NGƯỜI BẠN TRUNG QUỐC COI HÀ NỘI LÀ QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

Từ nhỏ đã cùng cha mẹ tới Hà Nội sinh sống, sau khi về nước vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ, để quay trở lại sau hơn 43 năm, tìm kiếm những ký ức thời thơ ấu, từ đó chứng kiến sự phát triển và đổi thay to lớn của Hà Nội, người bạn, vị nhân sĩ hữu nghị Trung-Việt này không những đã tìm lại những kỷ niệm ấm áp và tươi đẹp, mà còn thấy được niềm tin và hy vọng từ thành phố mà bà coi là quê hương thứ hai.

Người mà chúng tôi muốn nói tới là bà Vương Phong, hiện đã 73 tuổi, nhân sĩ hữu nghị có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước thông qua việc làm thơ, kể chuyện, viết hồi ký, tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, văn hóa, nhất là chuyển thể những bài hát về Hà Nội, về Việt Nam sang tiếng Trung Quốc và giới thiệu với công chúng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), bà đã dành cho phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc cuộc trò chuyện để chia sẻ về tình yêu Hà Nội, những ký ức xưa và nay về nơi mà bà coi là quê hương thứ hai, gửi gắm những tình cảm và kỳ vọng về sự phát triển của thành phố.

Cuộc trò chuyện giữa bà Vương Phong và phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

Cuộc trò chuyện giữa bà Vương Phong và phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

5 tuổi đã “bén duyên” với Hà Nội

Cha bà Vương Phong là nhà báo Vương Duy Chân, nguyên Trưởng phân xã của Tân Hoa Xã kiêm nhiệm phóng viên thường trú của Nhân dân nhật báo tại Hà Nội, sau này giữ chức vụ quan trọng là quyền Xã trưởng (Tổng Giám đốc) Tân Hoa Xã. Là người con thứ hai, lại là con gái duy nhất trong nhà, cô bé Vương Phong khi đó mới 5 tuổi, được cha mẹ đưa đến Hà Nội trong nhiệm kỳ công tác, còn anh và em trai được gửi lại cho ông bà chăm sóc. 

Cô bé Vương Phong chụp ảnh trong khuôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Cô bé Vương Phong chụp ảnh trong khuôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi mới đến Hà Nội, bà Vương Phong nói: “Tôi đi tàu hỏa đến Hà Nội, vừa đến nơi đã được nghe âm điệu của những bài hát rất quen thuộc. Lúc đó mới 5 tuổi, không nghĩ mình được đi nước ngoài. Đi ra phố, tôi thấy không giống Trung Quốc, không giống Bắc Kinh. Mẹ nói với tôi rằng con đã đến Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Mọi thứ đối với tôi đều trở nên mới mẻ và thú vị”.

Nhà báo Vương Duy Chân nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, đúng vào thời điểm thủ đô Hà Nội mới được giải phóng không lâu, nên công việc rất bận rộn, cả vợ cũng phải tham gia hỗ trợ, nên cô bé Vương Phong lúc đó chỉ có thể chơi đùa trong khu nhà của phân xã hoặc khu vực phía sau Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Trong ký ức của bà Vương Phong, Hà Nội khi đó khắp nơi đều đang kiến thiết, đâu đâu cũng thấy những công trường xây dựng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, những người công nhân đội mũ rơm, những đứa trẻ đi chân đất đang vui đùa, một cảnh tượng rất náo nhiệt và rộn ràng. Cứ như thế, cô bé Trung Quốc đã nhanh chóng yêu thích thành phố xinh đẹp này.

Cô bé Vương Phong khi đó 5 tuổi, vinh dự được gặp Bác Hồ.

Cô bé Vương Phong khi đó 5 tuổi, vinh dự được gặp Bác Hồ.

