Nghĩa đồng bào ở Trường Sa

Giữa biển khơi ngư dân bỗng dưng bị đột quỵ, bị đau ruột thừa hay tai nạn lao động, tính mạng của họ sẽ bị đe dọa nếu không được những bác sĩ quân y cứu chữa. Đó chỉ là một minh chứng điển hình về tình quân dân và thế trận lòng dân đặc biệt ở quần đảo Trường Sa…

Bác sĩ quân y đảo chìm
và những lần cấp cứu ngư dân

Chuyến đi Trường Sa năm ấy, con tàu HQ 996 đang lướt giữa biển đêm thì tôi lên cơn đau bụng dữ dội. Cơn đau khiến tôi tái mặt và lả đi. Bác sĩ quân y trên tàu chẩn đoán tôi bị đau ruột thừa cấp, phải mổ ngay. Trung tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đó ra lệnh cho tàu bẻ lái quay vào đảo Sinh Tồn. Tôi được chuyển xuống cano, giữa những đợt sóng đêm như thác đổ. Cano vừa cập bờ cát ở đảo, những người lính trẻ nhẹ nhàng đưa tôi lên cáng và khiêng vào trạm quân y. Ở đó, bác sĩ quân y đã chuẩn bị sẵn sàng bàn và dao mổ sáng lóa. Khi tôi nằm trên bàn mổ thì đột nhiên cơn đau dịu đi rồi tắt hẳn. Bác sĩ quân y Nguyễn Văn Bình quyết định không mổ để theo dõi. Tôi cùng bác sĩ nhìn ra, ngoài kia trăng sáng vằng vằng, soi rõ cả từng hạt cát. Trong gió biển rì rào, tôi nghe bác sĩ Bình tâm sự chuyện đời chuyện nghề và thật sự thấu hiểu tình quân dân ở Trường Sa còn mặn mà hơn nước biển nơi đây. Bác sĩ Bình làm việc ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 nhưng đã tình nguyện ra Trường Sa và cùng các đồng nghiệp cứu chữa nhiều ngư dân giữa biển khơi tìm đến theo cách khác hẳn với bệnh viện trong đất liền. Một ngư dân được đưa lên đảo với bàn tay bị dập nát do tai nạn lao động trên thuyền, ngón tay trỏ gần như đã bị đứt lìa. Bác sĩ Bình cùng các cộng sự đã phẫu thuật, nối lại ngón tay đứt lìa, và khớp nối, bó bột lại bàn tay dập nát. Mấy tháng sau khi phục hồi, ngư dân ấy đã ra khơi, tìm đến bác sĩ Bình biếu mấy cân cá biển. Bàn tay đầy sẹo cầm túi mà run run vì xúc động.

Lần này trở lại quân cảng Cam Ranh, đến Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tôi gặp Đại úy Lê Văn Lộc, bác sĩ quân y và lại được nghe những câu chuyện cứu người giữa muôn trùng khơi mà ở đất liền khó có thể hình dung được. Gương mặt trắng trẻo, thư sinh, tôi không ngờ Lộc đã trải qua những ngày tháng đầy nắng gió ở đảo chìm Núi Le cách Trường Sa 100 hải lý. Hôm đó 16 giờ chiều, bệnh xá Núi Le nhận được điện thoại báo tin có ngư dân gặp nạn cần cấp cứu. Thuyền đưa ngư dân đến, đó là một người đàn ông đã bị liệt nửa người vì đột quỵ não do tăng huyết áp. Bác sĩ Lộc lập tức dùng thuốc hạ huyết áp, cầm máu. Với tình trạng này, bệnh nhân phải chuyển sang đảo Phan Vinh nơi có bệnh xá đủ các trang thiết bị hơn để cấp cứu. Lộc thao tác rất nhanh để kịp đưa bệnh nhân ra khỏi đảo trước 18 giờ. Nhưng đúng lúc đó, có một cơn giông ập tới, trời cũng bắt đầu tối, không thể đưa bệnh nhân ra khỏi đảo vốn rất nhiều luồng lạch. Đêm đó Lộc cùng chiến sĩ trên đảo thay nhau theo dõi bệnh nhân. 6 giờ sáng hôm sau, toàn bộ chiến sĩ trên đảo có mặt ở cầu cảng, người dọn đường, người lấy cáng, tất cả cẩn trọng từng chi tiết để thực hiện một khâu khó nhất: đưa được bệnh nhân đột quỵ lên tàu an toàn. Cuối cùng, trải qua 4 tiếng hải trình, bệnh nhân đã lên đến được đảo Phan Vinh, sau khi điều trị ổn định thì được đưa vào đất liền.

