Người ươm hạt giống, người gieo mùa vàng

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) đã gắn bó cả cuộc đời với cây lúa, cánh đồng, luôn cháy bỏng khát khao ươm hạt giống, gieo mùa vàng cho bà con nông dân. Những nung nấu quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu đã đưa ông trở thành tác giả/đồng tác giả của hàng chục giống lúa đột phá về năng suất và chất lượng…

 “Khoa học về giống là một khoa học vô cùng phức tạp, bởi nó là điểm xuất phát quan trọng nhất cho mọi cuộc “cách mạng xanh". Nói về giống, do chiến tranh, do cơ chế kìm hãm, chúng ta hiện đang đi sau thế giới nhiều thập kỷ. Một đất nước nhiệt đới, một đất nước nông nghiệp, cây trái ngút ngàn, mà cho đến nay, hằng năm chúng ta vẫn phải bỏ ra đến hàng triệu USD để nhập giống rau, giống hoa. Một cây lúa có 4 vạn gene, nhưng chúng ta chưa “sờ” được vào một gene nào. Nhận thức rõ thực trạng đó, nên tháng 8/2000, khi chính thức tiếp nhận nhiệm vụ Quyền Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều…”- Những bộc bạch chân thành, những tâm huyết và trăn trở đó của ông Trần Mạnh Báo có lẽ chính là cội nguồn cho thương hiệu ThaiBinh Seed hôm nay trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa.

Niềm tự hào của nông dân Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông, điều gì khiến ông muốn chia sẻ nhất về hành trình xây dựng và phát triển của ThaiBinh Seed trong suốt thời gian qua?

Ông Trần Mạnh Báo: Trong hành trình 52 năm xây dựng và phát triển, ThaiBinh Seed luôn lựa chọn sứ mệnh của mình là đồng hành cùng người nông dân. Và xuyên suốt trong các giai đoạn phát triển, ThaiBinh Seed luôn nỗ lực để trở thành niềm tự hào của người nông dân như chính câu slogan của Công ty: “ThaiBinh Seed - niềm tự hào của nông dân Việt Nam”.

Các giống lúa của ThaiBinh Seed hiện diện trên khắp 56 tỉnh, thành, nông dân sử dụng giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm 20% diện tích sản xuất nông nghiệp trong cả nước. ThaiBinh Seed có hơn 70 điểm liên kết sản xuất với tổng diện tích 8.000ha/năm. Mỗi năm, ThaiBinh Seed tiêu thụ cho nông dân gần 30.000 tấn sản phẩm. ThaiBinh Seed đã thực hiện 3 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008, ISO/IEC 17025-2005 và TQM. Từ năm 2012, ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Đến nay, ThaiBinh Seed đã có 21 giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia. Các giống lúa đã nhanh chóng trở thành giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Việc nhận được nhiều giải thưởng của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã tiếp thêm động lực cho ThaiBinh Seed trong việc nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa tốt hơn nữa góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

ThaiBinh Seed hôm nay khang trang và mạnh mẽ vươn lên với 2 nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất đạt 30.000-40.000 tấn/năm, 1 nhà máy sấy công nghệ Nhật Bản, 1 nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm, phòng thử nghiệm quốc gia Mã số Vilas 110, Viện nghiên cứu cây trồng quy mô 152ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn tấn giống cây trồng các loại chất lượng cao...

Toàn cảnh nhà máy chế biến giống cây trồng Vũ Chính.

Toàn cảnh nhà máy chế biến giống cây trồng Vũ Chính.

Phóng viên: Việc phát triển thành công nhiều giống lúa của ThaiBinh Seed bắt nguồn từ đam mê, tâm huyết và cả mồ hôi, nước mắt của ông. Vậy điều gì đã thôi thúc ông theo đuổi, kiên trì không mệt mỏi với sự nghiệp nghiên cứu chọn tạo giống lúa?