Trong bài viết “Ký ức tuổi thơ ở Hà Nội”, bà Vương Phong viết: “Vừa từ Bắc Kinh đến Hà Nội, điều tò mò nhất là sự thay đổi chung quanh tôi, những cây dừa cao lớn, những cây cau thanh tú, làm tôi ngước nhìn không biết chán; những trái đu đủ trĩu trịt trên cây, tôi ăn mãi không biết no; những tấm lá cọ khổng lồ, làm tôi cứ lật đi lật lại để khám phá; những bông hoa đại rụng trên mặt đất, tôi nhặt lên và ngửi mãi không thôi. Đứng ở cửa nhà nhìn những người đi đường tấp nập, tôi chìm vào tưởng tượng, rồi nhân lúc người lớn không để ý, tôi lặng lẽ lẻn ra ngoài, đi theo đoàn người đến cuối đường, để cảm nhận vẻ đẹp của chợ hoa buổi sáng và của những người dân đang nhai trầu và trò chuyện. Tôi thích nhất là trang phục của người Hà Nội: phụ nữ mặc áo cổ tròn, bó sát gần giống như sườn xám của Trung Quốc, cùng quần ống rộng. Khi cơn gió thổi qua, hai tà áo dài đến gối tung bay, toát lên vẻ đẹp duyên dáng tuyệt vời”.

Trong thời gian ở Hà Nội, cô bé Vương Phong được bố mẹ cho đi học ở một trường mẫu giáo ở phố Hàng Buồm. Trong trí nhớ của bà, ngôi trường là một căn nhà với những cây cột lớn, giống như một ngôi chùa. Đến trường, cô bé Vương Phong đã chơi đùa rất vui vẻ với các bạn cùng trang lứa, còn học được đi bằng xe đạp. Tuy ở Hà Nội chưa đầy hai năm thì phải về nước học tiểu học, nhưng thời gian đó cũng đủ để bồi đắp nên những sở thích và thói quen rất Việt Nam ở bà Vương Phong, như thích ăn cùi dừa, chuối tây, nước mắm; đặc biệt là những câu “ăn cơm chưa”, “ăn cơm rồi”, “chào đồng chí”… học được khi đó vẫn được bà thuộc lòng dù trải qua mấy chục năm không có môi trường giao tiếp tiếng Việt. 

Ảnh trái: Cô bé Vương Phong được bố mẹ đưa đến tham quan một công trường lao động. Ảnh phải: Cô bé Vương Phong cùng bố mẹ chụp ảnh chung tại sân bay Gia Lâm, trước khi lên đường về nước.

Ảnh trái: Cô bé Vương Phong được bố mẹ đưa đến tham quan một công trường lao động. Ảnh phải: Cô bé Vương Phong cùng bố mẹ chụp ảnh chung tại sân bay Gia Lâm, trước khi lên đường về nước.

 Trở về quê hương sau 43 năm xa cách

Sinh sống ở Hà Nội chưa đầy hai năm, bà Vương Phong được bố mẹ đưa về Trung Quốc để đi học. Trong suốt quá trình học tập, trưởng thành, tham gia quân đội và công tác ở các cương vị khác nhau sau này, bà Vương Phong vẫn đong đầy tình cảm và canh cánh một mong ước được quay trở lại quê hương thứ hai.

Trong tác phẩm “Ở đất nước Việt Nam tươi đẹp”, bà Vương Phong viết: “Trở lại Hà Nội là niềm mong nước của tôi trong nhiều năm. Nó bắt nguồn từ thời kỳ tôi sinh sống ở Việt Nam cũng là những năm tháng hai nước kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ trong những năm 50 của thế kỷ trước; bắt nguồn từ những ký ức tươi đẹp của tôi khi được tiếp xúc với Bác Hồ… Qua thông tin đại chúng, tôi dần được biết, miền nam Việt Nam đã giải phóng, đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập, mục tiêu mà Bác Hồ dành tâm huyết cả cuộc đời để lãnh đạo nhân dân Việt Nam nỗ lực phấn đấu đã thành hiện thực! Đến với đất nước xinh đẹp này, nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, noi theo tinh thần của bậc vĩ nhân, bày tỏ nỗi nhớ và sự kính trọng đối với Bác”.

