Tạo đột phá từ nguồn lực con người

Chăm lo cho trẻ em là một nội dung trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Chăm lo cho trẻ em là một nội dung trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn lực con người là tài sản vô giá, kết quả của quá trình nuôi dưỡng, đào tạo, rèn luyện công phu. Có khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người mới có “vốn liếng” làm nên sức mạnh cộng đồng. Muốn phát huy nguồn lực ấy, rất cần môi trường bình đẳng, thuận lợi để ai cũng sẵn sàng cống hiến tài năng cho đất nước. Nhiều nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta xác định một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong khó khăn, điều ấy càng trở nên cấp thiết.


“Vốn liếng” để làm nên sức mạnh

Hai năm nay, cả đất nước như trong một trận ốm dai dẳng vì đại dịch Covid-19. Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp dân, chủ động, linh hoạt các giải pháp để vực dậy, hồi phục, duy trì sản xuất kinh doanh cũng như mọi hoạt động xã hội theo phương châm thích ứng an toàn trong bình thường mới. Giữa hàng trăm việc cần làm, thì việc đầu tiên là phát huy nguồn lực con người.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

"Từ xa xưa, cha ông ta đã luôn coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ngay sau khi cách mạng giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng trên báo Cứu Quốc. Người cho rằng, “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”; “trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".

Nhiều chủ trương, chính sách kêu gọi người tài đức, huy động nguồn lực con người vừa mang tính nhân văn, vừa là kế sách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được ban hành. Vấn đề là ở nơi thực hiện, nhất là trong những điều kiện mới, hồi phục, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Nhân viên ngành Điện lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở nơi đảo xa. Ảnh: NGUYỄN NGỌC TUẤN

Nhân viên ngành Điện lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở nơi đảo xa. Ảnh: NGUYỄN NGỌC TUẤN

Nâng cao chất lượng nguồn lực con người là đột phá chiến lược và cũng là công việc thường xuyên, lâu dài; đồng thời để phát huy nguồn lực ấy lại rất cần những cơ chế chính sách phù hợp điều kiện, hoàn cảnh từng nơi, từng lĩnh vực, từng giai đoạn cụ thể. Vì thế, việc khơi dậy nguồn lực con người trong bối cảnh hiện nay phải kết hợp hài hòa giữa tạo dựng kế hoạch phục vụ công cuộc đổi mới đất nước mang tầm nhìn lâu dài gắn với xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và mọi người dân, vừa chủ động phòng, chống dịch vừa tích cực đóng góp công sức phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Đại dịch Covid-19 hiện đã làm cho hơn 1,6 triệu người nhiễm, hơn 31 nghìn người tử vong và gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn hàng loạt vấn đề xã hội phức tạp, như tâm lý, tình cảm, sức khỏe,… liên quan từng người, từng gia đình. Thiết nghĩ, để khơi dậy nguồn lực con người, việc quan trọng hàng đầu là chăm lo, thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn-động lực phát triển kinh tế của vùng mà cũng là tâm dịch phức tạp. Bằng ngân sách, bằng các nguồn huy động xã hội để chăm lo cho người dân bảo đảm có cuộc sống ổn định cả về vật chất cũng như tinh thần. Có thể coi đây là tiền đề khơi dậy nguồn lực con người hiện nay.

Để giải bài toán thiếu hụt trầm trọng nguồn lực lao động do người dân về quê tránh dịch, nay không trở lại, từng địa phương, doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước nên cải tiến chế độ tiền lương, nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, làm việc, các chế độ khác, thu hút người lao động.

Thực hiện tốt việc liên kết vùng, nội vùng, các ngành, thúc đẩy tham gia các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra các không gian phát triển mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết hợp cùng với rà soát, huy động, phân bổ, cân đối các nguồn lực lao động sẽ là phương thức hữu hiệu cho những nơi còn thiếu hụt.

Đại hội XIII rất coi trọng việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mỗi con người Việt Nam; phát huy cao nhất nhân tố con người.

Mới đây, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14, nhằm khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng trong sử dụng nguồn lực con người, nhất là đối với cán bộ có tư duy đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn, thách thức đang đặt ra không chỉ do dịch bệnh mà còn cả những vấn đề nảy sinh trên tiến trình đổi mới đất nước.

Đi liền với đó, cần phải có chế tài xử lý nghiêm những hành vi cản trở, kìm hãm sự sáng tạo, đổi mới vì lợi ích chung, đặc biệt là các hiện tượng tiêu cực, như chạy chức, chạy quyền, “bôi trơn”, chạy dự án, xin cho; kiên quyết miễn nhiệm, cho từ chức đối với cán bộ phạm vào những điều nêu trong Quy định số 41 của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 3/11/2021, mà không đợi đến hết tuổi công tác hay hết nhiệm kỳ. Phải coi đây là giải pháp mạnh để xây dựng môi trường bình đẳng, tạo động lực cho người có đức, có tài phấn đấu và cống hiến; loại bỏ những phần tử chỉ quen chạy chọt để hưởng lợi cá nhân.

