Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về ngày điều khiển đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Nguyễn Hải Sản - một trong những người lái chính trên chuyến tàu lịch sử ấy. “Thời đó, đã là lái tàu là lên đường. Ai cũng dốc hết lòng vì đất nước, không nề gian khó, chẳng tính thiệt hơn”, ông bồi hồi nhớ lại.

HỒI ỨC NGƯỜI “CẦM LÁI”

Ông Nguyễn Hải Sản đến với nghề một cách tình cờ. Năm 1969, khi còn là học sinh cấp ba, ông đăng ký dự tuyển vào ngành đường sắt - khi ngành này đang tìm kiếm những thanh niên khỏe mạnh, có đủ tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính lực để đào tạo lái tàu. Quê ở Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Tây), chàng trai trẻ mang theo tinh thần xông xáo của tuổi mười tám đôi mươi bước vào lớp đào tạo lái đầu máy diesel, nơi thầy chủ yếu truyền nghề bằng kinh nghiệm, giáo trình bài bản gần như chưa có.

Làm bạn với đầu máy, một thế giới kỳ lạ mở ra trước mắt. Càng học càng mê, càng hiểu càng say nghề. Học viên Nguyễn Hải Sản dần nhận ra rằng điều khiển cả một đoàn tàu, chở theo hàng trăm sinh mạng, là trọng trách lớn lao - chỉ một phút sơ suất có thể để lại hậu quả khôn lường. Những ngày học lý thuyết ở Hà Nội đã gian khổ, thời gian sơ tán về Hà Bắc, Thanh Hóa lại càng thiếu thốn. Để nắm vững nghề, học viên phải bám xưởng như công nhân thực thụ, học cơ khí, học cách “bắt bệnh” cho đầu máy, học sửa chữa để nếu tàu hỏng giữa đường còn biết xoay xở. Cần mẫn, thông minh, lại được nhiều anh em đi trước chỉ bảo, tay nghề ông Sản ngày càng vững vàng.

Những năm đánh Mỹ, mặt trận giao thông vận tải là tuyến lửa khốc liệt. Tàu chạy trên đường ray cố định, trong khi máy bay địch rình rập trên đầu. Nhiều học viên và công nhân đã hy sinh. Riêng lớp của ông Sản, hai người bạn thân đã mãi mãi nằm lại. Một người bị bom bi trúng khi vừa chui xuống hầm, một người bị tróc cả da đầu vì trúng bom, hy sinh. “Nỗi đau ấy không bao giờ quên được”, ông nói, mắt rưng rưng.

Đầu năm 1973, sau khi tốt nghiệp, ông được phân về Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Ba năm sau, từ phụ lái, ông chính thức trở thành lái chính sau khi hoàn thành đủ số km an toàn và vượt qua các kỳ sát hạch. Chuyến tàu đầu tiên do ông điều khiển là tàu H63 tuyến Hà Nội-Hải Phòng. Tàu về ga an toàn và đúng giờ, ông mừng rơi nước mắt. Nghề lái tàu đã rèn cho ông đức tính kỷ luật, chỉn chu, cần kiệm và sáng tạo. Với ông, đầu máy tốt thì nhiên liệu tiết kiệm, hành khách an toàn, mà lái tàu thì cũng “đỡ khổ”.

Đến giờ, ông vẫn nhớ rành rọt từng mác tàu, giờ tàu, tên các ga dọc các tuyến đường sắt. Trưa 30/4/1975, khi đang ở ga Hải Phòng chuẩn bị lái tàu về Hà Nội, nghe tin chiến thắng, ông phấn khích leo lên đầu máy, kéo hồi còi dài mừng đất nước thống nhất. Sân ga rộn ràng tiếng reo hò. Bao năm mong mỏi, giờ ước nguyện đã thành sự thật.

Binh đoàn Trường Sơn tham gia lắp đặt đường sắt Thống Nhất (tháng 9/1976). Ảnh tư liệu

Binh đoàn Trường Sơn tham gia lắp đặt đường sắt Thống Nhất (tháng 9/1976). Ảnh tư liệu

CHUYẾN TÀU THỐNG NHẤT

Sau ngày đất nước hòa bình, nhu cầu kết nối bắc-nam trở nên cấp bách. Đường sắt xuyên Việt cần được khôi phục khẩn cấp. Nhưng chiến tranh để lại những tàn phá nặng nề: Hơn 300km nền đường bị xóa sổ, cầu cống hư hại, bom mìn còn sót lại, tín hiệu liên lạc tê liệt. Hàng vạn người đã cùng nhau viết nên kỳ tích: Khôi phục và xây mới hàng chục nghìn mét cầu, hàng trăm cống, đặt 660km đường ray, sửa hầm, đào đắp gần 3 triệu m³ đất, làm hơn 1 triệu thanh tà vẹt… Tất cả trong một công trường dài hơn 1.000km xuyên suốt đất nước.

