Xây dựng cộng đồng người gốc Việt Nam tại Campuchia vững mạnh
Trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, cộng đồng người gốc Việt Nam tại Campuchia nhận được nhiều phần quà mang nặng tình nghĩa của đồng bào trong nước. Hoạt động tặng quà Tết từ nhiều năm qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam luôn đồng hành cùng bà con, phấn đấu xây dựng cộng đồng trở nên vững mạnh.
Những ngày trước Tết, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Vương quốc Campuchia, như Công ty Viettel Cambodia (Metfone) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Campuchia (Sacombank Cambodia) đã tổ chức chương trình “Xuân an yên vui đón Tết” và “Ấm tình mùa Xuân”, trao tặng tổng cộng gần 1.600 suất quà cho các gia đình gốc Việt và người Campuchia có hoàn cảnh khó khăn.
Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp phối hợp Đại sứ quán và Hội Khmer-Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình “Tết hạnh phúc cho kiều bào tại Campuchia”, trao tặng giáo viên, học sinh và một số gia đình nghèo gốc Việt hàng trăm phần quà trị giá hơn 600 triệu đồng.
Theo đại diện của các đơn vị tặng quà, với phương châm kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, trong các dịp lễ tết của Việt Nam và Campuchia, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
“Mỗi phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, qua đó, góp phần giúp đỡ bà con đón Tết đủ đầy hơn. Chúng tôi mong muốn được chung tay cùng Đại sứ quán Việt Nam, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt, nhằm thúc đẩy bà con có động lực và cơ hội vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh”, ông Cao Mạnh Đức, Tổng Giám đốc Metfone chia sẻ.
“Chương trình“Tết hạnh phúc cho kiều bào tại Campuchia” là một hoạt động chứa đựng tình cảm và ý nghĩa sâu sắc. Một khi đã chảy cùng một dòng máu thì đều là người Việt Nam. Đó là lý do tại sao Thùy Tiên cũng mong muốn đem đến tấm lòng nhỏ của mình thôi để giúp đỡ bà con, để mọi người biết được rằng ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều con tim đang hướng về kiều bào ở các nước trên thế giới.
Thùy Tiên thực sự mong muốn những món quà của mình có thể không quá to lớn, nhưng mà cái to lớn chính là tình cảm của mình dành cho cộng đồng. Tình cảm của đoàn không chỉ của riêng Tiên mà của cả những người con đang sinh sống ở Việt Nam đều đang hướng về kiều bào đang và mong rằng mọi người sẽ có một cái Tết thật ấm no, thật đầy đủ và đặc biệt là bình an, nhiều sức khỏe”.
- Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên
Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng, năm 2023 vừa qua, kinh tế của hai nước Việt Nam và Campuchia tuy có tăng trưởng khá, song cũng là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp cũng như người dân. Dù vậy, với tấm lòng và tinh thần đoàn kết, các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia vẫn luôn dành cho bà con sự quan tâm đặc biệt.
"Tôi mong rằng, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp, bà con chúng ta cần nỗ lực vươn lên để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đưa cộng đồng người gốc Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh".
- Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có không ít người Campuchia gốc Việt. Thực hiện việc di dời nơi ở từ mặt nước Biển Hồ lên bờ theo chủ trương của chính quyền, nhiều gia đình đã được nhận vào làm việc tại các công ty nông-lâm nghiệp do Việt Nam đầu tư.
Anh Võ Văn Lâm, 45 tuổi, người gốc Việt Nam, chuyển nơi ở từ Biển Hồ lên sinh sống và làm việc ổn định tại nông trường của Thaco Agri, tỉnh Ratanakiri, đông bắc Campuchia, chia sẻ:
“Sau khi di dời chỗ ở từ Biển Hồ, tỉnh Battambang lên bờ, gia đình tôi được công ty Thaco Agri nhận vào làm việc. Ở Khu liên hợp Nông nghiệp Koun Mom, tỉnh Ratanakiri, gia đình tôi có việc làm ổn định, thu nhập khá, đặc biệt là được lãnh đạo nông trường quan tâm, chăm sóc khi ốm đau. Qua mấy năm, chúng tôi sinh được hai cháu, đặt tên là Sang và Giàu”.
Để tạo việc làm phù hợp cho cộng đồng người gốc Việt đã sinh sống nhiều thế hệ trên sông nước, theo doanh nhân Leng Rithy, Chủ tịch danh dự Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, cần dựa trên tập quán và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của bà con đã có từ lâu đời.
“Cụ thể, doanh nghiệp cần kết hợp cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, lập dự án nuôi trồng thủy sản trên cạn dựa vào nguồn nước lấy từ sông ngòi. Các hộ có nghề nuôi trồng, đánh bắt cá tôm lâu năm, khi di dời chỗ ở lên bờ thì hoàn toàn có thể tham gia vào các dự án, từ đó có công ăn việc làm phù hợp và lâu dài”, ông Leng Rithy khẳng định.
“Chúng ta sẽ tìm mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nhân Việt Nam vào đầu tư tại Campuchia, góp phần tạo nhiều việc làm. Qua đó, từng bước cải thiện đời sống cho người lao động Campuchia cũng như cộng đồng bà con gốc Việt Nam đang sinh sống tại đất nước Chùa Tháp”.
- Doanh nhân Leng Rithy, Chủ tịch danh dự Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia
Dự kiến, trong tháng 6/2024, nhóm doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia sẽ kết hợp Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đồng tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư nhằm tìm hiều sâu về tiềm năng và khả năng đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Campuchia.
Ngay đầu năm mới 2024, gần 20 doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cũng đã đóng góp số tiền khoảng 1 tỷ đồng để giúp sửa chữa các lớp học dành cho con em người gốc Việt trên địa bàn thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh lân cận.
Lũy kế đến năm 2023, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã nộp ngân sách hơn 1 tỷ USD, nằm trong Nhóm 5 doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất tại Campuchia. Cùng với đó, Metfone cũng đóng góp hơn 120 triệu USD cho các hoạt động xã hội.
Về công tác phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng, theo báo cáo của Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, từ năm 2006 đến nay, Hội đã kiến nghị các địa phương, trường đại học, cao đẳng trong nước kết hợp một số doanh nghiệp hỗ trợ được hơn 180 suất học bổng cho con em cộng đồng người gốc Việt và Khmer.
Đến nay, gần 120 em đã tốt nghiệp, quay trở về Campuchia làm việc ở nhiều lĩnh vực, như sư phạm, y khoa, dược, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, tin học, nông nghiệp...Qua đó, có công việc ổn định, giúp đỡ gia đình, phát triển cộng đồng và góp phần xây dựng xã hội sở tại.
Như bao người Việt ở nước ngoài, kiều bào ở Campuchia luôn hướng về Tổ quốc và có những đóng góp quan trọng vào xây dựng cả hai quê hương. Hoạt động giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn chính là nhằm để hỗ trợ cộng đồng đi lên vững mạnh, xứng tầm với mối quan hệ tốt đẹp ngày càng được nâng cao giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Ngày xuất bản: 9/2/2024
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NGUYỄN HIỆP (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Campuchia)
Trình bày: NHÃ NAM