Năm 2000, sau 43 năm xa cách, bà Vương Phong cuối cùng cũng có cơ hội trở lại Hà Nội, khi tham gia một chương trình du lịch nhân chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ. Trong ký ức của bà, Hà Nội lúc đó đang ở thời điểm phát triển năng động khi Việt Nam đẩy mạnh đổi mới và hội nhập. Khác với Hà Nội của 43 năm về trước, khắp nơi là công trường thi công, thì Hà Nội khi đó đã biến thành những tòa nhà cao tầng, những tuyến đường nhộn nhịp, với những nụ cười của người dân và những biển hoa trên phố, điều này gây ấn tượng mạnh với bà.

Item 1 of 4

Bà Vương Phong chụp ảnh bên Lăng Bác.

Bà Vương Phong chụp ảnh bên Lăng Bác.

Bà Vương Phong gặp lại những người bạn từng công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc, trong chuyến thăm Hà Nội.

Bà Vương Phong gặp lại những người bạn từng công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc, trong chuyến thăm Hà Nội.

Bà Vương Phong thăm lại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Bà Vương Phong thăm lại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Bà Vương Phong chụp ảnh bên tác phẩm mình yêu thích trong một triển lãm ở Hà Nội.

Bà Vương Phong chụp ảnh bên tác phẩm mình yêu thích trong một triển lãm ở Hà Nội.

Để tìm lại những ký ức xưa, bà Vương Phong đã tìm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình, còn thăm lại ngôi trường mẫu giáo năm xưa. Bà cũng đã tới các di tích lịch sử và thắng cảnh, đi sâu tìm hiểu lịch sử-văn hóa của mảnh đất, con người Hà Nội.

Trong một bài viết về chuyến thăm lại Hà Nội sau 43 năm, bà Vương Phong cho biết: “Nơi đây có rất nhiều di tích, hiện vật hàng nghìn năm lịch sử được bảo tồn rất tốt …, có những bảo tàng lịch sử, mỹ thuật, dân tộc, lưu giữ và giới thiệu về lịch sử-văn hóa riêng có của Việt Nam; trung tâm thành phố có hồ Hoàn Kiếm đẹp như tranh vẽ, là điểm lý tưởng để gặp gỡ, ngắm cảnh; chung quanh hồ có 36 phố phường đan xem lẫn nhau, từ xưa đến nay, mỗi con phố đều có nét đặc sắc riêng. Tản bộ trên phố, có thể nghe thấy những âm thanh leng keng từ phố Hàng Thiếc, ngửi thấy mùi thơm của các vị thuốc từ phố Thuốc Bắc, mua những tấm vải lụa mềm mại trên phố Hàng Đào. Những dãy nhà cổ kéo dài, những ngôi đền chùa thơm mùi hoa cỏ, đã tạo nên diện mạo rất riêng của Hà Nội, một sự kết hợp tuyệt vời giữa cổ kính và hiện đại”.

Trong con mắt của bà Vương Phong, mấy chục năm đã qua, Hà Nội đổi thay rất nhiều, nhưng có một thứ không thay đổi, đó là thanh âm từ những bài hát về Hà Nội và giọng nói lên xuống trầm bổng của người Hà Nội. Nó giống như tiếng gọi của cố hương, mà mỗi lần nghĩ đến, đều đong đầy cảm xúc.

Bà Vương Phong giới thiệu tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội được trưng bày trong nhà.

Bà Vương Phong giới thiệu tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội được trưng bày trong nhà.

Tình yêu đặc biệt với những ca khúc về Hà Nội

Mỗi người đều có một cách riêng để biểu đạt tình yêu của mình. Đối với Hà Nội, quê hương thứ hai, ngoài nỗi nhớ, niềm thương, những chuyến đi thăm lại những địa chỉ xưa, viết nhiều bài báo, bài văn để bày tỏ tình cảm sâu nặng, bà Vương Phong còn có tình yêu đặc biệt với âm nhạc Việt Nam, nhất là những ca khúc về Hà Nội.

Dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ, bà Vương Phong từ nhỏ đã yêu thích âm nhạc và thường xuyên ca hát. Khi đến Việt Nam, bà nhận thấy ngôn ngữ, phát âm của tiếng Việt rất du dương trầm bổng, với 6 thanh điệu, chỉ cần nghe phát âm thôi đã thấy có vẻ đẹp như là đang hát; đặc biệt, khi nghe các bài hát Việt Nam, lại có cảm nhận trái tim có cùng nhịp đập với điệu nhạc lên xuống trầm bổng.

“Sau 43 năm, quay trở lại mảnh đất tươi đẹp này, khi âm nhạc vang lên, tôi có cảm giác như được quay trở về thời thơ ấu, mọi cảm xúc dồn về. Vì thế, tôi cứ nỗ lực kiếm tìm những bài hát khác nhau trên mảnh đất tươi đẹp này” – bà Vương Phong cho biết.

Khi quay trở về Trung Quốc, những người bạn ở Đại sứ quán và các cơ quan báo chí Việt Nam tại Trung Quốc đã tặng nhiều đĩa nhạc cho Vương Phong khi biết được tình yêu của bà đối với âm nhạc Việt Nam, trong đó có cả nhạc kháng chiến, nhạc hiện đại, dân ca… Ngay lúc đó, bà nảy ra suy nghĩ là làm sao có thể học thuộc, rồi hát được những ca khúc này, để người dân Trung Quốc biết đến Việt Nam.

Bà Vương Phong thể hiện một đoạn trong ca khúc "Em ơi, Hà Nội phố" và "Nhớ mùa thu Hà Nội".

Bà Vương Phong thể hiện một đoạn trong ca khúc "Em ơi, Hà Nội phố" và "Nhớ mùa thu Hà Nội".

Một lần, một người bạn Việt Nam là phóng viên thường trú tại Bắc Kinh dịch lời bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” sang tiếng Trung Quốc và gửi cho Vương Phong, khiến bà rất ấn tượng về tinh thần dựng xây quê hương tươi đẹp trên đống tro tàn dưới bom đạn của địch, để hướng tới tương lai tốt đẹp, cổ vũ người dân Việt Nam. “Khi tôi đưa cho cha mẹ xem, họ nói nhất định phải dùng tiếng Trung để hát những bài hát như thế này cho người Trung Quốc nghe” – bà Vương Phong kể lại.

Từ sự gợi ý và động viên của cha mẹ, bà Vương Phong đã đi tìm và kết nối rất nhiều người như các đồng nghiệp ở Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) hay những người bạn Việt Nam để cùng nhau phiên dịch những bài hát về Hà Nội, về Việt Nam ra tiếng Trung, sau đó bà gieo vần, chuyển thể thành ca từ, ghép với nhạc Việt để hát. Không những thế, bà Vương Phong còn thu âm nhiều ca khúc Việt Nam để đăng tải, truyền bá với cộng đồng mạng, được sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Trung Quốc thể hiện qua lượng nghe và tải về khá lớn.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Vương Phong cho rằng, chính nhờ sự chung tay đoàn kết và hợp tác của người dân hai nước, những ca khúc Việt Nam mới được hát lên bằng một hình thức mới, để giới thiệu và quảng bá với công chúng Trung Quốc. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bà Vương Phong muốn gửi gắm tình yêu và sự kỳ vọng vào sự phát triển và tương lai tươi đẹp của thành phố Hà Nội, thủ đô của đất nước Việt Nam; đồng thời mong muốn, hai mảnh đất mà bà đều coi là quê hương - Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục chung tay hợp tác, đoàn kết, cùng tiến lên phía trước, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ngày xuất bản: 8/10/2024
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - QUANG THIỀU
Nội dung, hình ảnh: HỮU HƯNG – HỒ QUÂN (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)
Trình bày: HOÀNG HÀ