Không khí thi đua sôi sục. “Lao động cộng sản” là phương châm, là niềm kiêu hãnh. Cầu Thọ Tường bắc qua sông La là công trình phức tạp nhất - trụ số 3 bị bom đánh sập, đội công nhân phải treo mình trên dầm cầu ngày đêm trong giá rét để hoàn thành trước mùa lũ. Ngày 4/12/1976, mối ray cuối cùng đoạn Minh Cầm-Chu Lễ được nối, sẵn sàng cho ngày đoàn tàu Thống Nhất chính thức lăn bánh.

Vinh dự lớn lao đến với tổ lái Lê Duy Thiết, Nguyễn Hải Sản và Hồ Văn Hiệp khi được phân công lái chặng cuối chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên từ ga Vinh ra Hà Nội. Dù là tuyến quen thuộc, nhưng ý nghĩa đặc biệt khiến ai nấy đều hồi hộp. Vinh dự ấy đi cùng trách nhiệm, cả tổ quyết tâm dồn hết tâm sức.

Từ hai hôm trước, tổ lái có mặt tại ga Vinh để chuẩn bị chu đáo. Đầu máy được bảo dưỡng kỹ lưỡng, kiểm tra từng chi tiết. Hơn 2 giờ sáng ngày 13/12/1976, đoàn tàu chở đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh ra dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV rời ga. Hành trình hơn 300km kéo dài 8 giờ thức trắng, trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, các ga chỉ có đèn dầu tín hiệu, đường tối, tầm nhìn kém. Cả tổ phải căng mắt, căng sức điều khiển và xử lý tình huống.

Tàu đến đâu, bà con nô nức chào đón. Các ga được trang hoàng sạch đẹp. Không khí rộn ràng như ngày hội.
Lái phụ Hồ Văn Hiệp kể.

Khoảng 10 giờ sáng, tàu về tới ga Giáp Bát, lái tàu tranh thủ nghỉ ngơi, chờ hiệu lệnh. Hơn 12 giờ, đoàn tàu tiến về ga Hà Nội giữa tiếng reo hò rợp trời. Người dân hai bên đường vẫy chào đoàn tàu mang tên Thống Nhất - biểu tượng của một Việt Nam không còn chia cắt.

Tại ga Hà Nội, Tổng cục Đường sắt tổ chức lễ đón long trọng. Sân ga rực rỡ cờ hoa, đông nghịt người. Đúng 12 giờ 30 phút, đầu máy diesel số 007 kéo 7 toa (gồm 1 toa chở hàng và 6 toa khách) tiến vào sân ga giữa tiếng còi vang, pháo nổ giòn giã. Bộ trưởng Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ cùng lãnh đạo các ngành lên đầu máy bắt tay, tặng hoa chúc mừng tổ lái đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, mang niềm vui, nghĩa tình sâu đậm từ phương nam về Thủ đô.

Chuyến tàu Thống nhất đầu tiên đến ga Hà Nội nối liền Nam-Bắc. Ảnh tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Chuyến tàu Thống nhất đầu tiên đến ga Hà Nội nối liền Nam-Bắc. Ảnh tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

TRE GIÀ MĂNG MỌC

Sau ngày đất nước thống nhất, những chuyến tàu bắc-nam nối liền hai miền không còn tiếng bom rơi, đạn lạc. Tuổi cao, đã rời xa đầu máy từ lâu, nhưng trong ông Nguyễn Hải Sản, ngọn lửa nghề vẫn chưa bao giờ tắt. Những hồi còi tàu năm nào vẫn vang vọng trong tâm trí ông như lời hiệu triệu của một thời gian khó mà quật cường, đầy gian lao nhưng cũng lấp lánh tự hào. Với ông, được là người “cầm lái” trong thời khắc thiêng liêng ấy không chỉ là vinh dự nghề nghiệp mà còn là một phần ký ức không thể thay thế trong hành trình dựng xây đất nước.

“Tre già, măng mọc”, ông nhẹ nhàng nói, ánh mắt xa xăm như nhìn về những con tàu tương lai. Thế hệ ông đã hoàn thành sứ mệnh với tất cả sự tận tụy và lòng yêu nước cháy bỏng. Giờ đây, ông đặt niềm tin vào lớp người sau - những người sẽ điều khiển những đoàn tàu cao tốc vươn dài theo hình chữ S, góp phần đưa đất nước đến những chân trời mới trong kỷ nguyên hiện đại.

Tâm nguyện của ông Sản cũng là ước vọng của biết bao người gắn bó cả đời mình với đường ray, nhà ga: Rằng ngành đường sắt - biểu tượng của kết nối và trường tồn - sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, xứng tầm là động mạch của một Việt Nam hiện đại, hội nhập và hùng cường. Bởi mỗi chuyến tàu đi qua không chỉ chở hành khách, hàng hóa mà còn chuyên chở khát vọng, ký ức và tình yêu đất nước, trải dài theo chiều dài non sông.

Ông Nguyễn Hải Sản (thứ 2 từ trái qua) trò chuyện với đồng nghiệp.

Ông Nguyễn Hải Sản (thứ 2 từ trái qua) trò chuyện với đồng nghiệp.

Nội dung: Gia Khánh
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: Nhân Dân