Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.
Nhân dịp đầu năm mới 2023, nhìn lại những gì đã đạt được trong công tác ngoại giao văn hóa trong năm vừa qua và xác định phương hướng cho thời gian tới, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí với nội dung như sau:
Phóng viên: Công tác ngoại giao văn hóa năm 2022 đã đạt những kết quả nào nổi bật, nhất là trong việc phục vụ phát triển, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Sau một năm triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2021, công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam có nhiều điểm sáng, có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân. Năm qua, chúng ta đã chú trọng đưa nội hàm văn hóa vào các hoạt động của lãnh đạo cấp cao thăm các nước và trong việc đón tiếp lãnh đạo các nước tới Việt Nam; đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện khu vực, quốc tế lớn ở trong nước, tiêu biểu như SEA Games 31 hay ở nước ngoài, tiêu biểu như: Chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc[1], Áo[2], Ấn Độ[3].
Thứ hai, thúc đẩy hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục tại các diễn đàn quốc tế, tiêu biểu là tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Năm 2022, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, lần đầu tiên cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên 3 cơ chế quan trọng của UNESCO. Chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu UNESCO năm qua cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Truyền thông thế giới nhân dịp này đã đưa nhiều tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Bà Tổng Giám đốc UNESCO cũng bày tỏ ấn tượng trên trang cá nhân trước những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp ngoại giao văn hóa phục vụ phát triển bền vững đất nước. Với cương vị là cơ quan đầu mối, Bộ Ngoại giao đã tham mưu, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới, với các mô hình tiên tiến từ đó tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển.
Năm 2022, Việt Nam vui mừng có thêm 4 danh hiệu/di sản được quốc tế ghi danh, gồm: nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn và Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương; Thành phố Sa Đéc được chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, ngoại giao văn hóa lớn, qua đó vừa tăng cường bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản, văn hóa vùng miền, góp phần khơi dậy tự hào, đoàn kết dân tộc, thu hút đầu tư, du lịch, tạo nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ tư, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, triết lý, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh.
Điểm mới trong công tác ngoại giao văn hóa năm nay xuất phát từ việc cụ thể hóa phương châm của Chiến lược là “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, do vậy đã thu hút sự được tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, nhân dân ở trong và ngoài nước, tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai ngoại giao văn hóa. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 đã góp phần truyền tải sống động, hiệu quả chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đồng thời lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Thành phố Sa Đéc được chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Thành phố Sa Đéc được chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương
Phóng viên: Năm 2022, Việt Nam trúng cử Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, và có thêm 4 danh hiệu/di sản được quốc tế ghi danh. Theo Thứ trưởng, những thành công này có ý nghĩa gì đối với sự quảng bá hình ảnh đất nước?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Như đã nêu ở trên, Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước, qua nhiều thời kỳ lịch sử cùng hàng nghìn lớp di sản của các nền văn hóa được hình thành. Đất nước ta cũng được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị. Chính những di sản văn hóa đó đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài.
Cùng với các danh hiệu mới ghi danh, hiện Việt Nam đã có 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO và các danh hiệu khác như: thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu, Nghị quyết liên quan đến việc vinh danh các danh nhân.
Cùng với các danh hiệu mới ghi danh, hiện Việt Nam đã có 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO và các danh hiệu khác như: thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu, Nghị quyết liên quan đến việc vinh danh các danh nhân.
Các danh hiệu này cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa, thiên nhiên, tư liệu của thế giới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn. Đây là nguồn tài nguyên phong phú hỗ trợ các địa phương sở hữu di sản khai thác phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Việc tiếp cận với các quy định, cam kết mà UNESCO đặt ra đã giúp Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn kết việc bảo vệ di sản trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hướng tới phát triển bền vững. Chính vì vậy, hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hiện đại, con người thân thiện, hiếu khách với nền văn hóa đặc sắc và đa dạng được bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị được đưa đến gần hơn và được biết đến rộng rãi hơn tới bạn bè thế giới.
Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của ngoại giao văn hóa trong quảng bá hình ảnh đất nước hiện nay?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Những năm gần đây, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nguy cơ, thách thức cũng có chiều hướng gia tăng, nhất là tác động từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước bối cảnh đó, các nước dù lớn hay nhỏ đều tăng cường công tác ngoại giao văn hóa trong đối ngoại nhằm tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia.
