Nhiều dự án đã hoàn thành,
vì sao phải “đắp chiếu”?

Những ngày này đi dọc miền trung, Tây Nguyên sẽ thấy nhiều trụ điện gió với những cánh quạt giống như chong chóng khổng lồ nhưng nằm im bất động, chẳng phải vì chưa đáp ứng các điều kiện kỹ thuật hay thiếu gió. Cùng cảnh ngộ, một số trang trại điện mặt trời cũng đang “đắp chiếu” dù đã sẵn sàng cung ứng điện cho hệ thống. Vì sao những tuabin điện gió chưa thể quay và những trang trại điện mặt trời vẫn trong tình trạng “đóng băng”?

“Khoảng lặng” về cơ chế

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, có 84 dự án NLTT với tổng công suất 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp). Do đó các dự án trên không kịp hưởng giá FIT dành cho điện gió, điện mặt trời được quy định trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97MW (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm bảo đảm đủ điều kiện huy động nhưng chưa có cơ chế giá bán điện mới nên ở trong trạng thái chờ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T-doanh nghiệp đang đầu tư nhiều dự án NLTT cho rằng đây là một “khoảng lặng” về cơ chế, chính sách. Việc chưa xác định được giá bán điện, đồng nghĩa với hàng trăm dự án đã xây lắp xong phải “trùm mền đắp chiếu”, đẩy nhiều doanh nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thậm chí phá sản. Chi phí đầu tư cho NLTT rất lớn, 100 MW tương đương 1.000 tỷ đồng, nhưng khi đã sẵn sàng cung ứng điện thì vẫn phải “án binh bất động”. “Nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tuabin điện gió hơn 150 tỷ đồng, nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào. Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu, việc không được huy động là thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”.

Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, đầu năm 2023, Bộ Công thương đã ban hành khung giá phát điện mới cho các dự án chuyển tiếp này. Theo đó, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh, tùy loại hình. Mức giá trần này thấp hơn 20-30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây.

Nhiều dự án điện gió đã hoàn thành nhưng vẫn phải “đắp chiếu”.

Nhiều dự án điện gió đã hoàn thành nhưng vẫn phải “đắp chiếu”.

Nghịch lý: thiếu điện không mua,
thừa điện không thể bán

Khung giá phát điện mới đã vấp phải sự phản đối của các nhà đầu tư NLTT. Mới đây, 36 doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã cùng gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong việc xây dựng cơ chế khung giá bán phát điện mới. Theo các nhà đầu tư, các chính sách áp dụng cho Dự án chuyển tiếp được Bộ Công thương ban hành trong Thông tư 15, Quyết định 21, Thông tư 01 khiến nhà đầu tư rất lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính, có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Một số điểm chưa phù hợp trong việc xây dựng cơ chế khung giá bán phát điện mới cho dự án chuyển tiếp cũng được chỉ rõ. Quá trình ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng, việc giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/Công ty Mua bán điện (EPTC) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn. Phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa phù hợp và chưa bảo đảm tính khách quan, thể hiện ở việc: “sử dụng tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm 10% chi phí dự phòng để tính khung giá điện; biện giải các giá trị trung bình năm bình quân của các nhà máy điện mặt trời dựa trên khu vực có cường độ bức xạ cao nhất; viện dẫn sản lượng giao nhận bình quân của các nhà máy điện gió mà không tính tới tình hình cắt giảm...”. Chính vì thế, giá phát điện đề xuất của EVN không bảo đảm được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế (IRR) đạt 12% cho nhà đầu tư tại Thông tư 15.

Trong văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư cũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước rất muốn xây dựng các chính sách đột phá để tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện. Hiện nay, các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Chính phủ về hỗ trợ khuyến khích phát triển NLTT vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Thông tư 01 mà Bộ Công thương vừa ban hành đã đưa ra các quy định áp dụng cho các dự án điện chuyển tiếp với nhiều hạn chế và bất lợi so với các chính sách trước đây. Thông tư này đã bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong 20 năm, điều khoản tiền mua điện sang USD và điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện gió nối lưới tại điểm giao nhận. Nhận định của các nhà đầu tư cho thấy, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích trên đây sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro, khiến họ đứng trước nguy cơ thất bại về tài chính và làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư vào NLTT. Nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng khó thu hồi vốn.
Sau khi văn bản kiến nghị được công bố, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã phủ nhận việc ban hành khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp đã làm vội vàng, chưa thẩm định, lấy ý kiến và chưa qua tư vấn độc lập. Theo đó, Cục này khẳng định đã tính toán rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan có đơn vị có liên quan đã được thực hiện. Hội đồng tư vấn độc lập lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp được thành lập với 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý nhà nước về năng lượng. Kết quả tính khung giá dựa trên các thông số được các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước cung cấp. Theo đó, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới xu hướng giảm dù chi phí vật liệu tăng cao. Các bên tư vấn chọn phương án khung giá trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án không gồm 10% chi phí dự phòng.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Nguyễn Thị Thanh Bình lại cho rằng, thông tin suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới đang có xu hướng giảm là thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế. Đầu tư vào NLTT, Việt Nam “chỉ có nắng và gió”, còn hầu như các thiết bị máy móc đều phải nhập khẩu và chịu tác động của xu hướng tăng giá hàng hóa trên toàn thế giới. Trong khi đó, chi phí lãi vay, nhân công, logistics, tỷ giá...đều tăng. Nếu thực hiện cơ chế về khung giá phát điện mới thì sự phát triển của NLTT ở Việt Nam có nguy cơ sẽ chuyển từ “hero” thành “zero”, sẽ rất khó thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Theo tính toán từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để phát triển loại hình NLTT. Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần còn lại phải xã hội hóa.

Phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, nếu áp dụng khung giá điện mới IRR các dự án NLTT chuyển tiếp giảm đáng kể, chỉ đạt 5%, trong khi nếu được áp dụng giá FIT ưu đãi thì tỷ suất sinh lời là 11,7%.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đáng lẽ sau khi hết thời hạn giá FIT cho điện gió và điện mặt trời, Bộ Công thương cần kịp thời ban hành cơ chế mới về khung giá phát điện, tránh “khoảng trống” về chính sách kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy.
Một nghịch lý đang diễn ra khi Việt Nam đang thiếu điện, nhưng điện tái tạo trong nước không có chỗ bán, trong khi EVN phải mua điện từ nước ngoài với giá cao. Nhiều nhà đầu tư đề nghị, EVN mua điện mặt trời, điện gió với giá chỉ bằng khoảng 90% giá điện nhập khẩu (giá điện nhập khẩu gần 7 cent/kWh). Công ty cổ phần BCG Energy đang có ba nhà máy điện mặt trời đã sẵn sàng cung ứng điện nhưng vẫn phải nằm chờ cơ chế, trong khi vẫn phải trả lãi vay cao, giãn nợ nhà thầu, chi phí vận hành hệ thống. Để tránh lãng phí, ông Phạm Lê Quang, Giám đốc Phát triển dự án của Công ty kiến nghị Bộ Công thương cho phép các dự án đã được kiểm tra nghiệm thu đủ điều kiện ngay lập tức được đóng điện, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và sẽ được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi quá trình đàm phán cho khung giá điện mới hoàn tất. Điều này ít ra giúp doanh nghiệp có được dòng tiền khi đang phải gồng mình trước gánh nặng chi phí.

Mới đây EVN đã tổ chức Hội nghị với chủ đầu tư các dự án NLTT chuyển tiếp. Chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, Tập đoàn đã lường trước được câu chuyện, sau giá FIT cần có cơ chế về điện chuyển tiếp. EVN tiếp thu tất cả các ý kiến của các nhà đầu tư, kêu gọi các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho công ty Mua bán điện, nhưng đến ngày 20/3, mới chỉ có 1/85 nhà đầu tư nộp hồ sơ. Điều này cho thấy quan điểm của các bên vẫn còn xa nhau. Nhưng thời gian thì không đứng về phía những nhà đầu tư khi những cánh đồng điện mặt trời, điện gió sẵn sàng sẽ không thể cứ “đắp chiếu” mãi.

Không chỉ vướng mắc về cơ chế giá phát điện, đầu tư vào NLTT vẫn còn những bất cập. Ông Phạm Lê Quang cho rằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho những dự án điện mặt trời còn phức tạp, mất nhiều thời gian dẫn tới những rủi ro, trong khi để kịp tiến độ hưởng cơ chế giá FIT, thông thường nhà đầu tư chỉ có

12 tháng để hoàn thành, chưa kể tiền đền bù giải phóng mặt bằng thường cao hơn nhiều so với khung giá nhà nước.

Nhìn tổng thể, NLTT ở Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn lớn khác. Đó là giá hỗ trợ (FIT) được áp dụng thống nhất trong cả nước dẫn đến hiện tượng tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng kinh tế lớn (bức xạ điện mặt trời cao, tốc độ gió bình quân lớn), hệ quả là quá tải lưới điện một số khu vực hoặc đầu tư tại những nơi có nhu cầu điện thấp, phải tải điện đi xa. Việc sản xuất điện từ các nguồn NLTT (gió, mặt trời hoặc sóng biển...) các loại nguồn này phát điện không liên tục và không ổn định, vì vậy việc tích hợp chúng với hệ thống điện phải đối mặt với những thách thức. Vẫn đang thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn cho những dự án NLTT...

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Văn-Bảo Thanh-Việt Hưng-Bích Lan-Minh Quân
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trọng Duy, nguồn internet