NGHĨ ĐẾN VIỆT NAM, NGHĨ ĐẾN BÁC HỒ

Ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sống chung với cán bộ, nhân viên; cùng ăn, ở, sinh hoạt như mọi người. (Ảnh: TTXVN)

Ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sống chung với cán bộ, nhân viên; cùng ăn, ở, sinh hoạt như mọi người. (Ảnh: TTXVN)

Tôi đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh trao cho một phần thưởng cao quý, đó là tấm huy chương "Vì thế hệ trẻ", có ngôi sao đỏ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến.

Tôi biết, tôi không còn trẻ nữa, trên đầu tôi tóc đã bạc nhiều, nhưng trong giây phút bồi hồi, cảm động ấy, tôi thấy tim mình bỗng đập rộn ràng, tựa hồ vẫn đang ở tuổi thanh xuân đầy sức sống. Và tôi càng biết ở các bạn trẻ Việt Nam, những người con trai, con gái của dân tộc Việt Nam kiên cường, những người cháu yêu quý của Bác Hồ, đã dành cho tôi niềm vinh dự ấy. Cả một thế hệ thanh niên hồn hậu, trong sáng, khỏe đẹp, rất xứng đáng được mang danh hiệu "Hồ Chí Minh".

Cũng từ giây phút ấy, ý nghĩ của tôi lại lần theo những ngả đường Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, Thái Nguyên, Cao Bằng và nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam mà tôi đã tới. Những cuộc tiếp xúc gặp gỡ với các anh chị em Việt Nam, những con người hiền lành mà can đảm, giản dị mà vĩ đại, đã làm tôi xúc động biết chừng nào.

Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)

Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)

Giữa bao nhiêu gian khổ hy sinh, các anh chị em Việt Nam đã luôn luôn chứng tỏ sức mạnh tuyệt vời của mình và làm nên chiến thắng. Chiến thắng đó phải chăng cũng là niềm tự hào của tất cả chúng tôi, những người trong bao nhiêu năm qua và mãi mãi về sau luôn luôn đứng cạnh các đồng chí Việt Nam với niềm tin tưởng và ý chí chiến thắng. Là một người công tác ở Ủy ban Việt Nam, trong nhiều năm qua, tôi đã lắng nghe với tất cả tâm hồn mình những bước đi của cuộc kháng chiến thần thánh đó, tôi cũng đã lắng nghe cả niềm xúc động sâu sắc của nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức đối với Việt Nam. Đối với chúng tôi, Việt Nam có nghĩa là Bác Hồ.

Trên làn môi của trẻ em nước chúng tôi, hai tiếng "Bác Hồ" được gọi với niềm yêu thương, tin cậy, trìu mến. Riêng đối với tôi, bởi vì Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của mình, tôi xin phép được gọi Bác Hồ là "người cha" thân thiết của tôi. Tôi bỗng nhớ đến một câu ca dao Việt Nam rất dễ thương:

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh

là những tên gọi khác nhau của một tâm hồn gang thép, một tâm hồn Việt Nam tuyệt đẹp. Những ý nghĩ nóng bỏng lại đưa tôi đến những kỷ niệm với Người. Và tôi xin được nói rằng: Được gặp Bác Hồ là một dịp may hiếm có trong đời tôi.

Đó cũng là một phần thưởng cao quý đối với một người công dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức muốn hiến toàn bộ trái tim mình cho phong trào ủng hộ sự nghiệp cao đẹp của nhân dân Việt Nam.

Mùa xuân năm 1969 - mùa xuân cuối cùng trong đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được vào thăm Bác tại vườn hoa Phủ Chủ tịch, trong một căn nhà đơn sơ, giản dị. Riêng căn nhà ấy cũng đủ làm người ta nghĩ đến phong thái của vị Chủ tịch nước luôn luôn đặt mình trong mức sống còn chật vật của nhân dân.

Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (13/9/1958). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (13/9/1958). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Cảm tưởng của tôi không phải là đến với một vị Chủ tịch, một lãnh tụ vĩ đại, mà là đến với một người cha thân yêu, với người anh cả trong gia đình lớn.

Cảm tưởng của tôi không phải là đến với một vị Chủ tịch, một lãnh tụ vĩ đại, mà là đến với một người cha thân yêu, với người anh cả trong gia đình lớn.

Ngay từ phút đầu, chúng tôi ngồi quây quần bên Bác, trong không khí ấm áp, thân tình. Đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đến với chúng tôi. Bác hỏi thăm từng người một và mời chúng tôi ăn hoa quả. Bác nói:

- Các chú thấy có lạnh không?

- Thưa Bác, không ạ.

Đối với chúng tôi, tháng Giêng ở Việt Nam quả là không lạnh. Bác nói:

- Không lạnh nhưng rất nguy hiểm.

Nói xong, Bác cởi chiếc khăn quàng của Bác và choàng cho đồng chí Mác Đôphơrin, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, hôm ấy đang húng hắng ho. Cử chỉ ấy làm chúng tôi ai nấy đều cảm động, thể hiện những tình cảm của một người cha đối với những đứa con từ phương xa về.

Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: TTXVN)

Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: TTXVN)

Chúng tôi sung sướng báo cáo với Người về phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam ở Cộng hòa Dân chủ Đức và trao tặng Bác những món quà của nhân dân nước chúng tôi gửi đến biếu Bác.

Điều rất lạ là sau 37 năm trời - kể từ năm Bác qua hoạt động bên nước chúng tôi - Bác vẫn nói tiếng Đức một cách chính xác. Người lắng nghe, hỏi han, tỏ ý hài lòng và nói:

- Ngày nay, nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức là người thừa kế vinh quang của C. Mác và Ph. Angghen. Đó là một niềm vinh dự lớn đồng thời là một nghĩa vụ to lớn. Trong lúc này, thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản theo tư tưởng của C. Mác càng vô cùng cần thiết.

Qua những lời dạy của Người, tôi thấy các chân lý lớn của thời đại được diễn đạt trong những lời giản dị và hàm súc. Điều nổi bật là Người luôn luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, luôn luôn hướng về lợi ích của cách mạng thế giới để lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng của dân tộc mình. Ở Bác tỏa ra ánh sáng của một con người vĩ đại, với tất cả chiều sâu và chiều rộng, mà cũng thật thân thiết, dễ gần.

Trong khi viết những dòng này, mắt tôi thỉnh thoảng lại hướng về chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chính Người đã ký tặng tôi trong lần gặp ấy. Và bên tai tôi văng vẳng những tiếng hô "Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!" của thanh niên khắp năm châu trong những ngày Đại hội liên hoan ở Berlin.

Phải chăng tên Người đã trở thành khái niệm để kêu gọi tình đoàn kết chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình và hữu nghị. Tự lòng tôi, tôi cũng xin gọi tên Người để có thêm sức mạnh tiếp tục chiến đấu. Và tôi xin nói thêm rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất giàu tình cảm yêu thương mà cũng vô cùng bất khuất.

Nghĩ đến Bác Hồ, nghĩ đến Việt Nam, tôi càng thấy phải cống hiến nhiều hơn nữa cho Việt Nam và chính vì vậy mà tôi cảm thấy cuộc đời mình đang sống có ý nghĩa biết ngần nào.

Bài viết trong sách "Bác Hồ trong trái tim những người bạn quốc tế"
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại đình Tân Trào, nơi Người đã chù trì Quốc dân Đại hội, quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng (20/3/1961). (Ảnh: hochiminh.vn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại đình Tân Trào, nơi Người đã chù trì Quốc dân Đại hội, quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng (20/3/1961). (Ảnh: hochiminh.vn)