Người Dao
làm du lịch

Trên bản đồ du lịch Việt Nam, địa danh Sải Duần (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) quá đỗi mới mẻ. Từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), một tổ chức phi chính phủ, “đặc sản” ngâm tắm thuốc nam của người Dao đỏ mới được phát triển thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, cuốn hút du khách đến trải nghiệm.
Cách thành phố Lào Cai chừng 20 km, thôn Sải Duần với hơn 40 nóc nhà của người Dao đỏ, nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Bao đời nay, người Sải Duần sống dựa vào rừng, chủ yếu làm nông. Trưởng thôn là chị Tẩn Sử Mẩy, cho biết: Khoảng 20 - 30 năm lại đây, bà con đã nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng và có ý thức bảo vệ rừng. Người làng đã cùng nhau ký hương ước. Theo đó, họ chỉ lấy từ rừng cành củi khô, rau, quả, măng, lá thuốc... Ai vi phạm quy định sẽ chịu hình phạt lao động công ích một ngày công, phát quang cây cối, nhổ cỏ quét dọn sạch đẹp lối đi trong bản.
Người dân Sải Duần gần như sống tự cung cự cấp. Khi mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ tạo thu nhập bền vững với quản lý bảo vệ rừng được CIRUM hỗ trợ hình thành, đưa vào khai thác từ đầu năm 2019, Sải Duần mới phát triển thêm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Du khách tham quan thôn Sải Duần.
Du khách tham quan thôn Sải Duần.
Ngôi nhà chung của bà con thôn bản
Khi bàn chuyện dựng một ngôi nhà chung của cả bản, bà con Sải Duần không cần nhiều thời gian, thống nhất đó sẽ là một ngôi nhà gỗ truyền thống của dân tộc mình. Ngôi nhà này được dự án của CIRUM tài trợ mua từ một hộ dân trong vùng và người làng góp công dựng lại trên nền sân chơi bóng cũ.
Linh hồn của nhà cộng đồng chính là các thùng ngâm tắm lá thuốc bằng gỗ truyền thống. Hấp dẫn hơn nữa là phòng tắm riêng biệt có cửa kính nhìn ra không gian núi rừng, đem lại cho du khách cảm giác vô cùng thú vị, thư giãn mỗi khi ngâm tắm lá thuốc. Điều hành ngôi nhà là nhóm phụ nữ của thôn được cộng đồng bầu chọn ra. Ngày thường, họ vẫn lên rừng, lên rẫy, trồng cây, chăm nom việc nhà. Mỗi khi có khách, theo lịch trực, họ về nhà cộng đồng phục vụ, chăm sóc du khách. Trực tiếp quản lý nhà công cộng, đồng thời chịu phụ trách chính dịch vụ tắm lá thuốc nam là bà Chảo Cói Mẩy, một bà lang uy tín của làng. Bà được bố mẹ truyền lại các bài thuốc được lấy từ cây củ rễ có trong rừng về để chữa bệnh.
Nhà bà Mẩy hiện không chỉ đang thờ tổ nghề thuốc nam người Dao đỏ, mà còn có một “phòng khám” nhỏ chuyên chăm sóc, chữa bệnh cho bà con trong và vùng lân cận. Bà Chảo Cói Mẩy cũng phụ trách việc pha chế, đun lá thuốc và hướng dẫn du khách ngâm, tắm, gội ở nhà cộng đồng.