Các nước dù lớn hay nhỏ đều tăng cường công tác ngoại giao văn hóa trong đối ngoại nhằm tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia.
Với Việt Nam, ngoại giao văn hóa đã được ông cha ta vận dụng linh hoạt, khéo léo trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Thành tố tạo nên nét đặc sắc của ngoại giao văn hóa Việt Nam chính là từ lịch sử hào hùng với tinh thần anh dũng, không khuất phục trước áp bức, cường quyền, luôn đấu tranh vì hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội; là từ những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo hình thành bởi 54 dân tộc anh em chung sống gắn bó, thuận hòa; từ đất nước tươi đẹp, sức sống với danh lam, thắng cảnh kỳ vĩ, nên thơ và từ chính con người Việt Nam nhân ái, khoan dung, đoàn kết, sáng tạo, trí tuệ, hiếu khách.
Ngày nay, vai trò của ngoại giao văn hóa được xác định rõ trong “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”, đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.
Vai trò của ngoại giao văn hóa tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII, cụ thể là “đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Phóng viên: Để gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cần có những giải pháp đối mới gì trong thời gian tới?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt cuộc cách mạng khoa học-công nghệ sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ, nhiều chiều, thì các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa trong quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế. Mỹ xác định ngoại giao công chúng hay NGVH quan trọng thứ ba trong bốn mục tiêu chính của chính sách đối ngoại, góp phần củng cố an ninh quốc gia, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc nỗ lực xây dựng hình ảnh quốc gia đáng tin cậy, coi trọng NGVH không chỉ trong cạnh tranh tổng thể sức mạnh quốc gia mà còn trong đoàn kết, thúc đẩy tự tôn dân tộc. Pháp duy trì 140 trung tâm văn hóa trên toàn thế giới. Đức có hệ thống Viện Goethe, Anh có hệ thống Hội đồng Anh. Hàn Quốc nổi tiếng với "làn sóng Hàn" đã tạo nên cả một nền công nghiệp văn hóa, trị giá tới 114 tỷ USD. Indonesia coi trọng ngoại giao văn hóa để thúc đẩy công nghiệp văn hóa cũng như công nghiệp sáng tạo…
Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được.
Đối với Việt Nam, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã xác định ngoại giao văn hóa thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.
Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được. Các nước châu Phi, Mỹ Latin ngưỡng mộ, coi Việt Nam “2 lần Anh hùng” - Anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và Anh hùng trong đổi mới và phát triển. Nhiều lãnh đạo quốc tế trong trao đổi với lãnh đạo ta nêu: Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác; Việt Nam chính là câu trả lời cho nhiều vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay.
Đây là những thuận lợi mới, tạo thêm xung lực mới để chúng ta gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu, mà cụ thể chúng ta cần:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa với các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương… để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là tri thức, công nghệ và đầu tư, cho phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh.
Thứ ba, các hoạt động ngoại giao văn hóa phải được triển khai ngày càng sáng tạo, bài bản với sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương, kiều bào ở nước ngoài theo phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Trong đó, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là những “Đại sứ văn hóa Việt Nam” trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở sở tại.
Thứ tư, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoại giao văn hóa cần tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo… Cần tăng cường kết hợp sức mạnh mềm của văn hóa với chiến lược truyền thông để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong đó cần chú ý tận dụng thế mạnh của các sản phẩm kỹ thuật số đi cùng với chiến lược xây dựng hệ thống các sản phẩm ngoại giao văn hóa có chất lượng tốt, đáp ứng đặc điểm và nhu cầu thụ hưởng đa dạng của công chúng quốc tế, đặc biệt là giới trẻ, người dân trong và ngoài nước.
Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, có truyền thống văn hóa hết sức quý báu. Tôi tin rằng, với những nhận thức mới về công tác ngoại giao văn hóa từ các hội nghị gần đây như Hội nghị văn hóa toàn quốc, Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và mới đây là Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức tại Bắc Ninh, công tác ngoại giao văn hóa sẽ nhận được sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, qua đó góp phần thiết thực hơn nữa vào công cuộc phát triển đất nước.
[1] Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (từ ngày 4-6/12/2022)
[2] Nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (từ ngày 28-29/9/2022)
[3] Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022)
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thăm Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thăm Việt Nam.
Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức tại Bắc Ninh
Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức tại Bắc Ninh
Cổ động viên Việt Nam tại SEA Games 31.
Cổ động viên Việt Nam tại SEA Games 31.