Cán bộ chiến sỹ ở đảo chìm Núi Le đưa bệnh nhân bị đột quỵ lên đảo để cấp cứu.

Cán bộ chiến sỹ ở đảo chìm Núi Le đưa bệnh nhân bị đột quỵ lên đảo để cấp cứu.

Bác sĩ Lộc vẫn nhớ như in một ca khác, bệnh nhân tên Bách, ngư dân trên tàu cá, khi vào đến đảo thì đang trong tình trạng sốt cao. Anh cặp nhiệt kế. Mầu đỏ của nhiệt kế vọt lên tới 41 độ, bệnh nhân đau ngực khó thở. Bệnh xá trên đảo, ngoài dụng cụ đo huyết áp, chỉ có mỗi ống nghe. Lộc đặt ống nghe, phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi nặng. Anh khẩn cấp gọi xin ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Quỳnh, bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca, chuyên khoa hồi sức cấp cứu và liên lạc với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong bờ, họ khuyên nên đưa bệnh nhân sang bệnh xá khác có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Nhưng bệnh nhân lại xin được điều trị ở đây. Thiếu thuốc kháng sinh, Lộc phải báo cáo chỉ huy đảo, liên hệ các điểm đảo gần nhất hỗ trợ, gom được 30 lọ, mỗi ngày để bệnh nhân dùng 6 lọ. Ban đêm, Lộc cùng các chiến sĩ trên đảo xử lý những cơn sốt và thay phiên nhau theo dõi bệnh nhân. Chỉ huy đảo thỉnh thoảng lại ghé sang thăm. Anh em lính đảo thay nhau cơm cháo cho Bách. Đến ngày thứ 5 thì Bách hết sốt, hơi thở êm, cũng là lúc 30 lọ thuốc kháng sinh đã hết sạch. Bệnh nhân “ra viện” mà không phải thanh toán một đồng nào, tất cả đều miễn phí.

Ở quần đảo Trường Sa, tất cả những trường hợp ngư dân được các chiến sĩ, bác sĩ trợ giúp, cứu chữa đều không phải trả bất cứ một chi phí nào. Kể cả những trường hợp ngư dân nguy cấp, phải điều máy bay trực thăng ra đảo để đưa vào bờ cấp cứu đều được Vùng 4 Hải quân hỗ trợ 100%. Bác sĩ Lê Văn Lộc chia sẻ: “Tôi vẫn nói thường nói với những bệnh nhân: Các bác cho tôi tình cảm, tôi mang đến cho các bác niềm tin. Ở Trường Sa, bác sĩ và người bệnh không giao dịch bằng tiền.

Ngư dân chính là những cột mốc sống trên biển, các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa phải là hậu phương để ngư dân yên tâm bám biển”. Ngư dân vươn khơi xa, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay trên đảo, cảm giác như đó là nhà mình, nên có bất cứ vấn đề gì, họ lại tìm về nhà. Đó là trường hợp của một ngư dân bị sóng đánh va vào mạn tàu, chấn thương vùng đầu, được đưa lên đảo Núi Le. Bác sĩ Lộc và các chiến sĩ bắt tay vào xử lý ngay. Đảo chìm không có đèn mổ, mỗi người một việc: soi đèn, cầm máu, cắt tóc, luộc dụng cụ, bác sĩ Lộc khâu vết thương. Bằng trách nhiệm cao nhất, họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Bệnh nhân được khâu vết thương, sát trùng và đủ sức khỏe để trở lại thuyền.

Lãnh đạo, chỉ huy đảo Sinh Tồn tặng cờ và nhu yếu phẩm cho ngư dân tàu cá BĐ 97282.

Lãnh đạo, chỉ huy đảo Sinh Tồn tặng cờ và nhu yếu phẩm cho ngư dân tàu cá BĐ 97282.

Lo cho ngư dân như người thân của mình

Ở Trường Sa, tình quân dân trở thành một thứ gì đó đặc biệt, gắn kết một cách tự nhiên và như cây phong ba bám rễ vào đá san hô. Trung tá Vũ Đình Diện, cán bộ Lữ đoàn 146, nguyên Chính trị viên phó ở đảo Trường Sa Lớn năm 2023 vẫn nhớ những hoạt động đầy ý nghĩa như bộ đội và người dân cùng chung tay dọn vệ sinh môi trường để đảo sạch hơn, xanh hơn.