Chuẩn bị nước tắm là thuốc cho du khách.
Chuẩn bị nước tắm là thuốc cho du khách.
Bà Mẩy cho biết: Ngâm tắm thuốc nam là văn hóa truyền thống lâu đời của người Dao đỏ. Các loài cây thuốc nam tự nhiên thường được chính bà lên rừng lấy về vì bà biết rõ đâu là cây thuốc, biết rõ chỗ cây thuốc thường mọc. Khi vào rừng lấy lá cây thuốc, bà thắp hương xin phép thần rừng và chỉ lấy đủ dùng. Cây thuốc tự nhiên được pha chế theo luật tục và đun nấu trong nhiều giờ đồng hồ để ra hết các chất thuốc. Khi gội đầu, ngâm tắm trong nước thuốc thơm lừng, nóng ấm, du khách sẽ có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, nhanh chóng tan hết các chứng mỏi mệt, giảm chứng đau mỏi lưng, xương khớp, nhức đầu...
Ngay sau khi tắm lá thuốc, du khách sẽ thưởng thức các bữa cơm truyền thống, mùa nào thức nấy, với các sản vật địa phương như rau rừng xào thịt lợn gác bếp, măng tươi luộc hoặc xào, măng chua nấu canh, cá suối rán...
Các thức ăn này cũng được thu mua trong các hộ dân. Luân phiên, đến lượt nhà nào thì nhà đấy cung cấp. Nhà nào đến lượt mà không có gì để bán thì các hộ nghèo được ưu tiên cung cấp. Giải pháp trên bảo đảm, hộ nào cũng được hưởng lợi từ hoạt động của nhà cộng đồng.
Người dân không chỉ được sở hữu chung sổ đỏ nhà cộng đồng, được hưởng lợi từ việc bán sản vật mà họ còn được hưởng một phần lợi nhuận từ hoạt động của nhà cộng đồng. Lợi nhuận của nhà cộng đồng một phần được dành cho nhà thuốc; một phần trả công cho nhóm người trực tiếp quản lý, vận hành, phục vụ; một phần tạo quỹ, tái đầu tư cho ngôi nhà; một phần dành cho toàn bộ người dân.

Chuẩn bị chỗ ngủ cho du khách lưu trú qua đêm.
Chuẩn bị chỗ ngủ cho du khách lưu trú qua đêm.
Trải nghiệm thú vị
Sau trải nghiệm ngâm tắm lá thuốc, một du khách từ TP Hồ Chí Minh hạnh phúc tràn trề, cho biết: Tháng trước tôi bị dính Covid. Mặc dù so với mọi người tôi ở thể nhẹ nhưng mấy tuần sau tôi vẫn cảm giác chếnh choáng, hay bị hụt hơi, mệt mỏi. Mấy chị em rủ nhau bay ra bắc xả hơi sau mấy năm căng thẳng bó chân trong nhà. Lên Sải Duần hít thở không khí trong lành tôi thấy người sảng khoái, nhẹ nhõm. Nay được tắm lá thuốc của bà con, đầu óc nhẹ bẫng cảm giác như cơ thể được thanh lọc vậy. Tôi sẽ tắm thêm ít nhất một lần nữa trước khi về...
Cô gái tuổi đôi mươi trẻ nhất đoàn thì hồ hởi chia sẻ: Em thích nhất ngôi nhà cộng đồng. Bà con chăm chút sạch sẽ, ấm cúng quá. Mọi thứ được giữ nguyên đúng chất của một ngôi nhà truyền thống. Từng tấm ván tường, từng viên đá kê cột nhà, đoạn tường xây... đều như nói “không” với xi-măng bê-tông cốt thép. Những vật dụng trong nhà cũng rất thú vị, thân thiện với môi trường như ly uống rượu bằng ống tre cắt ngắn, kệ treo quần áo trong nhà tắm là sào tre, giỏ đựng đồ, rổ rá dần sàng đều được bà con đan bằng tre. Thùng chứa rác thải bằng cao-su chế tác hình chiếc bình lớn có nắp và quai xách. Bà con vẫn đun nấu bằng bếp củi có khói ngai ngái thơm thơm. Bước vào nhà của bà con, mùi hương của lá thuốc khiến em thư thái dễ chịu, một cảm giác thật thích...
Từ Hà Nội lên, mẹ con chị Trần Hòa cũng ngay lập tức yêu thích nơi này. Cô con gái nhỏ 6 tuổi đến với Sải Duần ngây thơ hót líu lo: Con thích ở lại đây. Buổi chiều con được ngắm mặt trời lặn sau núi. Buổi tối con còn nghe tiếng ếch nhái, cả tiếng dế kêu nữa. Tối đến lại đuổi bắt những con bướm theo ánh điện bay vào nhà. Sáng sớm, con được đánh thức dậy sớm bởi tiếng gà gáy gần xa. Khi ra sân hóng nắng lên, vài ba con lợn đen nhỏ từ đâu chạy đến tha thẩn dũi đất kiếm ăn. Nó thân thiện với con, nó còn cho con vuốt ve, trò chuyện... Mẹ bé thì cho biết, ngắm nhìn con gái vui chơi thỏa thích giữa không gian ngập tràn sắc màu hoa lá, thoáng đãng, tôi cũng thấy vui lây.
Màn hóa thân vào vai người Dao đỏ trong trang phục truyền thống để lưu lại những khoảnh khắc cũng được nhiều người tham gia. Những người phụ nữ Dao đỏ đến nay vẫn giữ được tập quán tự tay may vá, thêu thùa váy áo cho bản thân và chồng con. Những họa tiết tinh tế được thêu tay bằng chỉ mầu cầu kỳ tỉ mỉ, người phụ nữ Dao mất hàng năm trời, đính thêm các trang sức bằng bạc trắng có giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng, mà cũng chẳng mấy ai mặn mà chuyện bán...