Ông Trần Mạnh Báo: Để nói về điều này, lại phải ngược thời gian trở về năm 1987. Khi đó, tôi được đề bạt Trại phó Trại sản xuất giống lúa cấp I Đông Cơ (Tiền Hải, Thái Bình). Nhìn cơ ngơi của trại tôi suy nghĩ rất nhiều. Trại có 56ha đất dành cho sản xuất giống nhưng mỗi năm chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống, nghĩa là mỗi năm, mỗi ha đất chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn lúa, trong khi 20 năm trước Thái Bình đã là quê hương 5 tấn. Vì sao như vậy? Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Nước thì cho đến lúc đó chúng ta đã chủ động được do hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh; phân cũng có thể chủ động được. Nhưng vì sao người nông dân không “cần” và năng suất không lên được?

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi chợt ngộ ra: Giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng mới là hai khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Được tự chủ trên mảnh đất của mình, cộng thêm bộ giống tốt nữa sẽ trở thành “đôi chân” vững chãi để đưa năng suất lúa lên cao. Không những người dân trong nước có đủ gạo ăn mà hạt gạo sẽ còn đi ra bốn biển năm châu mang ngoại tệ mạnh về cho đất nước.

Một đất nước nông nghiệp thì phải đi lên từ nông nghiệp. Mơ ước tạo được những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, xác lập thương hiệu giống Việt Nam trên thị trường đã nhen nhóm trong tôi từ đó, rồi theo thời gian, càng ngày niềm mơ ước càng trở thành khao khát đam mê.

Nhà máy chế biến hạt giống của ThaiBinh Seed.

Nhà máy chế biến hạt giống của ThaiBinh Seed.

Giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng mới là hai khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Được tự chủ trên mảnh đất của mình, cộng thêm bộ giống tốt nữa sẽ trở thành “đôi chân” vững chãi để đưa năng suất lúa lên cao. Không những người dân trong nước có đủ gạo ăn mà hạt gạo sẽ còn đi ra bốn biển năm châu mang ngoại tệ mạnh về cho đất nước. Một đất nước nông nghiệp thì phải đi lên từ nông nghiệp. Mơ ước tạo được những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, xác lập thương hiệu giống Việt Nam trên thị trường đã nhen nhóm trong tôi từ đó, rồi theo thời gian, càng ngày niềm mơ ước càng trở thành khao khát đam mê.

(Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed)

Phóng viên: Được biết, một Đề án về “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh” đã được hình thành sau đó, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Báo: Đúng, trước khi viết đề án này, với nhiều năm làm trưởng phòng kế hoạch, tôi đã quan sát, nghiên cứu tình hình sản xuất ở các trại và sau một năm trực tiếp chỉ đạo sản xuất ở Đông Cơ, chúng tôi đã cho khoán thử ở một đội trong vụ mùa của trại giống Đông Cơ. Những khâu được khoán đều mang lại hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, cũng phải rất gian nan chúng tôi mới được làm thử trên toàn Trại giống cấp 1 Đông Cơ. Và rồi, sau một năm làm thử đã cho kết quả ngoài mong đợi. Từ Đông Cơ, Đề án những năm sau được nhân rộng ra toàn Công ty và ngành nông nghiệp Thái Bình. Sau 3 năm khoán, cũng trên 56ha đất canh tác ngày nào, Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ đã sản xuất được hơn 600 tấn thóc hằng năm, tăng gấp 10 lần so với trước. Nhờ thành tích đó, năm 1992, Trại giống Đông Cơ đã trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nông nghiệp và vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III. Đây là Huân chương Lao động đầu tiên của Công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Phòng thử nghiệm quốc gia Mã số Vilas 110 của ThaiBinh Seed.

Phòng thử nghiệm quốc gia Mã số Vilas 110 của ThaiBinh Seed.

