Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của một nhà cách mạng nhiều kinh nghiệm, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Các tiền đề cho sự ra đời của Đảng đã được Người chuẩn bị từ trước, từ khi xác định được con đường cứu nước.
"CÁCH MỆNH MUỐN THÀNH CÔNG TRƯỚC HẾT PHẢI CÓ ĐẢNG CÁCH MỆNH"
(Đường cách mệnh)
Sau khi tiếp nhận Luận cương của Lê-nin, từ một người yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cách mạng tiên phong, trở thành một người cộng sản. Kết quả của quá trình năng động hoạt động thực tiễn và việc tiếp nhận lý luận ban đầu càng làm sáng tỏ hơn con đường để cứu dân tộc mà Người đang đi tìm và dẫn tới Quyết định quan trọng thứ hai sau quyết định sang phương tây tìm đường cứu nước. Đó là quyết định đưa cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng của Lê-nin.
“Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” (V.I Lê-nin) - nhưng đó mới là điều kiện cần. Để có được phong trào cách mạng mạnh mẽ, giành được thắng lợi thì ngoài lý luận cách mạng đúng đắn, điều kiện đủ không thể thiếu là phải xây dựng được một đảng cách mạng vững mạnh và có đội ngũ cán bộ cách mạng có đủ nhiệt tình và năng lực đưa lý luận cách mạng vào thực tiễn phong trào đấu tranh.
Với tinh thần: Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một đảng cộng sản ở một xứ thuộc địa để có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau nhiều lần đề nghị với lãnh đạo Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với danh nghĩa công khai là cán bộ phiên dịch trong phái bộ Bô-rô-din - cố vấn chính trị của Quốc tế Cộng sản bên cạnh chính phủ Tôn Trung Sơn. Ở Quảng Châu khi đó đã có nhóm Tâm tâm xã - tổ chức yêu nước của những thanh niên Việt Nam cấp tiến trong Việt Nam quang phục hội thành lập từ năm 1923. Tiếng bom quả cảm của Phạm Hồng Thái - thành viên của Tâm tâm xã, mưu sát toàn quyền Đông Dương Mec-lanh ngày 19/6/1924 tại Sa diện vẫn còn âm vang trong lòng những thanh niên Việt Nam yêu nước.
Từ Moskva, khi đó Nguyễn Ái Quốc đã thấy đây là một “cánh chim báo tin vui”. Các thành viên tiêu biểu của Tâm tâm xã là Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái… Đây là một nhóm thanh niên đầy nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc nhưng con đường cứu nước của họ chưa xác định được rõ ràng. Ngay sau khi đến Quảng Châu (11/11/1924), Nguyễn Ái Quốc đã chọn những hạt nhân đầu tiên cho cách mạng Việt Nam là những thành viên trung kiên của nhóm Tâm tâm xã trên sự tin tưởng vào bầu nhiệt huyết yêu nước của thế hệ trẻ.
Từ những hạt nhân đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), sáng lập báo Thanh niên - tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam (21/6/1925), và tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ. Nguyễn Ái Quốc vừa là người tổ chức lớp học, vừa biên soạn tài liệu giảng dạy, vừa là giáo viên trực tiếp truyền đạt những nội dung học tập. Trong những năm 1924-1927, Người còn đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ quốc tế do Quốc tế Cộng sản giao phó.
"CỐT THIẾT THỰC, CHU ĐÁO HƠN THAM NHIỀU"
Những học viên dự các lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc mở được chọn lọc qua chí hướng sẵn sàng hy sinh phấn đấu cho khát vọng giải phóng dân tộc và những hoạt động yêu nước của họ. Số học viên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện trong ba khóa ở Quảng Châu gồm 75 người: Khóa 1 có 10 người; khóa 2 có 25 người; khóa 3 có 50 người - theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3/6/1927 (Viện Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu 1924-1927 - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 57).
Các học viên đến dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu chưa từng được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với đường lối cách mạng vô sản. Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian hạn chế, họ đã được trang bị một lượng kiến thức chính trị khá phong phú. Những nội dung học tập mới mẻ nhưng tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất trong đường lối, phương pháp cách mạng đã cuốn hút sự say mê học tập của các học viên.
Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tập trung những chủ đề:
- Cách mạng là gì?
- Tại sao phải làm cách mệnh?
- Lịch sử các cuộc cách mạng điển hình (Mỹ, Pháp, Nga).
- Quốc tế là gì?
- Lịch sử các Quốc tế.
- Các tổ chức Quốc tế: Phụ nữ, Thanh niên, Công nhân, Quốc tế Cứu tế đỏ...
- Cách tổ chức công hội, nông hội.
Nguyễn Ái Quốc có cách diễn giảng sinh động, hấp dẫn với nhiều dẫn chứng cụ thể, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức của các đối tượng nên đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận vốn phức tạp, khó hiểu. Phương pháp truyền đạt thích hợp của Nguyễn Ái Quốc không những đã giúp các học viên ghi nhớ sâu những điều đã học mà còn giúp họ phát huy sáng tạo khi thực hành trong thực tiễn. Ngoài việc học lý thuyết, các học viên còn phải thực hành, tập diễn thuyết, tập vận động giải thích, tập giảng bài cho người khác.
Trong quá trình thực hành điều Người luôn nhấn mạnh là phải biết thu hút người nghe, biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp, nội dung phải dễ hiểu, thích hợp với người nghe, dẫn chứng phải trung thực, cụ thể... Với phong cách nói, phong cách viết dễ hiểu, dễ nhớ, cô đọng, súc tích, Nguyễn Ái Quốc đã giúp học viên nắm bắt dễ dàng cả những vấn đề lý luận phức tạp.
Không chỉ học lý luận, sau những giờ học trên lớp, Nguyễn Ái Quốc đưa các học viên thâm nhập vào thực tế cuộc đấu tranh đang diễn ra sôi sục ở Quảng Châu, Hồng Kông, tham gia các cuộc mít tinh tuần hành của quần chúng cách mạng. Sau này một học viên đã nhớ lại: “Chỉ một việc được dự các cuộc đấu tranh, hoạt động cách mạng ấy cũng đủ học được suốt đời” (Hồi ký của Nguyễn Công Thu Đi theo con đường cách mạng lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh Thái Bình - Dẫn lại theo Viện Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924-1927) , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 63-64).
Nội dung các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu được Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại thành cuốn sách mỏng với tiêu đề Đường cách mệnh, xuất bản năm 1927. Với những nội dung khái quát, Đường cách mệnh là một tác phẩm lý luận lớn thể hiện tinh thần cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Đây không chỉ là cuốn sách giáo khoa chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam mà nội dung của nó còn đặt cơ sở cho việc hình thành đường lối cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Sau khi được huấn luyện, người cán bộ ra hoạt động trong phong trào phải chứng minh được phẩm chất và năng lực của mình bằng những kết quả cụ thể, phải đoàn kết được toàn dân mới lãnh đạo được quần chúng trong cuộc đấu tranh. Vì vậy nên việc bảo đảm chất lượng huấn luyện cán bộ là điều luôn được Nguyễn Ái Quốc đề cao. Từ lớp học đầu tiên tại Quảng Châu đã thể hiện rõ quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về huấn luyện cán bộ mà sau này Người còn nhắc lại nhiều lần “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”.
Nội dung học tập phong phú nhưng được sắp xếp hợp lý, khoa học, nên đã được các học viên tiếp thu tốt. Ngay khi trở về nước, đội ngũ học viên đã có thể vận dụng ngay những kiến thức học được vào thực tiễn đấu tranh. Những người dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu những năm 1925-1927 là lớp cán bộ đầu tiên của Đảng. Nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cách mạng xuất sắc: Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng... Đây cũng là lớp huấn luyện chính trị dược mở sớm nhất, từ trước khi Đảng ra đời. Trong điều kiện tổ chức còn gặp nhiều khó khăn, thời gian gấp rút nhưng kết quả và ý nghĩa của lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu rất quan trọng.
Sáu trong số bảy người tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tháng 3/1929 tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) đã dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân).
Hai trong số năm đại biểu dự Hội nghị hợp nhất sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam tháng 1/1930 cũng là học viên trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh)...
Kết thúc khóa học, số đông học viên được cử về nước hoạt động xây dựng và phát triển cơ sở cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Công Thu được cử về Bắc kỳ. Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi được cử về Nam Kỳ. Nhóm Trần Phú, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba được cử về Trung Kỳ... Những học viên dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu là những cán bộ cốt cán của phong trào, trở thành những hạt nhân xây dựng cơ sở, phát triển thêm hội viên, tuyển thêm những thanh niên tiếp tục sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện tiếp theo. Cho đến tháng 5/1927, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã bước đầu hình thành hệ thống tổ chức ở cả Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Một số học viên sau này được giới thiệu đi học tiếp ở trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (Trần Phú, Trần Đình Long…), một số khác được gửi đến học ở Trường quân sự Hoàng Phố (Nguyễn Sơn, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng…).
YÊU CẦU CẤP BÁCH VỀ SỰ THỐNG NHẤT
Chỉ với vài chục hạt nhân đầu tiên, sau hai năm số hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đông tới hàng ngàn người, cơ sở của Hội phát triển rộng rãi khắp cả nước. Theo thư của Chi bộ An Nam cộng sản đảng ở Trung Quốc (chủ yếu là những người trong Tổng bộ Thanh niên) gửi Quốc tế Cộng sản thì tính đến tháng 5/1929: “Ở Bắc kỳ có 700 hội viên chính thức, 1.000 người cảm tình; ở Trung kỳ có 1.000 hội viên, trong đó có 500 hội viên chính thức; ở Nam kỳ có 100 hội viên, trong đó có 40 hội viên chính thức” (Đảng Cộng sản việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 1, trang 371).
Giai đoạn 1927-1930 với sự hoạt động sôi nổi mạnh mẽ của các cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt so với thời kỳ trước. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam đặt ra yêu cầu phải có một Đảng Cộng sản đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng thay cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Tháng 3/1929, những người tích cực nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Từ hạt nhân này, những cán bộ cấp tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã tích cực xúc tiến thành lập Đông Dương cộng sản đảng ngày 17/6/1929. Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ cũng tự cải tổ thành An Nam cộng sản đảng vào tháng 8/1929. Tháng 9/1929, những đại biểu Tân Việt cách mạng đảng ra Tuyên đạt chính thức lập Đông Dương cộng sản liên đoàn.
Cả ba tổ chức này đều tự nhận mình là cộng sản. Những đảng viên trong cả ba tổ chức cộng sản đó đều tích cực mở rộng mạng lưới cơ sở, phát triển đảng viên và mở rộng phạm vi hoạt động. Mỗi tổ chức đều nhận mình là cộng sản chân chính và đều nhận vai trò lãnh đạo cách mạng. Sự không đoàn kết đó đã làm phân tán sức mạnh của phong trào, gây ra những sự nghi ngờ trong quần chúng. Tình hình này gây tổn hại lớn cho phong trào cách mạng chung. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cấp bách là phải hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất để có thể đảm nhận vai trò lịch sử, lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
NGƯỜI THỰC HIỆN SỨ MỆNH LỊCH SỬ
Tháng 7/1928, Hồ Chí Minh đến Xiêm (Thái Lan). Theo báo cáo của Người: Từ Xiêm, “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật” (Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 13). Cuối tháng 12/1929, Hồ Chí Minh rời Xiêm đến Trung Quốc với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
“D. Tới Trung Quốc.
Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái, v.v..
Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23/12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6/1.
Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì.
Họ đồng ý thống nhất vào một đảng. Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên chính thức và 7 ủy viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/2”.
Nguyễn Ái Quốc
(Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 13)
Trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Ngọ (1930), năm đại biểu (chính thức) đã họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để bàn một việc quan trọng: Thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam để thành lập một đảng cộng sản duy nhất, đại diện cho tiếng nói của độc lập dân tộc và đoàn kết toàn dân.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam họp tại Hồng Kông (Hương Cảng) gồm các đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh) và An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm). Nguyễn Ái Quốc là đại biểu đại diện của Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì Hội nghị. Phân tích về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu sự đoàn kết nhất trí cao trong những người cộng sản Việt Nam. Với uy tín và kinh nghiệm của mình, những sự phân tích của Nguyễn Ái Quốc về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc đã nhận được sự nhất trí của các đại biểu. Nguyễn Ái Quốc đã đoàn kết những người cộng sản Việt Nam, hướng các chiến sĩ cách mạng tới một mục tiêu chung. Các đại biểu dự Hội nghị đã đồng thuận với đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