Phải biết sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc để “tài nhỏ có thể hóa ra tài to” như Bác Hồ đã nói. Làm được điều đó, nguồn lực con người sẽ luôn luôn được phát huy.

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Đại diện Nền tảng akaBot của Tập đoàn FPT nhận Giải nhất Sản phẩm số-Giải thưởng Make in Vietnam 2020. Ảnh: FPT cung cấp.

Đại diện Nền tảng akaBot của Tập đoàn FPT nhận Giải nhất Sản phẩm số-Giải thưởng Make in Vietnam 2020. Ảnh: FPT cung cấp.

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, được thông xe hồi tháng 3/2021. Ảnh: ĐỨC HÙNG

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, được thông xe hồi tháng 3/2021. Ảnh: ĐỨC HÙNG

Item 1 of 3

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Đại diện Nền tảng akaBot của Tập đoàn FPT nhận Giải nhất Sản phẩm số-Giải thưởng Make in Vietnam 2020. Ảnh: FPT cung cấp.

Đại diện Nền tảng akaBot của Tập đoàn FPT nhận Giải nhất Sản phẩm số-Giải thưởng Make in Vietnam 2020. Ảnh: FPT cung cấp.

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, được thông xe hồi tháng 3/2021. Ảnh: ĐỨC HÙNG

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, được thông xe hồi tháng 3/2021. Ảnh: ĐỨC HÙNG

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì trước hết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục và đào tạo ở các cấp. Hệ thống dạy nghề cũng cần điều chỉnh phù hợp nhu cầu của thị trường lao động. Quan trọng nhất là để có thể phát triển được chất lượng nguồn nhân lực thì nền kinh tế cũng phải tạo được đủ việc làm có kỹ năng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện nhằm thúc đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, vì đây chính là khu vực tạo việc làm phi nông nghiệp chủ yếu của nền kinh tế.  Nhà nước cần tạo cơ chế và chính sách bảo đảm sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau, hạn chế độc quyền và bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực về vốn và đất đai. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có các chính sách để đối phó vấn đề mất cân bằng giới tính và già hóa dân số trong tương lai.
TS Nguyễn Việt Cường, giảng viên trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Mekong.

“Xé rào” để phát triển

Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, đời sống kinh tế của nhân dân Long An sa sút nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, Tỉnh ủy Long An đã nhìn ra nguyên nhân và có những bước đi đột phá vào cơ chế giá bao cấp nhằm ổn định giá cả thị trường, cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Thực tế ấy đã góp phần tạo cơ sở thực tiễn để Trung ương đúc kết thành lý luận đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và phân phối lưu thông về sau.

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế-xã hội ở Long An nói riêng và cả nước nói chung sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân lớn là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài không còn phù hợp. Tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, cản trở lưu thông hàng hóa gây nhiều bất an, vướng mắc trong xã hội.

Điều này làm cho đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)-Bí thư Tỉnh ủy Long An lúc bấy giờ rất trăn trở. Tìm hiểu thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Chính thấy rõ: Do quan hệ cung cấp, mua bán theo cơ chế tem phiếu của Nhà nước có mâu thuẫn với mua bán tự do bên ngoài, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều giá và hình thành hai loại thị trường: Thị trường chợ đen phát triển mạnh, thu hút ngày càng lớn lượng hàng hóa và khách hàng; thị trường giá Nhà nước (giá cung cấp) ngày càng thu hẹp, Nhà nước không chủ động được tiền-hàng, bộ máy công chức phát sinh tiêu cực, tiền mặt tồn đọng trong dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính (người thứ ba, bên phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh và huyện dự khánh thành cầu treo ở huyện Tân Trụ năm 1980. Ảnh: TƯ LIỆU

Đồng chí Nguyễn Văn Chính (người thứ ba, bên phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh và huyện dự khánh thành cầu treo ở huyện Tân Trụ năm 1980. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhận thức được điểm mấu chốt để giải quyết khó khăn, bế tắc về phân phối lưu thông là sự bất hợp lý về giá cả, từ năm 1977, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An đã giao cho ngành thương nghiệp quốc doanh thu mua một số mặt hàng nông sản phẩm giá cao (xấp xỉ giá thị trường) bán cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở TP Hồ Chí Minh đổi lấy hàng công nghệ đưa về Long An. Nhưng, giải pháp này ngay sau đó không được cấp trên cho phép tiếp tục thực hiện.

