
Năm 1983, loạt phim tài liệu “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” của Đài truyền hình NBC (Mỹ) phát sóng tại Mỹ đã thu hút số lượng người xem cao nhất lúc bấy giờ. Trong phim có một cảnh quay ngắn về một thanh niên chạy xe máy, chở một người lính cầm cờ giải phóng, dẫn đầu đoàn quân Cách mạng tiến vào cửa An Hòa vào đúng ngày giải phóng Thành phố Huế 26/3/1975.
Người thanh niên đó chính là ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu chính trị viên biệt động thành Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Khi đó ông vừa trở về từ trận địa, mượn xe của người dân để quay trở ra, kịp dẫn đường cho quân Cách mạng vào thành tiếp quản.
Con đường đến với cách mạng
Người cựu biệt động thành Huế Nguyễn Huy Ngọc sinh ra và lớn lên ở xã Hương Thái, nay là xã Hương Chữ, huyện Hương Trà. Ông tham gia Cách mạng từ rất sớm, từ năm 18 tuổi, đến năm 20 tuổi đã là xã đội trưởng xã Hương Thái, chỉ huy hơn 100 anh em du kích đánh địch ở vùng ven thành phố.
Những năm 1967, 1968, chiến trường cả nước cũng như chiến trường Trị Thiên Huế nói riêng vô cùng cam go, ác liệt. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch thực hiện chiến lược tìm và diệt, đánh phản kích từ Huế ra địa bàn Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, về Hương Thủy, Phú Vang. Toàn bộ lực lượng của ta đều phải rút lên vùng giáp ranh. “Dưới đồng bằng, địch càn quét, cày ủi. Trên vùng giáp ranh, địch phân ô, thả cây nhiệt đới (một loại thiết bị do thám chủ động), liên tục lục soát các căn cứ, hậu cứ của ta. Có những lúc vừa đào hầm trú ẩn, địch đã đến càn, ta phải dời đi nơi khác” – ông Ngọc kể.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu chính trị viên biệt động thành Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu chính trị viên biệt động thành Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Cuối năm 1971, ông Nguyễn Huy Ngọc được cấp trên rút về làm Chính trị viên Đội biệt động thành phố Huế, chuyên phụ trách Quận Thành Nội, nay là các phường Thuận Hòa, Thuận Lộc và Tây Lộc, Thành phố Huế. Đội biệt động khi mới thành lập chỉ có 15 người, nhưng đã có rất nhiều trận đánh lẫy lừng, nhiều trận luồn sâu trong lòng địch mà đánh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Ngọc kể lại, con số 15 người sau này lúc tăng lúc giảm, do có thêm người mới về, và cũng đã có nhiều người hy sinh trong các trận đánh.
Ông Nguyễn Huy Ngọc kể, ngày đó thiếu thốn, cơm thì ăn cơm nhà hoặc ghé nhà người dân trên đường đi đánh địch để ăn tạm, quần áo thì thường mặc trang phục ngắn, gọn nhẹ để dễ di chuyển, núp trong các bụi cây, dưới ruộng, dưới sông để đánh giặc, “có khi chỉ mặc chiếc quần xà lỏn để chui dưới ruộng bùn cho dễ”. Đội biệt động thành khi đó trang bị thiếu thốn cả về trang phục, vũ khí, mà theo lời người cựu biệt động thành, “mang cây súng AK báng gấp, đầu trần, chân đất, nắm cơm bên hông, đi trong lặng im, bước qua những cồn, rẫy, ruộng đồng quê hương”.
Những câu chuyện ký ức luôn làm cho người cựu chiến binh hào hứng.
Những câu chuyện ký ức luôn làm cho người cựu chiến binh hào hứng.
Là biệt động thành, cho nên cách đánh cũng phải khác. Không chỉ nằm trong bùn, lẫn với ruộng lúa, phơi dưới cái nắng cháy da cháy thịt của thời tiết miền trung mùa hè, mà còn phải “làm quen với chó” xóm Cồn khi làm nhiệm vụ trinh sát. Ông Nguyễn Huy Ngọc kể, mỗi lần đi, người lính biệt động phải mang dư theo vào vắt cơm nắm to bằng quả trứng gà, ram với mỡ. Khi xuống núi, các trinh sát phải dùng nắm cơm đó thấm mồ hôi của mình, để khi qua xóm, nghe chó sủa là ném nắm cơm đó cho chó ăn. Cứ như thế, bầy chó của cả xóm đã quen với mùi của các trinh sát, để tiếp cận cửa Chánh Tây, dò đường đi lối lại, đồn bốt, phòng bố của địch. Đây là những thông tin vô cùng quan trọng cho việc chuẩn bị chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975.
