín hiệu nhất định lặp lại nhiều lần. Những đặc điểm đó thường được gọi là “cố tật”). Ngoài ra, bằng cách dò sóng và định vị tín hiệu, chúng có thể tính toán tọa độ nguồn phát tín hiệu bằng phương pháp tam giác hóa. Lần theo đầu mối ấy, chúng sẽ phát hiện ra vị trí, lực lượng của ta. Ví dụ: ngày 2/1/1963, do theo dõi được “cố tật” phát điện báo của một chiến sỹ báo vụ, địch phát hiện có đơn vị chủ lực trú quân tại Ấp Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, chúng đã huy động một lực lượng lớn xe lội nước cùng máy bay lên thẳng, càn quét vào khu vực này. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã lợi dụng mưu kế của địch để lập kế đối phó lại chúng. Trong lúc Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 đang ở Bắc Tây Nguyên, được lệnh bí mật hành quân về tập kết ở Nam Tây Nguyên; 2 đơn vị này để lại 2 điện đài sóng ngắn 15W cùng báo vụ, toàn bộ quy ước vô tuyến điện và hệ thống thông tin hữu tuyến điện cho Sư đoàn 968 sử dụng. Theo dõi qua làn sóng điện, thấy các chiến sĩ báo vụ với những “cố tật” phát điện báo vẫn ở nguyên vị trí cũ, nên địch phán đoán Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 đang ở Pleiku - Kon Tum (Bắc Tây Nguyên). Phán đoán sai lầm trên khiến địch điều Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 về PleiKu, bỏ trống Buôn Ma Thuột. Như vậy, nhờ tương kế, tựu kế, từ thế bị theo dõi, ta đã chuyển sang thế chủ động “dắt mũi” đối phương theo đúng ý đồ chiến dịch của ta.
Quân Giải phóng kiểm soát nhiều phương tiện chiến tranh của địch ở chi khu kiên cố Đức Lập. (Ảnh: TTXVN)
Quân Giải phóng kiểm soát nhiều phương tiện chiến tranh của địch ở chi khu kiên cố Đức Lập. (Ảnh: TTXVN)
Ba là, nghi binh thông tin phải đi đôi với giữ bí mật thông tin
Bản chất của nghi binh thông tin là nghệ thuật “giấu thông tin thật, bày thông tin giả”. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, việc “bày thông tin giả” hiệu quả đến mức không chỉ địch, mà nhiều người dân trên địa bàn cũng tưởng rằng bộ đội sắp sửa tiến công Kon Tum. Tuy nhiên, thủ đoạn “giấu thông tin thật” còn có sai sót. Trong quá trình hành quân, một đồng chí chiến sĩ của ta làm thất lạc và vô tình lọt vào tay địch một quyển sổ tay có ghi chép một số thông tin liên quan đến Buôn Ma Thuột và một chiến sĩ “chiêu hồi”, đã khai ra hướng tiến công của Quân giải phóng. Rút kinh nghiệm các sự cố trên, bộ đội thông tin tăng cường các biện pháp thẩm tra chất lượng chính trị, lựa chọn các đồng chí tham gia chiến dịch có đủ các tiêu chuẩn về lý lịch, chính trị, tư tưởng. Đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ vô tuyến điện, kẻ thù của họ trên mặt trận sóng điện từ là cả hữu hình và cả vô hình. Vì vậy cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường công tác giáo dục, củng cố lòng trung thành, ý thức cảnh giác, tự giác chấp hành kỷ luật thông tin, bảo mật vô tuyến điện.
Để “giấu thông tin thật”, ngoài giáo dục ý thức, lực lượng Thông tin còn chú trọng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ phòng chống địch trinh sát điện tử. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, với hệ thống trinh sát điện tử được hỗ trợ bởi kỹ thuật tiến tiến nhất thời điểm đó, địch tìm mọi thủ đoạn để trả lời câu hỏi: Mục tiêu chính của Việt cộng là Nam Tây Nguyên, hay Bắc Tây Nguyên? Để trả lời câu hỏi đó, thủ đoạn của chúng là thả các khí tài (cây nhiệt đới) dọc đường hành quân của ta để thu nghe tiếng động; bố trí các trạm cố định theo dõi hệ thống ra-đa trinh sát của ta trên các điểm cao, vùng giới tuyến, ven biển kết hợp với các trạm trên hạm đội, trên không và vệ tinh để tiến hành trinh sát, chụp ảnh, thu nghe tín hiệu vô tuyến điện của ta; tìm cách “ăn cắp” tin tức qua các bức điện báo được phát đi, qua đó tìm hiểu ý đồ chiến dịch và lực lượng của ta...
Hàng nghìn lính ngụy tại Tây Nguyên ra đầu hàng quân Giải phóng, năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Hàng nghìn lính ngụy tại Tây Nguyên ra đầu hàng quân Giải phóng, năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Để phòng, chống địch trinh sát điện tử, lực lượng Thông tin đã triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ như: Tổ chức các đài kiểm soát vô tuyến điện, kịp thời phát hiện một số vi phạm lộ bí mật để ngăn chặn; chọn vị trí triển khai bí mật, ngụy trang đài trạm, nhất là đối với hệ thống an-ten thu phát vô tuyến điện; hạn chế thời lượng phát sóng vô tuyến điện; vận dụng linh hoạt các phương thức liên lạc đài canh, phát điện chung (CQ), liên lạc một chiều bằng các tín hiệu ngắn gọn, liên lạc vượt cấp, liên lạc không thành quy luật, liên lạc qua đài trung gian…, nên đã góp phần phòng, chống trinh sát điện tử, bảo vệ bí mật thông tin liên lạc trong quá trình nghi binh lừa địch.
Nghi binh lừa địch bằng các phương tiện thông tin là một bộ phận không thể thiếu trong nghệ thuật tổ chức và bảo đảm thông tin liên lạc của quân đội ta. Những kinh nghiệm đã đúc kết qua thực tiễn Chiến dịch Tây Nguyên, cần được tiếp tục nghiên cứu, nhằm phát hiện, bổ sung những vấn đề mới và làm sâu sắc hơn các thủ đoạn nghi binh bằng phương tiên thông tin, để vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trình bày: Xuân Bách - Nhã Nam
Ảnh: TTXVN