Dù vậy, ý tưởng thực hiện “cơ chế một giá” vẫn được Đảng bộ Long An theo đuổi. Đến khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 khóa IV với chủ trương “bung ra”, “cởi trói cho sản xuất kinh doanh” được ban hành (tháng 9/1979), Long An thấy thời cơ để thực hiện ý tưởng đã đến. Rút kinh nghiệm năm 1977, Tỉnh ủy Long An đã vạch ra một chương trình rất cẩn thận cho lộ trình mới để xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Trung ương, sau đó báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư Lê Duẩn và được chấp thuận cho làm thí điểm.

Thanh Long hiện là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Long An. Ảnh: CTV

Thanh Long hiện là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Long An. Ảnh: CTV

Bằng tư duy lãnh đạo nhạy bén, bám sát thực tiễn, nêu cao trách nhiệm trước dân, giữ vững tính Đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Chính đã cùng tập thể Tỉnh ủy và UBND tỉnh tạo ra bước đột phá hiệu quả từ khâu giá-lương-tiền, cải tiến phân phối lưu thông, đưa đến đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới tư duy và hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta.
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An.

Ngày 27/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định về biện pháp thực hiện chủ trương thu mua nông sản, lương thực, thực phẩm; tiến hành thử việc mua nông sản thực phẩm và bán hàng tiêu dùng theo sát giá thị trường. Long An bắt đầu tiến hành thử nghiệm phương thức mới: Xóa bỏ cơ chế nhiều giá, thực hiện cơ chế một giá. Sau hai tháng thực hiện, chủ trương của Tỉnh ủy được nhân dân và cán bộ hồ hởi đón nhận, đời sống xã hội có sự thay đổi tích cực.

Được Trung ương khuyến khích, ngày 20/8/1980, Long An chính thức thực hiện Đề án cải tiến phân phối lưu thông. Chỉ sau bốn tháng áp dụng, trong vụ hè-thu 1980, tỉnh đã thu mua được hơn 25.000 tấn thóc (gấp 2,5 lần năm 1979), nông sản thực phẩm mua được gấp năm lần năm 1979. Nếu như tỷ lệ so sánh giữa hàng nông sản của Nhà nước so với thị trường tự do ở thời điểm năm 1980 là 34/66 thì đến năm 1981 đã tăng lên 55/45, năm 1982 đạt 56/44 và năm 1983 đạt 59/41. Mặt khác, chỉ sau hai tháng bù giá vào lương, cuối năm 1980 đã có hơn 300 công nhân từng xin nghỉ việc đã quay trở lại làm việc. Người lao động được bù giá, có tiền mặt trong tay đã chủ động hơn trong cuộc sống, có thể mua bán theo nhu cầu riêng, không còn phải lo tích trữ hàng.

Dây chuyền chế biến thịt ếch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tại Công ty TNHH Tân Thành Lợi, tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN

Dây chuyền chế biến thịt ếch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tại Công ty TNHH Tân Thành Lợi, tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN

Nhờ vậy, mua và bán đều vượt kế hoạch: lương thực giao nộp Trung ương năm 1983 đạt 126% kế hoạch, bằng 88% tổng số thu mua và xấp xỉ mức giao nộp cả bốn năm (từ năm 1976 đến năm 1980 cộng lại). Lợi nhuận thương nghiệp tăng vọt: từ 2,4 triệu đồng (năm 1980) tăng lên 16 triệu đồng (năm 1981), 26 triệu đồng (năm 1982) và 52 triệu đồng (năm 1983). Đồng thời, việc bù giá lương thực từ 1981 đã làm dôi ra trung bình gần 1.000 tấn gạo/năm, tổng thu ngân sách địa phương năm 1983 tăng gấp 15 lần năm 1980. Thực tế đó cho thấy việc bù giá đã mang lại nhiều kết quả thiết thực: bảo đảm cho mức thu nhập thực tế và mức tiêu dùng của dân cư ổn định, xóa bỏ được tem phiếu, giảm phần lớn chi phí về thủ tục…

Từ đó đến nay, trong suốt quá trình đổi mới cùng đất nước, Long An vẫn tiếp tục phát huy truyền thống và vận dụng kinh nghiệm bám sát thực tiễn để tìm ra những biện pháp khắc phục khó khăn tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của địa phương. Điều đó một lần nữa được minh chứng bằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả của Long An thời gian vừa qua.

Cuộc đấu tranh để vận dụng cơ chế một giá ngay trong nội bộ và trên địa bàn tỉnh có lúc gay gắt, nhưng thực tế cho thấy khi thực hiện, Nhà nước ngày càng nắm được tiền hàng, ổn định được tài chính, giải phóng được lực lượng sản xuất, đời sống của cán bộ và nhân dân được bảo đảm ổn định, cải thiện và phát triển; kinh tế-xã hội ở địa phương phục hồi, tăng trưởng rõ rệt.
Ông Phạm Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An.