Trong chiến dịch giải phóng Huế, đội biệt động của ông Nguyễn Huy Ngọc được giao nhiệm vụ đánh mở đường để tạo thuận lợi đưa lực lượng bộ đội chủ lực tiến vào Thành phố Huế. Thời điểm đó, địch tập trung quân, lập thành một phòng tuyến dày đặc hành lang phía tây Huế, từ Hòn Vượn đến chân núi Kim Phụng, với ý đồ chặn hết tất cả các tuyến đường về Huế. Đơn vị biệt động của ông và các lực lượng của ta ngày đêm căng sức tìm mọi cách tiêu diệt địch, mở đường về giải phóng thành phố Huế.

Mỗi lần đi đồng bằng, người lính biệt động phải mang dư theo vào vắt cơm nắm to bằng quả trứng gà, ram với mỡ. Khi xuống núi, các trinh sát phải dùng nắm cơm đó thấm mồ hôi của mình, để khi qua xóm, nghe chó sủa là ném nắm cơm đó cho chó ăn. Cứ như thế, bầy chó của cả xóm đã quen với mùi của các trinh sát, để tiếp cận cửa Chánh Tây, dò đường đi lối lại, đồn bốt, phòng bố của địch. Đây là những thông tin vô cùng quan trọng cho việc chuẩn bị chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975.
Ông Nguyễn Huy Ngọc
Ông Nguyễn Huy Ngọc, nhớ lại, khó khăn lớn nhất trong dịp giải phóng Thành phố Huế là các trận đánh phối hợp từ ngày mồng 5/3 đến mồng 8/3. Những ngày đó, chiến trường ác liệt nhất, ngày nào cũng có bộ đội hy sinh, đêm nào đội biệt động thành đi cũng gặp phục kích. Khi phá vỡ được hàng loạt chi khu, phân chi khu tuyến ngoài, có lúc địch vỡ trận tháo chạy, chúng ta đã thuận lợi hơn rất nhiều trong việc mở đường đưa các đơn vị chủ lực vào. Còn những ngày 22, 23, 24 tháng 3 là khoảng thời gian căng thẳng nhất, nhiều đồng đội của ông Ngọc đã hy sinh hoặc bị thương nặng trong thời gian này.
Có những thời điểm, đội của tôi gồm 18 người, khi ăn cơm thường ngồi thành 3 mâm, nhưng sau đêm đi đánh phân chi khu Hương Sơ, 6 người hy sinh được chôn tại cánh đồng. Các đồng đội còn lại quay về, những bữa cơm sau đều không cầm được nước mắt vì đã mất đi trọn vẹn 1 mâm.
Đội biệt động thành của ông Nguyễn Huy Ngọc và các đồng đội đã đóng góp nhiều công sức cho chiến thắng mùa xuân 1975.
Người dẫn đường cho quân giải phóng vào thành Huế
Năm 1983, bộ phim tài liệu “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” của Đài truyền hình NBC (Mỹ) phát sóng tại Mỹ có một cảnh quay ngắn về một thanh niên chạy xe máy, chở một người lính cầm cờ giải phóng, dẫn đầu đoàn quân Cách mạng tiến vào cửa An Hòa vào đúng ngày giải phóng Thành phố Huế 26/3/1975. Người lính đó chính là ông Nguyễn Huy Ngọc, vừa kết thúc trận đánh cuối cùng đêm hôm trước, và trở ra dẫn bộ đội vào thành.
Trưa 25/3/1975, sau những trận đánh quyết định của biệt động thành và các lực lượng chiến đấu, đối phương lần lượt tan rã. Nhận lệnh cấp trên, ông Nguyễn Huy Ngọc quay lại Hương Trà cùng hai cơ sở cách mạng khác dẫn đường đón những đơn vị bộ đội chủ lực tiến quân vào tiếp quản nội đô. Ông chạy chiếc xe honda có gắn lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đi trước dẫn đường. Ông không ngờ, hình ảnh trên được các phóng viên chiến trường ghi lại.

