Nghĩa trang liệt sĩ
tỉnh An Giang

Nằm ở Tây Nam Tổ quốc, đây là nơi yên nghỉ những Anh hùng liệt sĩ, cán bộ lão thành Cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng..., Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang còn có điểm đặc biệt nữa là ngay bên cạnh có khu dành riêng cho những thương, bệnh binh và cán bộ của An Giang... đã hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang đang quản lý khoảng 2500 mộ liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang tọa lạc tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Nghĩa trang có diện tích rộng hơn 7000 m2

Khởi công năm 1978, để an táng và quản lý phần mộ liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp dân tộc. Qua nhiều giai đoạn đến nay Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang đã được tu bổ khang trang theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ

Hiện tỉnh đang quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ và 14.469 mộ liệt sĩ, trong đó trên 44% (6.376) mộ liệt sĩ không có thông tin, 41% (5.974) mộ thiếu thông tin về liệt sĩ. Công tác tu bổ, sửa chữa, bảo quản, giữ gìn, nâng cấp mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ luôn được quan tâm thực hiện chu đáo, đảm bảo tôn nghiêm, khang trang, sạch đẹp. Tiếp tục thực hiện thu thập, đính chính dữ liệu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ bổ sung vào phần mềm quản lý liệt sĩ trực tuyến toàn quốc của Cục Người có công, Đề án cổng thông tin điện tử về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ toàn quốc.

Sơ đồ toàn cảnh Nghĩa trang tỉnh An Giang

Tượng đài Tổ quốc ghi công

Khu tượng đài "Tổ quốc ghi công" được đặt ở khu trung tâm chính giữa Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang

Khu mộ "Anh hùng liệt sĩ"

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang hiện có khoảng 2500 mộ liệt sĩ, gần nửa số lượng mộ là các liệt sĩ hy sinh năm 1978.

Khu mộ "Tiền bối"

"Khu tiền bối" là nơi chôn cất của cán bộ lão thành Cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ kháng chiến...

Nghĩa trang Từ trần tỉnh An Giang

Nơi yên nghỉ của các thương, bệnh binh và cán bộ tỉnh

Điều đặc biệt hơn cả là Nghĩa trang Từ trần tỉnh được đặt ngay bên cạnh Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang

Nghĩa trang Từ trần tỉnh Ân Giang nhìn từ trên cao

Nghĩa trang Từ trần tỉnh Ân Giang nhìn từ trên cao

Đây là nơi chôn cất và yên nghỉ của các thương binh, bệnh binh nhưng chưa đủ điều kiện công nhận Anh hùng liệt sĩ.

Ngoài ra còn có lực lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các sở, ban, ngành tham gia kháng hy sinh cũng sẽ được an táng tại đây.

Ông Đoàn Tiến Phương - quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh An Giang cho biết: Ngoài chăm lo quét dọn, hương khói cho khoảng 2.500 ngôi mộ liệt sỹ. tôi vẫn luôn chăm sóc các phần mộ bên khu từ trần tỉnh, người dân và thân nhân đến thắp hương tại đây cũng không quên thắp những nén nhanh tưởng nhớ họ... Đối với người dân An Giang họ cũng là những người có công với Cách mạng, có công với đất nước

Các phần mộ tại Nghĩa trang từ trần tỉnh An Giang nhìn từ trên cao

Các phần mộ tại Nghĩa trang từ trần tỉnh An Giang nhìn từ trên cao

Trải qua các cuộc chiến tranh, quân và dân An Giang đã gánh chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng vẫn một lòng kiên cường bảo vệ từng tấc đất. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, An Giang được biết đến là một hậu phương giữa vòng vây địch, đồng bào miền Tây Nam Bộ hết lòng hết dạ, anh dũng và mưu trí đã nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, đảng viên tạo nên một “Căn cứ nhân tâm” giữa lòng địch.

Để xứng đáng với sự hy sinh cao quý của các Anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nguyện đem hết tài năng, trí tuệ cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đưa tỉnh nhà ngày một phát triển quyết tâm xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Ảnh: THÀNH ĐẠT
Biên tập và trình bày: THÀNH ĐẠT