Nguy cơ gây mất an toàn
nguồn nước

Nước là vấn đề thiết yếu của cuộc sống gắn liền với sự an toàn của cộng đồng, an ninh quốc gia. Việc khai thác, xử lý, cung cấp và tiêu thụ nước phải được tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngay từ nguồn nước đã ẩn chứa nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Vi phạm tràn lan

Người dân Thủ đô, đặc biệt là những hộ dân sống ở khu vực tây nam Hà Nội chắc hẳn đều chưa thể quên sự cố bị cắt nước sinh hoạt suốt một tuần lễ hồi tháng 10 năm 2019. Có tới 250 nghìn hộ dân sống trong điêu đứng khi phải xếp hàng xuyên ngày đêm để lấy nước từ xe téc như thời bao cấp. Nỗi khổ này có nguồn cơn từ một hành động ngang ngược và không thể vô lý hơn: một nhóm người đã đổ trộm dầu thải xuống đoạn suối đầu nguồn nước ở Hòa Bình. Theo dòng chảy tự nhiên, nước suối nhiễm dầu thải đổ về hồ Đầm Bài, chính là nơi trữ nước đầu nguồn của Nhà máy nước Sông Đà, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Sự cố ô nhiễm nguồn nước này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động Nhà máy nước Sông Đà và năm đơn vị cấp nước sạch tiếp nhận nước truyền tải từ đơn vị này.
Nếu sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nói trên là do sự phá hoại của con người thì ở nhiều khu vực trong cả nước, an ninh nguồn nước đang bị chi phối với nhiều yếu tố khách quan. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguồn nước phục vụ cấp nước được lấy từ nước mặt, nước ngầm và nước mưa. Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn, không phải bất kỳ khu vực nào cũng có thể sử dụng nước mặt. Các tỉnh gần biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang thường sử dụng nước ngầm, kết hợp lấy nước từ sông ở khu vực trên đất liền. Song càng ngày nước ngầm nông ở các vùng ven biển càng trở nên mặn hơn. Hơn nữa, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức, đã và đang gây lún, sụt và ô nhiễm các tầng nước...

Trong khi đó, các tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang thì chủ yếu sử dụng nước mặt. Theo kịch bản BĐKH, xâm nhập mặn có thể 60 - 70km trên sông Tiền và 45 - 50km trên sông Hậu, với độ mặn 4-12g/l, nguồn nước mặt bị ảnh hưởng sâu sắc là điều khó tránh. Việc cung cấp nước sạch cho vùng ĐBSCL chính vì thế đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Hiện khu vực này có khoảng trên dưới 400 nhà máy, trạm cấp nước hoạt động với tổng công suất chỉ đạt 1,1 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng rất cao. TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định: ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của toàn vùng.

Tỉnh Cà Mau cũng đang đối diện với khó khăn về nguồn nước sạch. Đại diện Sở Xây dựng Cà Mau cho biết: Nguồn nước cấp cho sinh hoạt ở tỉnh Cà Mau sử dụng 100% từ nguồn nước ngầm. Nhu cầu khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng cao, trung bình khoảng 230.000m³/ngày đêm. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm khiến cho tình trạng sụt lún, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn tài nguyên nước ngầm càng nghiêm trọng hơn.
Kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ giai đoạn 1, do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện cho thấy sự sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau trong vòng 15 năm qua từ 30cm đến 70cm, bình quân khoảng 1,9cm - 2,8cm/năm. Nếu tiếp tục tình trạng khai thác nước ngầm như hiện tại thì trong vòng 25 năm tới, dự báo sụt lún sẽ lên đến 90cm. Cùng với việc nước biển dâng do ảnh hưởng của BĐKH, một diện tích lớn bị ngập do sụt lún càng khiến cho địa hình tỉnh Cà Mau vốn đã thấp ngày càng thấp thêm.

Tuy nhiên, khai thác nước ngầm tràn lan không chỉ diễn ra ở ĐBSCL. Theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên&Môi trường), tình trạng này phổ biến ở hầu hết đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. TP Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình là 4 cm/năm, cá biệt có nơi đến 6,7 cm/năm. Có nhiều nguyên nhân gây sụt lún ở TP Hồ Chí Minh như xây dựng công trình trên nền đất yếu, lưu lượng giao thông lớn, trong đó có nguyên nhân chính là việc lạm dụng khai thác nước ngầm.

Tại Tây Nguyên, vùng sản xuất cà-phê chủ lực của cả nước, nhiều năm qua, rừng bị tàn phá nặng nề, cộng với sự BĐKH, mùa khô kéo dài đã làm cho nạn hạn hán trở nên trầm trọng hơn. Khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước, người dân tận lực khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà-phê, hoa màu, khiến mực nước ngầm ngày càng cạn kiệt, gây khó khăn cho sản xuất tại các vùng hạ lưu.
Các chuyên gia cho rằng việc khai thác nước ngầm quá mức, không có quy hoạch chính là tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn tài nguyên nước và có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, an ninh nguồn nước...

Nhà máy nước Bắc Thăng Long-Vân Trì thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội. Ảnh: Hải.N

Nhà máy nước Bắc Thăng Long-Vân Trì thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội. Ảnh: Hải.N

Cần chế tài đủ mạnh

Trước thực trạng vi phạm tràn lan và ngang nhiên như trên đã nêu, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ nguồn nước, phục vụ cấp nước an toàn?

TS Trần Anh Tuấn cho biết: Các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước được điều tiết chung bởi Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi và Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Trước đòi hỏi từ thực tế cuộc sống, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu soạn thảo Luật Cấp thoát nước. Theo đó, cấp nước là loại hình kinh doanh có điều kiện, bảo đảm cấp nước an toàn, các điều khoản cũng quy định cụ thể về an ninh nguồn nước, vấn đề thích ứng với BĐKH, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước... Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Theo đó, UBND cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn. Đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác; thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời. Đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, cơ quan chức năng về vấn đề xử lý, bảo đảm chất lượng nước khi đưa vào sử dụng.
Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh: Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước, quản lý cấp nước an toàn, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt... Bởi vì bản chất về cấp nước an toàn là sơ đồ logic tính từ lưu vực các nguồn cấp nước tới các đường ống truyền tải, từ nhà máy xử lý nước cho tới đường ống truyền tải nước sạch cho khách hàng.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho việc lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước.

Lòng hồ sông Đà là nơi có trữ lượng nước lớn nhất miền bắc. Ảnh: Trần Đức

Lòng hồ sông Đà là nơi có trữ lượng nước lớn nhất miền bắc. Ảnh: Trần Đức

Hơn nữa, cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao..., nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó, nhất là trong bối cảnh BĐKH, thiên tai như hạn hán lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn. Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lâm Nhi-Đức Tuấn-Lâm Việt Tùng-Tiểu Vũ-Bình Nhi
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Nguyễn Hải, Trần Đức, Hương Nguyễn, Reuters, nguồn internet