Chính sự chủ động, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương, Long An không những giữ chân được doanh nghiệp mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Từ ngày 1/10 đến cuối năm 2021, Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án mới vào các khu công nghiệp, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong năm 2021 khi thu hút được 42 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 3 tỷ USD.

Cảng quốc tế Long An, động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ảnh: CTV

Cảng quốc tế Long An, động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ảnh: CTV


Chiến lược tận dụng “kỷ nguyên vàng” của dân số

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng (cứ hai người tuổi lao động có ≤ một phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Các nhà nhân khẩu học tính toán, thời kỳ dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài khoảng gần 20 năm nữa, vì vậy đòi hỏi cần có chiến lược nhằm tận dụng tối đa và kịp thời “kỷ nguyên vàng” này để bứt phá, phát triển.

Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên hợp quốc dự báo, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039. Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011-2036, đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa nước ta vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Theo các chuyên gia, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đã và đang tạo ra nguy cơ đưa nước ta rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”, nếu chúng ta không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng, tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng.

Chính lực lượng lao động sung sức tạo ra của cải vật chất dồi dào, là bệ phóng quan trọng giúp nhiều quốc gia vươn lên thịnh vượng. Ảnh: Phạm Thanh Tùng

Chế biến tôm xuất khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản BNA Ba Chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tập trung cao độ. Ảnh: NGUYỄN TUẤN KHANH

Chính lực lượng lao động sung sức tạo ra của cải vật chất dồi dào, là bệ phóng quan trọng giúp nhiều quốc gia vươn lên thịnh vượng. Ảnh: Phạm Thanh Tùng

Chế biến tôm xuất khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản BNA Ba Chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tập trung cao độ. Ảnh: NGUYỄN TUẤN KHANH

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, nhìn vào thực tế, mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề. Trong 55 triệu lao động, chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên, nhưng làm những công việc đòi hỏi vị trí việc làm ở trình độ cao đẳng trở xuống lại tăng nhanh; trong 10 năm qua, tỷ lệ này tăng từ 2% lên đến 25%.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta vẫn còn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hơn hai thập niên vừa qua. Chúng ta sẽ “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, nếu không tăng tốc đầu tư vào nguồn vốn con người và phát triển nhân lực có kỹ năng.

Chính vì vậy, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài một, hai năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới một năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Về trung và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo song song với việc tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư và thích ứng bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới.

Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác công-tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Già hóa dân số vừa là cơ hội vừa là thách thức. Để thích ứng tốt và tận dụng được lợi thế của già hóa dân số, ngay từ bây giờ với dân số trẻ buộc phải cải thiện các vấn đề liên quan như trình độ học vấn để có công ăn việc làm tốt hơn, chuẩn bị tốt để khi bước vào già hóa, họ có nguồn kinh tế, sức khỏe để quay trở lại đóng góp cho chính bản thân họ, cho gia đình, xã hội.
PGS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, được coi là cơ hội để có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010-2020. Tuy nhiên, mức sinh ở một số khu vực giảm xuống khiến tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đang đặt ra nhiều thách thức. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, là đầu tàu kinh tế của cả nước, song thành phố là địa phương có mức sinh thấp nhất nước, ở mức 1,53 con/phụ nữ (năm 2020).

Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của TP Hồ Chí Minh là 49,4%, cao hơn so số liệu của cả nước (48,8%).
ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh.

Do mức sinh thấp gây ra, theo ông Trung, bất lợi đầu tiên là sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe… Mặt khác, là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Điều đáng nói, Việt Nam đang đứng trước thực trạng mức sinh khác biệt đáng kể giữa các vùng, miền. Càng khu vực khó khăn, mức sinh càng cao, có nơi rất cao. Tại các đô thị, kinh tế-xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi rất thấp.

Mức sinh giữa các vùng, đối tượng đang chênh lệch khá lớn. Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (tổng tỷ suất sinh-TFR ở mức dưới 2 con/phụ nữ), tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung. Đáng lưu ý, 20 năm qua, Đông Nam Bộ là vùng có TFR thấp nhất, luôn dưới mức sinh thay thế, như năm 2020 là 1,62 con/phụ nữ.

Số liệu của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh: UNICEF Vietnam

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ngày xuất bản: 01/01/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: BẮC VĂN, SĨ ĐẠI, NGÔ PHƯƠNG THẢO, TRẦN TRUNG HIẾU, MẠNH HẢO, VĨNH ĐĂNG
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG