KHI CƠN NGHIỆN GAME LAN ĐẾN TẬN... GIƯỜNG NGỦ
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã có những cảnh báo “đỏ” với người lớn, để bảo vệ giới trẻ trước “cơn nghiện” game.
Thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, năm 2021, có đến 43% trường hợp được đơn vị tiếp nhận mắc dấu hiệu "nghiện game", phần lớn ở độ tuổi 10-24.
Thời gian gần đây, số bệnh nhân nghiện game và nghiện internet nhập viện điều trị có xu hướng tăng nhanh.
Gia tăng người nghiện game từ trẻ em đến lớn tuổi
Phóng viên: Việc tiếp cận với các phương tiện cầm tay cá nhân trở nên dễ dàng quá mức khiến khả năng ảnh hưởng của game tăng lên rất nhiều. Có thể thấy đối tượng nghiện game ngày trước ghi nhận đa số ở lứa tuổi dậy thì, vị thành niên thì nay nhóm đối tượng này đã rộng hơn rất nhiều? Bác sĩ nhận định sao về vấn đề này?
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc: Theo ghi nhận, vấn đề nghiện Internet/game ngày càng gia tăng. Hiện tại số lượng các thiết bị thông minh gia tăng rất nhiều. Chính sự phổ biến, tiện lợi trong tiếp cận các thiết bị thông minh dẫn tới các đối tượng từ các bạn trẻ rất nhỏ tuổi đến thanh, thiếu niên, người cao tuổi tiếp cận bất kỳ thời điểm nào trong ngày, thậm chí là người chơi dùng cho đến cả khi… lên giường đi ngủ.
Cơ hội sử dụng dễ dàng hơn, thời gian sử dụng kéo dài hơn khiến nguy cơ lạm dụng các thiết bị này, đặc biệt là với mục đích chơi game gia tăng. Vì thế, số người mắc các vấn đề liên quan đến nghiện này cũng ngày càng nhiều.
Chưa kể tới, hiện nay các nhà sản xuất game, chương trình giải trí nghiên cứu ra mắt nhiều sản phẩm ngày càng kích thích trí tò mò, hứng khởi, tăng mức độ thách thức khi đối tượng sử dụng. Vì vậy tình trạng sử dụng, nghiện rồi lạm dụng ngày càng gia tăng.
- Trò chơi điện tử là một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất.
- Tỷ lệ mắc toàn cầu: 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ.
- Trong tất cả các khu vực toàn cầu, châu Á có tỷ lệ mắc cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%).
Phóng viên: Không khó để nhìn thấy trẻ nhỏ hiện nay thường trực ôm điện thoại ở bất kỳ đâu. Nhiều gia đình coi đó là một cách để giữ con ngồi yên, không có nguy cơ nghịch dại. Bác sĩ nghĩ thế nào về hình ảnh giữ con trẻ “ngoan” theo góc độ như vậy?
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc: Không chỉ tại các khu vực công cộng đâu, ngay cả bàn ăn, trong gia đình, thời gian mọi người quây quần, chia sẻ cảm xúc với nhau thì cũng dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người lớn, trẻ nhỏ đều sử dụng điện thoại. Có nhiều người chia sẻ rằng việc đó để cho trẻ yên tĩnh, mình có thời gian làm việc này việc kia. Nhưng họ không lường trước được việc sử dụng quá nhiều, đến mức không kiểm soát được sẽ mang đến nhiều nguy cơ.
Chính những hành động tưởng như đơn giản này dần dần sẽ khiến người chơi bị giảm chú ý, mất khả năng tập trung, kéo theo các rối loại khác về mặt cảm xúc, hành vi, lạm dụng nghiện, rối loạn rất ngủ… với vô vàn các nội dung từ xem đến chơi. Từ đó sẽ khiến các bạn lệ thuộc vào các sản phẩm giải trí.
Phóng viên: Trong thời gian qua, nhóm đối tượng nào đáng lưu tâm nhất tới viện khám vì bệnh lý này?
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc: Thời gian qua thì Viện Sức khỏe tâm thần đã tiếp nhận rất nhiều trương hợp liên quan đến nghiện game. Trong đó thì nhóm các bạn thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi là đông nhất.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc
Gia đình khi thấy người thân chơi game, sử dụng internet quá 3-4 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc cần can thiệp ngay
Phóng viên: Tại sao tầm lứa tuổi như vậy mà đã có những rối loạn liên quan đến game?
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc: Một số các ca lâm sàng có trao đổi với chúng tôi về rất nhiều lý do. Trong đó phần nhiều là do gia đình, bố mẹ không có thời gian dành cho con, lơ là, đồng ý cho con tiếp cận, sử dụng điện thoại quá sớm. Họ không kiểm soát thời gian các bạn sử dụng trong ngày.
Ở phía các bạn thì cũng gặp phải các vấn đề về tâm lý, không được trao đổi, giải tỏa nên chơi game như một cách né tránh thực tại, giải quyết các tình trạng đó.
Còn phía chúng tôi thấy ở bệnh nhân có tình trạng mặc cảm, tự ti, “trốn” mình trong thế giới ảo, bộc lộ bản thân rất tự do bằng một cách ẩn danh càng khiến các bạn lún sâu hơn.
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NGHIỆN GAME
Xung đột tâm lý: ở tuổi thanh, thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt dẫn đến cô đơn, bất mãn, chán nản nên chơi game để cách thể hiện bản thân và cảm xúc.
Thiếu địa điểm vui chơi: người dùng có thiên hướng ngồi 1 chỗ và sử dụng internet/ game nhiều hơn
Sự yếu kém của bản thân: thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng nên muốn khẳng định bản thân ở thế giới ảo
Sức hấp dẫn của trò chơi: người tạo ra các game luôn tìm mọi cách để thu hút người chơi, vui vẻ hấp dẫn sinh động, hoang đường (mỗi game giống như một câu chuyện cuốn hút thử thách, đánh trúng tâm lý hiếu thắng của tuổi mới lớn)
Môi trường: những người chung quanh thường xuyên tiếp xúc với các thói quen đã hình thành, bạn bè rủ rê, thách đố
Quản lý gia đình: coi nhẹ vấn đề nghiện game, các phương tiện sử dụng có sẵn (điện thoại, ipad, máy tính…)
Ngăn chặn giới trẻ trước vấn nạn nghiện game
Phóng viên: Những biểu hiện như thế nào để nhận biết là một người có vấn đề về nghiện các sản phẩm giải trí này để từ đó có những biện pháp kịp thời, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc: Có một số biểu hiện mà mình có thể dựa vào đó là thời gian chơi, ví dụ như chơi game trên 4 tiếng mỗi ngày, sự tương tác xung quanh kém, bỏ học, đem không ngủ, ngày gà gật, có những phản ứng mạnh, gay gắt khi bị ngăn cấm…đó là những biểu hiện để mọi người lưu ý.
Sự gián đoạn trong chế độ ăn uống, giấc ngủ, tập thể dục và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác có thể dẫn đến kết quả tiêu cực về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các yếu tố này tách nhau ra thì chưa thể kết luận nhưng nếu nhiều yếu tố liên kết thì có thể dựa vào để đoán định. Đồng thời, những ảnh hưởng tới xung quanh, các mối quan hệ đi xuống cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Phóng viên: Vậy chúng ta cần làm gì để hỗ trợ cho những người trong tình trạng nghiện game như hiện nay?
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc: Vì vấn đề này nằm trên môi trường ảo nên cần sự kết hợp của các kênh báo chí, truyền thông để có thể tiếp cận tới người dân, để mọi người biết về các vấn đề tâm lý, tâm thần để từ đó chủ động có sự cắt giảm khi còn mới.
Gia đình khi thấy người thân chơi game, sử dụng internet quá 3-4 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc cần can thiệp ngay. Không để khi nghiện game rồi mới vội vã điều trị. Khi đó, việc tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát cao.
Gia đình cần kiểm soát về mặt thời gian, cần có bản cam kết, thí dụ như ngày thường có thể chơi trong 1 giờ, ngày nghỉ có thể tăng lên 2 giờ.
Người lớn cần giúp trẻ tăng cường tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tương tác xã hội, trò chuyện với người thân... không để người thân tránh trong thế giới ảo một mình. Đặc biệt, bố mẹ cần làm gương vì người trong gia đình chính là nguồn ảnh hưởng lớn, có thể nói là lớn nhất tới các bạn.
Các trường hợp nghiện game dẫn đến rối loạn cấp, rối loạn hành vi chống đối như cáu gắt, đập phá… gia đình không thể kiểm soát cần can thiệp tâm lý, hóa dược (sử dụng thuốc hướng tâm thần) và can thiệp điều biến não, giảm triệu chứng từ cơ thể và hành vi (Trị liệu hành vi, tri liệu nhóm nhằm tăng chia sẻ, nhận thức cho người bệnh).
Sau khi ra viện, người bệnh cần tiếp tục trị liệu tâm lý và tránh tiếp cận với các nguồn gây nghiện để giảm nguy cơ tái nghiện.
Xin cảm ơn bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc!
Ngày xuất bản: 9/8/2023
Nội dung: Trung Hiếu
Trình bày: Phùng Trang