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, ThaiBinh Seed đã lập được nhiều thành tích xuất sắc và được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, 12 huân chương lao động các loại, Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 lần được tặng cờ thi đua của Chính phủ, 3 lần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng cờ và bằng khen, 5 lần nhận giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Ngoài ra, còn có 3 giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; Danh hiệu Bạn nhà nông, 2 giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, giải thưởng Doanh nghiệp vì nhà nông. Từ năm 2011 đến năm 2015, ThaiBinh Seed là một trong 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Giải thưởng Sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, Giải Nhất gạo ngon Việt Nam năm 2022. Đối với cá nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo đã xuất sắc được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2020, top 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong để hình thành thương hiệu

Phóng viên: Thưa ông, ngoài tình yêu đất, ngoài niềm say mê với cây lúa, cánh đồng, còn nhân tố quan trọng nào đưa ông và ThaiBinh Seed gặt hái được những thành tựu lớn?

Ông Trần Mạnh Báo: Có thể nói những thành tựu này đều xuất phát từ tư duy dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong quá trình đổi mới. Nhớ lại năm 2000, khi mới nhận nhiệm vụ Quyền Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, ngoài nhà máy chế biến tiếp nhận từ một dự án do Đan Mạch viện trợ, doanh nghiệp chỉ có mấy trại giống. Hệ thống phân phối hạt giống chưa hình thành đầy đủ, mỗi năm chỉ bán được 1.600 tấn giống. Đến nay, ThaiBinh Seed đã có 13 chi nhánh tổ chức và phân phối giống trên toàn quốc, mỗi năm bán được hơn 25.000 tấn giống. Thông qua việc xây dựng 2 nhà máy chế biến hạt giống, ThaiBinh Seed đã trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện thành công việc công nghiệp hóa ngành giống. Giống của ThaiBinh Seed sản xuất ra đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, ThaiBinh Seed cũng đi đầu trong việc xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, thực hiện tổ chức bán lẻ giống cây trồng đến tận tay người nông dân.

Trước đây, các trại giống được giao kế hoạch sản xuất giống hằng năm, rồi căn cứ vào kế hoạch sản xuất của các hợp tác xã, Nhà nước sẽ phân phối cho hợp tác xã một lượng giống tương ứng, cứ cầm giấy phân phối xuống kho của trại mà lĩnh. Nhưng từ khi Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời, người nông dân được nhận đất khoán, được chủ động hoàn toàn trong sản xuất thì chế độ phân phối giống cũng được bãi bỏ.

Việc này đã đặt các công ty giống cây trồng đứng trước một vấn đề nan giải: Lượng thóc giống do công ty sản xuất ra hằng năm sẽ bán đi đâu? Bán bằng cách nào? Do đã dự liệu trước nên tôi nghĩ ra việc xây dựng 1 hệ thống bán lẻ thóc giống. Một mặt tôi xuống các hợp tác xã để ký hợp đồng với họ, đến kỳ trại chở thóc giống đến tận địa phương bán; mặt khác tôi tổ chức bán lẻ thóc giống ngay tại trại. Đồng thời, tôi cũng vượt qua nhiều gian nan để lần đầu tiên cho xây một gian hàng bán lẻ trên khu đất ở gần cổng ra vào của trại. Khi cửa hàng xây xong, ngay trong vụ ấy đã bán được 13 tấn thóc giống. Vất vả, nhọc nhằn lắm nhưng tôi luôn nghĩ, thương trường không phải là “mâm cỗ”, muốn có đồng tiền thì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) và các cán bộ nghiên cứu lúa trên cánh đồng.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) và các cán bộ nghiên cứu lúa trên cánh đồng.

Phóng viên: ThaiBinh Seed cũng đi đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (năm 1989) và đăng ký tại Cục Sở hữu Công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ). Ông có thể chia sẻ quan điểm về việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp?

Ông Trần Mạnh Báo: Đầu năm 1994, khi được đề bạt làm Phó Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, việc đầu tiên tôi dành tâm sức để thực hiện là xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối giống cây trồng ra ngoài tỉnh. Việc xây dựng thương hiệu công ty là vấn đề hết sức quan trọng.