Ông kể lại: “Sau 5 trận đánh, đơn vị tôi vào Huế sớm nhất, từ tối 24/3. Đơn vị tôi khi đó về đóng tại Hương Hồ, tôi được đồng chí Thái Lâm thành đội phó giao nhiệm vụ lấy xe honda để dẫn đường cho bộ đội chủ lực vào thành tiếp quản. Khi đó, tôi đi mượn một chiếc xe honda của dân để vào thành. Tôi biết đi xe honda từ năm 1966”.
Đoạn phim có hình ảnh ông Nguyễn Huy Ngọc dẫn đường đoàn quân Cách mạng vào Thành phố Huế của đài truyền hình NBC (Mỹ).
Đoạn phim có hình ảnh ông Nguyễn Huy Ngọc dẫn đường đoàn quân Cách mạng vào Thành phố Huế của đài truyền hình NBC (Mỹ).
Theo lời người cựu biệt động thành, dọc đường đi, qua chùa Thiên Mụ, qua Văn Thánh, và đặc biệt là ở Kim Long, Hương Long, ông và đồng đội gặp rất nhiều lính ngụy tháo chạy ngoài đường. “Họ thấy tôi mặc trang phục của quân giải phóng liền chạy ra xin hàng. Tôi nói, chúng tôi đang vào thành làm nhiệm vụ và ghi nhận việc đầu hàng của các anh”. Sau đó, ông và các đồng đội vào thẳng Huế, dẫn toàn bộ đội biệt động cánh bắc thành vào Huế và làm chủ hoàn toàn khu vực chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền, các đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Võ Thị Sáu.
Các lực lượng của ta tiến vào nội thành Huế từ nhiều hướng (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Huế cung cấp)
Các lực lượng của ta tiến vào nội thành Huế từ nhiều hướng (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Huế cung cấp)
Những cảm xúc khi biết thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Huy Ngọc. “Chúng tôi giữ chốt ở vị trí hiện nay là Trung tâm văn hóa thông tin, lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng, tôi nghe tiếng súng của quân ta, và sau đó thì nghe tin quân ta đã đánh chiếm Thuận An, và làm chủ hoàn toàn thành phố Huế” – ông Ngọc kể.
Khi đó, ông chợt nhớ tới những ca từ trong bài hát “Ta đã thấy gì trong đêm nay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ba giờ sáng, chúng tôi đang ôm súng ngồi chờ, nghe thấy quân ta đã giải phóng được Thuận An rồi, đúng lúc đó có tiếng gà gáy cất lên, tôi chợt nhớ câu hát ‘Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh’, thật đúng với thời khắc này. Đó là ấn tượng rất mạnh đối với tôi khi Huế hoàn toàn giải phóng”.
Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn
Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên
Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng
Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh.
------------------------------------------
Trích bài hát "Ta đã thấy gì trong đêm nay" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ngày 26/3, ông Nguyễn Huy Ngọc vào tiếp quản quận 1 (khu vực nội thành Huế, trực thuộc Quân khu Trị Thiên). Sau đó, ra tới trường Hàm Nghi, ông gặp một nhóm đông đảo quần chúng gồm cả giáo chức, sinh viên, cư sĩ, nhân sĩ trí thức họp bàn việc thành lập một chính quyền hòa giải để đón quân giải phóng. “Khi thấy tôi vào, họ đứng lên chào, tôi nói bây giờ không thành lập chính quyền hòa giải nữa mà thành lập chính quyền cách mạng quận 1. Tôi là chỉ huy lực lượng quân quản. Mọi người nhất trí bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quân quản quận 1, tôi làm quận ủy viên, cùng một người nữa vốn là cơ sở cách mạng làm thư ký”.
Người dân Huế chào đón Quân Giải phóng Ảnh tư liệu Baothuathienhue
Người dân Huế chào đón Quân Giải phóng Ảnh tư liệu Baothuathienhue
Sáng 27/3, ông Nguyễn Huy Ngọc mặc bộ đồ quân giải phóng, đội mũ gắn cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh ra mắt quần chúng nhân dân. Cảm xúc của ông khi đó là hân hoan, nhưng cũng như đang trải qua một giấc mơ: “Tôi nghĩ mới hôm qua còn mặc đồ cộc đi lội ruộng, trầm bùn, súng đạn giắt đầy người, nay đã giải phóng thành phố. Chiến thắng giống như một giấc mơ, một giấc mơ có sự góp công của cả dân tộc”.
E-Magazine | Nhandan.vn
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN, HỒNG VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN, CÔNG HẬU
Trình bày: VÂN THANH
Ảnh: TUYẾT LOAN, Tư liệu
Ngày xuất bản: 29/4/2025