Mô hình “Bát nước thao trường” như một làn gió mát lành mà Hội Phụ nữ đảo Trường Sa Lớn đã thường xuyên thực hiện. Trong lúc luyện tập, mồ hôi ướt đẫm lưng các cán bộ chiến sĩ thì bát nước của chị em hội viên phụ nữ cùng những lời hỏi thăm ân cần đã làm vơi đi mệt mỏi, dịu đi cái nắng nóng của thao trường, vị mặn chát của muối biển. Nhiều cư dân mới từ đất liền ra đảo, gặp rất nhiều bỡ ngỡ, chưa thể thích nghi với cuộc sống mới. Lúc đó, Trung tá Vũ Đình Diện và đồng đội đã giúp đỡ những thành viên mới của đảo này từ những việc nhỏ nhất. Cư dân vốn quen nghề biển chưa quen công việc nhà nông, bộ đội Trường Sa cung cấp hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, trồng rau. Đến ngày thu hoạch, người dân trên đảo mang biếu bộ đội bó rau, quả ớt của nhà trồng được như một cử chỉ thể hiện tình làng nghĩa xóm. Trẻ em đến trường học ở đảo Trường Sa Lớn khi về nhà có những bài toán, câu văn chưa hiểu rõ lại có những gia sư đặc biệt giảng giải, đó là các chú bộ đội. Những người lính hải quân phối hợp với nhà trường để chia sẻ nhiều kỹ năng và kiến thức pháp luật cho học sinh vào những dịp lễ, Tết.

Đại tá Phạm Văn Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: “Lữ đoàn xác định dân vận là công tác cơ bản của đơn vị, góp phần quan trọng vào củng cố mối quan hệ máu thịt quân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trong những năm qua Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác dân vận một cách đồng bộ, toàn diện, thực chất, có chiều sâu, linh hoạt phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ, nhất là các đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa. Nổi bật là thực hiện có hiệu quả Chương trình: “Hải quân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển, với phương châm “lo cho ngư dân như người thân của mình”, “giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim”. Đại tá Phạm Văn Thọ từng đóng quân ở đảo Sơn Ca đã chia sẻ cho tôi nghe nhưng câu chuyện nồng ấm tình quân dân giữa biển khơi. Nhiều thuyền của ngư dân bị hỏng, được đưa vào âu tàu của đảo Trường Sa, sửa chữa cho đến khi nào hoạt động trở lại bình thường. Cán bộ chiến sĩ luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc mọi nơi cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân không kể ngày đêm, thời tiết sóng to, gió lớn. Thùng mì tôm, ít rau xanh, nước ngọt của các chiến sĩ hải quân hỗ trợ bà con ngư dân, giữa muôn trùng khơi càng thấm thía câu: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Qua đó, cán bộ chiến sĩ Trường Sa còn kết hợp để tuyên truyền cho ngư dân khai thác thủy hải sản đúng pháp luật. Tôi đến UBND huyện Trường Sa khi Chủ tịch huyện Lê Đình Hải đang chuẩn bị lên tàu, vượt sóng gió ra đảo để xử lý bề bộn công việc cuối năm. Chủ tịch huyện đảo Trường Sa đi công tác trong địa phương của mình chắc chắn là xa xôi và vất vả nhất nước. Ngoài ra còn nhiều điều đặc biệt về huyện đảo này mà ông Hải chia sẻ với tôi: “Huyện đảo Trường Sa không có doanh nghiệp, không có công an, không thu thuế, không tính GDP, không phân lô, bán nền, không đấu giá đất. Nhưng trên tất cả, điều đặc biệt nhất ở huyện tôi là tình nghĩa đồng bào luôn mật thiết, gắn bó. Trên đảo có âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, xăng dầu. Ngư dân vươn khơi bám biển có thể vào đảo nhờ sự trợ giúp. Người dân huyện đảo xem bộ đội hải quân như người thân ruột thịt lúc nào cũng có thể chia sẻ, cậy nhờ”.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lê Thanh Bài-Hồng Hạnh-Phùng Nguyên-Thiên Thanh
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, sư đoàn 316.