Năm 1989, khi còn ở Đông Cơ, tôi đã vẽ logo và đắp bằng xi-măng ở cổng trại, nhưng khi đem đi đăng ký bảo hộ thì chưa có nơi nào bảo hộ vì chưa có cơ quan bảo hộ như bây giờ. Mãi đến năm 2000 mới được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Việc xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng việc làm cho thương hiệu trở thành nổi tiếng và xây dựng được hệ thống phân phối, phát triển thị trường còn khó hơn nhiều. Để làm được việc này, phải tổ chức điều tra, thăm dò, khảo sát nhu cầu của từng thị trường mục tiêu một cách hết sức công phu, tiếp theo là phải quảng bá sản phẩm của mình bằng nhiều hình thức nhằm hướng đến mục tiêu tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra hằng năm. Thời gian đó, tôi đi lại như con thoi, nhiều khi vắng nhà cả tháng. Và cứ thế, theo năm tháng, hệ thống phân phối của công ty đã “phủ sóng” ra nhiều địa phương trên cả nước. Uy tín của giống cây trồng Thái Bình cũng lan tỏa dần theo hệ thống phân phối đó.

Thái Bình Seed cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu giống lúa thuần (giống lúa TBR-1); đơn vị đầu tiên thực hiện việc mua bán bản quyền vật liệu lúa thuần ở Việt Nam (giống lúa rất nổi tiếng BC15) sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tạo tiền đề hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng Việt Nam hiện nay. Đồng thời, ThaiBinh Seed là đơn vị đầu tiên thực hiện cấp I hóa giống lúa trên toàn tỉnh Thái Bình (năm 1996) và là đơn vị đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa ngành giống cây trồng ở Việt Nam. ThaiBinh Seed đã đạt Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2016. Đây là giải thưởng uy tín do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. 

Cán bộ làm việc tại Viện nghiên cứu cây trồng ThaiBinh Seed.

Cán bộ làm việc tại Viện nghiên cứu cây trồng ThaiBinh Seed.

Thái Bình Seed cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu giống lúa thuần (giống lúa TBR-1); đơn vị đầu tiên thực hiện việc mua bán bản quyền vật liệu lúa thuần ở Việt Nam (giống lúa rất nổi tiếng BC15) sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tạo tiền đề hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng Việt Nam hiện nay. Đồng thời, ThaiBinh Seed là đơn vị đầu tiên thực hiện cấp I hóa giống lúa trên toàn tỉnh Thái Bình (năm 1996) và là đơn vị đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa ngành giống cây trồng ở Việt Nam. ThaiBinh Seed đã đạt Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2016. Đây là giải thưởng uy tín do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. 
-Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed-

Toàn cảnh Viện nghiên cứu giống cây trồng của ThaiBinh Seed.

Toàn cảnh Viện nghiên cứu giống cây trồng của ThaiBinh Seed.

Tại Lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, ở lĩnh vực nông nghiệp, hai giống lúa BC15 và TBR225 của ThaiBinh Seed đã xuất sắc trở thành các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Giống lúa BC15 và TBR225 là 2 sản phẩm có nhiều đặc tính tốt, được bà con nông dân 63 tỉnh thành lựa chọn gieo trồng trong nhiều năm qua. Sản phẩm chiếm cơ cấu lớn trên diện tích gieo trồng của nhiều địa phương, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương đã chọn BC15 và TBR225 để xây dựng thương hiệu gạo, đặc biệt TBR225 được mệnh danh là “giống lúa cho thương hiệu gạo Việt”.

Về giống lúa, Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới

Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về việc phát triển giống lúa nói chung của Việt Nam hiện nay? Theo ông, Việt Nam sẽ đi theo hướng nào trong phát triển các giống lúa mới cho tương lai?