(Trích) “BÁO CÁO TÓM TẮT HỘI NGHỊ
I. Có mặt
1. Một đại biểu của Quốc tế Cộng sản.
2. Hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng.
3. Hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng.
II. Chương trình nghị sự
1. Đại biểu của Quốc tế Cộng sản nói lý do cuộc hội nghị.
2. Thảo luận ý kiến của đại biểu Quốc tế Cộng sản về:
a) Việc hợp nhất tất cả các nhóm cộng sản thành một tổ chức chung, tổ chức này sẽ là một Đảng Cộng sản chân chính.
b) Kế hoạch thành lập tổ chức đó.
III. Nghị quyết
1. Các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và của An Nam Cộng sản Đảng đều tán thành ý kiến của đại biểu quốc tế.
2. Kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản chân chính.
a) Cử Ban Trung ương lâm thời.
b) Đại biểu quốc tế ra tuyên bố.
c) Thảo chính cương và sách lược tóm tắt của đảng mới.
d) Tổ chức nội bộ đảng mới.
e) Đặt tên đảng mới là Đảng Cộng sản Việt Nam.
f) Báo cáo của các đại biểu.
g) Phê bình sai lầm khuyết điểm của nhau...”
Nguyễn Ái Quốc
(Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 8)
Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc viết Lời kêu gọi vui mừng báo tin: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta” (Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 22). Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (18/2/1930), Người viết: “Từ nay, với chính sách đúng và với sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng” (Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 15).
TINH THẦN ĐOÀN KẾT TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG
Tác giả T. Lan Vừa đi đường vừa kể chuyện kể lại: “Năm 1930-Tháng 2, khoảng từ ngày 5 đến ngày 8, Nguyễn Ái Quốc “đãi” các đại biểu một bữa cơm nhân dịp Tết Nguyên đán, vừa tiết kiệm vừa linh đình, nhân sự kiện thành lập Đảng” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 2, trang 6). Chỉ vài dòng ngắn đó cũng cho thấy nhiều điều từ tính cách, phong cách và cả những tinh thần, tư tưởng lớn của Người. Bữa cơm thân mật “vừa linh đình” - thể hiện sự vui mừng trước việc đoàn kết, thống nhất của những người đồng chí, “vừa tiết kiệm” - vẫn là phong cách giản dị quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng cũng nói lên ý tứ cẩn trọng, sự lo toan dự trù cho những bước đường xa. Không khí đầm ấm giữa những người đồng chí vừa hoàn thành một việc trọng đại trong những ngày Tết xa quê càng nung nấu thêm quyết tâm và sáng thêm niềm hy vọng.
Ngày 24/2/1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, hai Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời cùng Bí thư Chấp ủy Nam kỳ họp tại Sài Gòn công nhận, kết nạp tổ chức cộng sản này vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản tiền thân thành Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển các chi bộ cộng sản thành những chi bộ của Đảng, cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã được nhanh chóng hoàn thành trên thực tế. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm.
Sự kiện này cũng ghi nhận sự đoàn kết, nhất trí của những chiến sĩ cộng sản ngay từ buổi đầu tổ chức còn non trẻ. Những bất đồng giữa những người cộng sản đã được dẹp bỏ để tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung cao cả là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành hạnh phúc cho nhân dân.
Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thành công cũng ghi nhận cống hiến quan trọng của Nguyễn Ái Quốc khi Người quyết tâm và sáng suốt xiết chặt lại đội ngũ các chiến sĩ cộng sản Việt Nam trên đường đấu tranh từ những bước gian truân ban đầu. Sau 93 năm, chúng ta càng thấy rõ hơn sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời và vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong sự kiện mang tính bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam và của lịch sử dân tộc nói chung.
Ngày xuất bản: 01/02/2023
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - PHƯƠNG QUYÊN
Nội dung: NGÔ VƯƠNG ANH