Nhà cộng đồng Sải Duần được xây dựng với sự hỗ trợ CIRUM.
Nhà cộng đồng Sải Duần được xây dựng với sự hỗ trợ CIRUM.
Kỳ vọng
Tin vào sự hiệu nghiệm, tốt cho sức khỏe của việc tắm thuốc người Dao đỏ, chị Phương Nhi (Thanh Xuân, Hà Nội) chọn tắm hai lần trong chuyến đi đến Sải Duần. Chị cũng tin tưởng để bà Chảo Cói Mẩy điều trị chứng đau lưng theo phương pháp truyền thống của người Dao đỏ. Chị cho biết, sẽ tiếp tục rủ nhiều bạn bè đến Sải Duần trải nghiệm, lan tỏa sức hấp dẫn của địa điểm du lịch mới. Trưởng thôn Tẩn Sử Mẩy chia sẻ: Năm đầu đi vào hoạt động, lượng khách đến với Sải Duẩn khá đông. Phần lớn khách từ thành phố Lào Cai đến trải nghiệm tắm lá thuốc và thưởng thức ẩm thực rồi về trong ngày. Rồi lác đác có các đoàn du khách đến từ Hà Nội và các địa phương khác tìm đến Sải Duần. Họ thường lưu trú qua một đêm. Khách nước ngoài thường lưu lại lâu hơn, hào hứng tham gia một số hoạt động như đi bộ trong rừng, theo bà con đi hái thuốc nam, lên nương cuốc đất, gieo ngô vãi hạt rau, thậm chí, nhiều du khách còn cao hứng tham gia biểu diễn văn nghệ cùng bà con... Tuy nhiên, vài năm lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách đến Sải Duần thưa vắng hẳn. Những người trực tiếp vận hành nhà cộng đồng kỳ vọng sau những nỗ lực quảng bá, mô hình tắm lá thuốc Dao đỏ ở Sải Duần sẽ được du khách biết và đến trải nghiệm nhiều hơn, đời sống bà con no ấm hơn, yên tâm sinh sống nương tựa và giữ cho rừng luôn giàu...

Du khách hóa thân thành người phụ nữ dân tộc Dao đỏ.
Du khách hóa thân thành người phụ nữ dân tộc Dao đỏ.
Đại diện CIRUM thì cho rằng, sự ra đời của dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ không chỉ phát triển tiềm năng sử dụng thuốc nam của người Dao đỏ ở thôn Sải Duần, mà còn là một sự khởi đầu rất thuyết phục và đầy ấn tượng cho nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương về định hướng phát triển các dịch vụ có thu nhập gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. Đó cũng là một cách hiệu quả để giữ gìn và phát huy đặc sắc của văn hóa bản địa trong cuộc sống hiện đại.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Bình Nhi-Đức Tâm-Trần Gia-Trần Vũ-Hiền Tâm
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Đức Tâm, Hữu Vinh, nguồn internet