Ông Trần Mạnh Báo: Tôi là thành viên Hiệp hội Giống cây trồng châu Á Thái Bình Dương đến nay đã là năm thứ 23, tôi có thể khẳng định: Về giống lúa, Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nhiều giống lúa của Việt Nam cho năng suất thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Năng suất lúa của Thái Bình giờ có thể đạt mức cao nhất là hơn 10 tấn/ha, còn năng suất trung bình cả nước khoảng 7 tấn/ha. Trong khi năng suất lúa trung bình của thế giới chỉ khoảng 5,5 tấn/ha. Tuy nhiên, để tiếp tục đột phá về năng suất là không dễ vì năng suất từ thấp đưa vọt lên mức cao thì khả quan hơn nhiều so với việc tăng thêm trên nền năng suất đã ở mức cao như hiện nay. Do đó, chọn tạo giống mới phải đạt mục tiêu thứ nhất là giữ được năng suất; thứ hai là phải thích ứng biến đổi khí hậu. Tới đây, ThaiBinh Seed sẽ có những giống lúa không bị đổ, sâu bệnh ít, chống chịu được điều kiện bất thuận của tự nhiên...

Ông Trần Mạnh Báo luôn đau đáu phát triển giống lúa Việt Nam.

Ông Trần Mạnh Báo luôn đau đáu phát triển giống lúa Việt Nam.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của vấn đề an ninh lương thực hiện nay? Và giống lúa có ý nghĩa như thế nào trong việc giữ gìn an ninh lương thực?

Ông Trần Mạnh Báo: Hiện tại và tương lai, vai trò của lương thực vẫn là vấn đề cốt lõi trong cạnh tranh chiến lược của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng chính trị toàn cầu. Muốn bảo đảm an ninh lương thực thì phải coi giống là gốc của sản xuất nông nghiệp. Điều này một mình doanh nghiệp không làm được mà cần có vai trò lãnh đạo, hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, ngoài việc chọn tạo giống, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý giống; làm thế nào để giữ được bản quyền giống vì nếu không bảo hộ được bản quyền thì không ai nghiên cứu nữa trong khi hiện nay việc vi phạm bản quyền không những không hiếm mà còn rất trắng trợn. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước - nếu không quản lý giống tốt thì giá trị và vị trí hạt gạo Việt Nam sẽ bị suy giảm vì gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay bao gồm nhiều giống chứ không chỉ từ một giống. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải bảo đảm giữ bằng được 3,56 triệu ha diện tích đất lúa, kết hợp với đổi mới công nghệ, cung cấp giống tốt, giống xác nhận để bảo đảm sản lượng lúa hằng năm và nâng cao chất lượng, uy tín của hạt gạo Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tại sự kiện “Thương hiệu mạnh Asean-Asean Brand Award 2023” tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 4/2023, ThaiBinh Seed vinh dự được bình chọn, vinh danh và nhận giải thưởng “Top 10 thương hiệu mạnh ASEAN 2023”. Đây là giải thưởng do Trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á tổ chức thường niên, đánh giá, xét chọn dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế với các doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm-dịch vụ đầu ngành, chất lượng cao được nhà đầu tư, đối tác và người tiêu dùng tại thị trường ASEAN tín nhiệm. Trước đó, năm 2022, Trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á cũng vinh danh, trao thưởng cho Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed giải thưởng “Nhà lãnh đạo tiêu biểu ASEAN 2022”.

Ông Trần Mạnh Báo cùng bà con nông dân thăm cánh đồng lúa.

Ông Trần Mạnh Báo cùng bà con nông dân thăm cánh đồng lúa.

Chỉ đạo: HÀ QUỐC VIỆT, NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung: QUỐC VIỆT, ÁNH TUYẾT, LÊ QUÂN, MAI TÚ
Trình bày: BIỆN DIỆU
Ảnh: ThaiBinh Seed, ÁNH TUYẾT
Trở về nhandan.vn